(Phunutoday) - Cái duyên anh Tuấn là anh lại theo nghề của ông nội, cụ Dương Khả, thầy đồ dậy học của vua Bảo Đại – Triều Nguyễn trong sự hãnh diện của gia đình.
Duyên với nghề
Hết nghĩa vụ quân sự, cựu chiến sỹ Dương Thanh Tuấn (SN 1979, số 10 Hàng Mành – Hoàn Kiếm – Hà Nội) trở về nhà thi và đỗ vào trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Không dừng việc học tại đó, anh tiếp tục thi và đỗ Đại học Văn Hóa, chuyên ngành Du Lịch.
Dương Thanh Tuấn |
Cái duyên của anh Tuấn là anh lại theo nghề của ông nội, cụ Dương Khả, thầy đồ dậy học của vua Bảo Đại – Triều Nguyễn trong sự hãnh diện của gia đình. Thầy Tuấn đến với nghề “bán cháo phổi” cũng thật lạ. Ngay khi vừa tốt nghiệp cấp 3, được gọi đi nghĩa vụ quân sự, là chiến sỹ của Quân Khu Thủ Đô, anh đã được cấp trên để ý tới vì nét chữ đẹp hiếm có. Chính vì vậy, ngoài giờ luyện tập chiến đấu, cấp trên giao cho chiến sỹ này nhiệm vụ viết bằng khen, giấy khen rồi viết báo cáo, báo tường... Ngắm những dòng chữ nghiêng viết theo lối cũ, nét thanh, nét đậm đều tăm tắp, mọi người mê như điếu đổ. Thế rồi lớp dạy viết chữ đẹp được mở ra, Tuấn làm giáo viên.
Nhìn anh kiên nhẫn sửa từng lỗi nhỏ trong từng nét chữ của các học trò trong lòng tôi nhẹ dâng một cảm giác lạ, cảm giác nể phục sự tận tâm hiếm thấy của một người thầy. Nể nhất là cách cư xử của thầy với các em nhỏ. Ngoài việc tận tình dậy từng nét chữ thầy không khác một người cha chăm sóc con từng câu nói, từng dáng ngồi. Rồi mỗi khi thấy nét bút của trò hơi to hơn một chút là anh lại cặm cụi mài lại ngòi bút sao cho không quá trơn để dễ viết nhưng cũng không quá gai để khỏi cào rách giấy.
Anh cho tôi xem một quyển vở của cô trò nhỏ mà anh gọi đùa “đây là trường hợp tai nạn nghề nghiệp của tôi”. Với tôi những dòng chữ mà anh cho là xấu xí, là khó bảo ấy cũng thuộc dạng khá đẹp so với chữ viết của các bạn trò nhỏ trong một lớp học nào đó. Tuy nhiên, nếu so với vở của những người học trò có mặt trong lớp hôm ấy quả thật vở của cô bé là xấu nhất lớp. Hơn hai mươi học trò trong lớp người nào người nấy có nét bút chẳng khác nào những dòng chữ in trên giấy. Ấy vậy mà anh vẫn chưa thấy hài lòng. Mỗi quyển vở của học trò anh đều chỉnh sửa từng chữ, từng chữ một.
Khi tôi hỏi, anh đến với nghề ngoài cái duyên, anh có định hướng nào từ gia đình không? Anh vui vẻ trả lời: “Nghề này ngoài khả năng chữ đẹp bắt buộc phải có thì cần thêm khả năng truyền thụ làm bài giảng, buổi học hấp dẫn hơn là một điều rất hay mà mình cần phải nghiên cứu. Đặc trưng của môn học này có thể vừa học vừa nghe nhạc cho nhẹ nhàng, giải trí, thư giãn. Chính vì thế thầy tới với nghề vì tình yêu sự nghiệp chứ không ai có thể ép được”.
Thời thầy bắt đầu với nghề cũng là thời kỳ trầm lắng nhất của ngành sư phạm. Đó là thời hoàng kim của câu vè “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Sư phạm bỏ qua về nhà chết đói”. Đó là thời kỳ không ai thích làm thầy bởi đó là một nghề đã vất vả, mệt mỏi lại nghèo đói. Tuy nhiên vì lòng yêu nghề cộng thêm cái duyên anh đã thành người thầy nổi tiếng khắp nước. Có thể nói anh là một trong những người có học trò trải dài từ cực Bắc tới cực Nam Tổ Quốc chứ không chỉ riêng Hà Nội. Học trò của anh đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, trong đó không ít người đang và sắp là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở.
Duyên kỳ ngộ
Biết anh đang dạy một học trò nhỏ là hậu duệ của vua Bảo đại nên tôi hỏi: “Tôi biết hiện anh đang dậy cho một học trò là hậu duệ của vua Bảo Đại. Vậy khi biết mình cũng có duyên với dòng dõi Hoàng Tộc như ông nội, anh có cảm giác thế nào?”.
Anh tỏ vẻ rất ngạc nhiên với thông tin tôi đưa ra. Tuy nhiên khi tôi chỉ mới bắt đầu bằng số tuổi của cậu trò nhỏ anh đã đọc được cả họ lẫn tên cậu bé (mặc dù anh đang dậy rất nhiều học sinh tiểu học vừa tới trường). Có lẽ khi anh hướng dẫn cậu học trò của mình anh cũng đã có trước một cảm giác nào đó.
Anh tâm sự, cảm giác với cậu trò nhỏ đó không khác mấy với cảm giác khi anh luyện chữ cho bà Tôn Nữ Ngọc Diệp năm bà Diệp 50 tuổi. Mỗi khi luyện chữ cho những người có dòng dõi Hoàng tộc trong lòng tôi luôn có những cảm xúc khó tả. Đó là cảm giác rất lạ, không biết miêu tả lại thế nào, chỉ biết đó là một niềm hạnh phúc lớn lao và thực sự hãnh diện. Hình ảnh người phụ nữ chốn Cung Đình đã để lại cho anh một ấn tượng rất tốt đẹp.
Ngoài vẻ đẹp thanh lịch, nho nhã bà còn có một tâm hồn nhân hậu. Vẻ đẹp nội tâm và nét đẹp bên ngoài của bà không không kém xa nhau. Đó là người phụ nữ biết yêu truyền thống dân tộc, biết tự hoàn thiện bản thân. Điều này thể hiện rất rõ khi bà lặn lội từ Nhật về Việt Nam chỉ để học chữ. Mới đầu bà Tôn Nữ Ngọc Diệp ngỡ thầy Tuấn là người dậy Thư Pháp nên vượt ngàn trùng xa cách với mong muốn nâng cao trình độ thư pháp của mình mặc dù bà đã rất giỏi thư pháp – lời thầy Dương Tuấn.
Tuy nhiên, khi biết thầy Tuấn không dậy thư pháp bà lại bị hút hồn bởi những dòng chữ đẹp mê hồn của thầy. Đó là lý do thầy Tuấn và bà Ngọc Diệp trùng phùng gặp mặt. Thầy kể Bà Diệp có chồng là một doanh nhân rất thành đạt ở Nhật, nghe đâu bà và chồng có quỹ đầu tư gì đó rất lớn ở Việt Nam. Thầy Tuấn vốn luôn hãnh diện vì đã nối nghiệp ông nội làm nghề dậy chữ cho người Hoàng tộc, giờ biết dậy thêm một người có dòng dõi thầy càng có thêm nhiều cảm xúc khó tả.
Tôi hoàn toàn bất ngờ khi được anh chỉ cho những tấm ảnh tự chụp. Hóa ra anh là một tay chơi ảnh và sưu tầm máy ảnh chuyên nghiệp. Anh cho biết hiện mình đang sở hữu một dàn máy ảnh Pentax có thể nói là niềm mơ ước của nhiều dân chuyên nghiệp. Nếu chưa được xem những bức ảnh anh chụp tôi cứ ngỡ bao tâm huyết anh dồn cả vào việc luyện cái chữ cho học trò. Nhưng khi tận mắt được ngắm những tác phẩm ảnh đẹp tới hút hồn của anh tôi tự hỏi không biết anh có bao nhiêu hoa tay mà nhiều tài hoa tới vậy.
Nghe tôi hỏi vậy anh cười hiền cho biết: “Tôi chỉ có bốn cái hoa tay nhưng rất tự hào với nghề dạy học và những tác phẩm ảnh của mình. Quả thật những tác phẩm ảnh của anh rất có chiều sâu, dễ đi vào lòng người. Nếu ai đã một lần ngắm tác phẩm của anh sẽ không dễ gì quên được. Nhất là hai bức ảnh anh chụp cậu con trai lớn và cô công chúa nhỏ của mình, sắc nét lung linh như những thiên thần nhỏ.
Đúng lúc ấy, hai đứa con kháu khỉnh của anh đi chơi về. Vừa nựng yêu cô công chúa nhỏ đang nũng nịu bố anh vừa khoe: “Cháu gái hôm rằm đấy đanh đá lắm cơ cô ạ”, khiến đứa bé xấu hổ nép mình vào lòng bố. Một hình ảnh đẹp ấm áp, chỉ cần nhìn vào cũng có thể hiểu được tình cảm anh dành cho hai đứa con lớn tới chừng nào.
Nhìn hai đứa trẻ đẹp như tranh vẽ giống bố y hệt tôi bất chợt hỏi: “Anh có định hướng nghiệp cho con cái theo nghề mình không?” Nghe tôi hỏi, anh chỉ cười hiền “cái đó cũng chưa biết được. Tôi rất muốn các con theo nghiệp của mình nhưng không biết có duyên không. Cũng giống bố, theo nếp gia đình tôi không ép nếu các cháu không thích. Nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu các con theo nghiệp dậy chữ. Bởi đây là một nghề rất nhân văn, cống hiến cho xã hội nhiều.
Ai cũng nghĩ cháu nội của nhà nho học Dương Văn Khả (tri huyện huyện Ba Vì, so với thời nay ngang Chủ Tịch Tỉnh) người thầy dậy chữ cho vua Bảo Đại Triều Nguyễn phải là một cậu bé ngoan ngoãn, hiền lành. Bởi học trò xưa luôn phải chịu sự giáo dục hà khắc chứ không được tự do như thời hiện nay. Vậy mà không thể tin cậu bé Dương Tuấn thời đó lại nổi tiếng nghịch ngầm.
Anh vui vẻ nhớ lại kỷ niệm nghịch ngầm khó quên thời thơ ấu của mình. Đó là năm anh khoảng sáu bẩy tuổi. Cụ thân sinh ra anh thương con đi học không có cặp nên vừa lĩnh lương ông liền mang số tiền lương ít ỏi của mình đi mua cặp da Liên xô có khóa ấn (loại cặp cực kỳ cao cấp thời đó). Vừa đưa cho con được một lát ông đã thấy anh khoe: “Bố ơi con có súng cao su đẹp không này, bọn trẻ trong xóm phát thèm đấy bố ạ”.
Anh hãnh diện khoe bố nào ngờ vừa nhìn thấy chiếc súng cao su bố anh đã chuyển sắc mặt liên tục hết đỏ rực lại tím ngắt rồi nổi giận đùng đùng vứt chiếc súng đi rồi đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Hóa ra thấy chất liệu da tốt, anh vui sướng lấy kéo cắt ngang một đoạn nắp cặp lấy da làm súng khiến chiếc cặp mua bằng cả tháng lương của ông cụ thân sinh chỉ còn là đồ bỏ đi. Bố anh chỉ còn biết tiếc của ngơ ngác mà không làm gì cứu vãn nổi.
Tuy nhiên, Thầy Dương Tuấn thực sự đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc (có thể nói là hà khắc) từ ông nội mình. Ông luôn ngồi sát cạnh anh cùng chiếc thước kẻ vuông trên tay uốn nắn cẩn thận từng nét chữ. Bởi ông nội luôn dậy anh “nét chữ là nét người” phải thể hiện rõ được cảm xúc, tâm tư tình cảm của mình trong từng nét chữ. Ngoài việc uốn nắn, dạy dỗ thầy từng nét chữ sao cho thật đẹp, thật hoàn mĩ, ông nội còn dậy cho anh tính nhẫn nại, kiên trì với những con chữ tưởng như vô tri, vô giác. Đó chính là hạt giống ươm mầm cho tình yêu sự nghiệp của anh ngày nay.
Thư Kỳ