Câu chuyện bé H.A (7 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến tặng giác mạc khi qua đời vì ung thư đã khiến hàng triệu trái tim lay động. Một món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm.
Lời thỉnh cầu từ bà mẹ trẻ
22/2, khi tất cả cán bộ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đang ăn cơm trưa, số máy đường dây nóng rung lên. Không gian như quánh lại khi từ đầu dây bên kia là giọng mẹ bé gái 7 tuổi, mong muốn được hiến mô tạng con.
“Chị vừa nói vừa khóc rằng con gái sắp không thể qua khỏi và muốn hiến tặng mô tạng. Tim tôi nghẹn lại, sững sờ. Một cán bộ trẻ của trung tâm lúc ấy đứng cạnh, mặt cũng bàng hoàng”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm nhớ lại.
Người mẹ trao gửi ước nguyện với mong muốn còn có cơ hội được nghe lại nhịp đập trái tim con trong lồng ngực bạn nhỏ khác.
“Giây phút đó, tôi phải nén lòng để bình tĩnh, nói chuyện với chị một cách rất chậm rãi. Sau đó về phòng tĩnh tâm lại để cùng thống nhất phương án”, ông Phúc chia sẻ.
Anh Hoàng chia sẻ câu chuyện lấy giác mạc đầy xúc động. Ảnh: T.Hạnh
Sau cuộc gọi trao đổi với bác sĩ tại Khoa hồi sức (BV K), được biết, bé H.A đã rơi vào hôn mê, glassgow 4 điểm (3 điểm là chết não), thời gian còn lại chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên pháp luật quy định chỉ lấy tạng của người đủ 18 tuổi trở lên, do đó chỉ có thể nhận giác mạc của cháu.
14h58 cùng ngày, bé gái ra đi nhẹ nhàng. 16h25, 2 cán bộ Ngân hàng Mắt, trong đó có anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc và 2 cán bộ của Trung tâm Điều phối có mặt tại nhà bé để lấy giác mạc.
“Khi đến, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một phụ nữ rất trẻ ôm bé gái đang ngủ như thiên thần trên giường trong tiếng tụng kinh trầm bổng phát ra từ chiếc đài nhỏ”, anh Hoàng nhớ lại.
Khi giới thiệu là cán bộ Ngân hàng Mắt, câu đầu tiên người mẹ nói như độc thoại: “Con hãy tặng ánh sáng của mình cho những bạn nhỏ khác nhé!”, rồi đặt nụ hôn lên trán con. Câu nói và hình ảnh ấy khiến tất cả đều lặng đi.
“Đã từng lấy giác mạc hơn 400 ca và là ca thứ 2 dưới 10 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe được lời nói như thế nên vô cùng xúc động. Chúng tôi làm nhẹ nhàng nhất có thể vì sợ làm cháu đau và phá giấc ngủ yên lành kia”. Chính anh cũng phải thốt lên: “Cháu bé xinh quá!”.
Anh Hoàng cho biết, ca lấy giác mạc thông thường chỉ mất 15 phút, nhưng trường hợp bé H.A mất 30 phút. Khi hoàn tất, ngẩng lên ai ai cũng mắt đỏ hoe.
Trước khi bắt đầu, mẹ bé có 1 thỉnh cầu, nhờ khâu hộ vết mở nội khí quản ở cổ con gái để cháu được vẹn nguyên, xinh đẹp.
“Đây là lần đầu tiên tôi làm việc ấy, thậm chí khâu quần áo còn chưa từng nên lúc đầu hơi lóng ngóng nhưng sau nhớ lại hình ảnh trên phòng mổ rồi bắt chước theo. 8 mũi đẹp đẽ và mịn màng!”, anh Hoàng nhớ lại.
Người mẹ nhìn ngắm con gái lần nữa, âu yếm nói: “Mẹ tự hào về con!”. Bà ngoại cũng động viên ông: “Cháu làm thế thì ông phải rất tự hào”.
“Phải rất kìm lòng, đè nén để ngăn nước mắt đang chực rơi. Đến giờ khi nhắc lại vẫn thấy xúc động vì cảm nhận được bố mẹ cháu đã rất dũng cảm để vượt qua định kiến, mất mát đớn đau khi hiến một phần cơ thể cháu”, anh Hoàng chia sẻ.
Sẽ có ít nhất 2 người được thấy ánh sáng
Mẹ của bé chia sẻ, ngày cuối cùng, cháu bị co giật do “tế bào ung thư đã ăn vào những tế bào thần kinh cuối cùng”. Suốt 10 ngày cuối cùng, cháu rơi vào hôn mê và suốt hơn 1 tháng mở nội khí quản, cháu chỉ mở mắt được đúng 3 lần. Lần nào mẹ cũng âu yếm hỏi: “Con mệt lắm à? Con ngủ đi!”. Từ 7/2, bé bắt đầu phải thở máy.
Chị cho biết, từ những năm cuối lớp 1, cháu bắt đầu có biểu hiện bất thường, không kiểm soát được hành vi, không nghe lời, sau đau đầu nhiều lên, đưa vào BV Thanh Nhàn rồi lại chuyển qua Nhi và cuối cùng chuyển đến BV K điều trị.
TS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K cho biết, khi đến viện vào cuối năm ngoái, tình trạng của cháu đã nặng, đau đầu nhiều, liệt nửa người, liệt nhiều dây thần kinh sọ, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ) ăn qua xông, thở oxy... Kết quả xét nghiệm cho thấy bé mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm ở trẻ em, điều trị vô cùng khó khăn.
Giác mạc của bé đang được bảo quản tại Ngân hàng Mắt. Ảnh. T.Hạnh
“Tôi đã hội chẩn với các thầy là những chuyên gia đầu ngành bên Mỹ nhưng họ nói vũ khí điều trị duy nhất với trường hợp của cháu là xạ trị. Nhưng do u quá to, gây biến chứng phù não, gây liệt nên rất khó”, BS Hương chia sẻ.
Do không thể xạ được, các bác sĩ hàng ngày chăm sóc giảm nhẹ cho bé bằng giảm đau, thở oxy, truyền dịch, truyền đạm, truyền thuốc bổ, nuôi ăn đường tĩnh mạch...
Chị Hương cho biết, mẹ bé là điều dưỡng tại một BV lớn ở Hà Nội, trong suốt thời gian con ốm đã nghỉ hẳn làm để hàng ngày túc trực bên con.
“Trong 1 tháng điều trị, dù không nói được nhưng bé vẫn tương tác rất tốt, bệnh nặng nhưng rất ngoan. Khi bác sĩ nói “H.A ơi, con ngoan nhé thì bé luôn mỉm cười, gật đầu. Cô bé rất xinh, khuôn mặt sáng bừng, hẳn trước đó hoạt bát, thông minh lắm”, BS Hương kể.
Cũng trong thời gian này, chứng kiến những cháu bé khác buộc phải cưa tay, chân, khoét nhãn cầu do bệnh tật, mẹ bé H.A đi đến quyết định hiến mô tạng của con.
Hiện giác mạc của cô bé đang được bảo quản tại Ngân hàng Mắt, chờ bác sĩ hội chẩn để lựa chọn bệnh nhân phù hợp nhất trong danh sách gần 1.000 người chờ ghép.
Dù bảo quản tối đa được 14 ngày nhưng ghép càng sớm, chất lượng càng tốt và ghép cho người chênh ít tuổi nhất là tốt ưu.
Tuỳ từng kích cỡ tổn thương, thông thường 1 giác mạc ghép được ít nhất cho 1 bệnh nhân, tối đa là 2 bệnh nhân.
“Cuối cùng tâm nguyện của cháu đã đạt được, nối dài sự sống cho người khác và cuộc sống của cháu vẫn tiếp diễn”, BS Hương chia sẻ.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet.vn