Chuyện chưa biết về Ngô Đình Cẩn– ‘Bạo chúa miền Trung’ (I)

( PHUNUTODAY ) - Một cựu binh trong chế độ cũ nói: Nếu so sánh với nhà lao Chín Hầm thì “chuồng cọp” ở Côn Đảo, khám Chí Hòa, trại giam Thừa Phủhellip; hãy còn là thiên đường.

Ngô Đình Cẩn là nhân vật chính trị khá đặc biệt trong thể chế dòng họ Ngô một thời. Ngô Đình Cẩn từng được mệnh danh là “bạo chúa miền Trung”, khét tiếng về sự bạo tàn. Những tội ác rùng rợn của Cẩn khiến hàng vạn người dân căm phẫn tột cùng.
[links()]
Một cựu binh già từng “vào sinh ra tử” trong bom đạn chiến trường đã nói, nếu so sánh với nhà lao Chín Hầm thì “chuồng cọp” ở Côn Đảo, khám Chí Hòa, trại giam Thừa Phủ… hãy còn là thiên đường. Điều đó cho thấy Chín Hầm là một “địa ngục trần gian”  dùng để hành hạ, tra tấn hàng ngàn người dân vô tội.

Chín Hầm dưới bàn tay xây dựng và thiết lập của Ngô Đình Cẩn đã trở thành nơi phơi bày tội ác kinh hoàng. Người làm Cách mạng khi đã bị đưa vào Chín Hầm thì gần 99% cầm chắc cái chết trong tay, nếu ra được thì không bao lâu sau đó sẽ chết vì “dư âm” của những ngón đòn tra tấn tàn bạo.

Tội ác của Ngô Đình Cẩn và bọn tay sai gắn liền với Chín Hầm cùng những âm mưu, thủ đoạn chính trị hết sức thâm hiểm. Trong chế độ gia đình trị họ Ngô, bên cạnh Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được nhiều sách vở ghi chép thì người em út Ngô Đình Cẩn lại ít được nhắc tới.

Ngô Đình Cẩn (1910-1964) là con trai thứ 5 của ông Ngô Đình Khả và bà Phạm Thị Thân.
Ngô Đình Cẩn (1910-1964) là con trai thứ 5 của ông Ngô Đình Khả và bà Phạm Thị Thân.

Bởi thời gian 9 năm trường hoành hành thời bấy giờ chưa phải là dài trong lịch sử, nhưng tội ác của Ngô Đình Cẩn thật khó có thể phai mờ. Quá trình từ lúc còn là một thanh niên ham thú vui điền dã cho đến khi dấn thân vào con đường chính trị và bị bắt tử hình năm 1964 của cậu “Út Cẩn” là cả một câu chuyện dài.

Những tư liệu bên dưới nhằm giúp người đời sau hiểu rõ hơn về chân dung của Ngô Đình Cẩn – người mà lịch sử ghi nhận đúng với cái biệt danh là “bạo chúa miền Trung”.

Ngô Đình Cẩn – con người và thời cuộc

Ngô Đình Cẩn (1910-1964) là con trai thứ 5 của ông Ngô Đình Khả và bà Phạm Thị Thân. Ông Khả làm quan đại thần nhà Nguyễn. Theo truyền thống, người con trai trưởng đương nhiên được hưởng tập ấm; nhưng hầu hết con trai của ông Khả ai cũng có phẩm hàm riêng, hoặc đi học, làm quan ở xa.

Cẩn không phải là con út, lại ở nhà lấy tiếng tăm nuôi mẹ già nên thừa hưởng được chút tập ấm dân gian. Cậu Út là tên tục của Cẩn từ lúc nhỏ và thường có trong tập quán Huế trước hồi năm 1945, đồng thời là lối gọi tình cảm cho “đứa con có vấn đề thần kinh không bình thường” ở nhà với cha mẹ già.

Sau này gọi Út Cẩn mãi thành quen, gia đình cũng không ai cải chính làm gì. Vậy nên dù Ụt hay Út thì Ngô Đình Cẩn vẫn không phải là con Út trong gia đình của ông Ngô Đình Khả.

Cậu “Út Cẩn” chơi ngông

Út Cẩn có cái thú của anh điền chủ thích nhai trầu bỏm bẻm khi đi thăm ruộng đồng, nên cũng có thêm một biệt danh nữa là “Cậu Út Trầu”. Sau này Ngô Đình Cẩn khét tiếng tàn bạo, dã man cực độ được dân chúng phong cho chức “lãnh chúa miền Trung” hay là “bạo chúa miền Trung”.

Còn đám tay chân thuộc hạ thì không ai dám gọi tên riêng, tên tục nữa mà  xưng hô với nhau về cậu Cẩn bằng danh từ “ông Cậu”. Khi trình báo trực tiếp với Cẩn thì chúng kính cẩn thưa “bẩm cậu”, bẩm “ông Cố vấn”. Còn anh em trong gia đình Ngô Đình Cẩn vẫn quen gọi là Út Cẩn.

Theo sổ Rửa tội lưu ở nhà thờ Chánh tòa, Ngô Đình Cẩn sinh ngày 01/11/1910 tại Phủ Cam. Tuổi thơ của anh em Cẩn an nhàn trong nhung lụa, phần Cẩn có vẻ được nhiều hơn. Thế rồi nối gót các anh, Cẩn vào học trường đạo Pellerin, Huế.

Vì tính tình nghịch ngợm ham chơi, đến năm lớp 3 Cẩn bỏ học. Ở nhà được mấy năm thì gia cảnh ông Khả bắt đầu sa sút. Ông Khả bị bãi quan, hằng ngày bận quần ống cao ống thấp đi ra đi vào trước ngõ càm ràm chửi chế độ thực dân vô đạo.

Được hơn 10 năm ông lẩn thẩn, mắc bệnh và qua đời. Các anh của Cẩn lập gia đình ra ở riêng, hoặc đi làm quan xa, hoặc học hành tận bên trời Tây. Các chị gái của Cẩn cũng đã vu quy nhà chồng. Mình Cẩn sớm tối quanh quẩn bên mẹ già, được mọi người phó thác trách nhiệm chăm sóc mẹ, thành ra Cẩn được chiều chuộng hơn cả.

Mặc dù gia cảnh các quan đại thần bấy giờ có phần sa sút, nhưng nhà Cẩn vẫn là nhà có của nả dư thừa và nhiều ruộng vườn, vẫn đủ sức mời thầy dạy kèm “cậu Út” học, đủ sức nuôi vài tôi tớ phục dịch, làm ruộng, chăm vườn, chăn thả gia súc.

Hơn nữa thường xuyên có lang y đến thăm khám bệnh của bà Khả, sau này thường gọi la “mệ Cố”, mỗi khi trái gió trở trời. Điều kiện như vậy thật hiếm có, được xem là bậc trên của làng. Nhưng Cẩn không ham chữ nghĩa nhiều, không ham muốn làm quan mà sướng rong chơi thích tìm các thú vui dân đã đã đời.

Những người dân Phủ Cam cao tuổi có họ hàng xa với Cẩn kể rằng, Cẩn mê nhất là câu cá, xứng danh một tay cao thủ “sát cá”. Dù sau này đã ngồi yên vị ở ngôi “lãnh chúa” Cẩn vẫn rất mê câu, ngày ngày ra sông suối tung cành chờ cá đớp mồi.

Thường khi cậu Út Cẩn câu tại bến Phủ Cam, nhiều lúc xuống bến An Cựu, hoặc ra sông Hương, có lúc lại ngược lên khe Châu Ê tận lăng vua Khải Định. Cẩn câu thường mang theo hai gia nô chầu hai bên để mắc mồi, gỡ cá.

Mỗi lần, giật câu qua bên phải hay bên trái, người mắc mồi gỡ cá phải làm cho nhanh kẻo không bị chửi, có khi còn bị đạp mang họa vào thân. Cả vùng Phủ Cam thời ấy ai cũng biết tài nhìn tăm nước đoán được đường đi của cá, loài cá nào dưới ấy và cách câu của Cẩn.

Không chỉ giỏi câu mà Cẩn còn dạy cho các tay câu khác cách móc mồi sao cho nhanh, mồi nào cá thích và khi con cá ngậm mồi thì phải giật thế nào cho chắc ăn.

Cẩn lại có thú chơi chọi gà. Nòi gà nào đá hay, con nào có sức khỏ dẻo dai, đòn nào hiểm Cẩn đều thông thuộc. Bởi vậy mà gà chọi của “phe cậu” thường thắng lợi vang dội trong các trận tỉ thí. Hằng ngày Cẩn chăm sóc gà còn hơn chăm sóc chính bản thân mình, dĩ nhiên là con gà nào Cẩn thích.

Hết đá gà Cẩn lại bày trò chơi chim. Các giống chim treo xung quanh vườn nhà Cẩn ở trong những chiếc lồng tre rất đẹp, đủ kiểu to nhỏ. Những lồng nào Cẩn thích thì treo dưới cây khế cạnh cửa sổ nằm đủ nghe tiếng cúc rù của con đực gọi bạn.

Mỗi loại chim có giọng hót riêng khiến Cẩn thích thú tập “hót” theo giọng điệu của chúng. Buổi sáng mai lên hay vào lúc giữa trưa, sân vườn nhà Cẩn rộn rã âm thanh như một dàn hợp xướng thiên nhiên hòa tấu.

Sân và vườn quan đại thần mà Cẩn được thừa hưởng khá rộng. Có khi hứng chí mạo hiểm Cẩn thường sai tôi tớ dắt con bò ra cưỡi. Người đầy tớ cầm dây dắt còn bò chạy phía trước, Cẩn ôm lưng bò vừa hò hét vừa phi quanh vườn.

Nhiều hôm Cẩn sai đạp bò phi ra bờ sông An Cựu khiến dân chúng đi đường khiếp vía quăng cả áo nón mà chạy thoát thân. Nhìn thấy cảnh ấy, cậu Cẩn khoái chí, cười ngất ngưởng trên lưng bò, tha hồ bay nhảy tiếp.

Cẩn không học hành nhiều như mấy anh em của mình, nhưng nhờ trời mà bản tính lanh lẹ khác thường, lắm mánh khóe tài vặt, đôi khi trở nên thủ đoạn theo kiểu lý trưởng thừa hưởng hoa lợi từ ruộng nhà mấy người đàn bà góa.

Nhờ vậy Cẩn rành lối cai trị kẻ dưới bằng mồm và cả roi vọt, cần thiết thì chửi cha chúng nó cho bõ tức, bõ ghét. Cẩn cũng tự bằng lòng cho đó là thú vui điền dã. Trong các thú chơi Cẩn khá nhất môn chơi hoa cảnh và xây dựng non bộ trong vườn nhà mình.

Cẩn dành nhiều công sức và bỏ thời gian, tiền bạc ra đọc sách nghiên cứu tìm hiểu về các loại hoa. Nhờ vậy mà Cẩn học được tính nhẫn trong cái sự chờ đợi hoa quỳnh nở, nhìn lá vàng rơi lã chả đầy sân khi gió heo may Đông về.

Điều đặc biệt Cẩn biết chọn loài hoa nào hợp với mạng của mình, biết uốn ép cành thế theo bộ dạng chữ tượng hình ra sao. Cẩn thường nói với mấy gia nô là phải biết thưởng thức mùi hương vào đúng thời khắc cánh hoa từ từ hé mở, để tận hưởng cái tinh túy ngọt ngào sảng khoái của trường phái Lão Trang…

Ngô Đình Cẩn khoái chơi nhiều trò, biết bỏ công sắp đặt trong vườn sao cho hợp với phong thủy chung quanh nhà. Và những gì Cẩn đã đam mê thì cố công tìm cho bằng được, nếu cần đến thủ đoạn giành lấy cũng không từ nan.

Còn về phụ nữ, Cẩn thích những người đàn bà đã có con, to khỏe, rành rẽ trong các khâu sinh hoạt. Cẩn ghét loại con gái nhan sắc, yểu điệu nhưng lại ngây ngô chưa hiểu mùi đời, chưa thông thạo chuyện chăn gối.

Cẩn hứng thú tìm của lạ, thích “vật nhau” ở ngoài đống rơm. Nhưng Cẩn lại không muốn ràng buộc cuộc đời mình với người đàn bà nào cả. Với con người này, tất cả mọi cuộc tình đều chỉ vui thoáng qua rồi quên đi nhanh chóng, Cẩn cũng có biệt tài tán gái hoặc cướp trắng trợn vợ người khác về ăn ngủ ngày tháng với mình.

Biết thằng em ngổ ngáo bất trị, ham chơi, khi các anh Cẩn về nhà thăm mẹ thường xuyên khuyên ngăn Cẩn ít chơi bời, chịu khó học hành. Nghe vậy Cẩn chỉ cười gằn đánh trống lảng, rồi tìm cách xăm xê đến bên mẹ.

Bà mẹ già như chuối chín cây ấy là chỗ dựa cần thiết để che chắn cho Cẩn trước uy thế của các anh, nên Cẩn càng được thể kể công: “Các anh đi hết. Tui mắc lo thờ tự, chăm sóc mợ, thời gian tiền bạc mô mà học. Nhà ni có mấy anh học cao là đủ rồi. Tui mô có muốn làm quan”.

Nhắc nhở thằng em ngang tàng này thì cả Diệm và Nhu đều rất tức tối, nhưng cũng phải làm vì đấy là bổn phận làm anh của họ. Về thăm mẹ, nói với thằng em chăm lo hương hỏa mấy điều, rồi họ lại đi. Mỗi người theo một chí hướng, một con đường riêng…

Đấy là thời kỳ khá dài, gia tộc Ngô Đình ở Phủ Cam gặp nhiều khó khăn về kinh tế, thất sủng về chính trị trên con đường công danh sự nghiệp. Sau Cách mạng tháng Tám, mấy anh em của Cẩn do cấu kết với Pháp, bắt tay với người Nhật Bản hoạt động chống lại Cách mạng nhân dân nên người thị bị bắt, kẻ thì bị xử lý, người bỏ đi xứ khác.

Cẩn thui thủi trong ngôi nhà rộng thênh thang của quan đại thần quá cố. Cẩn ý thức được việc mất thời cuộc nên có phần dịu lại những đam mê, chỉ chăm lo mẹ già và thường xuyên đi nhà thờ cầu nguyện.

Nếu như chuyện về Cẩn chỉ có những thú chơi tiêu khiển, đôi khi có phần nhẫn tâm với kẻ khác thì hẳn nhiên lịch sử sẽ không còn nhớ tới Cẩn. Thuở Ngô Đình Cẩn còn ngông nghênh lân đận, con quan đại thần thất sủng, lối sống không hơn gì mấy ông Hoàng thời triều Nguyễn hết thời.

Nếu có chăng Cẩn chỉ nổi danh hơn chút đỉnh là chuyện “ông Cậu” cưỡi bò ra phố, đá gà cá độ, câu cá đá người, chơi chim thả diều, ăn trầu đỏ miệng, gặp đâu nhỏ toẹt ra đấy…. Nhưng chuyện đời người ta khó mà biết trước được, chuyện thiên địa càn khôn lại càng khó hơn…

Kỳ II: Chuyện chưa biết về Ngô Đình Cẩn– ‘Bạo chúa miền Trung’  

  • Cao Nguyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn