(Phunutoday) - Nhiều người cho rằng, sống giữa bạt ngàn những mỹ nữ xinh đẹp lộng lẫy nhất trong thiên hạ, một ông vua si tình thực sự là câu chuyện “xưa nay hiếm”. Ấy thế nhưng, điều đó không hề có nghĩa rằng, các vị Hoàng đế thời xưa không biết đến hai chữ “si tình”. Lần giở những trang bí sử Trung Hoa, người ta lại thấy rằng, trong số những trường hợp si tình hiếm hoi của các vị “con trời” trên xứ sở này, có không ít ông vua là những tên bạo chúa khét tiếng…
1. Người ta thường nhắc tới cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào như đòn tấn công cuối cùng vào sự thống trị kéo dài gần 300 năm của đế chế Đại Đường. Tuy nhiên, trên thực tế người thực sự là “kẻ đào mồ chôn” cho vương triều được coi là thịnh trị nhất trong lịch sử Trung Quốc lại là tên “phản tướng” của Hoàng Sào tên gọi Chu Ôn.
Lâu nay, các sử gia đương thời lẫn hậu thế thường dành cho Ôn những lời nhận xét không mấy tốt đẹp. Người ta gọi Ôn là “kẻ vô lại”, “bạo chúa”, “bất chấp đạo lý”… Đến Mao Trạch Đông khi nói về Ôn cũng phải thừa nhận: “Mưu lược không kém gì Tào Tháo nhưng sự gian xảo thì hơn hẳn”. Tuy nhiên, ít người biết rằng, một kẻ gian xảo, tàn bạo như Ôn cả đời lại chỉ chiều chuộng, thậm chí là sợ hãi một người vợ họ Trương theo y từ thuở còn vi hàn.
Cha của Ôn, Chu Thành vốn chỉ là một anh giáo làng. Khi Ôn còn nhỏ, Chu Thành đã qua đời, vì kế sinh nhai, mẹ của Ông mang theo ba đứa con tới nhà địa chủ Lưu Sùng ở huyện Tiêu làm thuê. Tại đây, Ôn vì nhỏ tuổi nhất, được Lưu Sùng giao cho nhiệm vụ chăn lợn. Ít ai ngờ rằng, thằng bé chăn lợn nhem nhuốc họ Chu sau này lại trở thành vị Hoàng đế khai quốc vô cùng tàn bạo của nhà Hậu Lương.
Tính cách gian xảo và tàn bạo của Chu Ôn thực tế là do hoàn cảnh hun đúc mà thành. Ôn vốn là con út trong nhà, do vậy, từ nhỏ đã được mẹ chiều chuộng hơn hai người anh của mình. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh phải làm thuê kiếm sống ở nhà người khác, Ôn lại là kẻ không bao giờ chịu an phận, thành ra thường bị mẹ trách mắng.
Trước mặt mẹ, Ôn vừa được yêu chiều, vừa bị quát mắng, còn trước mặt ông chủ Lưu Sùng, Ôn chỉ nhận được những cái trợn mắt lẫn những trận đòn roi. Hoàn cảnh sống ấy, tự nhiên hình thành trong Chu Ổn tính gian xảo. Lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc đã chứng minh, những kẻ vô lại, gian xảo như Chu Ôn, sinh ra trong thời bình thì cùng lắm chỉ là một lũ du thủ du thực. Tuy nhiên, nếu như vào thời loạn, mọi thứ được vận hành chỉ theo một quy luật duy nhất: “Cá lớn nuốt cá bé” và người ta chỉ dùng đao kiếm để giải quyết mọi chuyện, thì những kẻ như Chu Ôn thường lại đắc thắng.
Một lần, Ôn cùng người anh trai của mình là Chu Tồn ra ngoại thành Tống Châu săn bắn thì gặp một cô gái họ Trương lên chùa Nguyên Long thắp hương trên đường trở về. Trương Huệ vốn là con gái của quan thích sử Tống Châu là Trương Nhuy, xinh đẹp, thùy mị có tiếng trong vùng. Chàng trai họ Chu đang tuổi lớn, gặp cô tiểu thư khuê các nhà họ Trương thì lập tức si mê ngay.
Lúc ấy, Ôn còn quay sang nói với anh trai mình rằng: “Ngày xưa Quang Vũ Đế thời nhà Hán từng nói: lấy vợ phải lấy người đẹp như Âm Lệ Hoa. Âm Lệ Hoa thời ấy có lẽ cũng chỉ đến mức như thế này mà thôi, ta mà không thử thì làm sao trở thành một Quang Vũ Đế được! Sẽ có một ngày, ta sẽ lấy cô gái họ Trương này về làm vợ!”.
Sau này, khi tham gia khởi nghĩa Hoàng Sào, trong hoàn cảnh chiến loạn, Ôn vẫn không quên được hình ảnh Trương Huệ lẫn lời hứa của mình khi xưa. Không hề giống với những tướng lĩnh tham gia các cuộc khởi nghĩa khác, tùy ý bắt vợ con các bại tướng, thậm chí là dân thường về hầu hạ mình, trong những ngày tháng phục vụ dưới trướng của Hoàng Sào, Chu Ôn nhất mực không chịu lấy vợ, quyết tâm chờ đợi Trương Huệ.
Chu Ôn |
Để mau chóng được gặp mặt người tình trong mộng, Chu Ôn thậm chí còn xúi giục Hoàng Sào đem binh đánh Tống Châu. Tuy nhiên, không may mắn cho Ôn, khi Tống Châu bị hạ thì thích sử Tống Châu Trương Nhụy đã bị chuyển đi nơi khác. Cứ nghĩ rằng, hạ thành Tống Châu sẽ được gặp Trương Huệ, lần đó, Chu Ôn buồn bã đến mấy tháng ròng.
Sau này, vì liên tục lập được chiến công, tới năm 882, Hoàng Sào đã phong cho Chu Ôn làm Phòng Ngự Sử Đồng Châu rồi cho Ôn dẫn quân công hạ thành Đồng Châu. Khi dẫn quân đánh Đồng Châu, Ôn đã may mắn gặp lại Trương Huệ. Vào thời điểm đó, do cha mẹ đều đã mất, Trương Huệ theo dòng người chạy loạn lưu lạc tới Đồng Châu thì bị quân của Chu Ôn bắt được. Chu Ôn nhận ra Trương Huệ thì mừng lắm.
Trương Huệ thực tế không hề quen biết Chu Ôn vì vậy khi nghe Ôn nói rằng từ nhiều năm trước Ôn đã đem lòng si mê mình, và cũng vì thế mà cho tới nay vẫn “ở vậy”, chờ ngày gặp được người tình trong mộng thì cảm động lắm. Chu Ôn nhân cơ hội đó, xin được cưới Trương Huệ làm vợ. Để làm đẹp lòng Trương Huệ, đồng thời cũng là bày tỏ mối tình si của mình, Chu Ôn đã sai người lặn lội khắp nơi tìm kiếm những người thân của Trương Huệ rồi sai người mai mối, sắp lễ, rồi tổ chức một hôn lễ linh đình.
Trong hoàn cảnh chiến loạn như vậy, Chu Ôn hoàn toàn có thể ép Trương Huệ về làm vợ một cách dễ dàng, song vẫn đường đường chính chính hỏi cưới Trương Huệ, đủ thấy Ôn coi trọng người tình của mình tới mức nào.
Sử chép, Trương Huệ vốn sinh ra trong gia đình lễ giáo, được học hành tử tế, vì vậy không chỉ hiền thục lễ phép mà còn thông minh và cực kỳ uyên bác. Nghe nói, Trương Huệ phân tích chuyện chính sự đâu ra đấy, đoán việc như thần, so với Chu Ôn thì hơn hẳn. Vì vậy, mỗi lần Ôn gặp phải chuyện gì bế tắc đều phải hỏi ý kiến vợ rồi mới quyết định. Có lần, Chu đã dẫn quân đi, nửa đường thì có quân lính đuổi theo nói rằng, phụng mệnh phu nhân gọi Ôn về.
Nghe xong, Ôn lập tức ra lệnh rút quân, không hề hỏi thêm bất cứ câu nào. Việc “kính trọng” vợ quá mức của Ôn khiến nhiều người cho rằng, chính Trương Huệ là người đã xúi giục Ôn phản bội Hoàng Sào, đầu hàng triều đình nhà Đường khiến cuộc khởi nghĩa nông dân này chìm trong bể máu. Lý do là vì, Trương Huệ xuất thân trong gia đình quan lại, cha mẹ đều chết vì chiến loạn, bản thân Trương Huệ cũng long đong lận đận, chạy loạn hết nơi này tới nơi khác, vì vậy, trong thâm tâm Trương Huệ ắt vô cùng hận khởi nghĩa nông dân.
Sau khi Chu Ôn đầu hàng, nhà Đường đổi tên cho Ôn thành Chu Toàn Trung, phong làm đại tướng quân. Khi khởi nghĩa của Hoàng Sào thất bại, Hỷ Tông từ Tứ Xuyên trở lại Trường An, vui mừng phong cho Ôn làm Kiểm hiệu tư đồ kiêm Bình chương sư (tương đương chức Tể tướng), tước Bái quận hầu. Mẹ của Ôn cũng được Hỷ Tông phong cho làm Tấn quốc thái phu nhân. Năm đó, Ôn mới tròn 32 tuổi.
Hiến Tông |
Từ khi có quyền lực trong tay, bản tính giảo hoạt trong Ôn trở thành tàn bạo, giết người không biết ghê tay. May nhờ có Trương Huệ tính tình ôn hòa can ngăn nhiều người mới thoát khỏi cơn thịnh nộ của Ôn. Tuy nhiên, tới năm Thiên Hộ thứ nhất, tức năm 904, Trương Huệ mắc bệnh nặng. Khi đó, quyền lực trong triều đình nhà Đường dường như do một mình Ôn thâu tóm nên Ôn đang rắp tâm ép vua Chiêu Tông nhà Đường thoái vị nhưng khi khi nghe tin Trương Huệ bệnh nặng, Ôn bỏ tất cả về Khai Phong thăm vợ. Sử chép, khi Ôn về tới nhà, Trương Huệ đã hôn mê bất tỉnh. Khi Trương Huệ tỉnh lại, Ôn nắm chặt tay thị, nước mắt đầm đìa nói: “Từ ngày ta gặp phu nhân ở Đồng Châu tính tới nay đã hơn 20 năm. Phu nhân không chỉ giúp ta việc trong nhà mà đến việc bên ngoài cũng do phu nhân bày mưu tính kế. Nay nghiệp lớn đã thành, chỉ vài ngày nữa là ta sẽ trở thành hoàng đế, chỉ mong được cùng phu nhân hưởng vinh hoa phú quý thêm vài chục năm. Ai ngờ rằng bệnh của phu nhân nặng đến thế này, giờ đây ta biết làm sao?”.
Trương Huệ nghe Ôn nói, biết rằng Ôn có ý định cướp ngôi bèn khuyên can, Ôn than thở nói: “Thời thế bức ép phải vậy, không thể làm khác”. Trương Huệ biết khó thuyết phục được Ôn, chỉ nói rằng, “Phu quân có chí lớn hơn người, thiếp không dám cản, chỉ có một lời… Phu quân anh hùng hơn người, những việc khác thiếp không lo, chỉ mong phu quân nên tránh xa nữ sắc và hạn chế giết người, có như vậy, thiếp chết mới có thể nhắm mắt được…”.
Ôn gật đầu đồng ý, tuy nhiên sự việc sau đó diễn ra không hề như ý muốn của Trương Huệ. Năm Thiên Hội thứ 4, tức năm 907, ba năm sau khi Trương Huệ mất, Chu Ôn phế bỏ vua Ai Tông nhà Đường, tự mình lên ngôi Hoàng đế, đổi tên nước là Lương, định đô ở đất Biện, nay là Khai Phong, Hà Nam. Cũng từ đó, Ôn bắt đầu bộc lộ bản chất của một tên bạo chúa hoang dâm vô độ.
Thực tế, bản tính Ôn vốn háo sắc nhưng vì khi Trương Huệ còn sống, Ôn không dám dây dưa với những người phụ nữ khác. Đến khi Trương Huệ chết, bản tính háo sắc của Ôn bị dồn nén lâu nay mới được dịp bung ra. Thực ra, háo sắc vốn đã là bản tính di truyền của các vị Hoàng đế, thế nhưng háo sắc đến như Ôn thì quả là chuyện xưa nay hiếm. Thành tích “đáng nể” nhất của Chu Ôn phải nói tới là chuyện “sủng hạnh” các cô con dâu của mình.
Sau khi sai những đứa con của mình đem quân đi trấn giữ ở các vùng biên viễn, Ôn mặc nhiên triệu những cô con dâu xinh đẹp của mình vào cung “hầu ngủ”. Điều đáng kinh ngạc là ở chỗ, những đứa con trai của Chu Ôn vốn gian xảo chẳng kém gì cha mình, khi biết cha “sủng hạnh” vợ mình thì không những không hề tức giận mà ngược lại còn lợi dụng vợ để “lấy lòng” Ôn, hòng được Ôn cho làm thái tử, kế thừa ngai vàng trong tương lai.
Khi Chu Ôn về già, vợ của con nuôi Ôn tên là Chu Hữu Văn là Vương thị rất xinh đẹp, Ôn rất thích. Do Vương thị ngày đêm nhỏ to bên gối, cuối cùng Ôn đã đồng ý với Vương thị rằng, sau khi mình chết sẽ nhường ngôi lại cho Chu Hữu Văn.
Tới năm 912, khi Ôn mắc bệnh nặng, định gọi Chu Hữu Văn từ Đông đô trở về bàn bạc chuyện hậu sự. Tuy nhiên, khi Hữu Văn chưa kịp về tới Khai Phong thì vợ con trai thứ ba của Ôn là Chu Hữu Khuê vốn cũng được Chu Ôn nhiều lần sủng hạnh nghe được, ngay lập tức báo lại với chồng mình. Nhận được tin vợ, Khuê thực sự cảm thấy bất mãn.
Hiến Tông và Trinh Nhi trên phim |
Nghĩ rằng, mình là con đẻ mà cha không truyền ngôi lại cho mình, lại truyền ngôi lại cho một tên con nuôi là Chu Hữu Văn. Khuê nghĩ rằng khi Văn lên ngôi thì liệu những người họ Chu hắn có tha không? Nghĩ vậy, Chu Hữu Khuê quyết định lợi dụng đội quân cấm vệ bảo vệ hoàng cung cùng với quân đội của những tay chân thân tín của mình phát động chính biến. Đêm ngày 18/7/912, khi bệnh tình Chu Ôn đang trở nên nguy cấp thì cậu con trai Chu Hữu Khuê cùng tay chân của mình xông vào bên trong. Chu Ôn giật mình tỉnh dậy, hỏi: “Kẻ nào làm phản?”.
Chu Hữu Khuê nói: “Ông đoán xem!”. Chu Ôn nghe thấy giọng của Chu Hữu Khuê, quát: “Quả là mày. Thằng súc sinh, mày giết cha, trời đất khó dung!”. Khuê nổi giận đùng đùng, còn quát to hơn: “Lão tặc đáng phải băm vằm thành trăm mảnh!”. Lúc này, Chu Ôn biết mình gặp nguy, bệnh tình cũng bay biến đâu mất hết, lồm cồm bò dậy bỏ chạy. Không ngờ, chưa kịp chạy bao xa đã bị một thuộc hạ của Chu Hữu Khuê đuổi kịp đâm một đao ngay giữa bụng, chết ngay tại chỗ. Chu Hữu Khuê lệnh cho thuộc hạ lấy thảm bọc lấy thi thể của cha mình rồi đem chôn ngay dưới nền của hậu cung, kết thúc cuộc đời một bạo chúa si tình.
2. Chuyện Chu Ôn si mê Trương Huệ cũng là điều dễ hiểu khi Trương thị xinh đẹp hơn người, con nhà danh giá, từ chữ nghĩa cho tới mưu lược đều hơn hẳn một kẻ chăn lợn ít học như Ôn. Lại thêm, Ôn gặp Trương Huệ từ khi còn là một cậu trai mới lớn và đem lòng si mê Trương thị từ ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Tuy nhiên, chuyện Minh Hiến Tông sủng ái Vạn Quý phi, một người hơn mình tới 17 tuổi trong vòng hơn 20 năm thì khiến người đời sau không khỏi đặt ra hàng loạt những câu hỏi vì sao.
Vạn Quý phi (1430 -1487), tên thật là Trinh Nhi, vốn là người thành Chư, châu Thanh, nay là Ích Đô, tỉnh Sơn Đông. Cha Trinh Nhi tên là Vạn Quý, vốn là quan lại trong nha huyện nhưng vì phạm tội nên bị đày ra vùng biên ải. Vì vậy, mới 4 tuổi, Vạn Trinh Nhi đã được đưa vào cung của Tôn Thái hậu làm nô tì.
Tới năm 19 tuổi, Trinh Nhi được Tôn Thái hậu ban cho thái tử Chu Kiến Thâm, khi đó mới chỉ 2 tuổi làm người hầu. Tới năm 1465, khi vua Anh Tông qua đời, Thái tử Chu Kiến Thâm kế vị trở thành Hoàng đế thứ 8 của nhà Minh, sử gọi là Minh Hiến Tông. Một năm sau đó, Vạn Trinh Nhi sinh cho Hiến Tông một đứa con trai, Hiến Tông vui mừng lắm bèn phong cho Vạn Trinh Nhi làm Quý phi. Đang tiếc, chỉ một tháng sau đó, hoàng tử do Vạn Quý phi vừa sinh ra chết yểu. Từ đó về sau, Vạn Trinh Nhi không sinh thêm được đứa con nào nữa.
Theo lý, một người không phải mỹ nhân, tuổi đã quá cao lại thêm không có khả năng sinh đẻ như Vạn Trinh Nhi thì không hề có cơ may cạnh tranh với bạt ngàn những mỹ nữ trong chốn hậu cung. Thế nhưng, một đời làm vua của Chu Kiến Thâm dường như chỉ sủng hạnh và nhường nhịn một mình người phụ nữ hơn mình đến 17 tuổi này. Một văn nhân đời Minh từng viết rằng, từ xưa tới nay, Vạn Quý phi là phi tần được sủng ái muộn nhất nhưng cũng là người được sủng ái lâu nhất, “có thể coi là tự cổ chí kim chưa từng có”.
Theo sử sách ghi chép, năm 18 tuổi, Hiến Tông tổ chức đại hôn, lập Hoàng hậu nhưng chẳng bao lâu, vị vua si tình này đã bỏ rơi vị Hoàng hậu họ Ngô trẻ trung, xinh đẹp được tuyển chọn từ hàng ngàn vạn mỹ nữ trong khắp thiên hạ để đêm đêm vui vẻ ở Ninh Trinh cung với Vạn Trinh Nhi. Điều này cũng đủ thấy Vạn Trinh Nhi có địa vị ra sao đối với Hiến Tông. Sau này, Vạn Trinh Nhi vì nỗi đau mất con nên mỗi khi thấy các phi tần khác sinh con đều tìm mọi cách hãm hại.
Hiến Tông biết rất rõ mọi chuyện nhưng không hề trách mắng Vạn Trinh Nhi, ngược lại còn hết lần này tới lần khác nhường nhịn Vạn thị. Một người không tài không sắc, lại vừa già cỗi vừa tàn ác như Vạn Trinh Nhi vì sao lại được Hiến Tông chiều chuộng, hết lần này tới lần khác nhẫn nhịn?
Các sử gia cho rằng, nguyên nhân khiến Hiến Tông si mê Vạn Trinh Nhi như vậy có lẽ là vì mối tình giữa ông ta và Trinh thị không phải là một mối tình trai gái thông thường. Khi Chu Kiến Thâm mới 2 tuổi, được phong làm thái tử, đã được Vạn Trinh Nhi chăm bẵm.
Sau này Anh Tông bị người em làm loạn cướp mất ngôi báu, Chu Kiến Thâm cũng vì thế mà bị chú mình tước luôn ngôi vị thái tử. Từ đó, do tuổi còn quá nhỏ, Chu Kiến Thâm theo Vạn Trinh Nhi sống ở hậu cung cho tới khi Anh Tông trở lại được ngôi báu của mình.
Trong những ngày tháng gian khổ nhất này, cuộc sống của Chu Kiến Thâm đều do một mình Vạn Trinh Nhi chăm sóc. Vì vậy, trên thực tế, đối với Chu Kiến Thâm, Vạn Trinh Nhi không chỉ là một người tình, một người vợ đơn thuần mà còn là một người chị, thậm chí là một người mẹ. Đối với Vạn Trinh Nhi, Chu Kiến Thâm, dù sau này có trở thành Hoàng đế vẫn vừa kính trọng, vừa sợ hãi lại vừa phụ thuộc. Đây có lẽ là lý do khiến cho sau này, dù Vạn thị có làm điều gì sai trái, Hiến Tông vẫn hết lần này tới lần khác nhường nhịn, bỏ qua.
Trinh Nhi |
Việc Hiến Tông si mê Vạn Trinh Nhi quá mức như vậy, có lẽ còn do Vạn thị quá giỏi trong việc dùng thủ đoạn để ràng buộc Hiến Tông. Chăm bẵm Chu Kiến Thâm từ khi mới lên 2 tuổi, hẳn nhiên, Vạn Trinh Nhi quá hiểu tất cả những nhược điểm của Hiến Tông, vì vậy dễ dàng thao túng vị Hoàng đế si tình này trong lòng bàn tay. Sử chép, sau khi Hiến Tống lập Hoàng hậu, Vương Hoàng hậu vì thấy Hiến Tông sủng hạnh Vạn Trinh Nhi quá mức nên bực dọc vô cùng, bèn tìm cách trị tội Vạn Trinh Nhi, đánh cho Vạn thị một trận tơi bời.
Nào ngờ, Hiến Tông nghe chuyện đùng đùng nổi giận, ra lệnh giam Vương Hoàng hậu vào lãnh cung rồi nhất định đòi “phế bỏ Hoàng hậu”. Sau này, dù không bị phế nhưng Vương Hoàng hậu cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, hết sức kính trọng “người vợ già” của Hiến Tông. Có lẽ cũng bắt đầu từ sự việc này, thành ra sau đó, Vạn Trinh Nhi sẵn sàng sai thái giám bỏ thuốc phá thai khiến những người được Hiến Tông sủng hạnh không thể có con giống mình mà không hề sợ Hiến Tông trách mắng. Bởi lẽ, Vạn thị thừa biết rằng, với Hiến Tông, bản thân mình là một người không thể thay thế.
Nhiều người lại cho rằng, việc Hiến Tông quá si mê Vạn Trinh Nhi như vậy là vì Vạn thị rất giỏi “phòng trung thuật”. Sử sách chép, Vạn Trinh Nhi “mặt to, tiếng ồm, không khác gì nam giới”, rõ ràng họ Vạn không phải là một giai nhân tuyệt sắc gì. Tới mức, mẹ đẻ của Hiến Tông là Chu Thái Hậu cũng phải hỏi con mình: “Nó có gì đẹp mà con lại si mê nó đến vậy?”.
Hiến Tông đáp: “Con không hiểu mắc bệnh gì nhưng không có Vạn thị thì không ngủ được”. Câu trả lời này của Hiến Tông đủ cho thấy, dù Vạn Trinh Nhi không phải là một mỹ nhân nhưng lại có những thứ mà các mỹ nhân khác không có được, đó chính là “thuật chăn gối”. Nhiều người dựa trên những truyền thuyết này đã miêu tả Vạn Trinh Nhi như một phụ nữ cực kỳ dâm loạn. Để thỏa mãn mình, Vạn Trinh Nhi không từ thủ đoạn tìm những người đàn ông khác thay thế trong những lúc Hiến Tông còn đương bận bịu với những mỹ nhân khác.
Một giả thuyết cũng được nhiều người đưa ra cho rằng, sở dĩ Hiến Tông si mê Vạn Trinh Nhi như vậy là vì cả đời Hiến Tông không hề có được Vạn Trinh Nhi.
Các sách dã sử có chép rằng, khi Hiến Tông còn nhỏ, ngẫu nhiên biết được rằng Vạn Trinh Nhi có một người tình tên là Đỗ Châm Ngôn. Năm Hiến Tông lên 11, do cơn ghen bốc lên đã sai người giết chết Đỗ Châm Ngôn. Vạn Trinh Nhi biết chuyện, đau khổ vô cùng nhưng cũng từ đó vừa hận vừa yêu Hiến Tông. Để trả thù, Vạn Trinh Nhi nửa gần nửa xa, nhất định không cho Hiến Tông chiếm hữu mình.
Thậm chí, Vạn Trinh Nhi còn mang miếng ngọc mà Đỗ Châm Ngôn khi trước tặng đeo sát bên mình và cố tình để lộ cho Hiến Tông biết. Vạn Trinh Nhi khéo léo tới mức, Hiến Tông vừa cảm thấy Vạn Trinh Nhi trong tầm tay lại vừa cảm thấy người phụ nữ ấy quá xa vời. Khi đó, Hiến Tông đang độ tuổi mới lớn, sự mơn trớn của một cô gái đã thành thục như Vạn Trinh Nhi khiến Hiến Tông một đời cũng không thể quên được, vì vậy mà càng về sau càng si mê Vạn Trinh Nhi hơn.
Tuy nhiên, dù là vì nguyên nhân nào thì cũng chắc chắn rằng, Vạn Trinh Nhi là một người phụ nữ cực kỳ biết tính toán. Dù không phải đấng giai nhân tuyệt sắc, cũng chẳng có tài năng hơn người nhưng Vạn thị đã rất giỏi lợi dụng việc Hiến Tông từ nhỏ đã ỷ lại vào mình để trói buộc Hiến Tông, từ đó hình thành câu chuyện si tình có một không hai trong lịch sử.
Phong Nguyệt