Chuyện tình buồn thảm của các mỹ nữ vùng sơn cước

08:12, Thứ tư 09/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Từng là những thiếu nữ đẹp nhất nhì trong thôn buôn, là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc, các cô gái Kinh, Ê Đê cũng có mong ước về một mối tình son sắt nguyện thề.

(Phunutoday) - Từng là những thiếu nữ đẹp nhất nhì trong thôn buôn, là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc, các cô gái Kinh, Ê Đê cũng có mong ước về một mối tình son sắt nguyện thề. Để rồi, vì “lý tưởng” và mù quáng trong tình yêu, họ đã bị những gã Sở Khanh đi xây thủy điện lừa tình nên phải một mình “vượt cạn” và nuôi con trong câm lặng, tủi hờn …

Vào tháng 4/2004, Thủy điện Sông Ba Hạ chính thức khởi công và đến năm cuối năm 2009 thì hoàn thành. Trong khoảng thời gian đó, hàng vạn công nhân tứ xứ như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế… đã được huy động tham gia xây dựng công trình. Ở giữa núi rừng hoang vắng, không có thứ gì để giải trí nên không ít công nhân “lần mò” vào các khu dân cư - nơi có các cô sơn nữ để “tìm của lạ”. Tệ hơn cả, khi đã “no xôi chán chè”, họ lại “chạy làng”, để lại những đứa con vô thừa nhận…

Bị lừa tình vì thích nghe những lời “đẩy đưa”

Từ TP Tuy Hòa, PV xuôi theo Quốc lộ 25 trên quãng đường dài ngót 70 cây số tìm đến khu dân cư gần khu vực đập chính hồ thủy điện sông Ba Hạ (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Dọc theo lối mòn vừa 2 người đi bao quanh là những hàng cây cổ thụ um tùm, rậm rạp, chúng tôi lần tìm đến nhà của Hờ Nhan, người dân tộc Ê Đê.

 

Sơn nữ Hờ Nhan hát lời buồn ru con ngủ

 

Lúc này Hờ Nhan đang lúi húi dưới gian bếp mịt mù khói để chuẩn bị bữa cơm chiều đạm bạc chỉ toàn mắm, ớt muối, rau rừng. Dù chỉ mới bước qua tuổi 28 được vài tháng nhưng Hờ Nhan đã là mẹ của hai bé trai là A Lê Y Huy và Y Kỳ. Khi biết mục đích của chúng tôi tìm đến, Hờ Nhan từ chối tiếp khách với lý do không muốn nhắc lại chuyện cũ. Thuyết phục hồi lâu, Hờ Nhan mới chịu tâm sự về “người chồng ngoài giá thú” của mình. “Anh ấy tên là Thanh, quê ở Thanh Hóa, thường hay đến nhà em xin nước uống. Mỗi khi giáp mặt em, anh ấy đều tìm cách bắt chuyện trước", Hờ Nhan kể lại.

Vài lần qua lại, Thanh tìm cách lân la trò chuyện, tâm sự với Hờ Nhan về hoàn cảnh gia đình, về cuộc sống cơ cực bôn ba khắp nơi để tranh thủ tình thương từ cô sơn nữ. "Ảnh luôn tâm sự với em về những mong ước có được một mái ấm gia đình với vợ hiền, con thơ … Em cứ nghĩ ảnh là người sống có ước mơ và chân tình như các chàng trai trong buôn nên chấp nhận “tiến tới”"...

Khi đã chiếm được trọn tình cảm của cô sơn nữ, Thanh cũng dần bộc lộ bản chất là một gã "sở khanh". Như có gì ứ nghẹn trong cổ họng, Hờ Nhan ngập ngừng "Lúc yêu ảnh đường mật là thế, nhưng khi thấy em bảo có bầu thì dường như Thanh cũng biến mất luôn".

“Nhiều bữa cơm chiều ngồi ăn trong ánh lửa bập bùng, ba mẹ con em đều không kìm được nước mắt. Ước gì hồi trước mình đừng có dại…” – Hờ Nhan nấc nghẹn.

Được biết, các công nhân thủy điện thường rất nghèo trong khi sơn nữ lại thật thà “nói gì nghe nấy” nên khi tán tỉnh họ, các chàng không cần quà cáp tốn kém, chỉ cần có cái miệng dẻo quẹo biết hứa hẹn là cũng đã thành công.

Rời nhà Hờ Nhan, chúng tôi tìm đến nhà Hờ Mâu, 32 tuổi, một nạn nhân khác của những chàng thủy điện “chơi xong dông”. Chưa đến cổng, chúng tôi đã thấy Hờ Mâu và đứa con “rớt” tên là A Lê Toàn Hão Huyền đang ngồi ngoài bậc cửa. “Mình biết ai đọc lên tên con đều cảm thấy tức cười nhưng mình phải đặt vậy để luôn nhớ về cái quá khứ đầy hão huyền khi trót trao thân, gửi phận cho một người khách qua đường”, Hờ Mâu chia sẻ.

 

Các sơn nữ và con cái ở xã Suối Trai nhận quà trợ cấp

 

Năm 2005, khi đang là nhân viên tại Bưu điện văn hóa xã Suối Trai, Hờ Mâu gặp Quốc Thắng (quê ở Đô Lương, Nghệ An), một khách “ruột” của bưu cục. Nhớ lại tình yêu đẹp "như mơ" một thời Hờ Mâu kể lại trong xót xa: “Không như trai trong buôn cục mịch, ít nói, ảnh nói chuyện hay đến nỗi “con kiến trong tổ phải bò ra” nên mình ưng cái bụng lắm. Mình tưởng Thắng thiệt lòng thương yêu mình nên luôn đáp ứng những “đòi hỏi” chính đáng lẫn… quá đáng của anh ta. Khi cái bụng “to bằng cái nong” mình bảo đến lúc “bắt chồng” (phong tục của người Ê Đê) thì anh ta lại lần lữa, tìm cách động viên mình ráng chờ thêm một thời gian để kiếm tiền lo cho hạnh phúc lứa đôi", Hờ Mâu ngậm ngùi. Lúc đó, thấy Thắng nghĩ được vậy, Hờ Mâu mừng lắm, cô ngây ngất trong tình yêu của Thắng mà không chút mảy may nghi ngờ. Chỉ đến khi dự án thủy điện xây xong thì Thắng cũng biến mất mang theo những lời "thề non hẹn bể".

Sau “sự cố trên”, Hờ Mâu dẫn con về ở cùng cha mẹ. Nhưng rồi em gái Hờ Mâu “bắt” được chồng về ở rể nên giờ 2 mẹ con Hờ Mâu phải ra ngoài thuê nhà với giá 110.000 đồng/tháng.

Trong khi đó chị Nguyễn Thị Kim Thanh, 33 tuổi lại thuộc trường hợp khác. Chị Thanh từng có chồng là người Nghệ An, có cưới hỏi đàng hoàng và chị cũng đã theo chồng về Nghệ An ra mắt bên nội. Tuy nhiên do chồng làm nghề xây dựng thủy điện “rày đây mai đó” nên đã theo người đàn bà khác, bỏ rơi hai mẹ con chị. Trường hợp của Hờ Dên ở buôn Thống Nhất cũng đặc biệt.

Cách đây 7 năm, Hờ Dên ly hôn chồng, một tay nuôi 3 đứa con. Đến năm 2006, Hờ Dên gặp và làm quen với một công nhân ở Nam Định. Những tưởng đời mình từ đây sẽ bước sang trang mới đến nhưng khi chưa kịp thông báo về “giọt máu” của anh ta mà chị đang mang trong người, Hờ Dên đã phải ngậm ngùi nuôi con một mình vì anh này cũng mang… họ Sở.

 

Những đứa con Hờ Dên tự chăm sóc lẫn nhau bởi mẹ
còn bận lên rẫy

 

Càng cay đắng hơn nữa, mặc dù bị lừa tình nhưng vẫn có không ít chị em “thủy điện” vẫn tin vào “sự trở lại” của những gã họ Sở. Chị Lê Thị Mơ, 26 tuổi, ở xã Suối Trai, cho biết: “Ảnh đâu có phũ phàng lắm đâu bởi hồi trước ảnh cũng đưa tiền cho mình nuôi con. Hôm bữa ảnh có gọi điện bảo mình cố gắng tự xoay xở, nuôi con một thời gian, khi nào ảnh làm có tiền sẽ về bù đắp cho mẹ con mình. Nếu ảnh về mình vẫn sẵn sàng tha thứ cho ảnh (?)”. Đề cập đến việc hàng loạt chị em bị lừa tình, chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Trai ngán ngẩm: “Do sợ bị bắt vạ, mang tiếng xấu nên trai tráng trong buôn hiếm khi gây “hậu quả” rồi “bỏ của chạy lấy người”. Do đó, nhiều phụ nữ trong xã cứ nghĩ những chàng thủy điện cũng thật thà như trai buôn mình nên đã dính quả lừa”. Đau đớn hơn, cũng chỉ vì thích nghe lời “ngon ngọt” nên hiện ở xã Suối Trai có gần chục sơn nữ lâm vào cảnh “có con không chồng”.

Tương lai tăm tối

Từ nhỏ đến lớn, các sơn nữ chưa từng bước chân ra khỏi nơi cư trú nên  khi bị “lừa tình”, họ cũng chẳng biết đi đâu, về đâu để tìm “chồng”. Chúng tôi đến nhà Hờ Bia (25 tuổi) đúng lúc Hờ Bia đang từ rừng trở về nhà. Sau lưng Hờ Bia củi, rựa đeo lủng lẳng. Nhìn Hờ Bia không khác gì một nam phu thực thụ ngoại trừ… phía trước ngực địu thêm một đứa bé nằm nghiêng, úp mặt ngủ ngon lành. Từ khi “không chồng mà chửa”, Hờ Bia chịu cảnh ghẻ lạnh của gia đình đến mức không chịu nổi, phải dọn ra ở riêng.

Ban ngày Hờ Bia địu con vào rừng kiếm củi về đổi cho các hàng quán dưới đồi để lấy từng lon gạo, miếng đậu, con cá…Nhiều lần con Hờ Bia bị đám bạn đánh vì tội “không có bố”, nó lại chạy về nhà níu áo chị khóc đòi, làm lòng Hờ Bia càng thêm quặn đau.

Ở nơi rừng rú này, có chồng phụ kiếm cái ăn cũng đã “chảy máu mắt” huống chi chịu cảnh một mình nuôi con. Đối với những sơn nữ trót “ăn trái cấm” mà không bắt được chồng thì xem như cuộc đời bỏ đi bởi chẳng có chàng trai nào “đủ dũng cảm” để làm chồng “vợ người khác”. Trong khi đó, hầu hết những sơn nữ này đều nghèo, lấy đâu ra tiền để “bắt” chồng mới. Khi còn son, mỗi sơn nữ muốn “bắt được chồng” thường phải có từ 4 – 5 con bò (trị giá khoảng 30 triệu đồng) “làm vốn”. Nếu lỡ có con thì bị phạt thêm 1 – 2 con bò. Ngoài ra, do không có bố nên các trẻ ở đây rất khó khăn trong việc “kiếm cái chữ”, một phần vì không có điều kiện theo học, phần khác lại bị bạn bè trêu ghẹo nên các em trở nên mặc cảm, luôn tìm cách nghỉ học, trốn lên rẫy với mẹ.

Theo chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Trai, Hội đã tìm cách giúp đỡ chị em như tạo điều kiện vay vốn và hướng dẫn cách làm ăn nhưng do nguồn vốn cũng có hạn nên cũng không giải quyết được bao nhiêu. Trong khi đó đa phần chị em đều sống nhờ vào hái lượm, nương rẫy nên rất khó làm kinh tế hiệu quả.

Chị Đoàn Thị Thu Hương, nhân viên Trạm Y tế xã Suối Trai, lo lắng: “Do sống trong cảnh nghèo khổ nên hầu hết những đứa con “rơi rớt” ấy đều bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là cách đây vài năm, cơ quan chức năng đã từng bắt quả tang hàng chục công nhân thủy điện sử dụng ma túy. Qua xét nghiệm, có bảy người nhiễm bệnh HIV/AIDS và hiện hai trong số đó đã chết. Không biết có chị em và cháu nào bị lây không ???”….

Thủy điện Sông Ba Hạ hoạt động, ít nhiều đem lại nguồn sáng cho người dân nơi đây. Nhưng với những sơn nữ kể trên, tương lai của họ chỉ toàn màu tăm tối không lối thoát…

Lưu Tình

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc