Cô gái đọc kinh viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá

07:24, Thứ năm 16/02/2012

( PHUNUTODAY ) - “Là công dân của đất nước Việt Nam, ai cũng tự hào được viết Quốc hiệu của đất nước mình trên các văn bản. Còn tôi những ngày này khi nghĩ về Quốc hiệu của quốc gia mà thấy tiếc cho những ngày làm công dân của mình”.

(Phunutoday) - Mỗi ngày qua đi, cô không ngừng hy vọng có phép màu nhiệm ở một thế giới siêu nhiên nào đó sẽ giúp cô toại nguyện, như lời kinh kệ mà mỗi tối cô đọc để rồi lại chứa chan hy vọng khi ánh bình minh ngập tràn.
[links()]

Yêu trong mù lòa

Nõn nà, trắng bóc là cảm nhận về bề ngoài của người đối diện trước cô gái đất mỏ Nguyễn Thị Phương Nga. Tuy đã đứng tuổi, sinh năm 1976,  nhưng nữ tử tù tại trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La vẫn toát lên vẻ đài các thường thấy ở những người sinh ra trong một gia đình giàu có.

Nga là con gái lớn trong gia đình, mẹ cô mất sớm, bố cô ở vậy nuôi ba đứa con với đồng lương thương binh khiêm tốn. Ngay từ nhỏ, Nga đã ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình, nhất là mỗi khi trái gió trở trời, vết thương của bố tái phát.

Dù đã đến tuổi trưởng thành nhưng cô gái xinh đẹp vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Không phải Nga chưa nhận được lời tán tỉnh của các chàng trai mà bởi vì, trong cô chỉ có một khát khao ấy là tìm được việc làm đỡ đần cha hoàn thành việc nuôi các em ăn học trước khi nghĩ tới chuyện cho riêng mình.

Chính vì suy nghĩ thế mà năm 2006, sau một năm ở Hạ Long tìm việc làm nhưng thu nhập không được nhiều, nhân dịp em trai thi đỗ đại học ở Hà Nội, Nga cũng theo em ra, nhận làm đại lý cho hãng sữa tươi Ba Vì tại đó.

Lá đơn xin ân xá của Nguyễn Thị Phương Nga
Lá đơn xin ân xá của Nguyễn Thị Phương Nga

Gian hàng của cô tuy nhỏ nhưng gọn ghẽ trong một con ngõ nhỏ của quận Thanh Xuân, nơi cô vừa để trưng bày sản phẩm vừa là sinh sống. Nga không biết rằng có một thanh niên nhà gần đó ngay từ giây phút đầu tiên đã bị sức sống tươi trẻ của cô hút hồn.

Người thanh niên ấy là Ngô Minh Tâm, một kẻ nghiện ma túy nhưng vì kinh tế khá giả nên có bề ngoài béo đẹp chứ không teo tóp, cáu bẩn như những con nghiện khác.

Mê mẩn trước vẻ đẹp chân chất của cô gái bán sữa, tối nào, Tâm cũng đến cửa hàng của cô, lấy cớ mua vài chai sữa, cái bánh ngọt để có cơ hội trò chuyện với chủ quán.

Ban đầu, Nga khá dè dặt khi tiếp chuyện Tâm nhưng rồi những câu chuyện không đầu không cuối giữa hai người trẻ tuổi đã khiến họ trở nên thân mật. Nhiều lần Tâm ngỏ lời yêu nhưng chưa được Nga đồng ý vì lý do cần phải kiếm tiền để nuôi em, song Tâm vẫn không bỏ cuộc để rồi hơn một năm sau, cô mới nhận lời khi biết Tâm là thợ sửa chữa ô tô, thu nhập ổn định.

20 tuổi mới biết đến thế nào là rung động đầu đời, Nga ngây ngất trong tình yêu. Khi nghe được lời hứa của Tâm rằng sẽ giúp cô hỗ trợ bố nuôi em, cô càng thấy cảm phục người yêu hơn.

Nghe lời Tâm, Nga thôi bán hàng, chuyển về ngôi nhà bố mẹ Tâm xây cho con trai ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, quán xuyến việc nội trợ còn Tâm đi làm. Thi thoảng Tâm lại lấy ô tô của gia đình, nói là đưa người yêu đi “đổi gió” để đưa cô lên các vùng núi cao của tỉnh Sơn La.

Trong lúc Nga mơ mộng thả hồn với mây trắng, núi non, mải mê chụp cảnh đẹp thì Tâm đi tìm hàng trắng để hút và mang về Hà Nội bán. Tuy nhiên dù Tâm có kín đáo đến đâu thì cuối cùng Nga cũng biết anh ta nghiện và việc anh ta đang làm.

Bàng hoàng, hẫng hụt, Nga rơi vào trạng thái không biết bấu víu vào đâu bởi cô trót ăn ở với người yêu và chuyện làm đám cưới cho họ cũng đã được hai bên gia đình bàn tới. Không dám tâm sự với bố vì sợ làm bố lo lắng, Nga chỉ biết khóc vụng.

Tuy nhiên, cô vẫn không nguôi hy vọng sẽ dùng tình yêu cảm hóa Tâm nên nhiều lần, Nga tỉ tê, khuyên Tâm đi cai nghiện. Thế nhưng, chính cô lại là người bị Tâm thuyết phục lại, rằng chỉ làm vài chuyến nữa thôi, sau khi kết hôn, Tâm sẽ cai nghiện và giải nghệ.

Tin vào người yêu, Nga chỉ đủ tỉnh táo để nghĩ rằng nếu mình không một lần xách túi ma túy, chưa bao giờ cầm tiền đưa cho bạn hàng và cũng chẳng khi nào sử dụng số tiền ấy thì sẽ không phạm tội.

Mặc dù thế nhưng mỗi khi Tâm mang hàng đi Lạng Sơn, mình Nga trong căn phòng trống vắng, cô lại thấy thương Tâm vô hạn vì nghĩ rằng việc anh ta xông vào chốn nguy hiểm là vì hạnh phúc sau này của hai người.

Cô đã mừng đến chảy nước mắt khi người yêu thông báo sẽ đi chuyến hàng cuối cùng rồi hoàn lương nhưng điều đó đã mãi mãi không thực hiện được vì Tâm bị Công an Trung Quốc bắt giữ cùng túi ma túy.

Không thấy người yêu trở về như đã hẹn, Nga biết điều xấu nhất đã xảy ra. Song điều khiến cô sợ hãi nhất là không biết phải xoay xở làm sao với gói hàng gồm 4 bánh ma túy mà Tâm cất trong nhà, bảo để trả lại vì chất lượng xấu.

Nga nghĩ ngay đến cách đẩy gói hàng trên cho những người bạn làm ăn của Tâm nhưng vì chưa lần nào cô có ý định mua bán ma túy nên không có số điện thoại của những người tiêu thụ.

Lục tìm trong đống giấy tờ của Tâm, Nga tìm được số điện thoại của một phụ nữ tên Trần Lan Hương, nhà ở bãi Phúc Xá. Nga biết Hương bởi một vài lần cùng Tâm lên Sơn La, cô gặp Hương ở chỗ mua hàng nhưng chẳng mấy khi trò chuyện.

Khi nghe cô gọi điện thoại, bảo muốn bán 4 bánh ma túy, Hương đã đồng ý mua lại. Nga đâu biết rằng tuy là đồng bọn của nhau nhưng khi nghe tin Tâm bị bắt, Hương đã lập kế hoạch cướp lại gói hàng từ tay Nga.

Theo kế hoạch, Hương bảo 2 tên đồng bọn chờ sẵn ở điểm mà cô ta hẹn giao nhận hàng với Nga để khi Nga cầm túi ma túy tới, Hương nháy vào máy điện thoại của Nga và trong lúc Nga cúi xuống lấy điện thoại thì đồng bọn của Hương lao ra cướp “hàng”.

Người yêu bị bắt, “hàng” bị cướp, Nga không được yên thân khi đồng bọn của Tâm ở Sơn La liên tục gọi điện xuống, thúc cô trả nợ thay với những lời lẽ hăm dọa. Sợ hãi, Nga đã làm theo sự chỉ dẫn của chúng là lên Sơn La lấy ma túy, đưa ra cửa khẩu cho đối tác.

Lần đầu tiên trót lọt nhưng nợ vẫn chưa hết, lần thứ hai, Nga lại nhắm mắt làm liều. Trong thâm tâm của cô lúc đó chỉ mong sao xóa được hết nợ cho người yêu để Tâm có thoát nạn trở về không bị chúng hỏi tội, cô không ngờ đó cũng là chuyến đi định mệnh của đời mình.

Ngày 28/8/2008, khi Nga được tên đồng bọn là Nguyễn Tiến Dũng hộ tống mang 3 bánh ma túy về đến Chương Mỹ, Hà Nội thì bị bắt quả tang.

Với hành vi mua bán 10 bánh ma túy trong đó 4 bánh bị cướp, 3 bánh bị bắt quả tang, chưa kể 14 lần đi với người yêu, Nga bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La kết án tử hình. Chới với khi nghe tòa tuyên án, Nga rơi vào hoảng loạn vì không nghĩ rằng kết cục đời mình lại tàn khốc như vậy.

Đọc kinh để tĩnh tâm và cầu nguyện một phép màu

Trong lá đơn gửi Chủ tịch nước, xin tha tội chết, Nga đã bộc bạch rất thật nỗi lòng mình. Cô cho rằng vì đã quá mù quáng, tin tuyệt đối vào người yêu và đã sống hết mình với mối tình đó nên cô đã lầm lạc. Trong thư của cô có đoạn:

“…Khát khao cuộc sống của tôi chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ. Trước kia tôi lầm tưởng rằng chỉ có tình yêu đôi lứa mới xứng đáng để mình hy sinh tất cả, vì lẽ đó mà tôi đã sa chân vào con đường ma túy lúc nào không hay.

Tôi lầm tưởng rằng chồng chưa cưới của tôi buôn bán ma túy cho người Trung Quốc để kiếm tiền xây đắp hạnh phúc cho tình yêu của chúng tôi thì không hại gì đến người dân Việt Nam…”.

Mù quáng và suy nghĩ lệch lạc đã khiến một cô gái xinh đẹp như Nga lạc lối. Những ngày tạm giam tại Sơn La, chờ bị đưa ra xét xử, Nga vẫn tin rằng cô không đến nỗi bị khép tội chết vì “không hại gì đến người dân Việt Nam” mà việc cô vào tù chỉ làm hoen ố danh dự gia đình, làm bố và hai em xấu hổ.

Chính vì thế mà khi tòa án tuyên phạt mức án cao nhất, Nga đã ngất lịm trước vành móng ngựa vì bất ngờ và hoảng sợ. Những ngày sau đó, cô gần như hoàn toàn không ý thức được hiện tại, không phân biệt được khi nào là ngày, là đêm.

Chẳng biết vì quá sợ hãi hay vì tâm can có nhiều điều giằng xé mà từ khi vào phòng giam đặc biệt, Nga tàn tạ tới thảm hại. Những lúc tỉnh táo, Nga vật vã khóc lóc thương bố và hai em rồi im lìm như cái bóng, ai hỏi gì cũng ngơ ngác, sợ sệt.

Những lời động viên của bạn tù, lời an ủi của quản giáo chỉ làm Nga bớt dần sự hoảng loạn chứ không thể giúp cô trở lại bình thường.

Dù đau đớn vì đứa con gái lớn vướng vòng lao lý, xấu hổ với họ hàng nhưng người cha thương binh, từng làm rạng danh tổ tông với hai tấm Hương chương kháng chiến đã không bỏ rơi Nga.

Từ Quảng Ninh, ông chống gậy lên Sơn La thăm con, kéo con về với hiện thực bằng những lời động viên kèm theo 4 quyển kinh nhà Phật. Nhìn thấy cha, Nga ôm mặt khóc vì tủi thân và ân hận. Cô ôm tập kinh cha đưa một cách vô thức về phòng giam như chưa hiểu hết ẩn ý sâu xa của cha mình.

Mỗi khi để giết thời gian, để không phải nghĩ ngợi, Nga lại giở quyển kinh ra đọc để rồi càng đọc càng thấy cuốn hút, càng thấy tâm hồn đỡ bị xáo trộn. Theo lời tâm sự của cô thì giờ cô đã thuộc làu số quyển kinh mà cha gửi cho.

Hôm nào cũng thế, khi màn đêm bắt đầu buông xuống, Nga lại mang kinh ra, lầm rầm đọc đến khi tiếng chim lảnh lót đầu nhà báo hiệu ban mai tới thì cũng là lúc cô đọc tới trang cuối.

Hơn một năm như thế đã trôi qua, Nga không còn muốn tuyệt thực để chết, cũng không còn rơi vào trạng thái hoảng sợ khi thấy quản giáo xuất hiện như trước nữa mà đã tĩnh tâm hơn.

Cô đã biết chấp nhận số phận song vẫn khao khát được tiếp tục sống để trở thành người lương thiện. Trong lá đơn xin ân xá, Nga đã viết:

“Là công dân của đất nước Việt Nam, ai cũng tự hào được viết Quốc hiệu của đất nước mình trên các văn bản. Còn tôi những ngày này khi nghĩ về Quốc hiệu của quốc gia mà thấy tiếc cho những ngày làm công dân của mình”.

Trong cuộc trò chuyện dịp cuối năm vừa qua, Nga thổ lộ rằng vẫn còn rất yêu người đàn ông mà vì anh ta cô phải mang án tử nhưng nếu được tha tội chết, cô sẽ cải tạo thật tốt để còn có cơ hội tìm gặp người yêu.

Cô không tin tưởng rằng sẽ được tha chết nhưng trong tiềm thức, cô luôn hy vọng rằng khát vọng sống của cô sẽ làm nên điều kỳ diệu. Nga bảo nếu có phải chết thì đó cũng là số phận, là ngày tận thế của cô và cô sẽ chấp nhận.

Nước mắt ướt nhoè bên gò má mịn màng, trắng hồng, Nga chỉ mong bát canh khoai sọ mà bố cô hứa sẽ mang vào cho cô sau lần đầu tiên lên thăm con đừng đến với cô quá trễ.

  • Thu Trinh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc