Chuyện tình không thể lý giải của danh họa Trần Văn Cẩn với cô học trò kém 36 tuổi (2)

06:14, Thứ bảy 19/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Ngày họ đến với nhau, ông đã bước qua tuổi 60 và là hiệu trưởng của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là một danh họa nổi tiếng của Việt Nam, còn bà chỉ là một cô sinh viên mỹ thuật mới bước qua tuổi 20. Hơn kém nhau gần 40 tuổi, đã có thời, mối tình của ông bà bị người đời dị nghị, dèm pha.

(Phunutoday) - Bức tranh cuối cùng và những câu chuyện thật đẹp về danh họa Trần Văn Cẩn- Khi đến với nhau, áp lực lớn nhất mà ông bà phải đối mặt chính là sự phản đối của gia đình và dư luận. Không thuyết phục được con gái thay đổi quyết định, bố bà đã từ mặt bà. Nghĩ rằng bà đến với ông vì những toan tính danh lợi, gia đình ông cũng tìm mọi cách ngăn cản ông. Không một ai tin ông bà đến với nhau vì tình yêu chân thành.

Vợ chồng họa sĩ Trần Văn Cẩn
Vợ chồng họa sĩ Trần Văn Cẩn
Chấp nhận gắn bó với ông - một người đàn ông hơn mình 3 con giáp, bà đã phải đối diện với không chỉ là thiệt thòi mà còn cả nỗi đau đớn trước những lời nói cay độc, những ánh mắt nghiệt ngã, dè bỉu của người đời. Nhưng tình yêu thực sự đã giúp bà vượt qua tất cả những nỗi đau ấy.
 
Không muốn để ông sống một mình cô đơn, bà dọn về sống với ông, ngày ngày lo chuyện cơm nước, chợ búa và giúp ông xua tan đi sự lạnh lẽo trong căn nhà vốn đã quen với việc thiếu vắng bàn tay phụ nữ. Để tránh sự soi mói của dư luận, khi dọn về nhà ông ở, bà phải nhập khẩu vào nhà ông với danh nghĩa “cháu ruột” của danh họa Trần Văn Cẩn. Ra đường, ông bà phải gọi nhau là “bác Cẩn”, “cháu Hồng”, nhưng về nhà, họ gọi nhau là anh em, và nhìn nhau với ánh mắt vừa trìu mến, vừa yêu thương.
 
Ngày đó, cuộc sống bao cấp khó khăn, đời sống của một danh họa nổi tiếng như Trần Văn Cẩn cũng hết sức đạm bạc. Bữa cơm thường ngày của ông bà chỉ có rau muống, lạc rang, thỉnh thoảng lắm mới có chút thịt tươi cải thiện, nhưng bữa cơm lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Tình yêu đến ở tuổi ngoài 60 đã khiến danh họa Trần Văn Cẩn vừa ngỡ ngàng, vừa hạnh phúc. Tình yêu làm ông thay da đổi thịt và bừng lên sức sống mới. Cuộc sống của ông nhiều màu sắc hơn, nhiều tiếng cười hơn, chứ không còn cô đơn, u buồn như trước. Những năm tháng hai ông bà ở bên nhau, là những năm tháng mà sức sáng tác của ông dồi dào nhất.
 
Đến khi về sống chung với nhau, bà mới phát hiện ra người đàn ông mà mình yêu, dù đã ngoài 60 tuổi, vẫn thừa sự lãng mạn, dịu dàng và chu đáo. Sinh nhật bà trùng vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Vào ngày này mỗi năm, ông thường đưa bà đi chơi và tặng cho bà một bó hồng thật đẹp. Có năm không mua được hoa tươi, ông vẽ tặng bà một bức tranh với lọ hoa hồng rực rỡ khoe sắc. Bao nhiêu năm, bức tranh đó vẫn được bà giữ gìn như báu vật.
 
Biết bà chịu nhiều thiệt thòi khi về ở với ông, nên ông dành cho bà tất cả tình yêu thương và sự chiều chuộng mà ông có thể. Ngay cả những người đàn ông chiều vợ nhất trên thế giới này có lẽ cũng phải “ngả mũ” trước sự chiều chuộng mà ông dành cho bà. Mỗi lần bà đi đâu, bao giờ, ông cũng dặn dò bà tỉ mẩn từ chuyện đi lại, ăn uống để giữ sức khỏe. Thời chiến tranh, ông nằng nặc bắt bà đi sơ tán, vì sợ bà ở Hà Nội sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng khi bà đi rồi, ông lại ra vào ngẩn ngơ, không làm được việc gì.
 
Công việc của ông bận rộn, thường xuyên phải đi công tác, có những lần bà đi công tác hay đi sơ tán về thì ông đã đi khỏi Hà Nội. Mỗi lần về, bao giờ, bà cũng thấy một bức thư ông để lại, kèm theo một lô tem phiếu và những lời dặn dò bà trong lúc ông đi vắng.
 
Trong suốt những năm tháng sống bên nhau, ông bà viết cho nhau không biết bao nhiêu lá thư. Mỗi lá thư đều thể hiện tình yêu tha thiết mà họ dành cho nhau. Trong những bức thư ấy, ông thường gọi bà là Hoa, là Rose - những cái tên trìu mến mà ông tự đặt cho bà. Tình yêu đã khiến khoảng cách 36 tuổi giữa họ bỗng chốc chẳng còn có ý nghĩa gì. Với bà, ông vừa là bạn đời, vừa là người thầy, vừa là tri kỷ. Bà âm thầm đứng bên ông, động viên ông sáng tác nghệ thuật.
 
Từ khi về ở với nhau, bà luôn đảm nhiệm vai trò người mẫu của ông trong những bức tranh ông vẽ: dù đó là bức tranh vẽ một cô gái đẹp, một cô công nhân hay một chị dân quân, thì trong những chân dung ấy đều luôn thấp thoáng hình ảnh của bà. Ông rất thích vẽ chân dung bà và thường vẽ tặng bà rất nhiều bức chân dung, như một cách thể hiện tình yêu của ông dành cho bà.
 
Mỗi lần tặng bà một bức tranh, bao giờ, dưới bức tranh, ông cũng ký tên H - C (tên viết tắt của bà và ông). Đến những năm cuối đời, khi sức khỏe ngày càng yếu đi, không còn sáng tác được như trước nữa, nhưng những ngày trước khi ông ra đi mãi mãi, như linh cảm trước về chuyến đi xa của mình, ông đã ngỏ ý muốn vẽ bà bên cạnh một lọ hoa sen. Chiều lòng ông, bà đã đi khắp các chợ Hà Nội chỉ để tìm mua một bó sen hồng. Và bà đã mặc áo dài xanh da trời cách tân, có cổ rộng, cầu vai phồng, đứng bên cạnh lọ hoa sen e ấp như một cô thiếu nữ, để ông được thỏa ý vẽ bức tranh mơ ước.
 
Khi vẽ bức tranh ấy, ông yếu đến nỗi không còn đủ sức tự pha sơn nữa. Đang làm mẫu cho ông, thi thoảng, bà vẫn phải dừng lại để đến giúp ông bóp sơn và pha màu cho ông. Ngày ông mất, bức tranh ấy vẫn còn dang dở, nhưng ông đã kịp đặt tên cho bức tranh của mình: “Cô gái bên hoa sen”. Đó là bức tranh sơn dầu cuối cùng của ông - một danh họa tài ba, cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh đó, ông vẽ bằng tình yêu của mình và dành tặng riêng cho người phụ nữ mà ông yêu thương nhất cuộc đời, người phụ nữ đã vượt qua mọi búa rìu dư luận để ở bên cạnh ông suốt mấy chục năm vợ chồng
 
Mảnh ghép duy nhất của tình yêu
 
Khoảng 4 năm cuối cùng, sức khỏe của danh họa Trần Văn Cẩn suy sụp rất nhanh. Trong những ngày tháng ấy, bà luôn ở bên cạnh ông, chăm sóc cho ông mỗi lúc đau yếu, động viên ông vượt qua những nỗi đau bệnh tật của tuổi già. Có lần, vào năm 1990, ông bị ốm một trận thập tử nhất sinh do cảm thương hàn. Bà đưa ông vào bệnh viện cấp cứu lúc tình trạng đã nguy kịch. Bà bủn rủn cả chân tay khi nghe bác sĩ thong báo sức khỏe ông vô cùng xấu. Đó là lần đầu tiên, bà cảm nhận được nỗi sợ hãi khi sẽ phải mất ông mãi mãi. Đó cũng là lần đầu tiên bà nhận ra rằng, rồi có một ngày (và ngày đó có thể sẽ đến rất nhanh) bà sẽ thực sự mất ông trong cuộc đời này.
 
Suốt đêm ấy, bà thức trắng để ở bên cạnh ông, lòng thành tâm cầu khấn trời Phật giúp ông vượt qua cơn hiểm nghèo. Dường như cảm nhận được tình yêu và sự lo lắng của bà, ngày hôm sau, ông đã qua cơn nguy kịch trước sự ngạc nhiên vô cùng của bác sĩ. 4 năm sau kể từ trận ốm thập tử nhất sinh đó, ông mới bỏ bà ra đi sau một trận ốm kéo dài vài ngày.
 
Trong suốt 4 năm đó, bà đã không rời ông dù chỉ một phút, bà đã là đôi chân của ông, đôi tay của ông, là chỗ dựa của ông những ngày đau yếu, bệnh tật cuối đời. 6h50’ sáng ngày 31/7/1994, danh họa Trần Văn Cẩn trút hơi thở cuối cùng tại bệnh việt Việt Xô. Có mặt ở bên cạnh ông những giờ phút cuối cùng ấy vẫn là người phụ nữ đã yêu ông tôn thờ và trọn vẹn. Tờ lịch ngày 31/7/1994 ấy, bà đã xé ra và cất giữ cẩn thận trong một chiếc hộp, đánh dấu ngày buồn đau và mất mát nhất trong cuộc đời bà - ngày bà mất đi mãi mãi người đàn ông mà bà yêu thương suốt mấy chục năm trời.
 
Trong di chúc cuối đời của mình, ông đã để lại toàn bộ những bức tranh ông đã vẽ - đó là gia tài nghệ thuật của ông, là tài sản quý giá nhất của cuộc đời ông. Món quà ấy, ông đã dành tặng cho người phụ nữ mà ông yêu thương nhất, để cảm ơn bà về những năm tháng đã ở bên ông, đã cho ông được sống trong tình yêu và hạnh phúc những năm tháng cuối đời.
 
Mười mấy năm sau khi ông mất, dù cuộc sống không thiếu những lúc khó khăn, chật vật, nhưng hơn 1000 bức tranh - tài sản mà ông để lại cho bà, vẫn được bà giữ gìn cẩn thận. Nhiều người từng khuyên bà bán đi một trong số những bức tranh quý giá ấy, nhưng bà đều từ chối. Với bà, những bức tranh ấy là những “đứa con tinh thần” mà ông để lại, là món quà mà ông tặng bà. Bà muốn giữ chúng ở bên cạnh, để luôn cảm thấy sự hiện hữu của ông trong cuộc đời mình.
 
Ông mất lúc bà vẫn còn trẻ, đẹp. Nhiều người đã khuyên bà đi bước nữa. Nhưng bà đều từ chối. Bà nói, bà tin số phận của con người giống như một mảnh thiên thạch cô đơn. Mảnh thiên thạch đó rơi xuống thế gian và mải miết đi tìm phần đã bị vỡ ra của mình. Hạnh phúc hay khổ đau của mảnh thiên thạch ấy sẽ tùy thuộc vào việc nó có tìm được mảnh vỡ của mình không. Bà vẫn tin mình là một mảnh thiên thạch hạnh phúc, khi số phận đã cho bà gặp ông, yêu ông, đã giúp bà nhận ra ông chính là phần thiết hụt mà bà tìm kiếm trong cuộc đời mình.
 
Ông không còn nữa, nghĩa là phần vừa vặn ấy của bà đã mất đi mãi mãi. Và bà biết, bà sẽ không bao giờ còn cảm thấy hạnh phúc như thế với bất cứ mảnh ghép nào khác…
 

)



  • Hương Thảo Nguyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc