11 năm trước, người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã mãi mãi ra đi. 11 năm là một quãng thời gian dài, nhưng tên tuổi Trịnh Công Sơn chưa bao giờ mất đi. Đi đến đâu, đến miền đất nào trên khắp cõi Việt Nam, cũng đều có thể nghe thấy những khúc tình ca của nhạc sĩ họ Trịnh.[links()]
Hiện ông an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa, bên cạnh ngôi mộ của người mẹ vĩ đại đã sinh ra ông và dành hết cả cuộc đời nuôi con cái lớn khôn, người mẹ đã có sự ảnh hưởng lớn lao đến không chỉ cuộc đời Trịnh Công Sơn và những sáng tác của ông, mà còn ảnh hưởng đến tất cả những người em của nhạc sĩ họ Trịnh. Người mẹ đó hẳn sẽ mãi mãi tự hào về người con tài hoa của mình.
Người cha bạc mệnh của nhạc sĩ họ Trịnh
Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn quê gốc ở làng Minh Hương, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Trà (Thừa Thiên – Huế). Thân phụ của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thanh, một doanh nhân yêu nước, vừa kinh doanh vừa tham gia hoạt động chống thực dân Pháp, đã từng bị Pháp bắt đi tù ở nhà lao Thừa Phủ. Thân mẫu của Trịnh Công Sơn là bà Lê Thị Quỳnh, một người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, đảm đang, là người phụ nữ với tính cách Huế tiêu biểu.
Bà Lê Thị Quỳnh xưa là hoa khôi trường Đồng Khánh. Sau khi kết hôn với ông Trịnh Xuân Thanh, bà theo chồng lên Đắk Lắk sinh sống. Trịnh Công Sơn là con cả trong đại gia đình có 9 anh chị em, chào đời ở Dăk Lăk năm 1939.
Năm 1943, Trịnh Công Sơn chuyển về Huế sinh sống. Khi ông Trịnh Xuân Thanh còn sống, gia đình nhạc sĩ họ Trịnh là một gia đình khá giả xứ Huế, có cửa hàng kinh doanh lớn ở đất kinh kỳ. Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cũng là một doanh nhân yêu nước.
Dù gia đình sung túc, ông vẫn xót lòng khi chứng kiến nhiều người dân sống lầm than, khốn khổ dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến nên luôn mang trong lòng tư tưởng kháng Pháp. Vì lẽ đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần bị bắt vào tù, bị giặc đánh đập, tra tấn, trong đó có lần phải vào nhà lao Thừa Phủ.
Khi còn sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Tôi nhớ mãi hình dáng của cha tôi, một con người sống thiết tha với lý tưởng yêu nước của mình. Từ bé tôi đã phải chuyển trường 16 lần để cùng gia đình lênh đênh theo ông khắp nơi.
Rồi ông bị bắt nhiều lần và cả tuổi thơ của tôi dường như ngập chìm trong nỗi sợ hãi tiếng xe Jeep rít lên trong đêm. Cha tôi đã ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi, đó là đêm tôi được phép vào thăm và ở lại với cha tôi trong trong nhà lao Thừa Phủ Huế. Hình ảnh cha tôi đã lớn dần lên trong tôi bằng sự thương yêu, kính trọng”.
![]() |
Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn quê gốc ở làng Minh Hương, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Trà (Thừa Thiên – Huế). |
Năm 1955, sau khi Hiệp định Genneve được ký kết, lúc đó Trịnh Công Sơn 16 tuổi, thì ông Trịnh Xuân Thanh qua đời trong một tai nạn giao thông. Bà Lê Thị Quỳnh khi ấy mới mang bầu người con út – Trịnh Vĩnh Trinh được 4 tháng.
Cô nữ sinh hoa khôi trường Đồng Khánh một thời năm đó mới 34 tuổi, phải gồng mình gánh lên vai trách nhiệm nuôi 9 người con. Bà vượt cạn lần cuối cùng trong nỗi đau mất mát khôn tả, bên cạnh bà khi ấy chỉ có 8 người con, người lớn tuổi nhất là Trịnh Công Sơn, mới 16 tuổi.
Cái chết của ông Trịnh Xuân Thanh là một cú sốc lớn với cả đại gia đình, đặc biệt là với Trịnh Công Sơn. Sau khi cha qua đời, vì thương nhớ cha ngày đêm, Trịnh Công Sơn đã từng trải qua quãng thời gian dài ốm nặng, phải nghỉ dưỡng để điều trị bệnh.
Chính thời gian này đã cho Trịnh Công Sơn những khoảng lặng để nghĩ ngợi, trăn trở, một phần tạo nên tính cách trầm lặng, nhiều suy tưởng của Trịnh Công Sơn sau này. Nói về sự ra đi của cha, Trịnh Công Sơn từng tâm sự rằng, đó là tổn thất lớn với cuộc đời ông, là nỗi ám ảnh thường trực đối với ông:
“Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chết của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù bị tra tấn chết đi sống lại của ba tôi trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.
Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người”.
Trịnh Công Sơn rất yêu thương, tôn kính cha mình. Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh mất, vì lòng tôn kính người cha quá cố, Trịnh Công Sơn đã bằng mọi cách từ chối việc đi lính cho chế độ VNCH. Vì với ông, như thế là phản lại lý tưởng của người cha quá cố.
Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh mất, ông vẫn hiện diện trong gia đình, trong lòng vợ con. Mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình họ Trịnh, chỗ chiếc ghế trống đặt ở đầu bàn vẫn luôn luôn có đầy đủ chén đũa và cả một ly rượu vang, thức uống quen thuộc của ông hồi sinh tiền.
Yêu con với tất cả tấm lòng
Khi ông Trịnh Xuân Thanh mất, bà Lê Thị Quỳnh đóng vai trò vừa là người mẹ nuôi dạy con, giáo dục con thay cho cả chồng, vừa là người gánh vác kinh tế gia đình. Tất cả 9 người con đều ảnh hưởng tính cách của bà.
Thân mẫu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mất trước khi nhạc sĩ họ Trịnh mất nhiều năm, nhưng con cái của bà – những người còn sống, luôn kể về bà với sự tôn kính, yêu thương và trìu mến. Những người em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều nói rằng, viết về mẹ, có thể viết thành cả cuốn sách.
Đó chỉ là những câu chuyện nho nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành của tất cả anh em trong nhà. Những câu chuyện nho nhỏ ấy, mỗi lần kể lại, mấy anh chị em đều nao lòng vì nhớ mẹ. Bà nghiêm khắc nhưng trái tim rất đỗi dịu dàng, cẩn thận, kỹ càng nhưng vô cùng nhân ái. Sự nhân ái của bà có thể khiến nhiều người nghe kể lại phải cảm thấy ngạc nhiên.
Ông Trịnh Xuân Thanh là trụ cột trong gia đình. Trụ cột gãy, tất cả gánh nặng gia đình trút lên vai người đàn bà 34 tuổi đang còn xuân sắc, cùng 7 người con và 1 bào thai trong bụng, với một cơ ngơi làm ăn dang dở!
Nhìn lại những bức ảnh bà Lê Thị Quỳnh chụp trong thời kỳ ấy với áo dài tha thướt, tóc vấn đoan trang, thật không thể hình dung được người phụ nữ trẻ trung dường ấy mà đã có 9 người con, vừa phải chịu nỗi đau chồng mất, vừa phải gánh vác cơ nghiệp chồng để lại, để nuôi 8 người con trưởng thành.
Gia đình họ Trịnh lúc ấy đang có một cửa hàng buôn bán xe đạp ở số 79 đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu) tại Huế. Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh mất, việc buôn bán không được phồn thịnh như trước, vì nhiều lý do.
Khi ấy, Trịnh Công Sơn còn ngã bệnh cả năm trời, bà Quỳnh vừa lo chăm sóc con trai cả, lại phải nuôi nấng cả một đàn con chưa đủ khôn lớn vốn quen ăn sung mặc sướng. Vai gồng vai gánh tất bật, nỗi đau mất mát quá lớn, nếu ngày đó không vì con cái, hẳn bà có thể chết theo chồng.
Nhưng bà luôn có cái nhìn nhân ái với mọi sự trên đời. Vào khoảng 1957, trong nhà xảy ra một vụ mất trộm làm xôn xao cả khu phố. Hôm đó bà Lê Thị Quỳnh sơ ý quên đóng cánh cửa tủ sắt, một chú thợ trẻ làm việc trong nhà trông thấy, động lòng tham vơ hết tiền bạc rồi bỏ trốn.
Trịnh Quang Hà - em trai kế của Trịnh Công Sơn - cùng một số bạn bè của gia đình đã lặn lội về tận làng của chú thợ này ở khá xa thành phố, nhưng cũng chỉ bắt được người còn của cải chú ta đã tiêu tán hết nên không thu lại được bao nhiêu.
Chú thợ bị bắt và bị phạt tù về tội ăn cắp. Nhưng chú thợ vốn tứ cố vô thân nên khi bị bắt giam không ai lui tới thăm viếng. Cuối cùng chính thân mẫu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải cho người mang thức ăn vào thăm nuôi và đứng ra làm đơn xin bãi nại.
Bà xưa nay vốn vẫn thế! Chú thợ nhỏ tuy phạm tội nhưng vì là người làm trong nhà nên bà vẫn thương. Đối với thợ thuyền còn như vậy. Còn đối với con cái và bạn bè của con cái, bà thực sự là một người mẹ hiền.
Đối với bà, con cái là hàng đầu và bạn bè của con cái cũng không kém phần quan trọng. Hầu hết bạn bè của các con cũng đều thương mến gọi bà là mẹ, bà cũng đối xử với bạn bè của con cái như chính con mình đẻ ra.
Người con rể của bà kể rằng: Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, một người bạn trẻ của gia đình bị ép đi lính cho chính quyền Sài Gòn, có lần do đào ngũ nên bị bắt giam trong một trại quân cảnh. Gần như tuần nào bà cũng nhờ con rể chở lên trại thăm và đưa thức ăn cho Hoàng Ngọc Tuấn.
Một người bạn khác của con, gia đình anh ở Đà Nẵng, khi bị đau ốm cũng được bà chăm sóc hàng ngày, chiều chuộng không kém gì con.
Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh mất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị ốm nặng. Bà ngày ngày đều đặn sáng sâm tối yến để bồi dưỡng cho con trai. Yến mua nguyên cả ổ mang về còn đầy lông chim. Người giúp việc hoặc mấy cô em gái thay nhau ngồi nhặt từng sợi lông li ti cho sạch để bà chưng với đường phèn, vì người ta nói ăn yến tốt cho phổi.
Đôi lúc Trịnh Công Sơn kiệt sức không tự ăn được, bà phải ép nước thịt bò và đích thân đổ từng muỗng vào miệng con. Suốt nhiều năm như thế, ngay cả lúc Trịnh Công Sơn đã hết bệnh, bà vẫn giữ thói quen sáng sáng nhẹ bước đem tách sâm lên phòng anh và dọn chén yến Trịnh Công Sơn ăn tối qua.
Hễ hôm nào thấy con quên ăn, bà lại than phiền lo lắng, khiến nhiều hôm Trịnh Công Sơn phải giả vờ ngủ. Thấy Trịnh Công Sơn kêu khó ngủ, bà lại chưng táo cho con trai ăn. Bất cứ thức ăn gì có thể bồi bổ cho sức khoẻ Trịnh Công Sơn,bà đều làm tất.
Sau này khi bà qua đời, khi mấy anh chị em trong nhà cùng nhau chung lo cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những ngày nhạc sĩ họ Trịnh bị bệnh nặng, mọi người nhớ lại mới thấy thán phục sự chu đáo và tình yêu thương của mẹ.
Một mình bà không phải chỉ lo săn sóc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn quán xuyến cả gánh nặng gia đình, nhưng không bao giờ thấy bà tất bật. Cũng không bao giờ bà khiến con cái phải ghen tị vì thiên vị con này hơn con kia.
Trịnh Công Sơn ốm yếu phải bồi dưỡng đã đành, con trai thứ Trịnh Quang Hà siêng tập thể dục thân hình lực lưỡng, bà lại chịu khó hàng ngày cho nấu chè để ăn sau buổi tập. Nhưng Trịnh Quang hà không chỉ tập một mình mà thường rủ rê cả nhóm bạn cùng tập với nhau, thế là ngày nào bà cũng phải nấu cả nồi chè hàng mấy chục chén.
Thân mẫu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ít khi vào bếp, nhưng món nào bà nấu cũng ngon. Những món như canh nấm tràm, cháo lươn… do bà nấu, không ai có thể chê vào đâu được.
Bữa ăn thường ngày trong nhà, bà cũng rất chiều theo ý thích của Trịnh Công Sơn, tuy ăn ít nhưng Trịnh Công Sơn thích có nhiều món và hiếm bữa nào lại không có thêm vài người bạn tham dự, bà đều chăm lo đầy đủ.
Sau này khi đã chuyển vào sinh sống ở Tp. HCM, khi nhạc sĩ họ Trịnh đã thành danh, bà vẫn luôn là người chăm lo bữa ăn cho Trịnh Công Sơn và cả những người bạn của nhạc sĩ tài hoa.
Hầu như không ngày nào ngôi nhà của gia đình họ Trịnh vắng bóng bạn bè. Càng đến chơi nhiều, bạn bè càng yêu quý ngôi nhà đó, yêu quý gia đình họ Trịnh, với một người mẹ nhân hậu, yêu thương con cái, rộng rãi với bạn bè con cái.
Những người con của gia đình họ Trịnh nói rằng, trong hoàn cảnh chiến tranh, trong không khí lửa đạn nguy hiểm, vai trò của người mẹ với 9 anh em họ Trịnh càng rõ nét. Sau khi chồng mất, dù con cái đã lớn, bà vẫn trở thành con chim đầu đàn.
Bà như một con gà mái giương rộng đôi cánh để che chở đàn con dại. Trong đầu bà lúc nào cũng ý thức đến việc che chở cho con cái. Đến nỗi mỗi lần cả nhà thuê xe đi đâu xa bao giờ bà cũng lựa chỗ ngồi gần hoặc ngay sau lưng người tài xế.
Bà luôn miệng trò chuyện, thỉnh thoảng lại đưa một lát sâm để tài xế ngậm cho tỉnh táo. Trong lòng bà lo sợ anh ta buồn ngủ có thể nguy hiểm cho các con của mình, nhưng bên ngoài lúc nào cũng bình tĩnh tươi cười.
Yêu thương chăm lo cho các con hết lòng, nên những người nào giúp đỡ con cái mình, bà Lê Thị Quỳnh luôn nhớ. Mỗi dịp năm hết Tết đến, bà lên một danh sách những người cần phải biếu xén như các bác sĩ chăm sóc Trịnh Công Sơn hoặc những người bà từng liên hệ nhờ giúp đỡ cho những người con khác và cả bạn bè của các con.
Bà làm những món quà nho nhỏ tặng cho những người đó. Những món quà của bà tuy không đắt tiền nhưng lại rất độc đáo. Đó là những lọ me dầm, mứt cam quất, mứt cà chua được làm hết sức công phu mà ít người có thể sánh bằng.
Từ đầu tháng Chạp, bà đã phải mua me về, xẻ lưng, ngâm muối, rồi ngâm đường cho hết vị mặn. Việc tách hột trong trái me là khâu khó nhất, sau đó găm đường thêm mấy ngày mới xong. Mứt cam quất cũng công phu không kém, nhất là phải chích lỗ để lấy hột ra mà không làm hỏng trái quất. Đó là những món quà tặng bạn bè, người thân và người có ơn với gia đình của bà.
Chồng của Trịnh Vĩnh Tâm – một người em gái của Trịnh Công Sơn kể: “Má đã xem tôi như một đứa con của bà từ khi tôi chưa kết hôn với Tâm. Đến khi tôi xúc tiến những thủ tục cưới xin và khá lúng túng trước nhiều ý kiến của người này người khác, má chính là người nâng đỡ tinh thần tôi nhiều nhất.
Thậm chí má nói rằng ngay cả khi người tôi cưới không phải là Tâm thì má cũng vẫn đứng ra tổ chức đám cưới cho thật chu đáo! Ngày cháu Tib – con gái đầu lòng của vợ chồng tôi – sắp sửa chào đời ở bệnh viện Sùng Chính, má tỏ ra lo lắng không kém gì tôi.
Thật lạ, má đã 8 lần vượt cạn vậy mà đến lượt con gái mình sinh đẻ má lại không giữ được bình tĩnh. Thấy má đi đi lại lại ngoài phòng chờ với nét mặt căng thẳng, tôi càng thêm lo âu và thương má. Mãi đến khi nghe tiếng khóc oe oe, hai mẹ con mới nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm.
Thời gian sau, khi tôi đang ở trong một trại học tập tại Katum gần sát biên giới Campuchia, má đã cùng với Tâm và Tib – mới hơn 2 tuổi – lặn lội dưới cơn mưa lũ tầm tã đến thăm nuôi tôi. Thức ăn đem lên phần nhiều do má tự tay nấu, trong đó có món thịt nhưng đối với tôi lúc đó ngon hơn bất cứ cao lương mỹ vị nào”.
Sau này rời trại học tập, con rể bà về sống với gia đình tại nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch. Mỗi tuần có mấy hôm con rể bà phải theo nhóm dân phòng đi canh gác quanh khu phố về đêm. Bà thường rất suốt ruột vì lo lắng cho con, thỉnh thoảng lại ra trước nhà đứng chờ, thậm chí đi theo con rể quanh khu phố.
Mấy tháng sau anh kiếm được việc làm ở Bình Dương cách Sài Gòn khoảng 30 cây số, sáng đi sớm, chiều tối mới về bằng xe gắn máy. Chiều nào về đến đầu ngõ, con rể bà cũng thấy bà đứng chờ ở đó. Bà đối xử với con cái như thế, nên dâu rể trong nhà, không ai là không thương, không kính phục.
(Còn tiếp)
- Lâm Bình