Con trai nhà thơ Đỗ Trung Quân coi mẹ là đại gia

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Quý tử của nhà thơ Đỗ Trung Quân là một tài năng trẻ của ngành quảng cáo Việt. Không phủ nhận những ưu thế có được khi là con trai người nổi tiếng, song Đỗ Đăng Thường lựa chọn cách tự đi trên con đường của mình, bắt đầu từ những sáng tạo liều lĩnh trong bộ phim ngắn gặt hái nhiều thành công năm 2010.


(Phunutoday)- Quý tử của nhà thơ Đỗ Trung Quân là một tài năng trẻ của ngành quảng cáo Việt. Không phủ nhận những ưu thế có được khi là con trai người nổi tiếng, song Đỗ Đăng Thường lựa chọn cách tự đi trên con đường của mình, bắt đầu từ những sáng tạo liều lĩnh trong bộ phim ngắn gặt hái nhiều thành công năm 2010.

25 tuổi, từng được biết đến như một ca sĩ nhạc rock, một đạo diễn phim hoạt hình, một người mê chụp ảnh có góc nhìn ấn tượng, và chức danh cao (Junior Art Director – Giám đốc nghệ thuật) trong một tập đoàn quảng cáo lớn liên doanh với nước ngoài,... bấy nhiêu đã đủ để người ta quên "cái bóng" của người cha nổi tiếng - nhà thơ Đỗ Trung Quân?

Câu hỏi sẽ được chàng trai trước mặt trả lời với thái độ tự tin đến cương quyết, dẫu với giọng nói của một cậu ấm, rằng: "Những người từng làm việc chung đều biết trách nhiệm và khả năng của tôi".

Những người hiểu chuyện hơn thì đều biết sự tự hào của nhà thơ Đỗ Trung Quân về cậu con trai tài năng và độc lập. Ông không giấu điều này trên những mạng xã hội mình tham gia như facebook... Ngược lại, cậu con trai quý tử lại rất ít nhắc tới tên người cha của mình tại nơi đông người.

“Áp lực” đã qua lâu rồi...

Nhà thơ ở Việt Nam không ít, nhưng nổi tiếng kiểu như... Đỗ Trung Quân thì không nhiều. Không những nổi tiếng với các vần thơ vừa mềm mại vừa đanh thép, ông còn là người dẫn chương trình có duyên, và là nhà báo kỳ cựu. Tâm hồn lãng mạn nghệ sĩ, đôi khi có phần... quá khích của nhà thơ khiến cuộc sống của ông rất nhiều màu sắc. Bởi thế, những người trong gia đình nhà thơ cũng được dư luận "chú ý" theo một cách nào đó.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Nhà thơ Đỗ Trung Quân


Đỗ Đăng Thường từ khi còn đi học đã được gắn cho rất nhiều "tiếng tăm". Áp lực là con trai một nhà thơ được từ quan chức tới người bình dân biết tới đôi khi là những câu chuyện "thú vị" không lời nào tả hết. Nhắc lại những câu chuyện đó, Đỗ Đăng Thường cười sảng khoái: "Hồi tôi học cấp III, học Toán mà điểm kém thì thầy bảo “chắc suốt ngày ở nhà đọc thơ”, học Văn kém thì cô giáo bảo “có ba là nhà thơ mà học như vậy”,… Khi ấy, tôi cũng chỉ biết nhe răng cười ấm ức".

Sau khi tốt nghiệp cấp III, thay vì học đại học ở trong nước, Đỗ Đăng Thường quyết định theo đuổi đam mê về graphic design (thiết kế đồ họa) bằng một suất du học ở nước ngoài. Đam mê này của con trai được nhà thơ Đỗ Trung Quân ủng hộ nhiệt tình. Mặc dù vậy, chàng trai 18 tuổi vấp phải lời đồn đoán "phải sang Singapore học vì trượt đại học ở Việt Nam".

Đỗ Đăng Thường, khi ấy đang chập chững trên con đường trở thành ca sĩ nhạc rock, được gắn thêm mỹ danh "phá gia chi tử" suốt những năm tháng theo học ở Đại học nghệ thuật Lasalle (Singapore). Mặt tích cực của những áp lực và tin đồn này, theo khổ chủ, là sức ép đã khiến cậu ra sức học tập và quyết tâm gây dựng sự nghiệp của riêng mình.

Thành công được ghi nhận đầu tiên của Đỗ Đăng Thường là bộ phim ngắn "The Unknown Journey" (Hành trình không tên) đạt hai giải thưởng của Liên hoan phim ngắn cộng đồng người Việt toàn cầu (YxineFF) năm 2010: giải Kịch bản xuất sắc nhất và giải Dựng phim xuất sắc nhất.

Bộ phim đã thể hiện cái nhìn nhân bản về sự hoang mang của con người trước những vấn nạn thiên tai, nỗi ám ảnh về thế giới đầy bất ổn,... Điều độc đáo là bộ phim này do Đỗ Đăng Thường thực hiện trong suốt 6 tháng theo phong cách stop-motion (thể loại hoạt hình được thực hiện bằng cách ghép những bức ảnh chụp liên tiếp cử động của nhân vật), với gần 4.000 tấm ảnh trong thời gian chưa đầy 5 phút.

Sáng tạo là không thể thiếu, song liều lĩnh mới là yếu tố quyết định sự sống còn của bộ phim "Hành trình không tên". Đối với Đỗ Đăng Thường, bộ phim này là đề án tốt nghiệp, và cũng là cánh cửa để anh chính thức bước vào "làng" quảng cáo sau khi ra trường. Anh nhớ lại: "Khi đó, tôi là sinh viên năm cuối ngành quảng cáo ở Sing, phải làm phim tốt nghiệp để tái hiện những kỹ năng mình đã học. Nhưng tôi nghĩ đã học về quảng cáo suốt mấy năm, cần có một dấu ấn gì đó khác.

“The Unknown Jouney” là một sự thử nghiệm và phá cách hoàn toàn để tránh sự nhàm chán. Quyết định đó rất liều lĩnh, vì nếu trượt sẽ phải học lại, học phí thì đắt. Rất may vì ở nước ngoài nên dù tôi làm sai quy chế, nhưng người ta nhìn nhận tác phẩm tốt, mình có khả năng thì vẫn chấm đậu".

Liều lĩnh vượt qua rào cản để hoàn thành điều mình mong muốn, nên khi tác phẩm được công nhận bằng hai giải thưởng, được trình chiếu tại nhiều nơi,... Đỗ Đăng Thường càng tự tin vào con đường mình đã chọn. Đó không phải là sân chơi của ngôn từ như người bố tài hoa, mà là một thế giới nhiều hình ảnh sống động đa chiều và đầy thử thách. Cũng từ đây, áp lực về người bố nổi tiếng đã thực sự trôi về miền quá khứ.

Ưu thế và lòng tự trọng

Bên cạnh những áp lực, không thể phủ nhận những nền tảng tích cực và những ưu thế Đỗ Đăng Thường có được khi là con trai một người hoạt động kỳ cựu trong nhiều lĩnh vực. Bản thân anh cũng chia sẻ: "Mình được tiếp xúc với văn hoá, văn nghệ từ nhỏ, điều đó hình thành "bộ lọc" sau này rất tốt. Đồng thời, khi lớn lên trong môi trường đó, mình ý thức được ưu thế của mình là khả năng trong những công việc sáng tạo hay liên quan đến mỹ thuật". Và hơn ai hết, nhà thơ Đỗ Trung Quân chính là "thư viện sống" cho cậu con trai ham học hỏi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, trở về Việt Nam, đầu quân vào một tập đoàn quảng cáo, Đỗ Đăng Thường càng ý thức được giá trị những điều anh được thừa hưởng. Song, không vì thế mà chàng trai trẻ dựa dẫm vào những mối quan hệ hay uy tín của người bố.

Ngược lại, Đỗ Đăng Thường càng quyết tâm theo đuổi con đường sự nghiệp bằng đôi chân của mình: "Bố đã hi sinh nhiều để nuôi dạy tôi ăn học ở nước ngoài. Tôi cảm thấy như thế là đủ. Nhiều người không được như thế, họ vẫn thành công. Tất nhiên, xây dựng tất cả từ đầu sẽ khó hơn là tận dụng ưu thế có sẵn. Nhưng đó là lòng tự trọng của tôi". Tự trọng ở đây nghĩa là biết từ chối những đề nghị giúp đỡ khi chưa xứng đáng.

Đỗ Đăng Thường
Đỗ Đăng Thường


Sau thành công với bộ phim "Hành trình không tên", Đỗ Đăng Thường được khá nhiều người cùng ngành biết đến, cộng với những phản hồi tốt từ nhiều luồng khán giả khác nhau (trong và ngoài nước) đã mang đến cho anh nhiều cơ hội về việc làm stop-motion thử nghiệm. Đầu năm 2011, lần đầu tiên Đỗ Đăng Thường đã trình chiếu 4 clip thử nghiệm mở màn sử dụng chất liệu giấy và cách thể hiện stop-motion cho hơn 1.000 khán giả tại Bình Quới nhân kỉ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Con đường theo đuổi đam mê càng rộng mở khi có rất nhiều nơi sẵn sàng tài trợ kinh phí để anh làm phim.

Tuy nhiên, trái với những gì thường thấy, Đỗ Đăng Thường quyết định không tiếp tục liều lĩnh để thỏa mãn bản thân, đặc biệt là với tiền-của-người-khác. Anh thường tự vấn phải làm gì để xứng đáng với những ưu đãi mình đã và đang có được, để mỗi tác phẩm của mình khi ra đời sẽ mang dấu ấn cá nhân thực sự. Hiện tại, anh đã có trong tay hai kịch bản nhưng mỗi khi đọc lại, tự gạch đi một vài ý, anh vẫn chưa thực sự hài lòng.

 Đỗ Đăng Thường cũng cho hay: "Tôi đã ba lần lập dự án và đều chưa thực hiện được. Quan trọng nhất vẫn là tìm một ê-kíp phù hợp. Tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, từng lập nhóm 10 người, nhưng tới nay chỉ còn 4 người ở lại. Thực sự, phản hồi tốt của khán giả khiến cảm xúc mình thăng hoa thêm, và củng cố quyết tâm theo đuổi đam mê. Nhưng tôi sẽ không vì thế mà cho ra đời bất cứ cái gì khi cảm thấy chưa vững vàng về kinh nghiệm và kiến thức".

Dường như môi trường làm việc chuyên nghiệp trong tập đoàn quảng cáo danh tiếng đã khiến Đỗ Đăng Thường chín chắn và hiểu giá trị của teamwork (làm việc nhóm). Khác với chơi nhạc khi tới giai đoạn cảm thấy không còn phù hợp với mình nên không tham gia biểu diễn nữa, làm phim là một định hướng lâu dài mà hiện tại anh đã tự tin hơn rất nhiều, khi có ê-kíp tốt là lúc anh cho ra tác phẩm hay.

Mặt khác, Đỗ Đăng Thường cũng thẳng thắn thừa nhận mình được giúp đỡ rất nhiều từ bạn bè của bố. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó hết sức tinh tế ở mức cung cấp thông tin và cơ hội để anh được thử thách khả năng của mình, chứ không đơn thuần là tài trợ tiền làm phim. Anh tâm sự: "Tôi rất trân quý cách giúp đỡ đó, bởi mọi người đã hiểu cá tính của tôi và tôn trọng nó".

Sẽ yêu người giống như mẹ

Người ta nói "hổ phụ sinh hổ tử", trong trường hợp của nhà thơ Đỗ Trung Quân, không chỉ là tài năng mà còn bao gồm tình yêu mến vô bờ đối với người đàn bà duy nhất trong gia đình nghệ sĩ này.

 Nhà thơ Đỗ Trung Quân luôn là một người chồng, người bố mẫu mực. Những người bạn lâu năm của ông đều biết một quy tắc bất di bất dịch là dù có đi đâu, về trễ thế nào, ông cũng luôn về nhà ngủ, trừ khi phải đi công tác xa thành phố. Giữ trọn nguyên tắc này trong mấy mươi năm là một cách giữ gìn niềm tin của người vợ hiền, và là tấm gương cho cậu con trai đang tuổi mới lớn. Bây giờ, khi đã đi làm ở công ty lớn, song Đỗ Đăng Thường vẫn luôn là người con của gia đình với niềm hạnh phúc là khi "trở về nhà vào buổi tối thấy mọi người quây quần ở phòng khách xem ti vi...".

Đối với Đỗ Đăng Thường, mẹ chính là "đại gia", là hậu phương vững chắc của anh trong mọi chuyện. Anh tự hào về mẹ và quyết chí sau này phải tìm được người "nâng khăn sửa túi" cho mình giống như thế: "Tôi luôn nghĩ “người ấy” sẽ có nhiều nét dễ thương như mẹ. Hạnh phúc của tôi là buổi tối trở về nhà gặp mẹ, trò chuyện và chỉ cho mẹ chơi facebook dù mẹ tôi chẳng biết thao tác gì ngoài chat…”.

Cúc Tần

TAGS:
Theo: