Công bằng xã hội hay con người trở thành những cái máy?

( PHUNUTODAY ) - Chỉ vì cha mẹ chưa kịp đóng tiền ăn, bé lớp hai đã phải ra cổng trường đứng một mình, câu chuyện nhẫn tâm mà có lẽ chẳng bao giờ người ta nghĩ có thể xảy ra lại đã thành sự thật tại một trường tiểu học khá nổi tiếng tại địa bàn Q.6, TP.HCM.

Theo lời bà nội bé L.N.T.V kể lại thì trường tiểu học Hùng Vương (Q.6, TP.HCM) quy định các khoản tiền bán trú, tiền ăn… phụ huynh sẽ phải đóng từ ngày 1 đến ngày 10 hàng tháng, nhưng do có sự cố nên gia đình chậm trễ và thế là giờ ăn trưa, khi các bạn ngồi trong lớp ăn thì cháu L.N.T.V bị đưa ra cổng trường đứng bơ vơ một mình. 

Có lẽ vì L.N.T.V còn quá nhỏ, cháu mới học lớp 2, nên không kể cho bà biết và ngoan ngoãn nhịn đói, chấp nhận việc đứng từ xa nhìn các bạn ăn. Sự việc chỉ bị phát hiện khi bà nội của cháu vô tình đi ngang trường vào giờ trưa và phát hiện l.N.T.V đứng ở ngoài cổng trường một mình. Hỏi thì cháu nói do không đóng tiền ăn không có suất ăn nên phải ra ngoài.

Bà nội của cháu bé cho biết: "Ngay khi phát hiện ra sự việc trên, tôi đã ý kiến với trường là sẽ đóng tiền và yêu cầu cho cháu vào nhưng ngày hôm sau vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng như vậy. Khi tôi đặt vấn đề với BGH nhà trường thì được giải thích là cháu không có bị đuổi mà tự ý đi ra ngoài, đến giờ ăn cô có đi kiếm cháu vào nhưng không thấy."

Không thể ngăn nối bức xúc, bà nội của bé L.N.T.V đã phải thốt lên: “Với những học sinh bé như lớp 2 mà để cháu dễ dàng ra khỏi cổng trường như vậy lỡ như có chuyện gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Học sinh trong giờ ăn bán trú (ảnh minh họa)

Chỉ cần hình dung ra cảnh đứa bé phải đứng ngoài cổng trường nhìn các bạn vui vẻ ăn uống chắc chắn rất nhiều bà mẹ không ngăn nổi nước mắt. Đừng nghĩ rằng trẻ mẫu giáo, tiểu học còn quá bé nên chẳng có gì đáng lo, chúng sẽ lập tức quên mọi chuyện. Những việc này hoàn toàn có thể trở thành những vét thương, khắc sâu vào tâm hồn còn non trẻ để rồi nhớ mãi bài học đầu tiên về sự lạnh lùng, cách ứng xử “tiền trao cháo múc”, ráo hoảnh đến khó tưởng tượng.

Hơn nữa, việc trẻ bị phân biệt đối xử vì tiền đóng góp như vậy không phải là lần đầu tiên. Trước đó, tại một trường mầm non ở Hà Nội cũng đã xảy ra vụ việc tương tự. Nhà trường thu 40.000 đồng/học sinh để tổ chức cho các cháu xem xiếc, nhưng vì không phải tất cả cùng đóng nên các cô bắc loa thông báo để đảm bảo công bằng, yêu cầu cháu nào không đóng tiền thì phải ngồi trong lớp. Vậy là các bé không có vé đứng trong lớp khóc thut thít nhìn qua cửa sổ, nơi các bạn có vé đang vui vẻ xem xiếc.

Hay như chuyện trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) phép phụ huynh của 2 lớp 1A và 1B biến lớp học của con mình trở thành lớp… đặc biệt dành cho con nhà giàu, bất chấp những lớp xung quanh vẫn học ở những phòng học cũ kỹ với các phương tiện dạy học nghèo nàn.

Theo bảng chi phí đầu tư xây dựng lớp 1A của ban đại diện hội phụ huynh học sinh (HS), riêng hệ thống bảng tương tác của lớp này đã mất gần 168 triệu đồng. Đồng thời, lớp học này còn đầu tư và sửa chữa gần như toàn bộ cơ sở vật chất trong lớp như: bàn ghế của HS và cô giáo, sàn nhà, máy điều hòa, rèm cửa, hệ thống điện, chiếu sáng, sơn cửa, xây dựng trong lớp và hành lang. Tổng số tiền để đầu tư lớp học ở đây lên hơn 300 triệu đồng, biến lớp học trở thành một “ốc đảo” sang trọng khác thường.

Tất cả những việc này đã dạy cho học sinh cách phân biệt đẳng cấp giàu nghèo là... đẳng cấp phải phụ thuộc vào túi tiền của phụ huynh.

Liên tục những câu chuyện như vậy xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến không ít người thắc mắc đặt câu hỏi phải chăng ngành giáo dục đang dạy trẻ hiểu được thế nào là sức mạnh của đồng tiền?

Ai cũng biết mục tiêu của xã hội văn minh là hướng đến sự công bằng, văn minh. Thế nhưng với những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới, đến vắt mũi còn chưa sạch thì có nhất thiết phải áp dụng một cách máy móc quy tắc xã hội “tiền trao cháo múc” như thế không?

Đây rõ ràng là những minh chứng cho sự lo ngại của xã hội nói chung và rất nhiều các bậc phụ huynh khi trong nhà trường hiện nay, nhiều thầy cô, những bậc được tôn kính gọi là “kỹ sư tâm hồn” đã trở nên không khác gì một cái máy.

Giáo dục đâu đơn giản chỉ là dậy kiến thức, điểu quan trọng hơn hết là phải giúp con trẻ hiểu được thế nào là nhân văn, từ đó giúp các em có những nhận thức xã hội và hình thành nhân cách. Vậy mà với không ít trường học, ở những cấp học mà đứa trẻ hoàn toàn là tờ giấu trắng, cần được nâng nui, quan tâm đặc biệt lại ứng xử theo kiểu ráo hoảnh lạnh lùng. Có tiền thì được phục vụ, còn không tiền thì xin mời nghỉ cho khỏe.

Quý vị thử nghĩ xem, những đứa bé ấy lớn lên sẽ nghĩ gì, sẽ học được gì từ bài học đắt giá mà thầy cô giáo đã dạy cho chúng? Phải chăng đó là trong cuộc đời này, chỉ có đồng tiền là tối thượng, còn lại tất cả đều vô nghĩa mà thôi?

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn