Hai năm trước, cậy kiếm ra tiền con dâu tôi hạch sách chồng con và yêu cầu chồng nghỉ ở nhà không lương để bế con cho nó kiếm tiền. Nhưng rồi một ngày, nó lại khóc lóc xin nhà chồng giúp nó vì làm ăn thua lỗ.
[links()]
Đọc tâm sự của chị Trương Thị Hà về người con dâu vênh váo vì kiếm được nhiều tiền hơn chồng, tôi cũng chia sẻ trường hợp gia đình mình với bạn đọc. Mong đây cũng là bài học dành cho nhiều cô gái trẻ.
Gia đình tôi có 3 người con, cậu con trai cả làm giảng viên đại học. Vì là giảng viên trẻ, thu nhập cũng ít nên kinh tế gia đình có phần khó khăn. Vợ của nó làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty tài chính ở Cầu Giấy, Hà Nội. Những năm trước, tài chính chứng khoán có giá, con dâu tôi kiếm tiền dễ lắm. Nó chi tiêu hoang phí và luôn chê bôi chồng bất tài và chê cả nghề nghiệp của chồng.
Có lần, sang nhà con chơi, tôi nghe con trai và con dâu tranh cãi việc chăm sóc con mà xót con, xót cháu. Con dâu lớn tiếng mắng chồng “thời nay nam nữ bình đẳng anh phải nuôi con cho em đi kiếm tiền”. Rồi “đàn ông như anh cầm cặp sách lên giảng đường thì oai nhưng túi rỗng tếch, anh ở nhà chăm con không phải thuê ô sin”..
Nghe con dâu vênh váo với chồng tôi chỉ muốn tát cho nó một cái để chừa cái thói lộng hành.
Tôi khuyên nhủ con dâu “dù thời nào, nam nữ có bình đẳng nhưng các cụ đã dạy đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, việc chăm sóc con cái là của người phụ nữ”. Tôi nói chưa hết lời con dâu đã chỉ thẳng tay vào mặt mẹ chồng: “Mẹ bênh con trai. Ở cái nhà này con trai mẹ chẳng mua được cái gì, sống nhờ vào vợ còn đòi quyền lợi”. Tôi tự ái bỏ ra về trước sự bất lực của con trai.
Con dâu tôi khinh chồng không kiếm ra tiền. Con nhỏ nó không muốn thuê người giúp việc mà bắt chồng nghỉ không lương ở nhà chăm con. Chồng được đi học tiến sĩ nó không cho đi vì “tiến sĩ áo rách”. Lúc nào nó cũng đề cao việc kinh doanh tiền của nó.
Lúc có tiền, con dâu tôi vênh váo với nhà chồng. Ảnh minh họa |
Tôi giận con dâu một thì giận con trai bất lực mười. Chúng tôi nói chuyện với gia đình thông gia về con dâu thì họ cũng lên lớp chúng tôi rằng “phi thương bất phú, ông bà cho thằng P. nghỉ dạy đi ra ngoài kiếm tiền đi cho vợ nó đỡ vất vả…”
Ngày Tết, con dâu mua quà Tết nhờ dịch vụ chuyển phát mang đến Tết bố mẹ chồng. Ức con lắm nhưng gọi điện nó báo bận không đến được.
Năm 2010, con dâu tôi lao vào buôn bán đất cát. Nó huy động vốn từ anh em rồi thế chấp cả sổ đỏ, vay tiền xã hội đen. Có tháng, nó kiếm được cả tỷ đồng. Nó bỏ qua lời khuyên của chúng tôi rằng tiền nhanh đến cũng nhanh tàn lắm. Nó coi khinh bố mẹ chồng không biết thời cuộc.
Bẵng đi vài tháng, chúng tôi không để ý gì tới cô con dâu trưởng nữa. Chồng tôi nói: “Kệ chúng nó, cá không ăn muối cá ươn”. Câu nói của bố chồng vẫn còn vang vẳng thì một ngày con trai tôi gọi điện về báo vợ bỏ nhà đi.
Chúng tôi hỏi ra mới biết nó vay tiền xã hội đen chung mua đất cát với nhiều người rồi bị người ta lừa mất gần 20 tỷ. Vừa xót tiền, vừa bực con không nghe lời, chồng tôi và con trai lại đi tìm nó về. Về đến nhà, nó vừa khó vừa quỳ gối xin bố mẹ và chồng hãy cứu con. Hỏi ra, tôi biết toàn bộ số tiền thế chấp sổ đỏ và tiền vốn nhiều năm mua bán chứng khoán, đất cát của nó đã bị người ta lừa hết.
Lúc đó, con dâu tôi nợ xã hội đen 1 tỷ cần trả gấp nếu không có trả thì chúng nó không để cho yên thân. Nó khóc lóc xin bố chồng trả nợ cho nó. Lúc này, nó không còn vênh váo bắt chồng nghỉ dạy học, coi khinh bố mẹ chồng nữa.
Hơn hai năm trôi qua, bài học về người phụ nữ xây tổ ấm vẫn còn đó. Con dâu tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Nó ngoan ngoãn chăm con và đi làm công việc mới do bố chồng xin cho. Còn chồng nó cũng đi học tiến sĩ ở Đức.
Câu chuyện này tôi xin gửi tới những cô con dâu cậy kiếm ra tiền vội khinh nhà chồng và chồng.
- Bùi Thị Liên (Đống Đa, Hà Nội)