(Phunutoday) - Ai cũng có chuyện tình đẹp dù đấy là người giàu hay người nghèo, người cao sang hay túng bấn thế nào. Và ở một một xóm ăn mày nghèo bên bờ sông Cấm có một chuyện tình đẹp như thế. Đấy là chuyện tình cảm động của vợ chồng lão mù với người vợ lõm trán hơn gần chục tuổi.
[links()]
Có tên Lõm từ ngày đạn văng trán
Vợ chồng bà Lõm trong căn nhà mới |
Trong mấy chục con người sống dưới những căn lều tạm bợ, xiêu vẹo dưới cơn gió bấc thốc lạnh tê tái bên bờ sông Cấm, thuộc địa phận xã An Dương, huyện Thủy Nguyên có vợ chồng ông lão mù và bà lão lõm trán ấy vẫn ngày ngày bám víu vào nhau để sống cho qua ngày.
Vợ chồng người ăn mày ấy tên là Hoàng Ngọc Khải và bà Lõm. Vợ ông Khải không có tên, người trong xóm “ăn mày” gọi bà là bà Lõm. Hằng ngày ông Khải ra chân cầu Lạc Long xin ăn giữa dòng người tấp nập và xô bồ của phố xá còn bà Lõm cũng xách bị vào thành phố “làm nghề”, tới chiều tối họ lại trở về túp lều rách.
Bà Lõm, cái tên nghe như chính cuộc đời lõm sâu dưới chân đê sông Cấm của bà. Bà Lõm thực ra bà đâu tên phải Lõm. Người ra chẳng biết tên bà là gì mà ngay chính bà Lõm cũng không rõ cha sinh mẹ đẻ của bà huống chi cái tên của bà. Người ta chỉ biết gọi bà là Lõm vì trên trán bà có một vết lõm không xương sâu hoắm, chỉ sợ chẳng may sơ ý va cái que gì vào thì thủng đầu bà lúc nào không hay.
Ở cái tuổi gần đất xa trời 80 nhưng đến cái tên cúng cơm của mình bà cũng chẳng biết. Bà Lõm chỉ biết bà lớn lên đã thấy mình lang thang ăn xin khắp nơi, từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc. Suốt thời thơ ấu của bà là thế, không gia đình, không người thân.
Với bà chỉ đơn giản là “ngã đâu là nhà, ngủ đâu là giường”. Hồi bé thì người ta cứ gọi là cái Tý cho có cái tên. Rồi bà có cái tên Lõm bây giờ là cả một câu chuyện dài. Ấy là vào những năm đầu của thập kỷ 70, bà theo tàu Bắc nam vào Sài Gòn kiếm sống.
Bà làm đủ mọi nghề từ buôn đồng nát đến đi gánh nước thuê, quét chợ để kiếm ăn qua ngày. Rồi một ngày, người ta chỉ cho bà biết cách buôn chuyến từ Nam ra Bắc thì bà cũng liều mình đi buôn khi trong người không có một đồng xu.
Nói là đi buôn cho có tiếng chứ thực ra bà chỉ đi chạy hàng cho bọn chủ buôn. Không may, trong một chuyến buôn về đến Hà Nội thì bà bị mảnh đạn của thằng Mỹ nó văng vào trán, cướp mất mảnh xương xọ.
Chữa trị ròng rã một năm 3 tháng trời, vết thương ngoài da mới liền lại còn mảnh xương trên đầu mất vĩnh viễn, nó tạo thành vết lõm to như lòng bát trên cái trán dô đen sạm của bà. Từ đấy, người ta lấy vết lõm làm tên cho bà luôn.
Bà thấy buồn nhưng cũng thấy vui vì trong cái rủi lại có cái may, vừa sống sót vừa có cái tên đời làm người của mình. Giờ đây vết lõm đó vẫn cứ lù lù trên cái trán nhăn nheo của bà và cái hàm răng cũng rụng sạch từ ngày bị thương nên nay bà cũng thành móm.
Lúc nào bà cũng nhai trầu đỏ hoen của cái miệng nheo. Bà bảo, “đúng là cái thời đó bị thương được nhà nước bao cấp chữa trị chứ giờ mà bị thế thì chắc chỉ chờ chết chứ lấy đâu ra tiền mà chữa bệnh”. Nói rồi bà thoáng buồn nhìn sang ông chồng khom khem và quằn quại trong cơn đau của bệnh tim.
Chỉ vài cái kẹo lạc là thành vợ thành chồng
Không biết cảnh đời đưa đẩy thế nào mà bà Lõm bảo đúng là “nồi nào úp vung nấy”, bà đã gặp người đàn ông mù tên Khải kém bà đến gần chục tuổi quê Quảng Xương, Thanh Hoá. Hai con người cùng hoàn cảnh hẩm hiu, không người thân thích.
Nhà ông Khải vì một trận lũ đói mà không còn ai ngoài ông. Ông tha hương tứ xứ khắp nơi để xin ăn và cuộc đời cứ lớn lên như vậy cho đến ngày gặp bà Lõm trên đường xin ăn ở Hải Dương. Tình thương của những người khốn cùng trong cái thời loạn lạc đã kéo họ gần lại với nhau.
Hễ xin được miếng gì ngon hay có cái bánh mỳ khô là hai người lại sẻ chia để cùng nhau vượt qua cơn đói. Và một ngày hồi năm 1983, hai mảnh đời khốn khổ này đã nên vợ nên chồng. Chẳng có đám cưới nào lại đơn giản đến thế, không họ hàng thân thích, chỉ có lời tự hẹn ước của hai con người đã ở cái tuổi băm đầu bốn.
Cái được cho là xa xỉ của đám cưới ấy là vài cái kẹo lạc được chuẩn bị để chung vui cùng đám ăn xin dưới chân ga tàu Hải Dương. Vậy là ông Khải, bà Lõm thành bạn đời trăm năm không mảnh giấy hôn thú rồi họ lang thang dắt díu tìm về Hải phòng và gia nhập xóm ăn mày bên bờ sông Cấm tự lúc nào mà họ cũng không thể nhớ nổi.
Họ chỉ nhớ cái ngày về xóm thì cả xóm mới có một hai túp lều rách nát ẩn nấp trong một rừng lau sậy và nước ngàu đỏ của con sống Cấm. Chính quyền đuổi lên đuổi xuống nhưng họ vẫn bám tận cùng vào bờ để sông Cấm để có được nơi an cư cuối đời khi chân đã mỏi mệt không thể lang thang được nữa.
Giờ đây nước sông Cấm vẫn đỏ ngàu và nổi sóng mỗi đợt triều cường, còn cuộc đời của vợ chồng lão ăn mày này thì vẫn thế và họ đã thành ông lão bà cụ cả rồi.
Sống với nhau hàng chục năm trời nhưng không mụn con, nhiều lúc ông Khải bà Lõm buồn lắm khi nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ ở vách nứa nhà bên. Dù cuộc đời người khác cùng cảnh ăn xin nhưng họ cũng được hưởng cái hạnh phúc được nghe thấy tiếng con gọi cha gọi mẹ.
Thoáng buồn rồi bà Lõm lại tặc lưỡi tự nhủ hai ông bà có nhau trong đời này là hạnh phúc lắm rồi nên cũng nguôi ngoai và quên đi nỗi phiền muội trong lòng. Hai mảnh đời ăn xin nương tựa vào nhau trong căn lều tạm bợ. Không điện, không nước, chỉ có những thứ thừa thãi nhặt bên phố về để dùng.
Cuộc đời hai vợ chồng già này dường như cũng leo lắt như ngọn đèn dầu mà họ thắp mỗi tối trong túp lều rách tươm. Mỗi đợt gió lạnh thốc vào kéo bung toàn bộ những tấm bạt chắp vá chằng chịt, khi ấy ông bà sống chung cảnh màn trời chiếu đất. Nhất là những đợt bão to, hai ông bà xiêu vẹo dắt nhau vào trú nhờ ở ngôi miếu của làng để tránh bão.
May mắn thay, căn lều nát tươm bị gió thổi lên bùng bục giữa cánh đồng lau sậy năm ngoái của ông bà được thay bằng gian nhà gạch mái tôn kiến cố. Chẳng phải ông bà đi xin được tiền về xây nhà mà đấy là căn nhà tình nghĩa được những sinh viên tình nguyện Hải Phòng giúp sức xây nên.
Ngày nhận được căn nhà mới, hai vợ chồng người ăn xin ấy mừng rơi cả nước mắt vì đấy là niềm hạnh phúc mà cả đời họ không dám mơ tưởng.
Tưởng rằng cuộc sống nghèo và vất vưởng của ông bà được yên ổn trong căn nhà mới nhưng ông Khải bỗng đổ bệnh liệt giường. Giờ ông Khải đang quằn quại cơn đau tim trên chiếc đệm tơi tả mà bà mới lượm được ngoài bãi rác ven đê.
Nhìn cái dáng gầy rộc và nghe tiếng ông thở hắt ra từng hơi, bà Lõm buồn thiu lắc đầu: “Sáng nay, bà phải để ông ở nhà, sang phố xin được vài đồng mua cho ông bát cháo nhưng ông có ăn được đâu. Lỡ ông không may mà đi trước bà thì bà không còn người bầu bạn trong quang đời cô quạnh còn lại... Giờ sự sống của ông ấy chỉ đếm theo đầu ngón tay thôi… Đợt gió lạnh tê tái của mùa đông đang về, chỉ sợ ông ấy không qua nổi…"
- Thanh Hải