Cô gái 19 tuổi ngỡ ngàng nhận tin ung thư xương khi vừa đỗ ĐH
Đầu năm 2017, Hà Ngọc Ánh (19 tuổi) bị ngã xe, cú ngã không gây cảm giác đau đớn nên cô gái trẻ không đến bệnh viện kiểm tra. Đến tháng 12/2017, Ánh bắt đầu xuất hiện những cơn đau nhẹ trong xương. Dần dần cường độ đau tăng dần lên, về sau qua thăm khám em mới biết mình mắc ung thư xương.
Tốt nghiệp THPT, Ánh tham gia học tại một trường để chuẩn bị cho việc thi vào Đại học. Thời gian này những cơn đau đến với cô gái trẻ liên tiếp, tuy nhiên Ánh vẫn gắng gượng đến trường cùng các bạn. Đến khi việc đi lại thực sự không thể tiếp tục thì Ánh mới cùng bố mẹ ra Hà Nội thăm khám thì được các bác sĩ kết luận ung thư xương (Osteosarcoma).
Cách đây 3 tháng, sau khi mổ chân ở BV Hữu Nghị Việt Đức, Ngọc Ánh được chuyển sang Bệnh viện K để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hai tháng sau khi có kết quả hậu phẫu, Ánh mới bắt đầu điều trị hoá chất.
Cô gái 19 tuổi chia sẻ: “Mình vừa mới thi đỗ vào khoa Quản lý Khách sạn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng chưa kịp nhập học, đã phải nhập viện. Mình nhớ mãi buổi trưa tháng 5 oi ả, nghe bác sĩ nhắc đến căn bệnh ung thư xương, tai mình ù đi, trống rỗng rồi suy sụp. Mình chẳng được ai báo trước, vội vã bước vào hành trình chiến đấu với thuốc, nước mắt và nỗi đau”.
Một tuần sau ca phẫu thuật đầu tiên, Ánh nằm liệt giường, cả thể xác lẫn tinh thần đều bị cơn đau hành hạ, nhiều đêm không ngủ, biết bao lần ăn vào lại nôn ra. Ngọc Ánh cũng cho biết thêm, bản thân sinh hoạt và học tập ở môi trường nội trú nên mọi chế độ đều khoa học và điều độ. Đến giờ Hà Ngọc Ánh và bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến cô gái trẻ mắc bệnh ung thư xương.
Suốt 3 tháng qua, Ánh trải qua 4 đợt điều trị, mỗi ngày truyền 4 chai hóa chất và 3 chai dịch, sút đến 6 cân, trên người chi chít những vết tím bầm do chọc kim tiêm.
Sau đây là dấu hiệu bất thường của xương, bạn nên đi khám ngay để xác định có phải ung thư hay không.
1. Đau đớn
Các triệu chứng chính của các khối u xương phát sinh sớm, bệnh ban đầu chỉ đau nhẹ, không liên tục. Cùng với sự tiến triển của bệnh, cơn đau có thể tăng dần lên, sự phát triển của những cơn đau thường cố định.
Hầu hết bệnh nhân tăng đau vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Sự đau đớn diễn ra mơ hồ, bạn gần như khó biết đau từ đâu.
2. Sưng hoặc nổi u cục
Ở thời kỳ đầu, khối u có thể xuất hiện, sờ thấy xương biến dạng. Khi sưng nhiều hơn có thể khiến mô xương nhô ra ngoài, bề mặt trơn bóng hoặc lồi lõm bất thường.
3. Rối loạn chức năng xương
Khi bệnh nhân bị ung thư xương nặng hơn hoặc vào giai đoạn muộn, sẽ gây ra một số cơn đau, sưng và chức năng xương ở bệnh nhân bị cản trở, gây ra các triệu chứng teo cơ tương ứng kèm theo.
4. Triệu chứng bị nén ép
Khi có khối u nào đó phát triển trong khoang sọ và khoang mũi có thể gây chèn ép vào não và mũi, xuất hiện triệu chứng áp lực não chậm chạp và nảy sinh các vấn đề về hô hấp.
U vùng chậu nén vào trực tràng, bàng quang, ruột gây cảm giác khó tiểu, khối u tủy đè nén cột sống có thể gây tê liệt.