13 năm làm vợ- bà Nguyễn Thị Bích Thảo chỉ gặp chồng mình vẻn vẹn 6 lần. Lần gặp nào cũng vội vàng và không quá 3 ngày, rồi ông lại đi biền biệt. Đến một ngày của năm 1969, bà hay tin ông đã mất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968. Bà ở vậy nuôi con từ bấy đến nay. Vẫn giữ nguyên vẹn trong tim mình những ký ức về chồng mình - Trung tá Đỗ Đình Sửu.
[links()]
Một câu hẹn ước, chờ đợi 8 năm
Bà Thảo sinh năm 1923 trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng. Ông bà là cụ Nguyễn Văn Viễn, trước là nghĩa quân của cụ Hoàng Hoa Thám. Cha bà là cụ Nguyễn Văn Nghiêm cũng từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Anh trai bà là nhà văn Như Phong (tức Nguyễn Đình Thạc) một nhà văn tham gia tích cực trong các phong trào, hoạt động chống Pháp.
Chính vì vậy mà ngay từ nhỏ cô bé Bích Thảo cùng hai chị gái đã sớm được giác ngộ cách mạng và theo anh, cha tham gia các hoạt động của cách mạng (dẫn chứng cụ thể).
Những ngày Hà Nội kháng chiến chống Pháp, cô thiếu nữ Hà Thành Bích Thảo cùng hai chị bị bố mẹ bắt đi sơ tán bảo “ở lại không giúp được gì” nhưng cả 3 chị em nhất quyết ở lại bảo vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa.
17 tuổi, Thảo gia nhập Đội Thanh niên cứu quốc. Trong 60 ngày đêm giữ Hà Nội ấy, mối tình của Thảo được nảy nở nhờ mai mối của các em thiếu sinh quân.
Những chú bé 13- 14 tuổi làm liên lạc trong thành phố thấy anh Sửu chiến đấu dũng cảm và chị Thảo xinh đẹp nên thường gán ghép hai người với nhau. Vô tình, cả hai đã thầm thương trộm nhớ hình bóng nhau từ chính những lời gán ghép ấy của các em thiếu sinh quân.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Thảo khi còn trẻ |
Dù cùng mặt trận nhưng Bích Thảo chiến đấu ở Đồng Xuân còn Đình Sửu lại chiến đấu ở mặt trận Đông Thành nên cả hai không có cơ hội gặp mặt. Ban đầu Thảo rất ngại vì nhiệm vụ quan trọng lúc này là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thế nhưng sự chân thật quả cảm và tinh thần chiến đấu anh dũng của chàng trai đã làm bà cảm mến.
Mối liên hệ giữa hai người trong những ngày khói lửa ấy là những cánh thư tay do thiếu sinh quân chuyển hộ.“Ngày ấy vì điều kiện chiến tranh nên chúng tôi chỉ biết mặt nhau qua những tấm ảnh, và cảm nhận nhau qua những lá thư tay. Những cánh thư tay ngày đó chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua 60 ngày đêm mưa bom bão đạn”, bà Thảo chia sẻ, đôi mắt chợt nhòa đi vì nhớ lại kỷ niệm xưa.
Hai tháng cũng qua đi, rồi Thủ đô cũng đã toàn vẹn, ngày gặp mặt đã cận kề thì cũng chính là lúc chiến sĩ Đỗ Đình Sửu nhận lệnh lên đường chiến đấu. Người con gái Hà Nội đang tuổi trăng tròn ấy không ngờ rằng lần đầu tiên gặp mặt cũng là dấu mốc đánh dấu 8 năm dài chờ đợi đằng đẵng.
“Sau 60 ngày đêm chiến đấu, tôi về làm trong bệnh viện của bác sĩ Nhữ Thế Thảo. Khi hành quân đi qua ông Sửu nhìn thấy đã xin chỉ huy chạy lại nói lời từ biệt: “nếu còn sống, hẹn ngày trở về anh sẽ đến xin cưới Thảo”.
Ông Sửu hành quân chiến đấu ở nhiều nơi, về sau lên Việt Bắc rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh liên miên khiến hai người bặt tin nhau, thế nhưng Bích Thảo vẫn ghi nhớ lời hẹn ước và tin tưởng ngày người yêu trở về. “Ngày ấy, có lúc tôi nghĩ ông ấy đã hy sinh rồi. Và nếu đúng thế thì tôi nguyện sẽ ở vậy, không lấy ai nữa”.
Lấy nhau 10 năm vẫn chưa biết quê chồng
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo kể về chuyện tình của mình với người chồng quá cố - Trung tá Đỗ Đình Sửu. |
Niềm vui như vỡ òa khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, trung đoàn thủ đô trở về trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân. Cuộc hội ngộ thấm đầy nước mắt của niềm vui sau 8 năm xa cách. Đám cưới diễn ra giản dị ở ngôi nhà đi mượn số 55 Hàng Bông, chỉ có gia đình và chục người bạn, vài điếu thuốc, nước chè, rồi tất cả kéo nhau ra Hồ Gươm chụp ảnh.
Bà Thảo ngậm ngùi nhớ lại: “Ngày ấy, ông xin nghỉ phép 1 tuần để lo đám cưới nhưng chưa đầy 3 ngày đã nhận lệnh phải về đơn vị gấp. Vậy là lại xa nhau suốt mấy năm trời. Lần nào cũng thế, ông bà xa nhau vài năm mới có dịp gặp nhau 1 lần, ấy vậy mà lần nào cũng chưa đầy 3 ngày… Âu cũng là do hoàn cảnh chiến tranh”.
Bà Thảo cho hay, ngay cả khi đã là vợ chồng thì điều duy nhất bà biết về ông là sự nhanh nhạy, dũng cảm, yêu nước, còn quê quán ông ở đâu, gia đình thế nào cũng không rõ:
“Lúc chúng tôi cưới nhau không có nhiều thời gian để hỏi han tỉ mỉ gia cảnh. Cưới xong thì ông lên đường, tôi lại ở nhà vừa công tác, vừa chăm con. Mãi đến khi các con đã lớn mới nghĩ đến việc tìm về quê cha đất tổ. Hỏi ông thì ông bảo cũng không nhớ quê ở đâu, chỉ nhớ là ở Nam Định, vì ông cũng bị lạc trong chiến tranh”.
Nghe bố nói vậy, 5 mẹ con lại cất công về tận Nam Định nhờ người đi tìm quê cho chồng. Người thân bà tìm được là vợ chồng người bác đã nuôi nấng ông Sửu từ bé, gia đình đều không còn ai. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Bích Thảo cũng xin phép được đưa hai bác lên Hà Nội để chăm sóc phụng dưỡng.
Sau đó ông Sửu được cử đi Liên Xô học 4 năm. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do bà Bích Thảo lo liệu. “Khổ nhất là những ngày cả mấy đứa cùng ốm. Chẳng còn cách nào, tôi đành phải mang mấy đứa vào viện cùng.
Mẹ đi thăm khám bệnh cho bệnh nhân, con thì nằm trong phòng nghỉ của y tá. Rảnh ra lúc nào lại tất tả chạy đến thăm con. Cũng may mấy đứa cũng ngoan, không khóc quấy”.
Lương tháng 38 đồng chẳng đủ để nuôi 7 miệng ăn, có lúc bà Thảo phải bán máu lấy tiền trang trải cuộc sống. “Những lá thư nhận được đều đặn hàng tuần từ ông chính là động lực giúp tôi vượt qua quãng thời gian khốn khó đó”- bà cầm trên tay tập thư gồm hơn 1000 lá thư ông Sửu gửi, bồi hồi kể lại.
Thế rồi thời gian 4 năm học ở Liên Xô cũng trôi nhanh như trong thư ông viết cho bà (hay cũng tự an ủi mình): “Rồi thời gian sẽ trôi qua nhanh thôi, và anh sẽ trở về gặp Thảo yêu thương của anh và các con”.
Năm 1966, ông trở về. Lần này cũng chỉ gặp nhau chưa đầy 3 ngày là ông lại có lệnh lên đường đi B. Lần trước khi ông đi Liên Xô, bà tiễn ông ra tận ga Hàng Cỏ, còn lần này ông chỉ cho tiễn đến chân cầu thang. Bà nào ngờ đó lại là cuộc chia ly vĩnh viễn.
Thời gian này ông bà vẫn viết cho nhau đều đặn 1 tuần 1 lá thư. Nội dung những lá thư vẫn là tình yêu của ông Sửu dành cho: “Thảo thương yêu của anh” nhưng nội dung đã bắt đầu kể về sự cam go của cuộc chiến đấu:
“Nếu tính riêng ở Bắc Quảng trị thì từ đầu năm đến nay ta đã diệt trên 30.000 lính Mỹ, đặc biệt là bọn lính thủy đánh bộ - bọn hung hăng nhất của đội quân xâm lược Mỹ. Thảo chịu khó nghe đài đọc báo, nếu có những chiến công mới ngày càng lớn hơn ở Bắc Quảng Trị thì Thảo lại càng tự hào vì ở đó có phần đóng góp nhỏ của người mà Thảo yêu nhất.
Thế bây giờ anh hôn Thảo yêu của anh nhé! Thảo ơi, cuộc chiến đấu sắp tới sẽ gay go hơn, ác liệt hơn vì bọn chúng đang bị dồn vào thế khốn quân, bị động nhưng chúng ta phải quyết đánh mạnh hơn để giành những thắng lợi to hơn, đánh gục, đánh bại ý chí xâm lược của nó…”
Năm 1969 khi đang chuẩn bị kỳ thi vượt cấp của lớp học y sĩ ở Hà Tây thì anh rể đến xin Ban giám hiệu cho bà về nhà “giải quyết việc gia đình”. Nhà trường đồng ý nhưng mặc cho anh rể nói thế nào bà cũng không chịu về. Linh cảm như có chuyện chẳng lành, bà Thảo hỏi:
“Anh nói thật cho em biết đi. Ở nhà có chuyện gì? Hay là anh Sửu đã…”. Anh rể bà lặng lẽ gật đầu, bà òa khóc, bên tai vẫn văng vẳng lời nói của anh, ngắt quãng: “hy sinh… Tết Mậu thân… lễ truy điệu…”. Cố gắng nén nỗi đau, bà thưa với anh rể xin rời ngày làm lễ truy điệu chồng vì:
“Em không thể về được. Lớp em có gần 100 chị em, đa phần trong số họ đều có chồng đi B. Kỳ thi vượt cấp sắp đến rồi, nếu em về lúc này sẽ gây hoang mang trong lớp, mọi người sẽ không học được”.
Bà Thảo kể, giọng nghẹn lại: “Đau khổ mà không thể tâm sự với ai, đêm về chỉ biết khóc một mình”. Thế rồi bà vẫn phải gượng dậy, phải sống mạnh mẽ để tiếp tục nuôi con.
Ngày ấy cũng có người khuyên bà đi bước nữa để lấy chỗ nương tựa nhưng người con gái ấy kiên quyết không nghe. Ấy vậy mà cũng đã gần 50 năm trôi qua, bà Thảo vẫn sống một mình trong ngôi nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế trong tình yêu thương của bà con xóm giềng.
Dù các con tha thiết mong bà về ở với họ nhưng bà bảo bà muốn ở trong căn nhà này, nơi ông bà đã có những năm tháng gắn bó chồng vợ.
Bàn thờ ông đặt ở đây, sáng sớm nào bà Thảo cũng dậy nói chuyện với ông, đi đâu bà cũng khấn ông, lúc rảnh bà lại mang những lá thư của ông ra đọc. Chẳng lúc nào bà thấy cô đơn vì bà bảo: “ông luôn ở cạnh bà”.
- Trần Vĩnh Ninh