(Phunutoday) - Được mệnh danh là Claudia Schiffer của Bắc Phi, với vẻ ngoài xinh đẹp khác biệt so với các thành viên trong gia đình, Ayesha el-Gaddafi chính là vũ khí xinh đẹp của ông Gaddafi trong cuộc chiến với các nước phương Tây. Ôn hòa song không kém phần cứng rắn, Ayesha el-Gaddafi được xem là sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như là cầu nối giữa chính quyền của ông Gaddafi với các nước phương Tây.
1.Ngày 16/5/2011, Tòa án tội phạm quốc tế, được viết tắt là ICC đã phát lệnh bắt Muammar Abu Minyar al-Gaddafi1, người vẫn được gọi một cách đơn giản là Đại tá Gaddafi. Ông Gaddafi đã trở thành người đứng đầu đất nước Libya sau một cuộc đảo chính vào năm 1969. Và đến nay, ông cùng các con trai bị cáo buộc phạm phải những tội ác chống lại loài người. Các tội trạng mà Tòa án tội phạm quốc tế đưa ra để buộc tội ông Gaddafi bao gồm tội đã giết hại, tra tấn dã man những người biểu tình trong gần nửa cuối tháng hai năm 2011.
Đến ngày 27/6, Gaddafi và hai người thân cận nhất là con trai Saif al Islam và nhà lãnh đạo tình báo Abdullah al Sanousi đã chính thức bị Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh truy nã, khởi đầu cho cuộc chiến quân sự tại Libya từ đó cho đến nay. Và chính trong cuộc chiến này, người ta biết hơn về gia đình Gaddafi, đặc biệt là người con gái duy nhất của ông, Ayesha el-Gaddafi.
Gaddafi có tám người con ruột, trong đó có bảy người là con trai, chỉ có mình Ayesha el-Gaddafi là con gái. Con trai lớn nhất của ông, Muhammad al-Gaddafi hiện là người điều hành Uỷ ban Olympic Libya.
Người con trai thứ hai, Saif al-Islam Muammar Al-Gaddafi là một kiến trúc sư và cũng là người đứng đầu một tổ chức từ thiện lớn. Vào năm 2006, sau khi chỉ trích mạnh mẽ chế độ của cha mình, Saif Al Islam đã rời Libya một thời gian ngắn và sau đó quay lại đất nước với công việc dạy trẻ em cách làm sạch môi trường tại các vùng miền của Libya. Người con thứ ba, Saadi Gaddafi, điều hành Liên đoàn Bóng đá Libya.
Người con thứ tư của Gaddafi, Moatessem Billah Gaddafi, vốn là một Trung tá trong quân đội Libya. Chính Moatessem đã thực hiện âm mưu đảo chính chống lại cha mình rồi bỏ trốn tới Ai Cập. Sau khi được Gaddafi tha thứ, Moatessem quay trở lại Libya và đảm nhận vị trí Cố vấn An ninh quốc gia. Người con trai thứ năm của Gaddafi là Motassim Bilal Gaddafi. Đây là người được xem là nổi tiếng nhất thế giới bởi những vụ bạo lực trên toàn châu Âu.
Tuy nhiên, Gaddafi lại cũng rất bênh vực người con trai này. Gaddafi được xem là đã cắt đứt mối quan hệ với Thụy Sĩ khi đất nước này bắt phạt Motassim Bilal. Chính phủ của ông Gaddafi đã thi hành một loạt các chính sách như tẩy chay việc nhập khẩu từ Thụy Sĩ, cắt giảm các chuyến bay giữa Libya và Thuỵ Sĩ, ngừng cấp visa cho các công dân Thuỵ Sĩ hay triệu hồi các nhân viên ngoại giao từ thủ đô Bern.
Không những thế, Gaddafi còn buộc mọi công ty Thuỵ Sĩ như ABB và Nestlé phải đóng cửa văn phòng tại Libya. Thậm chí, tại cuộc họp thượng đỉnh thứ 35 của các nước G8 vào tháng 7/2009, Gaddafi còn gọi Thuỵ Sĩ là "mafia thế giới" và kêu gọi phân chia nước này giữa Pháp, Đức và Italia.
Tất cả những hành động đó của chính phủ Libya đều được xem là hành động trả đũa với Thụy Sĩ vì quốc gia này đã dám động vào cậu con trai yêu của Gaddafi. Gaddafi còn hai con trai nhỏ là Saif Al Arab và Khamis. Cả hai đều là sĩ quan cảnh sát tại Libya.
2. Tuy nhiên, có vẻ như, những người con trai của Gaddafi không nổi tiếng bằng cô con gái duy nhất của ông, Ayesha al-Gaddafi, đặc biệt là từ khi cuộc chiến tại Libya nổ ra. Sự nổi tiếng của Ayesha bắt đầu từ vẻ ngoài xinh đẹp đầy khác biệt so với cô trong một sgia đình toàn những người đàn ông với bộ dạng có phần “nhếch nhác”.
Ayesha sở hữu một dáng người cao ráo, thanh mảnh cùng khuôn mặt xương xương đầy ấn tượng. Ayesha cũng thường xuyên xuất hiện trên Tạp chí Thời trang nổi tiếng Hello và được mệnh danh là Claudia Schiffer – một siêu mẫu người Đức rất nổi tiếng – của Bắc Phi.
Không chỉ được biết đến như một người phụ nữ xinh đẹp trong gia đình quyền lực nhất tại Libya, Ayesha còn là một người phụ nữ với thái độ ôn hòa trong gia đình. Song sự ôn hòa của Ayesha không đồng nghĩa với việc hiền lành, nhu nhược mà ngược lại, Ayesha là một phụ nữ vô cùng năng nổ trong các hoạt động xã hội với nhiều vai trò khác nhau.
Sinh năm 1976, mới chỉ 35, song Ayesha đã đảm nhận rất nhiều vị trí quan trọng trong cả quốc gia mình cũng như trên thế giới. Cô được biết đến với tư cách là một quan chức quân sự của đất nước mình. Ayesha đã được đào tạo trong quân đội quốc gia Libya và nhận hàm Trung tướng. Ngoài ra, Ayesha cũng là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc, là một nhà từ thiện, nhà nhân đạo, luật sự có tiếng.
Năm 2000 sau khi các biện pháp trừng phạt đối với Iraq, cô đã tới Baghdad cùng với một phái đoàn bao gồm 69 quan chức khác. Một thời gian ngắn trước khi cuộc chiến tại Iraq nổ ra vào năm 2003, Ayesha đã có cuộc gặp gỡ với Saddam Hussein. Đến tháng 7/2004, cô tham gia nhóm nghiên cứu quốc phòng pháp lý của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ayesha cũng là người đứng đầu của tổ chức từ thiện Wa Attassimou, tổ chức bảo vệ Muntadhar al-Zaidi, người đã ném giày vào cựu Tổng thống Bush khi Zaidi phải đối mặt với các án phạt từ vụ việc này.
Vào ngày 24/7/2009, Ayesha al-Gaddafi được bổ nhiệm vị trí Đại sứ của Liên hợp quốc tại Libya nhằm tham gia các chương trình giải quyết về vấn đề nhiễm căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS, đưa ra các giải pháp giải pháp tháo gỡ cuộc sống nghèo đói của người dân Libya cũng như việc nâng cao quyền lợi của người phụ nữ Libya trong xã hội. Đây vốn đều là những chủ đề văn hóa rất nhạy cảm ở đất nước Libya.
Chính bởi thế, việc Ayesha tham gia thực hiện được đánh giá là một trong những nỗ lực rất lớn của con gái Gaddafi trong việc kết nối Libya và thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, khi cuộc chiến giữa Libya và các nước phương Tây xảy ra, Ayesha đã bị tước mất vai trò là Đại sứ thiện chí của mình.
Thậm chí, cũng như mọi thành viên trong gia đình Gaddafi, Ayesha bị cấm rời khỏi Libya theo lệnh của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 26/2/2011. Và lúc này, Ayesha lại đảm nhận vai trò mới trong cuộc chiến của dân tộc mình. Cô trở thành “vũ khí xinh đẹp của dân tộc”, là người trung gian hòa giải giữa chính phủ Libya với các nước phương Tây.
3. Từ khi cuộc chiến nổ ra tại Libya, người ta thấy Ayesha không còn xuất hiện với mái tóc được nhuộm tóc vàng nữa. Thay vào đó, cô hiện diện với trang phục của những người phụ nữ Hồi giáo truyền thống cùng chiếc mạng mặt nạ và tham gia cổ vũ cho binh lính.
Trên một chiếc xe, người ta thấy Ayesha đang cầm cờ và không ngừng kêu gọi những người lính cố gắng đấu tranh bảo vệ chính quyền của cha mình. Trong những thời khắc loạn lạc đó, người ta vẫn thấy một Ayesha xinh đẹp giữa đám đông những người lính ủng hộ chính quyền Gaddafi. Là người phụ nữ song tinh thần của Ayesha vô cùng vững vàng. Cô luôn nghĩ rằng thời điểm chiến tranh nguy hiểm này cũng là thời điểm thích hợp nhất để chuẩn bị tinh thần cho bản thân mình và cả những người xung quanh.
Ayesha nói cô thích kể chuyện cho những đứa trẻ về thế giới bên kia trước khi chúng đi ngủ. Không những thế, Ayesha còn rất tin tưởng vào tinh thần đoàn kết của gia đình mình. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi Ayesha đã nói rằng cuộc khủng hoảng đã kéo cả gia đình cô về một mối, cùng đoàn kết lại, giống như sự hồi tụ của 5 ngón tay trên một bàn tay vậy.
Ayesha cho biết, cô và bảy người anh em trai còn lại thường xuyên nói chuyện với nhau để trao đổi quan điểm trước khi tiến hành bất cứ nhiệm vụ quân sự nào.
Mặc dù có quan điểm chính trị rõ ràng, không kém phần cứng rắn và kiên quyết để bảo về quê hương, gia đình mình song không giống như những lời lẽ thách thức, giận dữ và thề trả thù giống như các anh em mình. Ayesha thường tập trung vào việc các nước phương Tây sẽ phải hối hận ra sao về sự hỗn loạn mà cô dự đoán sẽ nhấn chìm Libya thời hậu Gaddafi.
Ayesha nói rằng, những kinh nghiệm khi làm tình nguyện viên trong nhóm bảo vệ Saddam Hussein đã đem lại cho cô những sự so sánh xác đáng. Người con gái duy nhất của Gaddafi còn chế giễu cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton, nói rằng ông Obama "đến thời điểm này chưa đạt được gì".
Dù vậy, Ayesha vẫn lựa chọn phương pháp đàm phán dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế hơn là một cuộc chiến tranh kéo dài. Khi được hỏi vì sao gia đình cô có thể vẫn trụ lại với quyền lực, hơn một lần Ayesha đã khẳng định là do gia đình cô có một niềm tin lớn lao vào đức Chúa. Và không quên khẳng định, cha cô, ông Gaddafi vẫn mạnh mẽ như thế giới từng biết. Cô nhấn mạnh rằng cha mình hoàn toàn chắc chắn rằng, người dân Libya trung thành với ông. Ayesha cũng không ngừng hy vọng rằng gia đình mình sẽ có thể quay trở lại vị trí quyền lực ban đầu, mà theo cô gọi đó là sự trở lại bình thường.
Hùng Hoàng