(Phunutoday) - Để bảo vệ sự thuần chủng của dòng dõi hoàng thất, những người đàn ông được đưa vào cung làm thái giám đều phải trải qua quá trình kiểm tra ngặt nghèo để đảm bảo họ không còn khả năng gây “rối loạn hậu cung” nữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào quá trình này cũng được thực hiện một cách chính xác tuyệt đối. Trong không ít trường hợp, những người đàn ông hoàn toàn nguyên vẹn, khỏe mạnh và tráng kiện đã vượt qua được sự “kiểm duyệt” gắt gao này để vào cung làm thái giám. Và khi một người đàn ông ngoài Hoàng đế xuất hiện trong chốn hậu cung thì chuyện Hoàng đế bị “cắm sừng” là chuyện… đương nhiên.
Trường hợp hy hữu đó đã xảy ra vào thời đại nhà Đường ở Trung Quốc và vị Hoàng đế kém may mắn bị chính kẻ “nô bộc” của mình “cắm sừng” chính là Đường Kính Tông Lý Trạm. Tuy nhiên, sự việc có lẽ phải bắt đầu từ thời Đường Hiến Tông Lý Thuần, ông nội Lý Trạm còn đương tại vị.
1. Khi Lý Trạm ra đời, cha của cậu, Toại Vương Lý Hằng mới có 14 tuổi, nghĩa là còn ở độ tuổi đang còn “dậy thì”. Khi nhìn thấy đứa con của mình ra đời, bỗng nhiên, Lý Hằng cảm thấy mình trở thành người lớn bèn chạy ngay tới chỗ cha mẹ mình để thông báo với ý rằng: “Con đã trở thành đàn ông rồi, đã có thể trở làm Hoàng đế rồi!”.
Cha của Lý Hằng, Lý Thuần vui lắm bèn thay con đặt tên cho đứa cháu đích tên là Trạm. Ở thời đó, các Hoàng đế nhà Đường thường có thói quen đổi tên 3 lần trong đời. Khi sinh ra một tên, khi lên ngôi đổi thành tên khác và đến khi chết lại đổi tên một lần nữa. Ví như cha của Lý Trạm, vốn tên khi sinh ra là Lý Hưu, sau khi lên ngôi mới đổi tên là Lý Hằng.
Tuy nhiên, chỉ riên có Lý Trạm là từ khi sinh ra cho tới khi chết đi chỉ sử dụng mỗi một tên “Trạm”. Không biết có phải vì đã phá vỡ cái “quy tắc ngầm” của các Hoàng đế nhà Đường hay không mà cuôc đời ông lại bi kịch đến như vậy.
Mười bốn tuổi đã làm cha, thành ra Lý Hằng cũng chẳng có thời gian đâu quan tâm dạy dỗ cậu con trai đầu lòng của mình. Ở cái tuổi của một đứa trẻ con đang lớn, thời gian của vị Toại vương là những cuộc đấu gà, đấu chó, đấu dế chứ làm gì có thời gian chăm sóc dạy dỗ con trai. Có một người cha như thế, thành ra Lý Trạm ngay từ nhỏ đã chẳng có ai quản, suốt ngày quấn quanh bọn thái giám để bày trò đùa nghịch, cuộc sống có thể nói là vô cùng tự do tự tại.
Trong khi đó, ông nội của Lý Trạm cũng không muốn lũ “hậu sinh” trở nên “khả úy”. Tuy nhiên, đam mê của Hoàng đế Hiến Tông không phải là thứ tầm thường như chọi gà đánh chó mà ông luyện đan. Như nhiều vị tổ tông của mình, Hiến Tông Lý Thuần mong rằng, rồi một ngày nào đó, trên lưng của mình sẽ mọc ra đôi cánh rồi ông từ từ bỏ lại cái thế gian bụi bặm khổ nhục này để bay về trời.
Tuy nhiên, chính những thứ đan dược độc hại lại khiến Hiến Tông ngày một suy nhược hơn, tính tình cũng thay đổi theo, vui buồn bất thường, phán quyết cũng không còn anh minh như trước đây nữa.
Và chính trong thời điểm đó, Hiến Tông đã có một quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời. Năm Nguyên Hòa thứ 7, tức năm 812, Hiến Tông phong cho Toại vương Lý Hằng làm Hoàng thái tử nhà Đường, người sẽ thay thế Hiến Tông trở thành Hoàng đế trong tương lai. Lý Trạm cũng vì thế đường đường chính chính trở thành Ngạc vương, được ngân khố quốc gia chu cấp.
Trở thành Ngạc vương, có nhiều tiền, phòng ốc rộng thênh thang, thái giám hầu hạ cũng nhiều hơn, thành ra Lý Trạm lại càng có nhiều trò vui để chơi. Ở điểm này, Lý Trạm không hề thua kém người cha Thái tử của mình là bao nhiêu.
Cha cậu xem cưỡi ngựa đánh bóng, Lý Trạm cũng xem cưỡi ngựa đánh bóng, cha cậu vui đùa với các cung nữ, Lý Trạm cũng bày trò vui với các cô,… Nói chung, tất cả những khuyết điểm của Lý Hằng đều được Lý Trạm sao y bản chính không hề sửa sang tẩy xóa. Lúc này Lý Hằng cũng đã trưởng thành, song còn mải lo giữ chiếc mũ Thái tử mà khó khăn lắm mới giành được về mình, thành ra cũng không màng gì đến chuyện dạy dỗ Lý Trạm. Đời cha còn chưa lo cho ổn thỏa thì màng gì đến đời con đời cháu?
Những năm cuối đời, Hiến Tông trở nên trái tính trái nết. Rất nhiều thái giám hầu hạ thường xuyên ăn đòn roi vô cớ. Có lúc, vị Hoàng đế nhà Đường nổi nóng, nhiều người đã mất đầu không rõ lý do. Mọi người trong cung sống trong tình trạng lo sợ không biết cái chết sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào. Quách Phi, mẹ của Lý Hằng thấy cơ hội để con mình lên ngôi đã đến nên bèn tìm tới thái giám Vương Thủ Trừng bàn mưu giết Hiến Tông để đoạt quyền. Năm Nguyên Hòa thứ 15, tức năm 820, thái giám Trần Hoằng Chí và Vương Thủ Trừng đã hạ độc giết chết Hiến Tông, đưa Thái tử Lý Hằng lên ngôi vua, đời sau gọi là Mục Tông.
Lý Hằng được lên làm Hoàng đế nhưng lại là kẻ nhát gan, biết rõ kẻ giết cha mình là ai nhưng không dám báo thù, ngược lại còn phong thưởng hậu hĩnh cho bọn Trần Hoằng Chí và Vương Thủ Trừng. Thành ra, thế lực hoạn quan vốn đã bị Hiến Tông áp chế thì đến lúc này, triều đình nhà Đường trở thành thiên hạ của bọn hoạn quan.
Nhưng chuyện đó cũng chẳng làm Lý Hằng bận lòng bao nhiêu. Vị Hoàng đế này dường như cũng muốn giao cả thiên hạ lại cho bọn hoạn quan để mình có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống. Sử chép, khi nghi lễ kế vị vừa hoàn tất thì Lý Hằng đã vội chạy đi xem kịch.
Khi đó, vẫn còn trong thời gian diễn ra tang lễ của Hiến Tông nhưng cái chết của người cha lẫn ngai vàng cùng nhân dân trăm họ không đủ để Lý Hằng đánh đổi lấy một vở kịch. Đủ biết, tấn bi kịch của cậu cả Lý Trạm sau này có nguyên nhân sâu xa từ thời cha ông.
2. Sau khi Lý Hằng lên ngôi, vùi đầu vào những cuộc ăn chơi hưởng lạc tới mức chẳng màng đến chuyện lập người kế vị. Cho mãi tới khi Lý Hằng bị cảm đột ngột khiến các đại thần vô cùng lo lắng.
Lỡ như một ngày nào đó Hoàng đế ngài bằng mà không kịp chào con cái các vị đại thần trong triều thì biết lấy ai ra đảm đương chính sự? Lý Hằng thì cho rằng, mình mới lên ngôi, sẽ còn phải hưởng thụ dài dài, làm gì đã phải nghĩ tới việc kế vị vội vàng như vậy nên cứ lờ đi.
Cho đến khi các đại thần trong triều thúc ép nhiều quá mới đem mấy đứa con ra để cân nhắc. Cuối cùng chẳng hiểu hồ đồ thế nào, Lý Hằng lại lựa chọn đứa con học dốt ham chơi giống y hệt mình, Ngạc Vương Lý Trạm.
Trong số 5 cậu con trai của Lý Hằng, Lý Trạm có thể nói là đứa con tiểu chuẩn cho một hoàng tử lười nhác và học dốt. Giờ lại trở thành Thái tử, Hoàng đế tương lai của nhà Đường nên cậu cả Lý Trạm càng được yêu chiều, suốt ngày dong chơi. Và trong những trận đấu gà, đấu dế đá cầu như vậy, Lý Trạm đã tìm được một người bạn tâm giao hết sức thân thiết, thái giám Lưu Khắc Minh.
Lưu Khắc Minh vốn là con nuôi của thái giám Lưu Quang, một thái giám nhiều quyền thế trong hậu cung. Thấy Lưu Khắc Minh vừa bằng tuổi với Lý Trạm, nên Lưu Quang quyết định đầu tư vào cậu con nuôi, đưa y vào cung để làm bạn với tiểu Thái tử chờ đợi cơ hội vinh thân phì gia. Nhờ uy quyền của Lưu Quang, nên việc “kiểm duyệt” Lưu Khắc Minh trở nên lỏng lẻo, thành ra Khắc Minh danh là thái giám song vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.
Lưu Khắc Minh cũng là kẻ rất lanh lợi. Y biết Lý Trạm thích đá cầu, nên quyết tập luyện đá cầu thật giỏi, cuối cùng y trở thành thầy đá cầu của Lý Trạm. Lý Trạm thích Lưu Khắc Minh lắm nên đi đâu cũng đem theo y, chơi trò gì cũng cho y tham gia.
Lưu Khắc Minh nhanh chóng trở thành kẻ tâm phúc rất được cưng chiều của vị Thái tử trẻ tuổi. Thế nhưng vị thái tử nhà Đường có lẽ không ngờ rằng, chỉ vài năm sau, kẻ tâm phúc ấy lại là kẻ lấy đi mạng sống của ông ta.
Thực ra Lý Hằng cũng biết con mình biếng học ham chơi nhưng thực tại là ông quá bận. Ngồi trên ngai vàng 4 năm, cũng là 4 năm ông bận bịu với những bữa yến tiệc, những thú ăn chơi hưởng lạc thâu đêm suốt sáng. Thành ra, cũng chỉ ngồi được trên ngai vàng 4 năm, Lý Hằng đã chết ngay trên giường với những trò vui của mình.
Khi ấy, ông vua nhiều tai tiếng mới vừa tròn 30 tuổi. Các quan đại thần tuân theo di chiếu của ông, quyết định đưa Thái tử Lý Trạm lên ngôi. Tuy nhiên, khi người ta cầm thánh chỉ đến Đông Cung của Thái tử thì Lý Trạm đã mất tích.
Lý Trạm |
Tể tướng Lý Phùng Cát, Quốc cữu Quách Chiêu cuống cuồng cho người đi tìm nhưng không thấy đâu. Hỏi bọn cung nữ thì mới hay, Thái tử Lý Trạm bản tính vốn ham chơi thành ra Đông Cung trở thành một nhà nghỉ trong vô số nhà nghỉ của Thái tử, thi thoảng mới về ngủ một hai đêm, còn lại đến đâu thì ngủ đấy. Vì thế, việc tìm Thái tử còn khó hơn tìm cả thần tiên chứ chẳng vừa.
Tể tướng Lý Phùng Cát chẳng còn cách nào khác đành huy động toàn bộ người mình có đi khắp các ngõ ngách trong hậu cung rộng lớn để tìm cho được Thái tử về phụng mệnh, lên ngôi Hoàng đế, kế vị vua cha vừa qua đời.
Cuối cùng thì sau một hồi đổ công đổ sức tìm kiếm, người ta cũng tìm ra được vị Thái tử ham chơi. Chẳng là khi ấy, Thái tử còn đang dở dang trận cầu với Lưu Khắc Minh thành ra mọi người gọi đến nửa ngày mà Thái tử vẫn chỉ chú ý tới quả bóng da dưới chân.
Khi đã tìm thấy Thái tử, Quách Chiêu cho một tên thái giám chạy tới nói với Thái tử rằng: Cha cậu chết rồi, giờ tới lượt cậu làm ông chủ. Lý Trạm khi ấy còn trừng mắt, chuyện gì cũng đợi ông mày đá xong trận này mới tính. Cậu thái giám vội vàng nói: Quốc cữu đang đứng đợi ngoài kia.
Nghe thấy tên quốc cữu, Lý Trạm mới chịu vứt quả bóng da, ngoan ngoãn trở về làm lễ kế vị. Có lẽ vị Thái tử coi ngai vàng như phân rác như vậy trong lịch sử chỉ có một mình Lý Trạm.
Thực hiện di chiếu của vua cha và cũng là ý nguyện của đám đại thần, Lý Trạm quyết định đảm nhận trọng trách Hoàng đế.
Do từ nhỏ đã không được cha chăm sóc quản giáo bao nhiêu, thành ra Lý Trạm cũng chẳng có bao nhiêu cảm tình với người cha của mình. Thế nên, phải tỏ ra ủ rũ trong đám tang Lý Hằng đối với một người chỉ biết vui chơi bay nhảy như Lý Trạm quả là một cực hình.
Chịu được nửa ngày, Lý Trạm cuối cùng không nhịn được nữa, cười váng lên. Trận cười của vị Hoàng đế mới kế vị khiến bá quan văn võ được một phen khiếp vía. Ai cũng nghĩ Hoàng đế quá đau buồn vì sự ra đi của vua cha nên không còn điều khiển nổi cảm xúc của mình. Thế nhưng họ đã nhầm, bởi vì những trận cười vui nhộn vốn là bản chất của Lý Trạm.
Sau đó chỉ vài ngày, vị tân Hoàng đế đã biến cả hoàng cung thành trung tâm giải trí khổng lồ. Hôm nay tổ chức đá cầu, ngày mai tổ chức nhạc hội, ngày nào cũng có trò vui để mọi người phải bận bịu chờ đợi.
Rồi như sợ người cha vừa mới qua đời của mình nằm một mình cô đơn nên Hoàng đế còn cho cả một đội quân thanh la não bạt tới bên quan tài gõ trống khua chiêng ầm ĩ. Những người bên ngoài không biết còn nghĩ rằng, hôm ấy, Hoàng đế cưới thêm vợ mới.
Các vị đại thần cho rằng, Hoàng đế mới 16 tuổi, chơi nhiều một chút cũng chẳng hại gì, lớn thêm chút nữa, mọi sự sẽ khác đi. Nào ngờ, Lý Trạm càng chơi càng có vẻ không muốn dừng lại. Trên thực tế, Lý Trạm từ nhỏ đã không được học hành đầy đủ, đâu có biết làm Hoàng đế là phải làm những gì. Ngược lại, những quan đại thần lúc bấy giờ, ai cũng là thi nhân, văn chương chữ nghĩa đầy người. Thành ra dù là tấu miệng hay viết thành tấu chương, Lý Trạm xem cũng chẳng hiểu. Thế nên, trong buổi thiết triều, người ta thấy Hoàng đế rất kiệm lời. Các quan đại thần thường chỉ nghe thiên tử của mình nói hai câu: “Chuẩn tấu” hay “Cứ theo đề nghị của khanh”. Riết rồi các quan đại thần cũng quen, chẳng ai bỏ công bỏ sức tìm những lời lẽ bay bướm văn hoa để viết tấu dâng sớ nữa, cứ việc sao nói vậy để Hoàng đế còn dễ tiếp thu. Và thực sự là mọi việc trở nên có hiệu quả hơn.
Một lần, Lý Trạm đột nhiên muốn xây dựng một tòa cung điện, mọi vật liệu gỗ đá đều đã chuẩn bị xong xuôi. Thế nhưng lúc ấy, Tể tướng là Lý Trình mới đứng ra ngăn cản. Tuy nhiên, Lý Trình chẳng phải dùng đến những lý lẽ cao siêu như hại đến tiền bạc cũng như sức lực của nhân dân, ông chỉ nói đơn giản rằng, chừng ấy gỗ đá, sao Hoàng đế ngài không dùng xây cho cha ngài một cái lăng mộ thật đẹp để tỏ lòng hiếu thuận.
Điều đó chẳng tốt hơn nhiều là xây dựng một cung điện để bọn cung nữ ở hay sao? Lý lẽ giản đơn, lời lẽ thông tục bình thường, thế nên Lý Trạm hiểu ra ngay, đồng ý dùng số vật liệu ấy xây dựng lăng mộ cho Mục Tông Lý Hằng. Trong những trường hợp ngược lại, những người sính văn chương, thích dùng các điển cố và nhất là dẫn lời Khổng Tử Trang Tử thì y như rằng Lý Trạm thấy đau đầu.
Chẳng hạn một lần, Lưu Trạm muốn lên núi Ly Sơn tắm suối nước nóng, quan Ngự sử là Trương Quyền Dư bèn vội vã can ngăn. Họ Trương nói một hồi, nào là các vị Hoàng đế đời trước từ U Vương, Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng cho tới cha ngài là Mục Tông đều vì đến nơi đây mà thiên hạ sinh ra đại loạn, đó là nơi không nên đến chút nào. Lý Trạm nghe xong không những không từ bỏ ý định, ngược lại còn quyết tâm đến tận nơi xem Ly Sơn có thực là nhiều tà ma như vậy hay không?
3. Trong lúc Lý Trạm bị các đại thần xoay như chong chóng trên ngai vàng thì cậu bạn nối khố Lưu Khắc Minh bắt đầu thỏa sức tung hoành ở chốn hậu cung. Hậu cung của Hoàng đế mỹ nữ nhiều không sao đếm hết bản thân lại là giả thái giám, thành ra rồi cũng đến lúc họ Lưu không kìm được lòng mình mà nghĩ tới chuyện vụng trộm.
Ban đầu, Lưu Khắc Minh còn e dè, tìm cách vụng trộm với một vài cô cung nữ. Tuy nhiên, sau đó, Lưu Khắc Minh thấy rằng, Lý Trạm suốt ngày ở bên ngoài tìm thú vui, không thể nào quản hết mọi việc lớn nhỏ trong chốn hậu cung nên bắt đầu mạnh dạn giở trò dâm loạn. Số cung nữ dính vào bẫy tình của Lưu Khắc Minh từ hàng chục đã lên tới hàng trăm cô.
Nhưng vụng trộm với các cung nữ mãi thì cũng nhàm chán, đẳng cấp lại quá thấp chính vì thế, Lưu Khắc Minh quyết định quyến rũ vợ của Lý Trạm, Đổng Thục Phi. Đổng Thục Phi còn trẻ, lại xinh đẹp song vì Lý Trạm ham chơi, suốt ngày tìm bày trò vui chơi, bỏ Đổng Thục Phi một mình trong hậu cung lạnh lẽo. Phụ nữ cô đơn quá lâu thường khó mà cưỡng lại được sự quyến rũ của xác thịt, vì vậy, Đổng Thục Phi nhanh chóng ngã vào vòng tay của Lưu Khắc Minh. Chẳng có ai quản, cả hai quyết định cắm cho vị Hoàng đế của mình một chiếc sừng thực lớn.
Bị phản bội song Lý Trạm không hề hay biết, ngược lại còn rất vui bởi vì kể từ lần đi Ly Sơn trở về, Lý Trạm lại phát hiện ra một trò vui mới: Săn cáo.
Hành cung ở Ly Sơn vì đã lâu không có người sử dụng thành ra bọn cáo đến ở rất nhiều. Khi Lý Trạm đến đây, bọn cáo bị cướp mất tổ nên ban đêm xông ra làm loạn, phá rối cuộc vui giữa Lý Trạm với bầy phi tử của mình. Lý Trạm giận giữ quát bọn thái giam giết hết bọn cáo. Bọn thái giám lần đầu nhìn thấy cáo nên sợ hãi không dám làm gì. Lý Trạm giận quá, bèn tự mình cầm cung lên bắn bắn loạn xạ. Nào ngờ, một lúc Lý Trạm bắn liên tiếp được hơn 10 con.
Tự nhiên, Lý Trạm cảm thấy tròn bắn cáo còn dễ và vui hơn trò đá bóng, hay chọi dế. Cũng từ đó, Lý Trạm đâm ra mê trò bắn cáo. Một ngày mà không bắn vài con là cảm thấy người ngứa ngáy khó chịu.
Các thái giám vì muốn lấy lòng Hoàng đế nên chủ động chạy khắp các ngọn núi xung quanh kinh thành tìm kiếm ổ cáo. Sau khi đã xác định kỹ lưỡng rồi, Lý Trạm mới cùng bọn thái giám cung tên giáo mác tìm tới thực hiện chuyến đi săn của mình.
Với Lý Trạm, săn cáo là một cuộc giải trí, song với các thái giám, đó thực sự là một cuộc sống khổ hạnh. Ban ngày thì phải nằm vùng, đến tối lại phải làm người dẫn đường, sống còn khổ hơn cả bọn cáo bị săn đuổi. Lý Trạm lại là kẻ nóng tính, mỗi khi bắn trượt hoặc chuyến đi săn không được nhiều như mong muốn là lập tức bao nhiêu tức giận đều đổ dồn cả lên đầu bọn thái giám. Nhẹ thì đòn roi, nặng thì bị tịch thu tài sản, giam vào ngục tối. Thái giám vốn cũng là người, hạ mình làm nô bộc cũng là vì muốn kiếm được bát cơm. Vì vậy, một khi bát cơm ấy khó ăn, họ lập tức phải tìm cách khác. Mà trong trường hợp của họ, chỉ có một cách đó là tạo phản.
Trước khi những cuộc săn cáo bắt đầu, nhiều thái giám cũng đã bị Lý Trạm hành hạ đủ điều. Đến giờ lại bị hành hạ bởi những cuộc đi săn cáo kham khổ của Hoàng đế, bọn chúng ai nấy đều oán hận lắm song thân là nô bộc, chẳng ai dám hé ra nửa lời. Cho đến một hôm, người bạn thuở nhỏ của Lý Trạm, Lưu Khắc Minh không nhịn được nữa.
Đó là một hôm trời tối đen như mực, Lý Trạm lại rời cung đi săn cáo. Vì trời quá tối, Lý Trạm nhìn không rõ nên đã bắn nhầm vào Lưu Khắc Minh. Lý Trạm chỉ là vô tình, nhưng Lưu Khắc Minh thì không cho là như vậy. Bản thân đã có chuyện vụng trộm với Đổng Thục Phi khiến Lưu Khắc Minh nghĩ rằng, Lý Trạm đã biết chuyện của mình nên đã nhân cơ hội trời tối để trả thù. Càng nghĩ lại càng lo lắng cho số phận của mình, càng lo lắng, ý định tạo phản trong đầu y càng lớn dần. Khi Lưu Khắc Minh đem chuyện của mình nói cho những tên thái giám theo hầu Lý Trạm, không ngờ, cả bọn đều đồng tình.
Cuối cùng, ngày 8/112 năm Bảo Lịch thứ 2, tức năm 826, sau một đêm săn cáo rất thành công trở về, Lý Trạm mở tiệc đãi bọn Lưu Khắc Minh, Lý Trạm về đến phòng thay đồ thì bị bọn Lưu Khắc Minh tắt đèn rồi giết chết trong bóng tối.
Có lẽ cho tới tận khi chết, Lý Trạm vẫn không hề biết rằng, cậu bạn nối khố, kẻ hầu hạ tâm phúc của mình lại chính là tình địch đồng thời là kẻ đã chấm dứt cuộc sống đế vương sung sướng của mình.
Tuy nhiên, số phận của Lưu Khắc Minh cũng chẳng hơn gì nhiều so với Lý Trạm. Ngay sau khi giết được Hoàng đế, y đã bị tên hoạn quan kỳ cựu Vương Thủ Trừng điều động binh mã tấn công vào cung tóm gọn rồi buộc phải nhảy xuống giếng tự sát. Dẫu sao chuyện ngoại tình với Đổng Thục Phi và hành động giết Hoàng đế, Lưu Khắc Minh cũng trở thành một trong những trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử.
Bằng Hư