Một người có nhân phẩm tốt là người biết lễ nghi trong bàn ăn, có phong cách, thái độ điềm đạm trong ăn uống, tôn trọng người phục vụ, người đối diện với mình. Đó là những việc tuy nhỏ nhưng sẽ đánh giá được phẩm chất con người bạn như thế nào.
Muốn biết tu dưỡng của một người tốt hay không, nhân phẩm tốt hay xấu chỉ cần qua một bữa cơm là biết!
Tăng Quốc Phiên, một trong những vị đại thần có công trung hưng nhà Thanh, có rất nhiều tài năng đặc biệt, đặc biệt là khả năng nhìn nhận con người, chỉ cần qua một bữa ăn, ông ấy sẽ hiểu bạn là ai.
Khi Tăng Quốc Phiên dẹp loạn ở An Khánh, một người họ hàng xa đã đến gặp ông để tìm kiếm một nơi nương tựa. Người này xuất thân bần hàn, quần áo mộc mạc, lời nói thành khẩn. Ông ta không ngừng thể hiện rằng mình nguyện ý đi theo Tăng Quốc Phiên không cầu phú quý, chỉ cầu ấm no.
Vài ngày sau, Tăng Quốc Phiên chuẩn bị một bàn tiệc tiếp đãi ông ta trong doanh trại. Trong bữa tiệc, hai người trao đổi với nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ việc bình dân trị nước đến sách lược công thành hạ trại. Dù ở lĩnh vực nào, ông này cũng đều thể hiện một cách xuất sắc. Tăng Quốc Phiên rất vui lòng.
Không ngờ, sau khi bữa tiệc kết thúc, Tăng Quốc Phiên liền tặng cho người họ hàng một món tiền rồi bảo đi về, ông không nhận. Không ai hiểu được nguyên do tại sao. Mãi sau này ông mới tiết lộ nguyên nhân trong một bức thư gửi cho em trai mình: Hắn là kẻ nghèo rớt mùng tơi, lại còn đang làm khách, trong bữa ăn lại còn kén chọn! Ta sợ hắn đứng núi này trông núi nọ, cho nên không tiếp nhận.
Nguyên nhân là do người họ hàng kia mặc dù tự xưng là nhà nghèo, nhưng trong lúc dùng cơm lại vô tình bộc lộ một chi tiết: Vì đang trong thời chiến, quân lương chất lượng không tốt, kẻ đó miệng vừa nói sẽ không ngại gì gian nan, tay vừa kén chọn, nhặt những chỗ không ngon trong đồ ăn bỏ ra. Bởi vậy, Tăng Quốc Phiên kết luận rằng người này lòng không trong sáng, không đáng tin.
Cuộc sống này vốn phức tạp. Bữa ăn vốn chỉ là phép thử nhỏ, trước mặt người đối diện, toàn bộ những lời nói và hành động sẽ quyết định bạn thành công hay thất bại. Dù có là tâm cơ sâu kín đến chừng nào cũng khó lòng che giấu được hoàn toàn, nhất là khi ta thực hiện những sinh hoạt thường ngày.
Thức ăn vốn là ngọc thực. Phải biết trân quý nếu không sẽ vướng phải "nghiệp"
Thời Bắc Tống, có một gia đình giàu có sống tại Biện Kinh. Đời sống của họ hết sức xa hoa lãng phí. Người con cả mỗi bữa đều muốn ăn đủ các loại bánh. Vì thế cha mẹ hắn thuê những đầu bếp giỏi nhất ở kinh thành về làm bánh cho hắn ăn. Nhưng kẻ này rất kén ăn, chỉ ăn nhân bánh, còn vỏ ngoài đều bỏ đi. Người nhà cũng chỉ cho rằng hắn ngang bướng, cười xòa cho qua.
Mười mấy năm sau quân Kim xâm lấn, cả thành Biện Kinh đều bị cướp phá. Gia sản nhà kia đều tan hoang hết, hắn phải đi khắp nơi sống cuộc đời du thủy du thực. Do đã quen với cuộc sống giàu sang, chưa phải ngửa tay xin tiền ai bao giờ nên hắn nhanh chóng lả đi vì đói. Lúc hắn thoi thóp sắp lìa đời, một vị hòa thượng già liền đưa hắn vào ngôi chùa sau núi cho ăn uống.
Hắn đứng dậy bái tạ, lão hòa thượng lại lắc đầu nói: Không cần cảm ơn ta, những đồ mà ngươi vừa ăn, vốn từ nhà ngươi mà ra, chẳng qua là vật về chủ cũ mà thôi. Hắn không khỏi ngạc nhiên, sau đó lão hòa thượng chỉ vào sau phòng một đống lương khô nói rõ ngọn nguồn cho hắn.
Năm xưa hắn ăn chơi hoang phí, không ai là không biết. Vị hòa thượng này mỗi ngày đều vào nhà hắn thu gom lại những đồ ăn còn thừa, phơi khô, tích lũy ngày qua ngày đã đầy cả phòng. Bây giờ đương lúc loạn thế, vị hòa thượng dùng chỗ lương thực này cứu giúp được không ít người.
Cuộc đời này vốn có nhân quả, gieo nhân nào gặt quả ấy. Nếu bạn chăm chỉ tu tập, tích đức, làm việc thiện, biết trân quý ngọc thực, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Ngược lại, nếu sống xấu xa, nhỏ nhen, không tôn trọng đồ ăn, sớm muộn cũng bị báo ứng. Cuộc đời này là một chuỗi bất ngờ, khi bạn khó khăn, cùng cực nhất, sẽ nhận được những điều mà mình tạo nên trong quá khứ.