Chuyện tình của cô gái bán dâm có gò má sát chồng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tứ hứa với tôi cô sẽ làm lại cuộc đời một cách đàng hoàng sau khi quay trở về với xã hội. Tôi tin vào lời hứa của cô cũng như rất nhiều lần tôi đã đặt lòng tin vào sự lương thiện của con người.

(Phunutoday) - Tôi đã từng tranh cãi rất gay gắt với một cô bạn, chủ đề xoay quanh một câu nói mà cô ấy trót nói ra trong một lần nói chuyện: “Vì nghèo nên tôi phải đi ăn cắp và làm đĩ”. Cô ấy nói rằng, cô có thể thông cảm được với hoàn cảnh của những con người bị đẩy vào đường cùng. Tôi thì lại kiên quyết phản đối: “Dù gì, cũng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh. Các cụ mình chẳng đã dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm” đấy thôi”.

[links()]

Cuộc đời bao giờ cũng thật đến tàn nhẫn

Tứ khóc nức lên khi nghĩ đến con: “Em chỉ sợ nó sẽ chẳng thể nào thành người tử tế”. (Ảnh minh họa)
Tứ khóc nấc lên khi nghĩ đến con: “Em chỉ sợ nó sẽ chẳng thể nào thành người tử tế”. (Ảnh minh họa)

Tôi không có ý định thanh minh thay cho cô nhân vật của tôi, cũng không muốn thuyết phục bạn đọc làm điều đó. Tôi chỉ hy vọng, câu chuyện về cuộc đời của một cô gái, biết đâu lại khiến chúng ta nhìn cuộc đời này một cách độ lượng hơn, bởi những giá trị không bao giờ mang chân lý tuyệt đối.

Những cô gái lầm lạc mà tôi đã từng gặp đa phần có xuất thân nghèo khó. Họ đến từ những vùng quê, những vùng núi nghèo xác nghèo xơ, nghèo quay nghèo quắt mà người thành phố không bao giờ có thể tưởng tượng ra nổi.

Nếu chưa từng đi qua những vùng quê ấy, chưa ao giờ ăn cùng họ một bữa cơm thì có lẽ khi đọc bài báo này, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây chuyện này là bịa đặt.

Tứ - là con gái thứ tư trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở vùng miền núi Lương Sơn - Hòa Bình. Ngay đến cái ăn cũng phải chạy ăn từng bữa nên cái tên không quan trọng với những đứa trẻ được chào đời.

Vì thế, tên của anh em Tứ được đặt theo thứ tự ra đời của từng người. Nhưng thật trớ trêu, nơi tôi gặp cô không phải là tại nơi miền quê nghèo mà cô đang sống, cũng không phải ở tại gia đình đông đủ anh chị em của cô mà là ở trong một Trung tâm giáo dục xã hội - nơi tập trung những cô gái mại dâm, nghiện ma túy.

Tứ là gái mại dâm, cô khó nhọc cúi mặt thừa nhận điều đó không phải bằng một lời khẳng định mà là bằng một câu trả lời có tính chất phủ định loại trừ: “Em vào đây không phải vì nghiện ma túy”. Câu chuyện ban đầu của chúng tôi gượng gạo, chậm rãi bởi sự mặc cảm của Tứ. Khi nhớ lại quãng thời hạnh phúc nhất của mình, Tứ òa khóc.

Dù lớn lên trong nghèo khó và không được học hết phổ thông cơ sở nhưng cuộc đời Tứ êm đềm, không sóng gió nơi vùng quê yên bình cách thủ đô Hà Nội không xa lắm. 17 tuổi, cô gái Mường được gả cho một chàng trai trong xóm.

Chỉ chưa đầy 1 năm sau, hai vợ chồng cô sinh được một cậu con trai bụ bẫm. Đời sống lúc đó tuy nghèo nhưng hai vợ chồng trẻ lại tràn đầy hạnh phúc và niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng. Chồng đi làm thợ mộc thuê, Tứ ở nhà làm rẫy, thời gian rảnh rỗi, cô nuôi thêm gà để tăng gia.

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua cho đến một buổi chiều mùa đông năm 2008, Tứ nhận được tin dữ: Chồng cô bị tai nạn rơi xuống vực trên khi đi chở gỗ về xưởng mộc. Tứ ngất xỉu khi nghe tin dữ, trên tay đứa con trai hơn 1 tuổi khóc ngặt nghẽo.

Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi thì trong đám tang của chồng, ông thầy cúng do gia đình mời đến cầu siêu tuyên bố: Tứ là nguyên nhân gây ra cái chết của chồng. Thầy cúng phân tích: Tứ gò má cao, khuôn mặt sắc nhọn như con bọ ngựa trên tay có hung khí.

Tứ là ngôi sao xấu chiếu mệnh chồng và gia đình nhà chồng nên cái chết của chồng cô chỉ là khởi đầu cho hàng loạt tai họa sẽ kéo đến trong thời gian tới. Quá hoảng sợ trước lời phán nghiệt ngã của thầy cúng, gia đình nhà chồng đã đuổi hai mẹ con cô ra khỏi nhà dù cô đã hết lời van xin và đứa trẻ trên tay cô đang khóc ngằn ngặt vì hoảng sợ.

Trở về nhà, bố mẹ đẻ dù thương con nhưng cũng không dám nhận lại. Họ chỉ biết lặng lẽ dựng cho con gái một túp lều nhỏ ngoài rẫy để hai mẹ con cô tránh mưa tránh nắng. Bị xua đuổi ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, con trai thì ốm yếu quặt quẹo, lúc đó Tứ chỉ muốn ôm con lao đầu xuống vực để đi theo chồng.

Thế nhưng khi đứng bên bờ vực, nhìn đứa trẻ vô tội trên tay, cô biết mình không thể nào thực hiện được hành động tàn nhẫn đó.

“Vì con, việc đê tiện hơn em cũng làm”

Không thể nhìn con chết vì héo hon, Tứ gửi con lại cho ông bà để theo mấy người bạn cùng xóm xuống Hà Nội làm công nhân bao bì trong khu công nghiệp. Thời gian rảnh rỗi, cô đi rửa bát cho một quá phở gần đó để tăng thêm thu nhập.

Nghĩ đến con, bao nhiêu nỗi cực khổ cũng không làm cho Tứ nản lòng. Với thu nhập ít ỏi hang tháng nhận được, số tiền còn lại sau khi đã ăn tiêu và trả tiền thuê nhà chỉ đủ để Tứ gửi về cho ông bà ngoại mua sữa cho con, mà không dư ra được đồng nào để tích cóp phòng khi con đau ốm.

Thế rồi, cái điều mà lúc nào Tứ cũng nơm nớp lo sợ cũng đến. Con trai cô phải vào bệnh viện vì bị viêm phổi và sốt cấp tính. Chạy vạy vay mượn những người bạn làm cùng được 5 triệu đồng, cô đưa con vào viện trong nước mắt, Tứ sợ ông trời sẽ cướp đi nốt niềm hy vọng cuối cùng của cô.

Con vừa khỏi bệnh thì gánh nặng nợ nần lại đến. Những người bạn gái ở khu công nghiệp cũng nghèo khó như Tứ. Họ cũng có gia đình, có hàng trăm mối nhọc nhặn canh cánh bên lòng nên họ chẳng thể nào giúp gì được cô.

Nếu thiếu tiền, con của họ cũng đói. 5 triệu, với nhiều người chỉ là một số tiền rất nhỏ nhưng với cô đó là cả một gia tài. Đêm đó, Tứ đã giãy nảy khi nghe cô bạn gái cùng phòng trọ đề nghị: “Hay là mày đi làm ở quán hát cùng tao?”.

Cũng đêm đó, khi cô bạn đã ngon giấc, Tứ nằm khóc một mình. Cô nghĩ đến những giây phút hạnh phúc bên chồng. Rồi hình ảnh đứa con trai lại hiện ra. Nước mắt cứ tự dưng chảy tràn khi cô quyết định bán mình.

Tứ nói với tôi: “Nếu có một mình em thì khổ thế, khổ nữa em cũng chịu được nhưng em còn con em nữa. Em không muốn nó chết vì đói, chết vì bệnh tật. Nếu mất con, em chẳng thể nào sống được trên cõi đời này nữa”.

Tứ kể, lần đầu tiên chung chạ với một gã đàn ông không phải chồng mình, cô không khóc. Lúc đó, cô có cảm giác như ánh mắt người chồng đang nhìn cô trong căn phòng nhớp nhúa ấy. Đến tận bây giờ, cô vẫn không quên được ánh mắt đó. Tứ nói rằng, dù biết là có lỗi với chồng nhưng cô không thể để mất con chỉ vì không có tiền!

Tôi đã từng không tin vào sức mạnh của đồng tiền nhưng tôi nhìn thấy nhiều người sa ngã vì tiền. Người ta sẵn sàng bán đi rất nhiều thứ còn kinh khủng hơn cả thể xác, chỉ để có thứ giấy ma mãnh ấy khi mà người ta không hề nghèo, cũng chẳng hề bị đẩy đến đường cùng. Rất nhiều người trong số đó, cũng đổ lỗi cho sự xô đẩy của hoàn cảnh, của số phận.

Có thể, Tứ không hối hận về những việc mình đã làm bởi cô tin rằng cô đã làm đúng. Nhưng tôi dám chắc một điều, tất cả những người bán mình dù theo cách này hay cách khác, sẽ phải hối tiếc. Giống như nỗi lo sợ của Tứ bây giờ.

Tứ bảo, chuyện cô đi làm gái mại dâm cả bố mẹ và gia đình nhà chồng cũng đã biết. Đó là lỗi lầm của cô và cô sẽ phải gánh chịu tất cả những sự khinh bỉ, dè bỉu của dư luận xung quanh mình. Thế nhưng, điều cô lo sợ nhất chính là khi con trai khôn lớn, nó sẽ phải gánh chịu những lỗi lầm mà mẹ nó đã gây ra. Tứ khóc nức lên khi nghĩ đến con: “Em chỉ sợ nó sẽ chẳng thể nào thành người tử tế”.

Tứ hứa với tôi cô sẽ làm lại một cách đàng hoàng sau khi quay trở về với xã hội. Tôi tin vào lời hứa của cô cũng như rất nhiều lần tôi đã đặt lòng tin vào sự lương thiện của con người.

Một người bạn bảo tôi rằng tôi quá ngây thơ khi đặt quá nhiều niềm tin trong cuộc sống không có điều gì là chắc chắn này.

Tôi thì nghĩ khác, vốn dĩ cuộc đời này chẳng có gì chắc chắn, vậy tại sao chúng ta lại không thể đặt niềm tin để thấy cuộc đời này đáng sống hơn? Vả chăng, tôi tin vào quy luật nhân quả như ngàn đời xưa ông bà ta vẫn tin thế, tôi cũng tin vào cả lòng phục thiện của con người.

  • Tiểu Phi
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn