Từ một Hoàng đế xuất gia
Thực tế thì Trần Nhân Tông không phải là ông Vua đầu tiên cũng chẳng phải là vị Vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam xuất gia tu Phật. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm và đến đời Lý – Trần thì tôn giáo này đạt đến cực thịnh. Cũng vì thế mà ông Vua khai quốc của triều Trần là Trần Thái Tông đã từng bỏ lên Yên Tử để đi tu và chỉ bất đắc dĩ trở lại Hoàng cung khi Thái sư Trần Thủ Độ đích thân lên mời. Rồi đến ông Vua thứ 11 của nhà Trần là Thuận Tông cũng đã đi tu theo đúng truyền thống của các ông Vua nhà Trần, dù thực tế thì Thuận Tông bị Hồ Quý Ly ép buộc.
Tuy nhiên, Trần Nhân Tông là ông Vua nhà Trần đầu tiên xuất gia theo đúng nghĩa của từ này. Hơn thế, chính Trần Nhân Tông là người đã hợp nhất các dòng Thiền lưu truyền từ trước để sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền của riêng Việt Nam.
Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Thiệu Long năm thứ 1 (tức năm 1258) vốn tên thật là Trần Khâm, là con trai trưởng của Vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng Thái hậu Trần Thị Thiều. Người ta kể rằng, khi mới sinh ra, bên vai trái của Trần Nhân Tông có nốt ruồi đen, mọi người cho rằng đó là tướng tốt, có thể cáng đáng được những việc lớn.
Khi còn nhỏ, Trần Nhân Tông được Vua cha là Thánh Tông đặt tên là Phật Kim, sau còn có tên là Nhật Tôn rồi mới đổi thành Trần Khâm. Năm 16 tuổi, sau khi từ chối nhiều lần mà không được, Trần Khâm buộc phải lên ngôi Thái tử. Người ta nói rằng, lý do Trần Khâm từ chối ngôi vị Thái tử mà nhiều người mơ ước là vì ông muốn đi tu. Vì vậy, dù đã ở nhận ngôi Thái tử nhưng Trần Khâm đã nhiều lần trốn đi tu song không thành. Bốn năm sau, năm 1278, Trần Thánh Tông quyết định truyền ngôi báu lại cho Thái tử Trần Khâm. Trần Khâm lên ngôi Vua tức Trần Nhân Tông, đổi niên hiệu thành Thiệu Bảo (1278 - 1285).
Mặc dù ở ngôi quân vương, song Trần Nhân Tông vẫn một lòng hướng Phật. Sử chép, sau khi lên ngôi Vua, Trần Nhân Tông vẫn sống thanh tịnh, thường ở chùa Tư Phúc xây tại nội điện, không dùng đồ mặn mà thường ăn chay nhạt. Ông cũng thường mời các Thiền sư đến giảng giải về Tâm tông. Thời gian lúc bấy giờ, Trần Nhân Tông thường xuyên gặp gỡ với Thiền sư Tuệ Trung Thượng sỹ.
Tuệ Trung Thượng Sỹ vốn tên thật là Trần Tung, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu và là anh ruột của vị Thống soái nổi tiếng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông của nhà Trần: Trần Quốc Tuấn. Mặc dù tham dự cả ba lần chống quân xâm lược Nguyên - Mông nhưng khác với người em của mình, ngay từ thời trẻ, Trần Tung đã thích thú với Thiền học, từng bái Thiền sư Tiêu Dao làm thầy. Do kiến thức của Trần Tung rất uyên bác nên Trần Nhân Tông đã tôn ông làm thầy. Chính vị Trần Tung đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông cũng như việc thành lập Thiền phái Trúc Lâm sau này.
Mặc dù một lòng hướng Phật và ham thích Thiền học, tuy nhiên, Trần Nhân Tông cũng là một đấng minh quân kỳ tài và một vị chiến tướng dũng mãnh. Cùng với Trần Quốc Tuấn và những nhân vật kỳ tài thuộc thế hệ thứ 2 nhà Trần, Trần Nhân Tông đã lãnh đạo nhân dân hai lần đánh bại sự xâm lược của quân Nguyên - Mông, lúc bấy giờ đang làm bá chủ trên khắp hai lục địa Á – Âu vào các năm 1285-1288.
Khi quân Ai Lao ở phía Nam liên tục đem quân quấy nhiễu biên giới, cũng chính Trần Nhân Tông đã dẫn quân đi đánh dẹp vào năm 1290. Cũng chính ông Vua một lòng hướng đến Phật môn này đã từng có những tuyên bố nảy lửa: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.
Tuy nhiên, sau khi đánh tan cuộc xâm lược của bọn lang sói phương Bắc đồng thời dẹp yên vùng biên ải phía Nam, theo thông lệ các đời Vua trước, Trần Nhân Tông đã quyết định nhường ngôi lại cho con mình là Trần Anh Tông, quyết định xuất gia đi tu. Sử sách chép rằng, đó là chuyện xảy ra vào năm 1293, khi Vua Trần Nhân Tông đi chơi Vũ Lâm, Ninh Bình rồi quyết định xuất gia tại đây.
Có lẽ vì thời điểm Trần Nhân Tông nhường ngôi, Trần Anh Tông còn quá trẻ (Trần Anh Tông sinh năm 1276, khi lên ngôi mới 17 tuổi), nên Trần Nhân Tông đã quyết định ở ngôi Thái Thượng hoàng trong 5 năm sau đó trước khi quyết định rời khỏi Hoàng cung lên Yên Tử một lòng tu Phật. Đó cũng là khoảng thời gian xảy ra giai thoại Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạy con nổi tiếng trong sử sách.
Đến vị Sơ Tổ của Trúc Lâm Yên Tử
Sau 5 năm ở ngôi Thái Thượng hoàng, Trần Nhân Tống quyết định giao toàn quyền cho Trần Anh Tông còn mình thì chọn Yên Tử làm nơi tu hành. Tại đây, Trần Nhân Tông siêng năng tu hành 12 hạnh đầu đà, tự gọi là Hương Vân Đại Đầu Đà. Cũng tại Yên Tử, Trần Nhân Tông đã bỏ rất nhiều công sức hoàn thành việc hợp nhất hệ thống giáo lý và tư tưởng của các Thiền phái trước đó đã xuất hiện ở Việt Nam, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền của riêng Việt Nam.
Cũng từ đây, ông lấy hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự hay Trúc Lâm Đầu Đà và bắt đầu xây dựng tăng xá, mở pháp độ tăng. Phật tử từ khắp nơi trong cả nước nghe tiếng Trần Nhân Tông kéo về xin thọ pháp đông như trẩy hội. Cũng chính vì vậy, mặc dù thuộc thế hệ thứ 6 của dòng Thiền Trúc Lâm, nhưng người đời sau đều tôn xưng Trần Nhân Tông là Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, coi đây như một dòng Thiền tiếp nối dòng Thiền Trúc Lâm. Cũng bắt đầu từ Trần Nhân Tông Việt Nam mới chính thức có một dòng Thiền Phật giáo của người Việt, do chính người Việt sáng lập.
Trên thực tế, Trần Nhân Tông không xuất gia với mục đích trở thành một cao tăng hay pháp chủ, cái ông muốn là tìm sự đào sâu vào những tư tưởng Thiền học từ đó tìm ra cái kế “vạn thuở vững âu vàng” cho non sông đất nước. Chính vì vậy, mặc dù đã xuất gia nhưng cho tới tận khi ông mất, Trần Nhân Tông vẫn không khi nào lơ là những chuyện quốc gia đại sự.
Sử sách chép rằng, những năm đầu mới lên Yên Tử, khi sức khỏe còn tốt, Trần Nhân Tông thường hay trở về Hoàng cung để giảng giải cho Trần Anh Tông về đạo làm Vua cũng như cách trị nước. Trong những cuộc nói chuyện với con trai của mình, Trần Nhân Tông còn để lại không ít những bài học về cách trị nước mà cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cái chết của Trần Nhân Tông cũng được người đời sau phủ lên một lớp màn huyền ảo và ly kỳ. Chuyện kể rằng, vào ngày mồng 5 tháng 10, năm Hưng Long thứ 16, tức năm 1208, chị gái của Vua Trần Nhân Tông là Công chúa Thiên Thụy cho người lên núi, tâu rằng: "Công chúa bệnh tình nguy kịch, muốn được trông thấy điều ngự lần cuối". Trần Nhân Tông liền chống gậy xuống núi, chỉ có một người đi theo.
Ngày mồng 10 tới kinh đô, ngày 16 dặn dò xong lại trở về núi. Trên đường về, người như linh cảm thấy số mệnh mình nên đã qua một số chùa để giã từ tăng hữu. Ngày 17, người nghỉ chân ở chùa Sùng Nghiêm, huyện Chí Linh, Hải Dương. Ngày 18, người đến chùa Tú Lâm gần đó.
Thấy đau đầu, người liền nói với hai nhà sư Tử Nan và Hoàng Trung rằng: "Ta muốn lên am Ngọa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?". Hai nhà sư thưa: "Đệ tử xin hết sức giúp đỡ". Tới quá chiều Vua Trần mới lên được đỉnh núi Ngọa Vân. Đây là ngọn núi cao nhất vùng thuộc làng Yên Sinh, huyện Đông Triều, quê gốc họ Trần. Trong thời gian tu ở Yên Tử, Trần Nhân Tông đã cho lập một am ở đây, đặt tên là Ngọa Vân (nằm trên mây), từ đó thành tên núi. Đôi khi người dừng chân đọc sách và tham thiền, nên đã có lối mòn đi tắt sang Yên Tử.