Chuyện tình ly kỳ của một Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

06:23, Thứ tư 18/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Sau khi chồng mất, Mẹ Tiếp vẫn sống vui với đàn con cháu nội ngoại của chồng ở xã Nghĩa Bình. Cả đời Mẹ đã hy sinh cho Tổ quốc, cho gia đình nhà chồng với câu chuyện tình ly kỳ cảm động hơn nửa thế kỷ qua.

(Phunutoday) - Mang theo không khí tràn ngập sắc xuân, chúng tôi về xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) thăm lại Mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH) Ngô Thị Tiếp. Mẹ là một người chiến sỹ quả cảm trong kháng chiến chống Mỹ, và có một người con duy nhất đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Điều kỳ diệu là Mẹ Tiếp không chỉ là một người phụ nữ anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, Mẹ còn là một người vợ có câu chuyện tình yêu ly kỳ, và là một người mẹ có tấm lòng vô cùng vĩ đại - giang tay bao dung nuôi dạy tất cả con riêng của chồng với người vợ thứ 2…

[links()]

 

TGĐ Lê Hồng Xuân và PTBT Báo PNTĐ Trần Thu Hằng và các đ/c Lãnh đạo UBND xã trước ngôi nhà tình nghĩa xây tặng mẹ Tiếp.
TGĐ Lê Hồng Xuân và PTBT Báo PNTĐ Trần Thu Hằng và các đ/c Lãnh đạo UBND xã trước ngôi nhà tình nghĩa xây tặng mẹ Tiếp.

Tôi đã được gặp Mẹ VNAH Ngô Thị Tiếp 3 năm trước. Đó là vào dịp kỷ niệm 33 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi về huyện Nghĩa Đàn trao tặng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho 3 gia đình thương binh, liệt sỹ còn gặp khó khăn ở tỉnh Nghệ An, trong đó có gia đình Mẹ Tiếp, mẹ đã gần 90 tuổi, ở xã Nghĩa Bình.

Tại đây chúng tôi đã xúc động sâu sắc khi được chứng kiến một câu chuyện tình ly kỳ đã hơn nửa thế kỷ mà vẫn đang hiện hữu của chính Mẹ Tiếp.

Gần 60 năm trước, cô Ngô Thị Tiếp quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, mảnh đất anh hùng và đầy máu lửa trong 2 cuộc kháng chiến. Cô Tiếp sớm tham gia hoạt động Cách mạng chống Pháp xâm lược, và trong chiến đấu, cô đã gặp một người đồng chí, một người thanh niên cao to, đẹp trai, tên là Trần Văn Mậu, hai người yêu nhau rồi nên vợ nên chồng.

Kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn quyết liệt nhất, anh Mậu xung phong vào Đội quân cảm tử, sẵn sàng "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Kháng chiến thắng lợi, nhưng anh Mậu bị trọng thương, đạn địch xuyên từ trước mặt ra sau gáy của anh, khiến anh bị mất một phần quai hàm.

Trong niềm vui đất nước giành lại được tự do độc lập từ tay giặc Pháp, thì đôi vợ chồng trẻ còn có thêm niềm vui hết sức to lớn, bởi cô Tiếp biết mình mang thai đứa con đầu lòng. Thế nhưng họ chưa kịp hưởng hạnh phúc giản đơn của một tổ ấm nhỏ bé thì giặc Mỹ đã nhảy vào xâm lược, anh Mậu được lệnh tập kết ra Bắc năm 1954. Cô Tiếp tiễn chồng đi, lòng đầy tin tưởng với lời hẹn thề "2 năm sẽ trở lại khi đất nước thống nhất".

Không ngờ chiến tranh kéo dài, ngày càng khốc liệt. Bặt tin chồng, cô Tiếp ở lại quê hương sinh con trai, đặt tên Trần Văn Trinh như thể hiện niềm tin trung trinh rằng đất nước sẽ hoà bình và chồng vợ sẽ đoàn tụ, con trai sẽ được gặp cha.

Nhưng chiến tranh không chấm dứt mà ngày càng khốc liệt hơn. Trong nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc, cô Tiếp đã thay chồng nuôi con một mình và tiếp tục hoạt động Cách mạng trong lòng địch. Tiếp nối tinh thần yêu nước của cha mẹ, bước vào tuổi thanh niên, con trai Trần Văn Trinh lại xung phong vào bộ đội.

Tất cả những người thân yêu nhất của Mẹ Tiếp và cả bản thân Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng cuộc đời và tuổi thanh xuân cho đất nước độc lập. Thế nhưng đất nước chưa hòa bình mà người con trai của Mẹ Tiếp đã ngã xuống, anh Trinh hy sinh tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên quê hương năm 1969 khi mới 15 tuổi. Mẹ Tiếp đã biến nỗi đau lớn lao thành sức mạnh để tiếp tục hoạt động trong lòng địch với quyết tâm sắt đá phải đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào.

Trong trận chiến đấu ở huyện Quế Sơn, Mẹ bị thương rồi sa vào tay giặc. Trong ngục tù, bọn Mỹ-ngụy đã dã man đánh đập khảo tra, nhưng Mẹ giữ vững khí tiết không khai. Chúng tra tấn đến khi thấy Mẹ Tiếp thương tích khó sống nổi,rồi đem vứt Mẹ ra ruộng. Đó là năm 1972, bà con và đồng chí đã đưa Mẹ về cứu chữa. Mẹ Tiếp đã sống lại, và lại tiếp tục con đường cứu nước mà Mẹ và chồng, con đã chọn.

Tuy mất đi người con duy nhất, và trải qua bao lần bị thương, bị giặc tra tấn, nhưng Mẹ Ngô Thị Tiếp đã tiếp tục xả thân hoạt động giành độc lập dân tộc. Mẹ đã vô cùng sung sướng như hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam yêu nước khi được chứng kiến đất nước sạch bóng quân thù, Mỹ đã cút và nguỵ đã nhào, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã phải lên Đài tuyên bố:

“Chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện quân đội giải phóng”, Tổ quốc độc lập, tự do. Và hạnh phúc vô bờ bến khi Mẹ Tiếp gặp lại người chồng bặt tin sau hơn 20 năm. Ông Trần Văn Mậu đã trở về quê hương tìm lại vợ ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cuộc đoàn viên đầy nước mắt, Mẹ Tiếp biết rằng chồng mình sau nhiều năm mất hy vọng được gặp lại vợ con, đã kết hôn với một phụ nữ miền Bắc ở Nông trường 1/5, họ sinh được 4 người con, rồi chẳng may bà ấy mất sớm, để lại 4 con thơ cho ông nuôi dưỡng.

Cảm thông với hoàn cảnh của chồng và cùng nỗi thương nhớ, tự hào về người con trai đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, Mẹ Tiếp đồng ý ra Bắc chung sống với chồng và các con riêng của chồng từ năm 1975.

Suốt 35 năm trôi qua, Mẹ gắn bó với gia đình mới và mảnh đất Nông trường 1/5 (nay đổi tên là xã Nghĩa Bình) của huyện Nghĩa Đàn, cùng chồng nuôi dưỡng, gây dựng hạnh phúc cho các con riêng của chồng trong suốt mấy chục năm nghèo khó, cuộc sống khó khăn lam lũ nhưng Mẹ không nề hà.

Khi các con riêng của chồng đã yên bề gia thất, năm 2007, Mẹ đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn quyết tâm đưa được mộ Liệt sỹ Trần Văn Trinh về Nghĩa trang liệt sỹ của huyện Nghĩa Đàn, để anh được ở gần cha mẹ và các em ruột của mình.

Những năm cuối đời, ông Mậu vốn là thương binh, thương tật tái phát khiến ông bị lẫn không còn nhớ gì, cho đến năm 2010 ông mất ở tuổi 93. Trong nhà vẫn treo trang trọng tấm giấy chứng nhận "Cảm tử quân" của ông ngay dưới bức ảnh Bác Hồ, thể hiện sự kính trọng một kỷ niệm oanh liệt một thời của những người con đã cống hiến cả cuộc đời mình cho tự do dân tộc.

Sau khi chồng mất, Mẹ Tiếp vẫn sống vui với đàn con cháu nội ngoại của chồng ở xã Nghĩa Bình. Các cán bộ xã, huyện ở địa phương và bà con hàng xóm rất yêu quý Mẹ, thường xuyên vào thăm Mẹ vì biết Mẹ đã sống, đã cống hiến, hy sinh lặng lẽ cho Tổ quốc, cho gia đình và các con chồng với câu chuyện tình ly kỳ cảm động của Mẹ hơn nửa thế kỷ qua.

Gặp lại chúng tôi, Mẹ Tiếp vô cùng xúc động, Mẹ đưa tấm ảnh chụp năm 2010, trong dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Mẹ được vinh dự mời đi trong đoàn 1.000 Anh hùng và Mẹ VNAH của tất cả các tỉnh thành trong cả nước ra thăm Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được lên tận Đền Thượng của Đền Hùng để thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng, nơi đó vẫn còn vang lên câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu mình phải cùng nhau giữ lấy nước”.
      

  • Trần Thu Hằng  

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc