“Chuyện tình Ngưu Lang-Chức Nữ” của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

( PHUNUTODAY ) - Cho đến ngày bà rời bỏ ông để đi về cõi vĩnh hằng, ông bà đã có hơn 60 năm vợ chồng, nhưng ông bảo, suốt những năm tháng tuổi trẻ, vì nhiệm vụ Cách mạng nay đây mai đó, vợ chồng ông bà như một đôi vợ chồng Ngâu, chỉ gặp nhau mỗi năm đôi ba lần.


Đêm tân hôn trong căn phòng đi mượn
 Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Từng là Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc suốt 13 năm (1974 - 1987), đến giờ ông vẫn là người giữ kỷ lục về quãng thời gian “đi sứ” lâu nhất trong tất cả các Đại sứ của Việt Nam ở nước ngoài từ trước đến nay.
 
Ở tuổi 95, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn khiến nhiều người phải bất ngờ về dáng vẻ cao lớn, khỏe mạnh, giọng nói sang sảng và một trí tuệ minh mẫn hiếm có. Ông vẫn thường tếu táo: “Nghề tay trái của tôi là nghề thầy thuốc Đông y. Mấy chục năm nay, tôi vẫn tự chăm sóc và chữa bệnh cho tôi và bà nhà tôi bằng cái nghề tôi học được trong quãng thời gian tôi làm Đại sứ ở Trung Quốc”.
 
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có một tuổi thơ rất đặc biệt. Ông sinh năm 1916 trong một gia đình bần cố nông ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa. 1 tuổi ông đã mồ côi mẹ. Cha ông là một ông đồ nghèo, sống cảnh gà trống nuôi con. Khi Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh còn bé, thực dân Pháp đánh sưu thuế rất nặng. Mỗi suất đinh trong gia đình phải nộp 3 đồng rưỡi tiền Đông Dương lúc bấy giờ.
 
Người nào không nộp đủ thuế đinh, sẽ bị bọn chúng dùng cái kẹp gỗ kẹp nát 10 đầu ngón tay. Năm đó, người cha nghèo của ông không kiếm đâu ra đủ số tiền để nộp. Không nộp thì sẽ bị chúng tra tấn cho đến chết, cụ cắn răng chấp nhận bán một trong hai đứa con để lấy tiền nộp đinh. Cụ giữ lại người con trai trưởng, để sau này còn thờ cúng ông bà cha mẹ. Cậu con trai út Nguyễn Trọng Vĩnh –khi đó 9 tuổi  được bán cho một gia đình ở Hà Nội với giá 6 đồng bạc.
 
Ông nhớ lại: “Tiếng là mua tôi về làm con nuôi, nhưng gia đình đó đối xử với tôi như người ở. Tôi bị buộc bỏ học và phải lao động đầu tắt mặt tối mỗi ngày. Vừa tủi thân vì thiếu thốn tình cảm gia đình, vừa bị đối xử tệ, mỗi khi buồn quá, tôi thường trốn ra một chỗ vắng, vừa khóc vừa gọi mẹ. Phải đến 5 năm sau đó, tôi mới được về nhà. Cha tôi đi làm thêm khắp nơi suốt 5 năm trời, nhịn đói nhịn khát mới dành đủ 6 đồng bạc để chuộc tôi về. Tôi được đi học chữ, học nghề in ấn, rồi dần được giác ngộ Cách mạng”.
 Bà Lê Thị Ban- vợ ông Vĩnh
Được kết nạp Đảng năm 1937, trong quãng thời gian tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào dân tộc dân chủ đang diễn ra sôi nổi, ông đã gặp và yêu người nữ chiến sĩ cách mạng Lê Thị Ban - người phụ nữ đã cùng ông đi trọn cuộc đời. Kể về người bạn đời của mình, ông tủm tỉm: “Bà nhà tôi dũng cảm, gan lỳ lắm. Tôi chết mê chết mệt bà ấy cũng một phần vì tính gan lỳ ấy. Năm 1940, tôi bị giặc bắt và bị chúng đưa vào giam giữ ở Kon Tum. 2 năm sau, đến lượt vợ tôi bị bắt.
 
Giặc giam bà ấy vào nhà tù Hỏa Lò, tra tấn bà ấy chết đi, sống lại, nhưng bà ấy vẫn vô cùng hiên ngang. Khi bị đưa ra tòa án xét xử, bà ấy bị chúng tuyên án 15 năm. Bị tuyên án 15 năm tù mà bà ấy vẫn không hề run sợ, còn dám chửi cả tay Thống chế Pê Tanh trước mặt cả phiên tòa. Vì hành động đó, vợ tôi bị chúng xử phạt thêm 1 năm tù thành 16 năm”.
 
Năm 1944, khi được tha thù, ông đã trở về Hà Nội liên lạc với Cách mạng và vào nhà tù Hỏa Lò thăm bà. Ngày đó, hai ông bà vẫn chưa phải là vợ chồng. Nhưng lần vào thăm bà trong nhà tù Hỏa Lò khi đó, qua chấn song nhà tù, ông đã nói với bà những lời đầy yêu thương: “Em yên tâm. Dù em có phải chịu cảnh tù bao nhiêu năm, anh cũng nhất định đợi em trở về”. Số phận đã không quá khắc nghiệt với tình yêu của hai ông bà, vì chỉ 1 năm sau, Cách mạng tháng Tám thành công, bà đã được đồng chí, đồng đội giải phóng khỏi nhà tù Hỏa Lò.
 
Sau khi ra tù, vì nhiệm vụ cách mạng, nên hai ông bà mỗi người một nơi, không hề có cơ hội gặp nhau dù chỉ một lần, cũng không hề biết tin nhau. Nhưng trong lòng cả ông và bà, lời thề sắt son, thủy chung vẫn vẹn tròn. Ông lên Phúc Yên làm Chủ tịch Tỉnh, bà được phân về Hải Phòng giữ cương vị Bí thư Thành ủy. Phải 1 năm sau đó, trong một cuộc họp do Trung ương triệu tập, ông bà mới có cơ hội gặp nhau sau những tháng ngày biền biệt xa cách.
 
Yêu nhau suốt nhiều năm trời, trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trong lần về Hà Nội ngắn ngủi đó, ông bà đã không bỏ lỡ cơ hội nên duyên vợ chồng. Sau khi báo cáo tổ chức, ông bà đã thành vợ thành chồng. Ngày đó, cả hai ông bà đều nghèo. Đến một đám cưới đơn giản với vài đĩa kẹo, vài chén nước chè để mời anh em, bạn bè, ông bà cũng không có tiền để làm. Họ trở thành vợ chồng mà không hề có bất cứ đám cưới nào.
 
Đêm tân hôn, không có chỗ ở, hai ông bà nhìn nhau cười ngượng ngịu và buồn bã vì không tìm được nơi nào để kỉ niệm đêm đầu tiên của cuộc sống vợ chồng. Một người bạn của ông là Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó), vì thương hoàn cảnh của bạn đã mời ông bà về nhà mình ở góc đường Lê Lai. Đêm đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã nhường cho đôi vợ chồng mới cưới căn phòng ngủ của mình, còn mình thì ra phòng khách trải chiếu nằm.

60 năm vợ chồng Ngâu
 
Sau đêm động phòng đáng nhớ đó, vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ại mỗi người một nơi. Khi ông ở Phúc Yên, thì bà ở Hải Phòng. Lúc ông lên Thái Nguyên, bà lại về Nam Định. Những lần Trung ương triệu tập về Thủ đô họp bàn là những lần hiếm hoi hai vợ chồng ông bà được gần nhau. Thương đôi vợ chồng trẻ chẳng mấy khi có cơ hội gặp nhau, mỗi lần ông bà về Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến lại cho ông bà mượn căn phòng ngủ của mình để dễ bề tâm sự. Chính nhờ những lần gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy quý giá đó, mà 3 người con của ông bà - 2 gái, 1 trai - lần lượt được sinh ra.
 
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tâm sự: “Nhiều người nói vợ chồng tôi giống như vợ chồng Ngâu, mỗi năm chỉ được gặp nhau vài lần. Tôi cứ phải nay đây mai đó vì nhiệm vụ Cách mạng giao phó, một mình vợ tôi ở nhà vừa công tác, vừa chăm lo cho 3 đứa con nhỏ. Ngày trẻ, tôi yêu vợ tôi về tính can đảm, gan lỳ. Đến lúc thành vợ chồng, sống với nhau mấy chục năm trời, tôi càng yêu vợ về sự nhẫn nại, chịu đựng và hi sinh của bà ấy dành cho tôi và các con.
 
Tôi đi làm nhiệm vụ ở Lào 10 năm, từ năm 1964 đến 1974, hiếm hoi lắm mới có dịp về nhà, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên vai vợ, nhưng bà ấy chưa từng kêu nửa lời về những khó khăn, nhọc nhằn. Khi vừa về nước, tôi lại được cử sang Bắc Kinh làm Đại sứ 13 năm. Cả tuổi trẻ của mình, tôi không hề được công tác gần nhà, không hề được hưởng cuộc sống gần vợ, gần con đúng nghĩa.
 
Thiệt thòi thế, nhưng vợ tôi chưa một lần than phiền. Cũng chưa có một nào, bà ấy bảo tôi xin ở lại, hoặc bảo tôi rút ngắn thời gian công tác. Bà ấy nói: “Anh cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ, ở nhà đã có em”. Có một hậu phương vững chắc như thế, nên tôi đi biền biệt mười mấy năm trời, mỗi năm chỉ về nhà vài ngày, vẫn cảm thấy yên tâm lạ lùng về gia đình nhỏ của mình. Lúc đó con cái đều lớn cả, nên 3 năm cuối làm Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, tôi đón vợ tôi sang Bắc Kinh, để vợ chồng bầu bạn lúc tuổi già. Tính ra, khi tôi đã gần 70 tuổi, vợ chồng tôi mới thực sự được ở gần nhau, chấm dứt cảnh vợ chồng Ngâu suốt mấy chục năm trời”.
 
Không phải là người lãng mạn, nên vợ chồng ông bà không tổ chức đám cưới kim cương trong lễ kỉ niệm 60 năm ngày cưới. Nhưng ông có cách rất riêng để thể hiện tình yêu của mình. Lúc nghỉ hưu, nhất là khi bà bệnh nặng, ông đã mua một căn nhà nhỏ ở ven biển Sầm Sơn và đưa bà về đó nghỉ ngơi suốt những ngày hè. Cứ sáng sáng, chiều chiều, ông lại cùng bà ngồi ngắm biển. Những lúc bà đỡ mệt, ông nắm tay bà cùng đi dạo trên bờ cát.
 
Đó là những ngày tháng bình yên nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc sống vợ chồng của ông bà. Những năm cuối đời, bà bị bệnh gan nặng, chữa thuốc Tây không khỏi. Chính ông là người đã tự đi mày mò các bài thuốc Đông y cho bà. Để chữa bệnh cho bà, ông đã cất công lấy lá cây chó đẻ ở tận trong Thanh Hóa mang về Hà Nội, sắc thành thuốc cho bà uống. Không biết vì những bát thuốc đơn giản nhưng kỳ công đó, hay vì sự quan tâm ân cần của ông, mà bệnh tình của bà đã có những chuyển biến khả quan suốt một thời gian dài, trước khi bà mãi mãi ra đi ở tuổi 90.
 
Sau khi bà mất, căn nhà nhỏ và giản dị của ông vẫn đôi khi khiến ông thấy trống trải và cô đơn đến tột cùng. Trong phòng khách, ông treo một bức ảnh chân dung lớn của bà để ngắm nhìn bà mỗi ngày. Ông kể: “Vợ chồng tôi vẫn ngủ chung phòng cho đến tận lúc bà ấy qua đời. Giờ bà ấy không còn, đôi khi vào phòng, nhìn chiếc giường trống trải, tôi vẫn thấy lòng mình hụt hẫng vì sự trống trải nhức nhối đó. Suốt bao nhiêu năm trời, tôi đã luôn quen với hình ảnh bà ấy ngày ngày xuất hiện trong căn phòng đó”.
 
Hương Thảo Nguyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn