Dòng kênh giữa hai hàng dừa nước lấp loáng ánh trăng. Khu rừng Cạnh Đền có nhiều dừa nước, phía sau là những cánh rừng tràm thẳng tắp. Hoa tràm nở trắng, ngào ngạt hương thơm. Hương tràm phảng phất lưu luyến mãi theo người. Cạnh Đền là một huyện xa xôi của Rạch Giá, chiếc nôi của cách mạng những ngày đầu kháng chiến, khi Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ.
Hai Riêng cho xuồng vào bến. Bộ áo bà ba vừa vặn vóc dáng mảnh mai, mềm mại của chị. Chị buộc gọn lại mái tóc dài đen nhánh, rồi nhanh nhẹn buộc xuồng vào một cây bình bát. Văn phòng huyện uỷ sáng ánh đèn. Các đại biểu khác đã tới. Hôm nay có cuộc họp quan trọng. Từ chiều, nghe tin Bí thư huyện uỷ Hồng Dân chủ trì cuộc họp, chị thấy hồi hộp. Chị đưa mắt nhìn anh Hồng Dân ngồi trên ghế đầu bàn. Anh giản dị trong bộ ba ba đen, nhìn Hai Riêng, mỉm cười, nụ cười thật hiền với ánh mắt trìu mến. Anh bắt đầu nói với giọng trầm ấm quen thuộc. Hai Riêng say sưa nghe, say sưa ghi chép.
Lê Thị Riêng |
Lúc cuộc họp kết thúc, đêm đó về khuya. Nền trời đen thẫm, trăng mười sáu sáng vằng vặc. Tiễn Hai Riêng ra tận bến xuồng, anh Hồng Dân nhìn chị, nói nhỏ:
- Nay mai, anh sẽ gặp Hai Riêng nói một số vấn đề. Cả chuyện Chung và chuyện Riêng nữa...
Hai Riêng bối rối tránh ánh mắt của anh. Chưa bao giờ anh nói với chị những lời đầy ngụ ý như thế. Mặc dù ánh mắt của anh nhiều lần đã thể hiện tình cảm anh dành cho chị. Chị biết anh sẽ nói với chị chuyện gì. Chị vừa muốn anh nói, lại vừa muốn anh đừng nói gì cả.
Với chị, người Bí thư huyện uỷ với đôi mắt sáng và nụ cười thật hiền vừa gần gũi lại vừa xa vời. Tuổi thơ vất vả, cha đi hoạt động cách mạng rồi mất tích, mẹ mất sớm, Hai Riêng không được đi học. Thấy chị sáng dạ, thầy Mười, một thầy giáo trong làng đã dạy chữ cho chị. Sau này, chị mới biết thầy là một chiến sĩ cách mạng. Chính thầy cùng với chị Hồng, người bạn Hai Riêng quen khi đi học nghề dệt đã dìu dắt và đưa chị đến với cách mạng. Ở cơ quan phụ nữ, ngoài những lúc làm việc, Hai Riêng lao vào học, quên ăn, quên ngủ.
Từ khi Hai Riêng về công tác ở cơ quan phụ nữ huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá, anh Hồng Dân có ấn tượng đặc biệt với cô gái có đôi mắt to đen đượm buồn nhưng nụ cười rất hồn nhiên. Anh cảm phục cô bé ham học hỏi và sự dũng cảm đặc biệt. Trong những ngày khởi nghĩa sôi động ở Bạc Liêu, Hai Riêng và chị Chín Hồng là những nữ du kích đầu tiên xung phong đi diệt ác, trừ gian.
Nhận nhiệm vụ bắt sống tên tề ác dẫn về căn cứ, hai chị em hăm hở lên đường. Hai cô gái với một khẩu súng lục, với sự khôn khéo và can đảm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ xa nhìn thấy hai cô du kích quần áo, đầu tóc ướt lướt thướt, lôi được tên Việt gian về căn cứ, mọi người ùa ra đón:
- Hoan hô hai nữ chiến sĩ.
Trong những lớp học chính trị anh Hồng Dân dạy, Hai Riêng nghe như nuốt lấy từng lời. Anh dành nhiều thời gian gần gũi, giáo dục, trao đổi với chị các vấn đề trong công tác. Anh còn vui vẻ nói với chị về tình yêu tuổi trẻ, quan niệm về cuộc sống vợ chồng... Với chị, anh vừa là một người lãnh đạo,vừa là một người anh, người bạn. Lâu không gặp, chị thấy nhớ giọng nói ấm áp truyền cảm, nụ cười hiền và ánh mắt hóm hỉnh của anh. Chị bâng khuâng nhớ lại những ngày sống ở quê. Bố mẹ mất sớm, chú thím nuôi chị. Chỉ vì nợ mấy công ruộng, chú thím nhận trầu cau gả chị cho một con trai nhà giàu. Không muốn lấy một người chưa từng gặp mặt, lại không có tình yêu, chị lặng lẽ rời khỏi nhà chú thím.
Lần ra đi đó là một bước ngoặt lớn trong đời Hai Riêng: chị trở thành một cô thợ dệt giỏi giang, một cán bộ phụ nữ hoạt động trong phong trào cách mạng.
Với Hồng Dân, lần đầu tiên chị thấy bối rối khi đứng trước một người đàn ông. Lời nói của anh lúc tiễn chị ra bến xuồng khiến Hai Riêng thao thức cả đêm.
Nhưng chị không ngờ, không bao giờ chị được nghe anh nói nữa. Ngay sáng hôm sau, anh đã hi sinh trong đợt tập kích bất ngờ của địch. Cùng các đồng chí đi tìm xác anh, Hai Riêng không khóc được. Nước mắt chảy ngược vào tim. Chưa bao giờ chị cảm thấy lòng mình trống trải như thế. Chị nhìn rừng tràm mênh mông, vắng lặng. Hương tràm vẫn thoang thoảng đâu đây mà anh đã ra đi mãi mãi.
Hai Riêng làm một bài thơ khóc anh. Chị hứa trước mộ anh sẽ tiếp tục con đường anh bỏ dở.
II. Mười năm sau
Không gian tĩnh mịch. Trong căn nhà lá giản dị của cơ quan phụ nữ, Hai Riêng nằm im nghe tiếng gió xào xạc ngoài rừng. Chị bị sốt, nằm liệt giường mấy ngày. Đang mải nghĩ, chị nghe tiếng gõ cửa và tiếng gọi nhỏ. Anh Tam, một đồng chí cùng hoạt động đẩy cửa bước vào. Không có sức để dậy tiếp khách, chị đành nằm im. Nhìn anh Tam lụi cụi trong bếp nấu nước xông, nấu cháo mang lên tận giường cho mình, Hai Riêng rơm rớm nước mắt.
Nhiều năm trôi qua, sau khi anh Hồng Dân hy sinh, chị không yêu ai nữa. Là Bí thư Đoàn phụ nữ Tiền Phong ở xã, Hai Riêng được bầu vào Ban lãnh đạo phụ nữ huyện. Chị phụ trách Hội phụ nữ tỉnh Rạch Giá khi mới ngoài hai mươi tuổi. Những ngày kháng chiến chống Pháp thiếu thốn gian khổ nhất của cả nước cũng là những ngày gian khổ nhất của miền Đông Nam Bộ, nơi chiến trường cài răng lược.
Cuối năm 1948, Hai Riêng tự nguyện từ miền Tây lên miền Đông xây dựng cơ sở và thành lập Ban Cán sự Phụ nữ các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Tây Ninh. Ròng rã mấy tháng, chị vượt qua nhiều đồn bốt địch, nhiều đoạn đi bộ chân ngập dưới sình lầy ở Đồng Tháp Mười, rồi lên đến miền Đông đất đỏ nắng khô cháy. Sau hai năm. Ban chấp hành phụ nữ Phân khu miền Đông Nam bộ được thành lập. Chị Hai Riêng trúng cử vào Ban Chấp hành đoàn phụ nữ Nam Bộ.
Hai Riêng thường chỉ cười trừ khi các chị trong cơ quan khuyên chị lập gia đình. Đã gần mười năm trôi qua kể từ ngày anh Hồng Dân hi sinh, trong chị, tình cảm riêng dường như nhường chỗ cho công việc. Có vài đồng chí lãnh đạo ngỏ lời yêu chị nhưng chị từ chối.Cuộc gặp tình cờ với người con trai nhà giàu ngày nào chú thím nhận trầu cau cũng không làm chị rung động. Anh ấy đã tham gia hoạt động cách mạng và muốn ngỏ lời với chị nhưng chị từ chối.
Anh Tam là một cán bộ đi học ở miền Bắc được cử về bổ sung cho ban tuyên huấn khu ủy miền Đông. Chị biết anh Tam có tình cảm với mình. Mấy chị bạn thân có ý vun vén cho tình cảm của hai người nhưng chị phân vân vì anh là người ngoài Đảng. Chị chỉ mới gặp và trò chuyện với anh vì chuyện công việc. Những lúc bị ốm, nằm nhà một mình như thế này chị cũng thấy buồn. Ở tuổi hai tám, chị bỗng thèm được một sự chăm sóc, một sự lo lắng của người thân, được làm vợ, làm mẹ. Chị ngoan ngoãn nhận sự chăm sóc ân cần của anh Tam và lặng lẽ ngắm anh. Lần đầu tiên chị nhìn thật kỹ và thật gần anh. Gương mặt xương xương với nụ cười cởi mở, ấm áp. Nhất là đôi mắt, đôi mắt thật sáng dưới đôi lông mày đậm nét. Trông anh vừa nghiêm nghị vừa dễ gần.
Con đường mang tên Lê Thị Riêng |
Những buổi gặp sau, Hai Riêng và anh Tam thân thiết hơn. Anh chị gặp nhau không chỉ vì công việc. Nghe tâm sự cuộc đời anh, Hai Riêng cảm động. Anh Tam có hoàn cảnh gia đình hơi giống chị. Cha anh học giỏi, là một điền chủ. Khi cha mẹ chia tay, anh ở với mẹ, nhưng cha dượng là người đàn ông vũ phu, thường hành hạ con riêng của vợ. Anh Tam cô đơn như một đứa trẻ mồ côi. Gặp gỡ Hai Riêng, anh thấy thân thiết như đã quen biết từ lâu. Công tác cùng chị, anh yêu chị từ lúc nào không biết.
Sau lần ốm nặng, chị Riêng bắt đầu để ý đến anh Tam. Trước khi tham gia hoạt động cách mạng trong Đảng Dân Chủ anh đã tốt nghiệp tú tài. Trong quá trình công tác, chị Hai Riêng đọc sách rất nhiều để tự học thêm. Anh Tam có những tri thức mà chị đang thiếu. Cùng công tác, chị cảm phục sự hiểu biết và kiến thức sâu rộng của anh. Niềm cảm phục, đam mê chuyển thành tình yêu trong người con gái như một lẽ tự nhiên. Nhưng khi chị đặt vấn đề với tổ chức Đảng, có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người lo lắng, anh là một trí thức hoạt động trong Đảng Dân Chủ sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của chị. Dù sao chị cũng đang ở vị trí lãnh đạo phong trào phụ nữ ở cấp cao.
Chị Riêng một mặt thuyết phục tổ chức đồng ý cho cưới, mặt khác, chị giác ngộ anh Tam tham gia Đảng Cộng sản. Với tình yêu mãnh liệt, anh chị đã vượt mọi khó khăn để đến được với nhau.
Trong khu rừng Bàu Chiêm của chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, trung tâm chỉ đạo của cách mạng miền Đông, một đêm mùa thu năm 1954, lễ cưới của chị và anh Tam diễn ra thật đầm ấm vui vẻ giữa những đồng chí, đồng đội. Anh Hai Hùng, Bí thư khu uỷ Miền Đông, làm chủ hôn. Hai cơ quan chung tay dựng cho anh chị ngôi nhà xinh xắn giữa rừng, cạnh cơ quan phụ nữ. Hai con trai, Minh Chánh và Chí Công lần lượt ra đời. Nuôi con trong rừng sâu thiếu thốn mọi thứ, nhưng được sự quan tâm đùm bọc của các cô, các dì, Hai Riêng vẫn thấy mình hạnh phúc.
Ngày anh chị mới cưới, có người thầm lo: “Anh là một trí thức hoạt động trong Đảng Dân chủ mới được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Chị là một cán bộ phụ vận xuất thân từ nông dân. Tâm hồn, tính cách của hai người hòa hợp không? Cuộc sống gia đình có thật hạnh phúc không?”. Nhưng bây giờ, mọi người đều mừng cho chị khi nhìn tổ ấm thân yêu của anh chị.
Cưới nhau bảy năm nhưng hai người thực sự chỉ ở bên nhau 6 tháng. Bao nhiêu mong nhớ đợi chờ lúc xa nhau, khi gần nhau, chị chăm sóc anh tỉ mỉ. Buổi tối, ngủ trong rừng, chị chỉ cho anh cách thắt võng trên cây sao cho khi biệt kích bất ngờ ập tới, mình rút võng cho nhanh. Buổi sáng, thức dậy, anh đã thấy hộp thuốc đánh răng, bàn chải, cốc nước cạnh mình. Chị còn kín đáo giúp anh trong cách ứng xử với mọi người. Chị đưa anh ngày càng gần Đảng, hiểu Đảng hơn…
Tượng đài trong công viên Lê Thị Riêng |
Sinh con muộn, Hai Riêng được chị em cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng đặt tên là “Người mẹ mê con”. Chị sung sướng nghe tiếng bập bẹ đầu tiên, nhìn những bước đi chập chững của con. Một cố gắng nhỏ của trẻ, chị rất đỗi nâng niu. Chị thường phải gửi con cho người khác nuôi dưỡng trong những chuyến công tác xa xôi, dài ngày. Giữa năm 1960, tình hình cách mạng miền Nam ngày càng khó khăn, căng thẳng, vợ chồng Hai Riêng gửi hai con ra Bắc. Lúc ấy Minh Chánh mới lên bốn, Chí Công lên ba.
Đêm ấy, chị thức suốt đêm, cảm thấy thời gian quá ngắn ngủi. Nhìn hai con thơ đang ngon giấc cạnh nhau, gối đầu lên chiếc túi vải, chị thấy lòng mình se lại. Trong chiếc túi vải ấy, có mấy bộ quần áo mới xinh xinh chị tự cắt may, bốn tập vở giấy trắng có dòng kẻ, tự tay chị đóng, xén và quyển album ảnh. Trên trang nhất tập album, chị dán ảnh Bác Hồ trên cao, hai ảnh con trai phía dưới. Trang sau, chị nắn nót dòng chữ: Gia đình chúng tôi. Ảnh chị bên anh và các con. Chị dành hai trang liền của tập album ghi tỉ mỉ tình hình sức khỏe các con từ lúc chúng mới lọt lòng. Một hồ sơ bệnh lịch đầy đủ về những chứng bệnh đã trải qua, những cơn sốt cao của con.
Sau ngày tiễn con, chị vẫn theo dõi từng bước trưởng thành của con.
Miền Nam ngày…
Minh Chánh, con
Con viết nhiều chữ, mẹ mừng quá, chữ con viết đẹp và sạch sẽ. Mẹ nhớ con, nhớ cả cái gối con nằm, cái mền con đắp, cái áo con mặc, cái bô con tiêu. Mẹ mong nước nhà thống nhất để được rước con về nuôi con. Mẹ hôn hai con và bạn bè của con…
III – Những dòng nhật ký để lại
Một đêm trăng sáng, anh Tam và chị Riêng đi dạo dưới những tán cây rừng. Chia tay lần này, anh chị mỗi người công tác một phương, chắc phải rất lâu nữa vợ chồng mới được gặp lại. Nắm chặt tay nhau lưu luyến, anh chị hẹn nhau: “Sáu tháng nữa, vợ chồng mình sẽ hẹn nhau ở đúng chỗ này. Nếu ai đến trước, sẽ đợi người về sau”. Chị Hai Riêng đứng mãi nhìn theo bóng anh Tam dần mất hút giữa cây rừng. Không phải lần đầu tiên xa nhau, nhưng lần chia tay này chị quyến luyến hơn, buồn hơn vì vừa xa con lại phải xa chồng.
Cuối xuân 1961, Hai Riêng trở về cơ quan ở miền Đông Nam Bộ. Chân chị bước nhanh, vượt trước cả giao liên. Bước vào khu rừng cũ quen thuộc, nơi vợ chồng chị chia tay nhau để mỗi người công tác một phương, lòng chị càng khắc khoải. Gió cuốn những đám lá khô xào xạc. Tiếng chim kêu vui trên cành. Chị tự hỏi: “Anh đã về chưa?”. Nếu đúng như quyết định của cơ quan thì anh đã về. Nghĩ đến lúc giây phút được gặp anh, nhìn đôi mắt anh, chị đã thấy xốn xang. Ở xa các con, nỗi nhớ mong chồng càng da diết.
Nhưng khi chị đến nơi, anh vẫn chưa về. Mấy ngày qua đi, chị lo âu, thấp thỏm chờ đợi. Chị nghĩ đến những bất ngờ nguy hiểm anh có thể gặp dọc đường: đường dây đứt, địch phục kích… Đi công tác xa, chị dành dụm được một số tiền, chị mua cho anh một bộ quần áo và chiếc màn đôi cho hai vợ chồng. Đây là chiếc màn đôi đầu tiên từ ngày anh chị sống trong rừng. Chị lấy kim chỉ khâu màn. Mũi kim đưa đi, nét mặt chị thoáng vẻ hân hoan. Chị không biết cô bạn gái cùng cơ quan nhìn chị khâu màn đã quay đi lau nước mắt.
Công viên Lê Thị Riêng |
Chờ thêm mấy ngày, vẫn không thấy anh về, chị bắt đầu sốt ruột. Một linh cảm không hay chợt đến với chị. Chị gặp đồng chí cấp trên:
- Có điều gì không hay xảy đến với nhà tôi, xin anh đừng giấu. Các đồng chí cứ tin là tôi đủ sức chịu đựng.
Cuối cùng, cái tin đau buồn ấy cũng phải được báo với chị:
- Anh Tam đã hy sinh, bị địch phục kích trên đường công tác trong đêm mồng 4 tháng 12 năm 1960.
Đó là một đêm trăng rằm âm lịch, chỉ sau ngày anh chị chia tay nhau chưa đầy hai tháng. Chị không ngờ ngày chị đi công tác miền Tây cũng là ngày vĩnh biệt anh. Trong cuộc chiến đấu dài ngày này chị đã hai lần mất hai người đàn ông thương yêu nhất của cuộc đời: giặc Pháp bắn chết người yêu, giặc Mỹ phục kích giết chồng chị. Chị vẫn không muốn tin điều đó là sự thật. Chị ghi vào nhật ký:
“Tôi phải nhắm mắt lại để tránh một sự đau thương. Mong rằng tất cả những người đàn bà trên thế gian này, không ai phải nghe câu nói ấy đến với mình. Bao nhiêu mong nhớ, đợi chờ đành tắt ngấm. Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng như lần này.
Thâm tâm tôi đã biết như thế nhưng tôi còn lởn vởn một tia hy vọng bâng quơ: chồng tôi không chết thật. Không thể có một sự tàn nhẫn như thế đối với tôi, với người đã chịu nhiều nỗi cô đơn từ thuở bé.
Bảy năm trời chung sống, từ ngày 3 tháng 4 năm 1954 đến ngày 4 tháng 12 năm 1960, bao nhiêu tình nghĩa sâu nặng của vợ chồng tôi đã kết thúc trên đời. Còn lại hai con đang sống xa mẹ. Chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh chiến đấu giúp tôi hăng hái đi lên không bao giờ quỵ bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly”.
- Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh