(Phunutoday) - Chị Hoàng Hồng Kiên, dân tộc Tày, sinh năm 1980 tại Đình Lập, Lạng Sơn bị di chứng chất độc da cam và liệt hai chân từ nhỏ. Trong một lần xuống Hà Đông mưu sinh, chị may mắn được tuyển chọn vào đổi tuyển dành cho người khuyết tật, thi đấu tại tiền Paragame và đã trở thành ngôi sao của thể thao khuyết tật Việt Nam.
[links()]
Trên đường đua, chị đã gặp anh Phạm Hồng Thức, một vận động viên khuyết tật cũng bị mất cả hai chân và tình yêu đã đến với họ như một sự bù đắp xứng đáng của số phận. Hạnh phúc của hai vợ chồng không ở những cuộc thi thố tài năng, những tấm huân huy chương mà hạnh phúc là mái ấm nhỏ với cậu con trai kháu khỉnh, lành lặn và vui khỏe mỗi ngày.
Vợ chồng Hồng Kiên – Hồng Thức. |
Hai số phận, một gia đình
Anh Phạm Hồng Thức, sinh ra và lớn lên lành lặn như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, tai họa ập đến vào một đêm tối trời giữa năm 1989, trên đường đến nhà người bạn, anh đã bị tàu hỏa cán và phải cắt cụt hai chân. Năm ấy Hồng Thức mới 15 tuổi.
Tai nạn khiến anh suy sụp hoàn toàn và đã từng nghĩ đến cái chết! Tuy nhiên, trong một lần xem truyền hình, Hồng Thức thấy có những người đau khổ hơn mình, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, họ vẫn thành công và anh quyết gượng dậy, tìm tòi kế sách mưu sinh để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Một trong những hướng lựa chọn của anh là đi theo con đường của thể thao dành cho người khuyết tật và lựa chọn ấy đã không hề sai lầm khi mà ngoài những thành công gặt hái được thì tại Paragame 2004 tại Thái Lan, anh đã gặp vận động viên khuyết tật Hoàng Hồng Kiên và cuộc đời của hai người chính thức rẽ sang bước ngoặt mới.
Hiện nay, ngoài những lúc hăng say tập luyện chuẩn bị cho các cuộc đua tài, công việc chính của hai vợ chồng Hồng Kiên - Hồng Thức là làm chổi chít. Con trai anh chị là Phạm Tuấn Anh, cháu đã hơn một tuổi. Mong ước lớn nhất của chị Kiên là có thể mở rộng cơ sở, để giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh như mình.
Chị Hồng Kiên hạnh phúc bên cháu Tuấn Anh. |
Chị Hoàng Hồng Kiên là một trong những vận động viên khuyết tật Việt Nam được vinh danh trên nhiều đấu trường nhưng trở về nhà sau những vinh quang ấy là những giọt nước mắt với vô vàn đắng cay. Mẹ chị, một người phụ nữ không may mắn vướng mìn và mất một tay một chân, đau đớn hơn, di chứng ấy còn vương mang mãi đến khi sinh nở chị, một đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam và liệt hai chân từ nhỏ.
Lớn lên, khát vọng được đến trường của chị không thành hiện thực khi thấy một cô bé tật nguyền, chẳng nơi nào chịu nhận, vậy là chị tự mày mò học và nhờ một số bạn dạy thêm. Đến năm 15 tuổi, chị cũng đã biết đọc và biết viết một cách bập bẹ.
Không được đến trường nhưng Hồng Kiên tự học, biết làm thơ và từng đoạt Giải Nhì cuộc thi sáng tác Người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn 1999.
Cũng trong khoảng thời gian này, lúc vừa ý thức được sự vô vị của mình đối với cuộc sống thì điều may mắn cũng đã đến với Hồng Kiên khi Hội Người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn tặng cho chị một chiếc xe lăn, đồng thời giới thiệu chị đến với Hội Người mù thị xã Hà Đông, nơi có một cơ sở chuyên làm tăm tre và chổi chít, dành cho người khuyết tật những mong thay đổi số phận.
Vậy là một ngày đầu năm 2001, chị một thân một mình rời quê hương, quyết định đến Hà Tây (cũ) để đi tìm tương lai.
Ngay hôm đầu tiên xuống đến Hà Đông, hỏi thăm vào đến Hội Người mù thì đúng hôm chủ nhật, và trước rằm tháng giêng nên mọi người không đi làm. Vậy là hôm ấy chị lang thang khắp Hà Đông, tối đến vào nhà trọ thuê phòng ở nhưng người ta không cho dù một đêm ngủ chỉ có 5.000 đồng.
Đêm ấy, chị phải ngủ ở bến xe. Trời vừa sáng, chị đến Hội Người mù Hà Đông xin việc nhưng đến nơi mới biết rằng nơi đây chỉ là một địa chỉ nhỏ tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật quanh khu vực Hà Đông mà thôi. Chị vừa từ xa đến lại không được lành lặn, cái háo hức ban đầu khi bước chân vào Hội giờ tan biến cả.
Chị định quay đi thì nghe nói Hội đang thiếu một người đi bán chổi, nếu chị có thể đi bán chổi thì người ta sẽ nhận nhưng với điều kiện chị phải đi bán thử, nếu làm tốt sẽ được nhận. Và họ giao cho chị 5 cái chổi và được vào làm việc ở Hội Người mù Hà Đông từ đó. Từ đấy, trên chiếc xe lăn, hàng ngày chị dậy sớm, mang chổi đi bán khắp các chợ, ngõ ngách của Hà Đông.
Một ngày cuối năm 2002, chị đến bán chổi ở Trung tâm thể thao người khuyết tật trên phố Khúc Hạo, ở đây chị thấy rất nhiều người cũng khuyết tật như mình nhưng đang luyện tập rất say sưa. Thấy chị khỏe mạnh, huấn luyện viên bảo vào tập thử.
Là con gái miền núi, cộng thêm nhiều tháng ngày đi bán chổi rong giúp chị có một sức bền dẻo dai mà không phải ai cũng có, chị làm khá tốt. Và từ đó chị vẫn thường xuyên qua lại giữa Trung tâm thể thao Khúc Hạo và đi bán chổi, đi tập là để được tham gia vào một phong trào và đi bán chổi để cải thiện đời sống và để duy trì công việc ở Hội Người mù Hà Đông.
Năm 2003, có giải tiền SEA Games, chị tham gia và giành hai Huy chương vàng. Chị đã bật khóc khi lần đầu tiên trong đời được cầm số tiền quá lớn (12 triệu đồng tiền thưởng Huy chương). Rồi Paragame 2005 tại Thái Lan, chị tiếp tục gặt hái thành công khi giành bốn huy chương vàng và một huy chương bạc.
Đi qua những ngày bão
Cũng tại đường đua của Paragame, chị đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với Vận động viên Phạm Hồng Thức. Lúc đó, anh Thức cũng là một Vận động viên xe lăn. Mỗi ngày tập luyện, cảm phục trước sự cố gắng vươn lên của chị, anh Thức đem lòng yêu.
Họ gặp nhau, hai con người có chung cảnh ngộ, khiếm khuyết về cơ thể nhưng đến với nhau bằng tình yêu của hai trái tim trọn vẹn, một ngày giữa tháng 10/2004, chị và anh làm lễ cưới. Sau này mỗi khi nhắc đến anh, chị lại tự hào với đôi má ửng hồng và niềm hạnh phúc không tả xiết, rằng chị may mắn nhất là gặp anh, niềm vui ấy, niềm hạnh phúc ấy đối với chị không bao giờ quên được.
Chị vẫn bảo ông trời lấy của chị đôi chân nhưng cho chị một đôi tay khéo léo, một trái tim yêu thương trọn vẹn và một người chồng. Tất cả những điều đó không phải ai cũng được. Lấy nhau rồi, biết rằng sẽ rất khó khăn nhưng cùng cảnh ngộ sẽ hiểu và cảm thông cho nhau nhiều hơn. Và có lẽ, cũng bởi nhờ tình yêu thăng hoa nên tại Paragame 2005 ở Philipin, hai vợ chồng đều có được thành tích cao nhất.
Ai cũng nghĩ rằng, với những thành tích ấy, cặp Vận động viên khuyết tật Hồng Kiên - Hồng Thức sẽ có một tương lai xán lạn. Nhưng không, cuộc đời đôi khi cũng bất công quá. Đã không may mắn về thân thể, chị lại toàn gặp xui xẻo trên cuộc hành trình.
Số là, tháng 7/2007, trên đường vào Huế thi đấu, chị đã bị tai nạn nghiêm trọng và bị gập đầu gối. Biết rằng lúc ấy, vợ cần mình bên cạnh nhưng anh Thức cũng đành gạt nước mắt lên đường thi đấu. Chị Kiên bảo chồng: “Anh yên tâm thi đấu, em sẽ cổ vũ cho anh!”.
Chồng chị gật đầu và lời an ủi ấy đã thành hiện thực khi anh bất ngờ anh giành 4 Huy chương vàng. Chị Kiên vẫn còn nhớ như in ngày thi đấu anh trở về, vừa gặp vợ, Thức giơ chùm Huy chương vàng bảo: “Đây là phần thưởng dành cho em”, chị nghe mà chị cảm động, mắt nhòe lệ.
Hơn hai tháng nằm viện, chị trở về, âm thầm tập luyện để mong sớm trở lại trung tâm. Một năm sau, trên đường đua tại Paragame 4 ở Thái Lan, một chiếc xe của vận động viên phía sau lao vào khiến cho cánh tay của chị Kiên sai khớp, phải nhập viện ở Băng Cốc. Hôm sau, chị vẫn xin được xịt thuốc giảm đau để bước vào cuộc đua.
Thấy vợ quyết tâm, anh Thức động viên: ”Cố lên em nhé, cố để giành huy chương về cho tổ quốc!”. Chị nắm chặt tay anh, hứa sẽ làm tốt nhất. Tấm huy chương bạc cho đường đua 800m hôm ấy chính là phần thưởng xứng đáng dành cho nỗ lực của chị, nâng tổng giải thưởng tại Paragame lên hai Huy chương vàng và ba Huy chương bạc.
Quả ngọt
Cho đến nay, ngoài những tấm huy chương ở khắp các đấu trường, những thành quả ngày càng phấn chấn trong việc kinh doanh chổi chít thì phần thưởng lớn nhất mà vợ chồng vận động viên Hồng Kiên – Hồng Thức có được chính là một cháu trai cực kỳ đáng yêu.
Nhìn hình ảnh cậu bé chừng hơn một tuổi hiếu động chạy khắp sân. Vì bước chưa vững nên thi thoảng, cu cậu lại vấp ngã. Phía sau, người mẹ trẻ vội vã đẩy bánh xe lăn đuổi theo nựng con, cách đó một khoảng sân, anh Thức đang cặm cụi với mấy chiếc chổi chít vừa nheo mắt nhìn theo cười hiền khô không thể giấu nổi hạnh phúc.
Chị Kiên chia sẻ thêm: “Nhiều người nhìn tôi tỏ ra thương cảm, nhưng tôi thấy mình hạnh phúc lắm. Mình có công việc, có chồng yêu thương và đặc biệt là có cậu con trai ngoan ngoãn. Cháu hoàn toàn bình thường và là chỗ dựa để vợ chồng tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn”.
Với cuộc sống hiện tại, chị luôn thầm cảm ơn mẹ, chính bà đã nghiêm khắc với chị từ nhỏ để giúp chị tự lập sớm và biết vượt qua những khắc nghiệt nhất của cuộc sống. Và hơn tất cả, chị luôn cảm tạ số phận đã dành cho chị một người chồng tuyệt vời với những yêu thương, những cảm thông, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực sống để chị luôn tin rằng, số phận chia đều mọi thành quả cho chúng ta.
Trở về từ Thái Lan, hai vợ chồng lại lao vào công việc sản xuất chổi của mình. Chỉ có hai vợ chồng thôi bởi hiện nay, không nhiều người chịu làm việc dưới trướng của những người khuyết tật mà vợ chồng anh chị lại không có đủ điều kiện để lo chỗ ăn ở cho công nhân của mình.
Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, sau nhiều đêm trằn trọc bàn bạc nhau, anh chị quyết định tạm gác lại sự nghiệp thể thao để trở về lo cho tổ ấm của mình. Hiện nay, anh chị đã trở về Lạng Sơn quê chị, nơi đã ghi dấu thời ấu thơ với những nỗi lo riêng của chị một thời.
Nhưng bây giờ đã khác xưa bởi bên chị luôn có anh, người sẵn sàng đi bên chị suốt cả quãng đời còn lại. Và nếu ai có qua đầu phố chợ Kỳ Lừa đừng quên có một đôi vợ chồng vừa làm nghề kết chổi chít, vừa muối măng. Họ là cặp vận động viên thể thao một thời được vinh danh trên một số đấu trường quốc tế.
Giờ đây, họ đang hạnh phúc viên mãn với những gì mình đang có. Nhờ đường đua định mệnh, họ đã tìm thấy nhau trong cuộc đời này để làm nên mối tình “Song Hồng” để đời trong làng thể thao khuyết tật Việt Nam.
- Hồ Tĩnh Tâm