“Có người nói, trong mỗi cơ quan hành chính hiện nay có đến 30% cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, nếu đi vắng cũng không sao”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
[links()]
Nhận xét trên được Phó thủ tướng đưa ra hôm 21/12/2012, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác năm 2012 của ngành Nội vụ.
Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những hạn chế mà ngành cần khắc phục ngay, điển hình là công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công chức còn nhiều hạn chế. Tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức cần chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, bộ máy còn cồng kềnh nhưng chưa hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, 30% cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, nếu đi vắng cũng không sao. Ảnh chụp phòng tiếp dân tại một phường của quận Cầu Giấy ngày đầu năm 2012. Ảnh NĐT. |
Đến ngày 3/1/2013, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục đề nghị 63 tỉnh thành cần triển khai quy định cấm cán bộ, công chức uống bia rượu vào buổi trưa trong ngày làm việc.
“Quy định này vừa giúp tiết kiệm, chống lãng phí, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông, nhưng hiện nay chỉ có 5 tỉnh thành thực hiện. Trong năm nay, cả nước cần nhân rộng quy định này”, Phó thủ tướng đề nghị.
Vì vậy, trong năm 2013, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành văn bản quy định cán bộ công chức không được uống rượu bia vào buổi trưa và khi tham gia giao thông.
Chỉ sau đó ít ngày, dư luận tiếp tục nóng ran với Nghị định số 105/2012/ NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013). Với một số quy định như, quan tài không được để kính, các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, không rắc vàng mã, không đốt đồ mã tại nơi an táng...
Khi dư luận phản đối, một đại diện bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cơ quan nghiên cứu Nghị định) đã lên tiếng trấn an, và cho rằng Nghị định chỉ nhằm mục đích chính là vận động, tuyên truyền, hạn chế tiến tới loại bỏ những thủ tục mê tín dị đoan, lãng phí…
Lập tức Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phải “tuýt còi” Nghị định này, vì một số điểm chưa hợp lý kể trên.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, quy định này cũng đã thu hút được rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhưng nó đã được ban hành.
Chỉ thị nêu rõ, giới hạn khách mời trong tiệc cưới không quá 300 người, nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người;
Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc. Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...
Lãnh đạo Thành ủy cũng giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có trách nhiệm hướng dẫn việc giám sát, kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm chỉ thị.
Những quy định trên chỉ là một vài câu chuyện mang tính thời sự nối dài những quy định, dự thảo quy định gần đây để “nắn” lại nếp sống đối với cán bộ công chức nói chung, hoặc với một số đối tượng trong số họ tại một số không gian địa lý, ngành nghề khác nhau.
Như: Cán bộ, công chức không được nhận quà tết; cán bộ ngành giao thông không được chơi golf; cảnh sát giao thông không được mang quá bao nhiêu tiền trong túi; nhân viên trạm thu phí giao thông không được mặc quần có túi… Các quy định này thường được viện dẫn là để chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả làm việc, làm gương…
Với xã hội, trong năm qua cũng chịu không ít văn bản quy phạm pháp luật đưa ra rồi lại phải hủy bỏ, tạm dừng thực hiện… vì thiếu khả thi, không thực tế, có thể kể ra đây như: Quy định bán thịt không được quá 8 tiếng sau giết mổ; phí hạn chế phương tiện cá nhân; phí ô tô vào nội đô; xử phạt xe không chính chủ; chứng minh thư ghi tên cha mẹ…
Trong một Hội nghị diễn ra ngày 9/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phải có chỉ đạo ngành Tư pháp, yêu cầu ngành Tư pháp chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh, đồng thời đôn đốc việc ban hành và thẩm tra kịp thời, có chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Trong đó, hết sức lưu ý các thông tư hướng dẫn nhằm hạn chế thấp nhất những quy định không phù hợp. |
- Phạm Thanh