Nhân ngày 8/3, tôi xin bày tỏ nỗi lòng mà nhiều khi bị hiểu lầm là “khéo nịnh đàn bà”: Đàn bà thương mến ơi, đàn ông chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến “một nửa thế giới” của mình, nếu có điều gì sơ suất trong quan hệ chúng ta, chính cánh đàn ông sơ suất nhiều hơn, thì do một phần hormone giới tính hoạt động ngoài vòng kiểm soát!
Bực dọc tuôn trào
Cách đây vài năm, một nhà văn nữ đã viết lá thư với tựa đề Gửi đàn ông nhân ngày 8.3 đăng trên một nhật báo. Nội dung thư bắt đầu bằng việc điểm qua đặc điểm xã hội của Thuỵ Điển và Singapore để cho thấy vấn đề bình đẳng giới phải cần đến thời gian (ở Thuỵ Điển cần hơn 100 năm, còn Singapore là hai, ba thập niên) mới có những thành tựu đáng kể.
Rồi người viết kết luận: “Phần lớn những thành tựu về giới trong xã hội đều là thành quả nỗ lực của cả đàn ông và đàn bà, nên tôi không sốt ruột. Vả lại, biến chuyển bình đẳng giới trong xã hội chúng ta hiện nay là điều không thể cưỡng được.
Vì vậy, đàn ông, chúng ta hãy cùng tiến, hoặc tránh xa!” Khi đọc, tôi có cảm tưởng chữ “tránh xa” đã được lựa chọn từ sự hằn học vì nữ quyền bị đàn áp, đè nén từ quá lâu! Nhưng sau đó tôi thấm và hiểu rằng đó không là hằn học mà là quyết liệt.
Có thật phụ nữ giỏi nhịn nhục hơn? |
Hiện nay trong cuộc sống này biết bao vấn đề cần phải giải quyết một cách quyết liệt. Thái độ hay hành động quyết liệt ẩn chứa lòng nhân ái mà có khi đối tượng của thái độ hay hành động quyết liệt ấy không nhận thấy được.
Tôi từng vẽ tranh vui châm biếm tật nhậu xỉn của mấy ông. Tranh vẽ một người đàn ông ôm chặt cô gái thật đẹp và quyến rũ hết sức như không muốn rời ra, cô gái đẹp mặc chiếc váy rộng xem kỹ lại là thân chai rượu được cách điệu, phía sau người đàn ông ôm cô gái (thực chất là chai rượu) là người đàn bà cùng hai đứa con nhỏ, người đàn bà hướng về người đàn ông gọi to với cái miệng như cười: “Mình ơi!” (xem hình).
Tôi đã gửi tranh này lên diễn đàn trên internet quy tụ đông đảo thầy cô, bạn bè đồng nghiệp của tôi ở nhiều nước với mục đích cho thấy phụ nữ vẫn còn nhiều đau khổ, riêng ở Việt Nam thì nỗi khổ rất nặng đè lên đôi vai yếu ớt của các chị em là phải chịu đựng ông chồng sáng say chiều xỉn.
Một nữ đồng nghiệp ở nước ngoài đã gửi email hỏi: “Tại sao anh vẽ khuôn mặt của hai phụ nữ, một người (chính là chai rượu) mặt mày hớn hở cười thật tươi, còn người kia (là người vợ khốn khổ vì chồng không lìa chai rượu) cũng ráng nở nụ cười dù thống thiết kêu lên “Mình ơi”?” Tôi trả lời: “Chị ơi, phụ nữ Việt Nam rất tuyệt vời! Họ luôn yêu thương, chiều chuộng và đặc biệt biết nhịn nhục đối với chồng mình dù hoàn cảnh thế nào”.
Tôi trả lời như thế trong khi tâm trí đang đầy ắp hình ảnh bà xã tôi – một người phụ nữ nhịn chồng rất là hay, luôn nhịn cho đến khi tôi hạ hoả hoàn toàn.
Nhưng tôi đã nhận email của nữ đồng nghiệp: “Tôi không đồng ý với anh, người đàn bà chỉ tuyệt vời và lý tưởng như anh trình bày khi được bên cạnh là người đàn ông lý tưởng và tuyệt vời!” Khi đọc dòng chữ trả lời trên, tôi cảm nhận sự bực dọc tuôn trào từ nỗi ấm ức đè nén lâu lắm rồi và nay có dịp bộc phát.
Chữ “nhịn nhục” mà tôi dùng không khéo trong thư gửi đồng nghiệp trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Phải chi, thay vì diễn tả “phụ nữ nhịn nhục dù hoàn cảnh thế nào” gây hiểu lầm, tôi ghi “phụ nữ giỏi nhịn nhục hơn đấng mày râu” thì sẽ nhẹ tội hơn rất nhiều.
Thật ra, phát biểu “phụ nữ giỏi nhịn nhục hơn” là dựa trên cơ sở khoa học đàng hoàng.
Lấy nhu thắng cương
Phụ nữ có hai hormone (nội tiết tố) sinh dục nữ là estrogen và progesterone. Hai hormone sinh dục nữ giúp tạo các đặc điểm của phái nữ, trong đó có sự dịu dàng, mềm mỏng, giỏi chịu đựng (chính giỏi chịu đựng mà phụ nữ sống thọ hơn nam giới, kẻ luôn tự cho là phái mạnh), đặc biệt là có sự nhịn nhục lắm khi là tuyệt vời.
Đàn ông dễ nổi nóng, rất khó thấm chữ “nhẫn” do hormone sinh dục nam của mình là testosterone. Đó, nói “phụ nữ dễ nhịn hơn” có cơ sở khoa học là như vậy.
Trong thực tế, ta vẫn gặp phụ nữ dễ nổi nóng như thiên lôi, hoặc gặp người đàn ông rất khéo nhịn nhục, bởi vì, đúng như quan điểm của Đông y “trong dương có âm, trong âm có dương”, trong người phụ nữ vẫn có hormone sinh dục nam và trong người nam vẫn có hormone sinh dục nữ (tuy rất ít). Chỉ có một ít người nữ “do trong âm có nhiều dương hơn một chút” dễ nổi cơn tam bành, còn đại thể phụ nữ rất giỏi nhịn.
Biết được thực trạng như trên, trong quan hệ vợ chồng, người phụ nữ nên khéo tận dụng đặc điểm của mình, để khi mối tương giao có căng quá, người nữ nên “xuống nước” để cho người nam “hạ hoả”, sau đó phân giải tình lý theo đúng “nam nữ bình quyền” (đặc điểm của hormone testosterone là bạo phát bạo tàn, nếu người nữ biết “nhu” đúng lúc, sự “cương” của người nam sẽ hạ liền).
Nhưng chính thực trạng vừa nêu cũng phần nào giải thích cuộc đấu tranh cho “bình đẳng giới” phải kéo dài, không biết đến khi nào đạt được mục đích viên mãn. Bởi vì, sự nhịn nhục của phụ nữ thường là thái quá, chỉ biết theo tiếng nói của trái tim mà quên đi lời dặn của lý trí, thật đáng thương.
Đơn cử, nạn bạo hành đối với phụ nữ trên toàn thế giới cứ tiếp diễn không ngừng trong khi nạn nhân là phụ nữ cứ một mực cho rằng “nhịn nhục là số phận của đàn bà”, “một câu nhịn chín câu lành”, “nhịn chồng thì hổ với ai” v.v.
(Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức/ SGTT)
[links()]