“Liên ơi! Em đừng để anh trở thành kẻ yếu hèn theo định mệnh. Anh không thể thành kẻ si tình… Thật đau khổ khi ta phải từ bỏ những ý định nóng hổi nhất. Nhưng biết làm sao trước nhiệm vụ ta phải dẹp tất cả để ra đi. Như vậy không phải là tự dối lương tâm mình mà cũng không phải vì danh dự hão huyền. Ta ra đi để làm đúng bổn phận, trách nhiệm của người lính. Ta ra đi để mang sức mình một cách hăng hái nhất hiến dâng cho Cách mạng, cho Tổ quốc", trích bức thư tình liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến gửi người yêu trong tủ sách Mãi mãi tuổi 20, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
[links()]
Gác tình riêng vì nghĩa lớn
Mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện viết trong những trang nhật ký thuộc tủ sách Mãi mãi tuổi 20 đều chứa đựng những tình cảm, nỗi niềm chan chứa của người con xa quê lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Làm sao liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến có thể viết ra được những dòng chan chứa về tình yêu đôi lứa, về tâm tư tình cảm khiến cho người đọc phải xúc động đến vây? Để có được bức thư tình cảm động đó, trước khi lên đường tòng quân đánh giặc, liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã có một mối tình cảm động với cô gái cùng quê Nguyễn Thị Lưu Liên.
Cô gái Nguyễn Thị Lưu Liên trẻ trung, xinh xắn của những năm kháng chiến ngày nào giờ đã lên chức bà trong gia đình bé nhỏ, hiện đang sống tại nhà 7A9 khu tập thể Đại học Ngoại Ngữ, Cầu Giấy, Hà Nội. Mối tình đầu của cô với liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã đi vào quá khứ, nhưng với cô đó “mãi mãi là điều thiêng liêng trong suốt cuộc đời”.
Trong căn nhà nhỏ - mái ấm hạnh phúc hiện tại, cô Liên kể cho tôi nghe về chuyện tình cách đây hơn 40 năm về trước. Mở đầu câu chuyện, cô bảo mối tính của cô với chú Tiến đẹp như “cổ tích” vậy, đó cũng là mối tình đầu, khiến cô không bao giờ quên.
Cô Nguyễn Thị Lưu Liên |
Những năm tháng chiến tranh gian khó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi lại tự do cho dân tộc được đặt lên hàng đầu, cô và chú Tiến cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngày ấy, gia đình cô Liên thuộc vào hàng khá giả, cô là “tiểu thư khuê các” trong vùng.
Còn chú Tiến thì ngược lại, “tuổi thơ của chú Tiến vất vả, lăn lộn để kiếm sống bằng nghề bán lạc rang tại thị xã Hà Đông”. Xuất thân từ trong hai gia đình thân thế khác nhau, nên cô và chú như hai khoảng trời riêng, cô bảo:
“Chú Tiến người tầm thước, da ngăm đen, tính tình sôi nổi, hay hát, hay cười, có chiếc răng khểnh rất duyên... Chú đôn hậu, dễ gần, từng trải, giàu vốn sống thì cô lại là người ích kỷ, ngây thơ”. Tuy nhiên, tình cảm con người, nhất là “tình yêu” luôn luôn khó lý giải và con người không sao hiểu hết được.
Hai con người vốn dĩ không giống nhau, tưởng như không thể dung hòa đấy khi ghép lại đã đã trở thành “một cặp” uyên ương giữa thời chiến.
Cô Liên bùi ngùi nói tiếp: “Hồi ấy, hai người cùng học chung trường phổ thông Lê Hồng Phong. Cứ ngỡ sự khác biệt về xuất thân và tính cách làm hai người không thể gần nhau. Nhưng sau những lần chú Tiến đi đá bóng giao lưu với các đội bóng trường khác, cô lại là thành viên trong đội cổ vũ của trường.
Chỉ qua vài lần trò chuyện, vài cái bắt tay, hình ảnh, anh chàng Tiến chăm ngoan, đá bóng giỏi cứ thế đi vào trong trái tim cô lúc nào không biết. Rồi dần dần cô trở thành cổ động viên trung thành của đội bóng. Mỗi lần có trận bóng chú Tiến góp mặt là cô phải viện lý do trốn nhà đi cổ vũ.
Ngược lại, mỗi khi cô biểu diễn văn nghệ chú lại là khán giả ngồi ở hàng ghế đầu. Mối tình thanh mai trúc mã giữa cô và chú Tiến lúc đó được bạn bè ngưỡng mộ, vun đắp nhiệt tình.
Lớn lên, chú nhập ngũ, huấn luyện trên Sơn Tây, còn cô làm kế toán ở Xí nghiệp ươm tơ huyện Hoài Đức. Hai người lúc này ít có thời gian bên nhau, nhưng tình yêu vẫn nồng nàn lắm”.
Đã có lúc vì nhớ chú Tiến mà cô Liên tình nguyện viết đơn đi vào chiến trường với mong muốn được một lần gặp người yêu, hiểu được cuộc sống và chăm sóc cho người mình yêu. Nhưng rồi, gia đình cô biết chuyện đã “can thiệp” nên suy nghĩ đó của cô không thể thực hiện được.
Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến được gia đình cô Liên lưu giữ như một báu vật. |
Rồi những lần cô mong muốn được kết hôn nhưng do chú Tiến chỉ đôi ba lần tranh thủ về nhà trong chốc lát rồi lại phải lên đường đánh giặc. Nghĩ nếu như hai cô chú kết hôn xong mình lại phải vào Nam ra Bắc đánh giặc, không hẹn ngày trở về nên chú Tiến lưỡng lự bảo cô:
“Chiến tranh còn kéo dài, trong thời gian ngắn nữa thôi anh sẽ lên đường vào Nam chiến đấu. Chiến tranh không biết trước điều gì, nếu không may anh hi sinh, một mình em phải gánh vác gia đình, và bố mẹ già thì quá sức của em. Chờ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng anh sẽ về cưới em làm vợ và chăm sóc cho gia đình”.
Thế là ý định “có một hôn nhân hạnh phúc với mối tình đầu trong sáng” của cô Liên đành khép lại nhường chỗ cho lý tưởng cao đẹp mà cả nước đang hướng tới. Một ngày tháng 5/1968, chú Tiến tranh thủ về thăm gia đình, thăm người yêu chốc lát rồi vội vã lên đường vào Nam bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng chính là lần cuối cùng mà hai cô chú gặp nhau. Cô Liên nhớ lần cuối cùng gặp chú Tiến: “Trong một lần nhận được lệnh vào Nam, trước khi đi chú Tiến về gặp cô, khi nhìn thấy đôi gối mà cô đã chuẩn bị cho đám cưới, chú đã ôm ghì lấy cô và khóc.
Trước khi ra đi, cô tặng chú chiếc khăn tay thêu bông hoa hồng màu tím, còn chú tặng cô cuốn nhật ký chú viết thời gian chú luyện quân, cùng với chiếc nhẫn đính hôn do tay chú làm, với hẹn ước:
Nếu anh không về, lúc nào em nhận được chiếc khăn tay này từ đồng đội của anh, lúc đó anh chắc chắn đã hy sinh, em hãy đi tìm hạnh phúc mới cho mình. Còn cô hứa sẽ đợi chú, chú còn nhắn, nếu sau này hi sinh, chỉ có cô mới đón được chú ấy về".
Thế rồi, điều mà chú Tiến dặn cô trước khi lên đường đã trở thành hiện thực. Nhận được tin chú Tiến hy sinh ngoài chiến trường, cô Liên “khóc lóc, vật vã trong đau khổ”. Dường như không tin vào những điều mình nghe thấy, cô vẫn nuôi hy vọng đó chỉ là sự nhầm lẫn trong “cuộc chiến hỗn loạn”.
Tháng 8/1968, cô nghe thấy tin đơn vị của chú Tiến hành quân qua địa phận huyện Thạch Thất, Hà Nội, cô đã không quản ngại khó khăn, một mình đạp xe trong đêm tối vượt hơn 40km để dò hỏi tin tức về người yêu.
Nhưng mọi thứ như sụp đổ khi người đồng đội của chú Tiến đưa cho cô chiếc khăn tay năm nào cô tặng chú. “Nhận lại kỷ vật của người yêu, cô như chết lặng, chắc chắn rằng chú đã hi sinh.
Qua đồng đội, cô biết được chú Tiến hy sinh trong trận đánh ở cao điểm 222 tại chiến trường Quảng Trị. Trước sức tấn công của quân ta, để bảo vệ được vị trí này, quân Mỹ đã dùng bom xăng thả xuống khu vực hủy diệt cả ta và địch...”, cô Liên cho biết thêm.
Ký ức còn sống mãi
Có lẽ vì mối tình đầu của “tuổi 20” quá thơ mộng lên phải rất lâu sau đó cô Liên mới vượt qua được “cú sốc” và tìm lại hạnh phúc cho cuộc đời mình. Những ngày đầu khi biết chính xác người yêu mình đã hy sinh trong chiến trường, cô Liên đã “khóc cạn nước mắt” đến nỗi cô không thể khóc được nữa.
Ban ngày, trước mặt mọi người cô vẫn tươi cười nhưng khi màn đêm buông xuống cô Liên lại ôm gối “khóc một mình”. Những lần đoàn văn nghệ của cô biểu diễn cho người lính xem, nỗi nhớ người yêu vô hạn lại thức dậy trong trái tim người thiếu nữ mới yêu lần đầu ấy. Cô kìm nén tâm trạng để rồi sau đó “chạy ra ngoài sân khấu khóc như mưa”.
Năm tháng qua đi, trong lần đi biểu diễn văn nghệ cho một trường ở xã bên, cô quen với nhà giáo Nguyễn Doãn Hùng. Sau những lần tiếp xúc, thầy Hùng đem lòng yêu mến, nhưng lúc đó cô chỉ coi thầy Hùng là một người bạn bình thường.
“Khi gặp chồng cô bây giờ cô không thích chút nào, chắc có lẽ cô đã dành tình yêu tuổi trẻ cho chú Tiến hết rồi. Nhưng có một lần cô đang ngồi học bài, nhìn ra bên ngoài ô cửa cô thấy chú Tiến về, cô mừng rỡ hét lên:
Anh Tiến về rồi! và chạy vội ra nhưng khi đến nơi đó không phải là chú Tiến mà là chú Hùng. Sau lần đó, cô nghĩ: Chắc anh Tiến đã chọn anh Hùng cho mình nên cô đồng ý lấy chú Hùng làm chồng", cô Liên vui vẻ nói.
Hai người có với nhau 3 người con, chung sống hạnh phúc. “Mối tình đầu” của cô Liên trong gia đình ai cũng biết và luôn được mọi người trân trọng. Cô Liên chia sẻ:
“Ngày đến với cô, chồng cô cũng biết chuyện tình cảm của cô với chú Tiến. Lúc ấy, chồng cô không tỏ ra ghen tuông, giận giữ, trái lại còn động viên cô rất nhiều, giúp cô vượt qua những đau khổ trong chuyện tình cảm.
Từ khi có chú ấy ở bên, cô không còn cảm thấy cô đơn nữa. Rồi cuộc sống gia đình nhiều khi cũng bộn bề những suy nghĩ, lo lắng nên chuyện tình của cô với chú Tiến cũng dần đi vào dĩ vãng và bây giờ cô coi đó như kỷ niệm đẹp của cuộc đời mình”.
Cuốn nhật ký mà liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến viết cho cô Liên luôn được cả gia đình cất giữ như một “báu vật”. Nhiều lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng cô lại lật từng trang nhật ký của chú Tiến viết cho cô, xem những dòng nhật ký chứa chan tình cảm ấy, chú Hùng chẳng những không ghen mà còn “cảm phục” tình cảm của hai người dành cho nhau.
Chú Hùng bảo: “Sống trong thời kỳ chiến tranh ấy, tôi phần nào hiểu được những gian khổ mà mỗi người dân Việt Nam trải qua. Ai cũng phải hy sinh cái tôi cá nhân vì mục đích lớn của dân tộc. Tình cảm của bà nhà tôi với anh Tiến là một tình cảm đẹp.
Đọc những dòng nhật ký của anh ấy viết cho vợ tôi, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi còn sống để được hưởng hạnh phúc đôi lứa, hạnh phúc gia đình. Chính điều đó thôi thúc tôi phải vun vén hạnh phúc cho gia đình mình hơn, thay anh Tiến chăm sóc cho vợ tôi nhiều hơn nữa”.
Chào tạm biệt cô Liên ra về, tôi chợt nhớ đến câu văn trong chuyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu:
“Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá… Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào vuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”.
- Đông Tẩu