(Phunutoday) - Từng là ca sĩ chuyên nghiệp, gặt hái rất nhiều giải thưởng lớn trên sân khấu ca nhạc, nhưng NSƯT Hà Thủy đã chọn con đường không gắn bó mãi với sân khấu mà lui về hậu trường làm giảng viên thanh nhạc, phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ. Chị được biết đến là người “huấn luyện” các Sao Mai trong các cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn, Sao Mai, Vietnam Idol… Rất nhiều học trò của chị hiện nay đang là những ca sĩ nổi tiếng trong làng nhạc.
Phía sau những bộn bề công việc, những giờ luyện thanh cho học sinh dày đặc, sau các cuộc thi… NSƯT Hà Thủy luôn tự hào là một người mẹ đảm, vợ hiền. Chia sẻ về hạnh phúc gia đình, chị cho biết: “Tôi đã có một mái ấm yên bình với người chồng thấu hiểu và hai đứa con ngoan ngoãn. Đó là nền tảng của quá trình vun đắp, trong đó người mẹ là mái nhà chở che mưa nắng, giữ gìn bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống”.
Sự nghiệp thành công nhờ được… chồng ủng hộ
Chặng đường làm nghệ thuật của NSƯT Hà Thủy được đánh dấu khi chị được tuyển vào trường Trung cấp Thanh nhạc (thuộc trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) năm 1978. Những năm tháng được học trong trường, chị liên tục tham gia các cuộc thi hát chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, giành nhiều giải thưởng lớn như Giải nhì trong Cuộc thi hát chuyên nghiệp toàn quốc, bước ngoặt đầu tiên mở ra một tương lai xán lạn cho sự nghiệp nghệ thuật của Hà Thủy.
Năm 1985, chị kết hôn với nhà giáo – thạc sĩ Hoàng Tùng, nay là chủ nhiệm khoa nhạc Jazz, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đó là thời gian chị đang rất nổi bật trong sự nghiệp ca hát của mình. Sau khi kết hôn, anh thông cảm và giúp đỡ chị trong sự nghiệp của mình, đồng thời, khuyến khích chị tham gia các cuộc thi ca hát. Hồi đó, hai vợ chồng phải “kế hoạch” đến tận năm 1990 mới quyết định sinh con.
Sự ủng hộ của chồng khiến chị vững tin hơn trên con đường sự nghiệp ca hát. Công chúng yêu nhạc một thời vẫn trìu mến và ngưỡng mộ khi nhắc đến cái tên Hà Thủy ở thể loại nhạc nhẹ, nhạc cách mạng.
Những giải thưởng lớn trong đời chị có bóng dáng người chồng động viên thầm lặng như giải nhì đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, giải ba dòng nhạc nhẹ toàn quốc năm 1987, giải ba thính phòng toàn quốc lần thứ nhất của Bộ Văn hóa năm 1996, Huy chương vàng nhóm tam ca đi thi Festival “Quả táo vàng” tại AnMaAta vào năm 1989, tham gia đóng vai chính trong vở opera “La vie parisienne”… Nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình, chị tự hào, “tôi đã đi biểu diễn… hết các địa danh trên bản đồ Việt Nam từ biên giới đến hải đảo, từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa phục vụ cho bộ đội và nhân dân”.
Năm 1992, Hà Thủy trở về làm giảng viên thanh nhạc tại trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau nhiều năm đứng lớp, chị nghiệm ra rằng, tình yêu thương của người mẹ thể hiện trên bục giảng giúp chị “cảm” học sinh tốt hơn về cả tính cách, tâm tư, nguyện vọng, cá tính, từ đó nắm bắt ưu nhược của các em để khắc phục và phát huy khả năng tối đa của các ca sĩ.
Có lẽ vì thế, nhiều thế hệ học sinh của chị có những thành công lớn trong lĩnh vực nghệ thuật, như ca sĩ Hồ Quỳnh Hương nổi bật với Huy chương vàng quốc tế về âm nhạc, ca sĩ Phương Thảo với Giải nhì Sao Mai và Huy chương vàng toàn quốc năm 2005, ca sĩ Lê Mận với Giải nhất Sao Mai năm 2008, Hoàng Nghiệp với Giải nhì Sao Mai năm 2007 và Giải nhất Sao Mai Điểm Hẹn năm 2008, Văn Mai Hương với giải Á quân Idol, ca sĩ Minh Chuyên được biết đến với Giải nhất Sao Mai Điểm Hẹn năm 2010 và Lệ Quyên với Giải nhất Tiếng hát truyền hình mùa thu 2010 và Giải nhất Tiếng hát Việt Trung 2011…
NSƯT Hà Thủy |
Chị cho biết vai trò của người giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật không chỉ là dạy dỗ mà còn “quảng cáo” cho “sản phẩm mới” – các học trò của mình. “Ca hát là một “nghề nổi tiếng” đòi hỏi đào tạo một thầy – một trò và cả hai phải nỗ lực và lao động quên mình. Tôi luôn học hỏi, tìm tòi để điều chỉnh giữa kiến thức cơ bản với thực tế đời sống âm nhạc. Tôi muốn thể nghiệm những suy nghĩ táo bạo của mình qua các học trò, tạo cú huých làm đòn bẩy cho các em vươn tới đỉnh cao”.
Hài lòng với cuộc sống êm ấm và những bữa cơm bình dị
Hà Thủy cho rằng, người phụ nữ dù làm bất kể công việc gì rồi cũng trở lại đúng vai trò người phụ nữ. Chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người mẹ, người vợ trong gia đình, cùng chồng xây dựng một hạnh phúc viên mãn, trọn vẹn với hai đứa con trai xinh xắn, ngoan ngoãn.
Chị vẫn thường tự hào về gia đình mình - một gia đình đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật. Với chị, cuộc sống gia đình êm ấm, những bữa cơm bình dị, sum vầy - thế là đủ. Chồng chị - Th.S Hoàng Tùng - trên bục giảng, anh là giảng viên xuất sắc với nhiều lứa học trò thành đạt thì trong gia đình, trở thành một người chồng mẫu mực, giúp vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái, trở thành điểm tựa cho chị.
Hai đứa con xinh xắn lần lượt chào đời, tiếp thêm ngọn lửa hạnh phúc cho anh chị. Con trai lớn – Hoàng Phú Tùng (22 tuổi) hiện là sinh viên năm thứ 4 của Học viện Âm nhạc quốc gia, đã tham gia biểu diễn trong các trường đại học, còn cậu út Hoàng Châu (9 tuổi) đang học tiểu học.
NSƯT Hà Thủy đang là chỉ huy trưởng của phân hiệu phía Nam trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Việc lo toan và dạy dỗ con cái, chị… “để phần” cho chồng. Những ngày đầu khăn gói đến chốn Sài Gòn sôi động, ồn ã nhưng vắng bóng người thân, chị nhớ con, thương chồng vất vả. Chị bảo, con trai cả đã tự lo liệu được cuộc sống của mình, độc lập trong suy nghĩ và có thể thay mẹ chăm sóc em, nhưng với cậu út vừa tròn 9 tuổi, chị lo lắng và nhớ con nhiều hơn.
Hoàng Châu thường ôm mẹ ngủ, cháu đang “tuổi chồi mầm”, là lúc rất cần có mẹ ở bên chăm chút, nâng niu, dạy dỗ, trao tình yêu thương để hình thành nhân cách, nên cần phải uốn nắn từ bé. Chị “giao” hết cho anh ở nhà, nhưng vẫn “điều khiển từ xa” đối với các con, không bao giờ quên công việc lặp lại mỗi ngày là gọi điện về nhà để hỏi thăm, động viên chồng con. Cậu út không chịu ăn cơm, thích xem phim.
Qua điện thoại, chị vừa dỗ dành, vừa cương quyết buộc cậu nghe lời. Cậu con trai lớn không biết kho cá, gọi điện hỏi mẹ, chị bảo từng ly từng tý, Tùng ghi ra giấy, dán vào tủ lạnh để… làm theo. Mỗi lần về nhà, chị xem xét và mua sẵn gạo, rau, thức ăn… chất đầy tủ lạnh cho ba bố con.
Chị nhớ có lần về nhà thấy khắp cánh tủ lạnh là các tờ giấy nhắc việc. Có lần, Tùng đang kho thịt thì chạy ra ngoài khiến cho thịt cháy hết. Tùng gọi mẹ, chị vừa thương con vừa nhắc nhở lần sau nấu, kho cái gì ít nước thì để ý một chút. Nhớ nhất là lần cậu em út Hoàng Châu gọi điện mếu máo bảo nhớ mẹ lắm, con ôm gối, đắp chăn của mẹ, ngủ mơ thấy mẹ, chị ứa nước mắt thương con.
Trong niềm xúc động, chị tâm sự, “Tôi rất biết ơn chồng tôi đã vượt qua khó khăn để thông cảm và giúp đỡ tôi chăm sóc gia đình khi tôi vắng nhà. Tôi cũng cảm ơn các con đã tự lập khi không có mẹ ở bên cạnh”.
Nhớ con, chị gói ghém nỗi niềm vào trong những cuộc điện thoại hằng ngày. Mỗi tháng một lần, chị vượt cả hàng ngàn cây số về Hà Nội thăm chồng con trong mấy ngày cuối tuần ngắn ngủi. Lúc mẹ về, cậu anh lớn Hoàng Phú Tùng kéo đệm sang ngủ cùng phòng mẹ, còn cậu út lại rúc vào lòng để “ngửi hơi ấm từ mẹ”.
Chị trò chuyện với Tùng đến tận 2 – 3 giờ sáng về bạn bè, học tập, quan điểm về sự nghiệp, hiểu biết thị trường âm nhạc… để định hướng cho con. Chị bảo, với Tùng, có khi chị vào vai là một cô giáo, khi lại là đồng nghiệp, khi hóa thân thành một người bạn. Tùng tin tưởng, thổ lộ rất nhiều tâm tư, nguyện vọng và quan điểm của mình cho mẹ, tìm lời khuyên từ mẹ.
Dạy dỗ con cái là cả một nghệ thuật của các bậc cha mẹ. Chị cho biết, hai vợ chồng không đặt ra một nguyên tắc cứng nhắc nào trong cách dạy con. Cả hai đều là nghệ sĩ - nhà giáo nên có phong cách sống tương đối “mô phạm”, đặt tình yêu và xây dựng nền tảng trong gia đình nhiều hơn. Chị bảo, chị dạy cho con trai lớn sống tự lập từ bé. Mẹ thường xuyên đi công tác, Tùng học cách tự chăm sóc bản thân mình. Đến khi có em Hoàng Châu, Tùng rất đảm đang giúp mẹ chăm em, dỗ dành em, thậm chí, Tùng còn biết thay tã cho em khi mẹ vắng nhà… “Tôi yêu và cảm ơn con trai lớn đã biết giúp đỡ bố khi mẹ vắng nhà. Bản thân cháu đã biết tự lập cuộc sống, không phụ thuộc nhiều vào bố mẹ” – NSƯT Hà Thủy hạnh phúc nói.
NSƯT Hà Thủy cho biết, chị cho con tiếp cận với Internet để phục vụ học tập từ bé và rất tin tưởng con mình. Để “kiểm soát” hành vi của con, chị cho rằng, thay vì cứ la mắng và cấm đoán, bố mẹ nên định hướng cho con cái, bởi lứa tuổi này càng cấm càng khiến trẻ tò mò khám phá. Bố mẹ càng gay gắt, chúng càng thu mình vào hoặc biểu hiện những phản ứng một cách thái quá. Lúc đó, bố mẹ chính là người có sự nhạy cảm để cập nhật với sự phát triển của xã hội nhằm hiểu hơn tâm lý và những tiến triển trong tính cách của con cái.
Còn những vụ bạo lực học đường liên tiếp gần đây, chị thật sự sốc bởi một số học sinh (trong đó có cả học sinh nữ) có những hành vi đạo đức yếu kém. “Tôi nghĩ, gia đình là cái gốc để uốn nắn, hình thành nhân cách cũng như các nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử, hành vi kỹ năng sống từ lúc các con còn nhỏ. Cha mẹ nên gần gũi để hiểu và động viên, điều chỉnh con mình kịp thời, để các em tự “miễn dịch” với những hệ lụy xấu ngoài xã hội” – NSƯT Hà Thủy chia sẻ.
Văn Quỳnh