Chuyện về 2 kỷ lục gia với những việc làm thánh thiện

06:07, Thứ ba 21/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Ở cái tuổi 54, Quang Đạt – người nghệ sĩ gốc Đà Nẵng đã từng làm đạo diễn, diễn viên, họa sỹ, cố vấn võ thuật hơn 80 phim.

Trong giới nghệ sỹ đất Sài Thành, nói đến Quang Đạt là nhiều người nghĩ ngay tới một người có vẻ ngoài khờ và… khùng, suốt ngày rong ruổi trên khắp những nẻo đường của đất nước và làm những điều “chẳng giống ai”. Sau thành công của chương trình “Rước Bác vào Nam”, Quang Đạt lập tức lên kế hoạch cho “Hành trình xuyên Việt về với Mẹ” sẽ được anh thực hiện nhân ngày 27/7 để tri ân những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.


Đang trăn trở, loay hoay với dự án sắp tới, thì anh gặp nghệ sỹ Trương Đình Chiếu, một kỳ nhân có khả năng chơi… 10 nhạc cụ một lúc với quy tắc “chỉ biểu diễn cho chương trình từ thiện, không biểu diễn cho sân khấu thương mại”. Hai cái đầu “dị thường” đó đã ngồi lại để cùng lên kế hoạch cho chương trình mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, hướng về nguồn cội của dân tộc.

“Duyên từ thiện” và cuộc gặp của 2 “dị nhân”

Ở cái tuổi 54, Quang Đạt – người nghệ sĩ gốc Đà Nẵng đã từng làm đạo diễn, diễn viên, họa sỹ, cố vấn võ thuật hơn 80 phim. Một số phim anh đã tham gia và đạt được nhiều thành công như: “Tây sơn hiệp khách”; “Cảnh sát hình sự”; “Người đàn bà không hóa đá”; “Cô gái đất đỏ”…

Tất cả đã giúp anh được nhiều khán giả yêu mến bằng những vai diễn đậm chất… giang hồ cũng như những ý tưởng “không giống ai”.
Với bề ngoài bụi bặm, phong trần, phiêu lãng “tóc dài quá vai, râu dài… như tóc”, Quang Đạt dễ khiến nhiều người phải… lắc đầu “ngao ngán”.

Có người còn cho anh là “dị nhân giữa thời hiện đại”. Ngồi trên chiếc xe có hàng trăm chữ ký chi chít của các nhà báo, nghệ sĩ, anh đang nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như: Chiếc xe máy có nhiều chữ ký của văn nghệ sỹ nhất, Cây bút khổng lồ có 99 chữ ký của các nhà báo…

Đáng kể nhất là chuỗi ngày “Hành trình theo chân Bác” bằng chiếc xe máy vespa của mình. Trên những chuyến hành trình kỷ lục ấy, nghệ sỹ Quang Đạt chỉ nhằm mục đích kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ những trẻ em miền núi, khuyết tật hay nạn nhân chất độc da cam… rồi sưu tầm chữ ký lên chiếc xe của mình và sau đó bán đấu giá ủng hộ cho quỹ từ thiện.

Cuộc đời nghệ sỹ là thế, lang thang phiêu bạt khắp nơi để mang lại niềm vui cho… người khác. Đồng quan điểm “dị đời” với Quang Đạt, nghệ sỹ - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu cũng mong muốn được giúp đỡ nhiều hơn cho những cảnh đời éo le.

Sự đồng cảm của những người nghệ sỹ đã tạo nên cuộc gặp gỡ không hẹn trước giữa hai “dị nhân”, để hai kẻ “khờ” ấy cùng nhau hướng đến những giá trị nhân văn đích thực.

Nguyên là Đại úy công an thuộc phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP.HCM, cả gia đình đều tham gia cách mạng, thế nhưng nghệ sỹ - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu lại được nhiều người biết đến bởi tính nghệ sĩ lạ đời của mình. Những ai đã từng xem anh biểu diễn chắc hẳn phải trầm trồ kinh ngạc bởi sự kì dị đến phi thường của một con người.

Anh có thể chơi hơn 100 nhạc cụ khác nhau, đặc biệt có thể chơi 10 khí nhạc cùng một lúc. Những bản nhạc anh hòa tấu bằng tất cả cơ thể của mình đã khiến không biết bao nhiêu người mê say, phiêu diêu.
 
Thế nhưng, có một điều đặc biệt, chúng ta chỉ có thể nghe được thứ âm thanh kỳ diệu ấy ở những chương trình mang mục đích từ thiện bởi từ lâu anh đã tự đặt ra cho mình một nguyên tắc: “Chỉ những chương trình mang ý nghĩa từ thiện hoặc biểu diễn cho người nghèo, tàn tật thì tôi mới biểu diễn. Những chương trình khác dù có lớn tới đâu mời tôi thì tôi cũng đều từ chối”.

Anh kể, từ nhỏ mình đã mê học đàn, hơn nữa anh còn được thừa hưởng tài năng thiên bẩm và máu nghệ sĩ từ mẹ là nhà thơ, nhà giáo Phạm Thị Thoại (cháu ruột gọi thi sĩ Bùi Giáng bằng cậu).

 Sinh năm 1962, dù là người ngoại đạo nhưng từ năm 5 tuổi, anh đã được gia đình gửi vào tu viện Đa Minh (Gò Vấp) để theo học. Tại đây anh được học nhạc và tham gia nhiều hoạt động văn hóa thiếu nhi của quận và có nhiều thành tích xuất sắc về văn nghệ.

Đến năm 1968, anh đã bắt đầu đi biểu diễn. Ban đầu anh biểu diễn với Piano, sau đó anh tập kèn, guitar, harmonica... Rồi đến một ngày anh nhận thấy để chương trình của mình đặc sắc hơn anh cần phải chơi nhiều nhạc cụ một lúc.

Hai kỉ lục gia
Hai người nghệ sĩ trên hành trình vận động ủng hộ cho lễ khai mạc chương trình về với mẹ vào ngày 27/7.


Vậy là bằng tài năng và sự chuyên cần học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi không biết mệt mỏi, cho đến ngày nay, anh có thể chơi cùng một lúc 10 nhạc cụ khác nhau và anh cũng đã được Trung tâm kỷ lục Guines Unesco Việt Nam công nhận là người có thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc nhất Việt Nam.

 “Hướng về nguồn cội”, ý tưởng nhân văn cao đẹp

Sự gặp gỡ giữa Quang Đạt và Phạm Đình Chiếu cứ như một duyên nợ đã định trước. Với tâm huyết và lòng yêu thương những cảnh đời bất hạnh, cả hai đều chuyên tâm vào công việc từ thiện không lúc nào ngơi nghỉ. Với nghệ sỹ Quang Đạt, suốt những hành trình anh đã từng đi qua, chứng kiến rất nhiều cảnh đời éo le, bất hạnh…

Từ đó anh luôn tâm niệm một điều rằng “phải làm điều gì để giúp đỡ họ”. Còn với Trương Đình Chiếu, anh đã dùng tài năng thiên bẩm của mình để động viên, an ủi những phận đời éo le, những số phận tật nguyền. Những chương trình tham gia biểu diễn, quyên góp được bao nhiêu anh đều mang ủng hộ, giúp đỡ những người tàn tật, nghèo khổ hết.

 Và như người ta nói “tích đức tạo phúc”, hóa giải tai nạn, Trương Đình Chiếu kể về bước ngoặt của cuộc đời mình mới xảy ra ngày 25/6 vừa qua: hôm đó, sau khi đi biểu diễn ở Giăng Điền (Đồng Nai) về, vì tối hôm trước sau khi biểu diễn anh lại phải quay phim cả đêm, sáng lại biểu diễn tiếp nên khi lái xe trở về lại TP. HCM, anh đã ngủ gật trong lúc lái xe.

Lúc đó trong xe còn có cả vợ và con trai anh. Khi vừa khởi hành được độ 5km thì bất chợt anh bị chìm vào cơn buồn ngủ.

Nghe tiếng vợ con la, vừa kịp mở mắt thì anh chỉ còn cảm giác được mình đang rơi vào một khoảng tối mịt mù. Đang ở tốc độ khoảng 80km/h chiếc ôtô lao thẳng vào dải phân cách bằng bêtông ở giữa đường, chồm lên rồi rơi xuống phơi “trắng bụng”.

Tất cả mọi thứ đều vỡ nát, chiếc xe không còn nhận được hình dạng, chỉ duy nhất… những người ngồi trong xe là không sao. Anh với con thậm chí còn không bị đến một vết trầy, chỉ duy nhất vợ anh bị mảnh kính vỡ bắn vào nên hơi xây xước nhẹ ở tay… tất cả chỉ có thể giải thích bằng việc nhiều năm qua anh đã “tích đức tạo phúc”.

Anh tâm sự: “Sau lần “tái sinh từ cõi chết” đó, tôi nhìn mọi thứ trong cuộc đời càng nhẹ nhàng hơn. Những tài sản mình đang có sẽ có nghĩa lý gì nếu như bất hạnh ập đến mà không thể hóa giải”. Từ suy nghĩ đó, anh cùng gia đình lại càng hăng say với công cuộc làm từ thiện hơn trước.

Anh kể: “Trước đây, vợ anh cũng ít quan tâm đến từ thiện, thế nhưng sau vụ tai nạn hôm 25/06 vừa qua, mọi thứ đã đổi khác, chị luôn sát cánh bên chồng trong những chương trình mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh.”

Được sự chấp thuận và phối hợp của Trung tâm UNESCO Văn hóa và Thông tin truyền thông, 2 nghệ sĩ, kỷ lục gia Quang Đạt và Trương Đình Chiếu thực hiện chương trình “Về với Mẹ năm 2012”.

 Đây là “Hành trình xuyên Việt” nhằm mục đích kêu gọi mọi người quan tâm hơn nữa đến Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây cũng là sự kiện mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp nhằm thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.

Nói về chương trình này Nghệ sĩ Quang Đạt tâm sự: “Thời gian cứ dần trôi đi, các mẹ cũng già yếu dần và không thể ở mãi trên cõi đời này để cho ta báo đáp được. Thế nên chương trình như một lời thức tỉnh, thúc giục chúng ta phải có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để “về với mẹ” báo đáp nhưng ơn nghĩa trời biển của mẹ.

Hiện tại với ý nghĩa cao cả, chương trình đã nhận được tiếng nói ủng hộ của nhiều vị lãnh đạo các tỉnh trong cả nước, cũng như sự bảo trợ thông tin của nhiều cơ quan truyền thông Trung ương”.

  • Phạm Khoa -  Mai Phong


[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc