“Cưa” lại nhau sau... li hôn

07:13, Thứ ba 31/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Có những cặp vợ chồng đã thực sự chia tay nhau, đã ra tòa hẳn hoi và chấp nhận "anh đường anh, tôi đường tôi", nhưng rồi... bẵng đi một thời gian, người ta thấy họ lại "trở về mái nhà xưa" y như cũ, lại làm đám cưới, đăng ký kết hôn với chính người chồng (hoặc vợ) cũ.



Phong lấy vợ tên Hà đã có với nhau hai mặt con một trai, một gái. Đang êm ấm, đùng một cái, Phong nằng nặc đưa đơn ra tòa đòi ly dị. Lý do đưa ra trước tòa mà Phong nêu là do Hà là một phụ nữ "khô cứng" và không khéo léo, đảm đang. Nguyên nhân cũng chỉ "nho nhỏ" như chuyện cô... không biết trang điểm; nấu canh, luộc rau không xanh ngon; nhà cửa không gọn gàng tươm tất cũng được đưa ra nói toẹt. Hà khóc lóc không muốn chia tay, nhưng Phong ý chí đã quyết. Nguyên nhân sâu xa mà mọi người đều biết là Phong đã có bồ, một kế toán xinh xắn làm cùng công ty, tuổi khoảng 30, chưa chồng. Khuyên nhủ không được, gia đình và họ hàng đành phải để Phong "đi theo tiếng gọi của tình yêu thực sự" như Phong lý sự.

Sau khi ly hôn, Hà nuôi cả hai đứa con. Phong nhanh chóng làm đám cưới với cô kế toán trẻ trung. Họ có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Những tưởng mọi chuyện như vậy cũng là êm xuôi. Nhưng một thời gian sau, bỗng thấy cô vợ mới của Phong đến nhà bố mẹ chồng khóc lóc, kể lể rằng Phong bỏ bê gia đình và hình như... có bồ mới! Khi mọi chuyện được làm sáng tỏ thì "bồ mới" của Phong lại chính là Hà- vợ cũ của Phong. Sau một thời gian lủng củng, Phong đành cùng vợ mới ra tòa để… ly dị. Chẳng bao lâu sau, Phong lại tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn và đám cưới "mới mà cũ" với Hà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu chuyệån "cưới lại" cũng diễn ra với cặp vợ chồng anh Bình và chị Thoa (quê Hưng Yên). "Tội" của anh Bình là mê nhậu và mê đàn đúm bạn bè, những lúc vợ nhăn là anh hay mắng chửi vợ, thậm chí còn "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ. Ra tòa, tòa xử ngôi nhà cấp bốn của họ được chia làm hai phần. Vì không ai có đủ tiền "mua lại" phần nhà của người kia nên họ đành ở chung một lối đi, chỉ ngăn tạm bằng một bức vách. Hai đứa con mỗi đứa ở với một người nhưng thực ra cũng vẫn ở chung một nhà.

Thời gian đầu anh cảm thấy vô cùng thoải mái, muốn đi sớm về khuya, uống bia uống rượu ít hay nhiều không ai tra hỏi, cằn nhằn. Chị cũng thấy khỏe khoắn hẳn lên khi không cần phải chờ đợi, "hầu hạ" ai, thích đi chơi thì đi chơi, thích ngủ thì ngủ cho khỏe. Hơn nữa, đứa con gái tiếng là ở với bố nhưng cũng ngay gần đấy, nó vẫn "sang chơi" và còn dọn dẹp, nấu nướng giúp mẹ, chỉ bài học cho em trai như "ngày xưa"...

Hậu ly hôn, cả hai đều toại nguyện. Được một năm, hàng xóm không phải nghe anh chị cãi nhau, ngược lại họ thấy cả anh Bình và chị Thoa đều vui vẻ, tươi tắn hơn trước. Rồi thỉnh thoảng lại thấy anh "sang" nhà vợ cũ ăn cơm ké, làm hộ cái này cái kia, nhờ cái này cái nọ, dần dần... bức vách chắn giữa hai bên được tháo bỏ cho nhà... rộng, cho "con cái sum vầy". Và kết cục, họ lại "góp gạo thổi cơm chung".

Một ngày đẹp trời, hai đứa con theo bố mẹ đi đăng ký kết hôn lại. Tuy nhiên, hàng xóm xung quanh không ít người dè bỉu: "Chê nhau đến thế rồi hết người hay sao mà trở lại với nhau", hoặc "Bỏ nhau, lấy nhau thế khác gì làm trò cười", "Để xem được mấy bữa vui vẻ"...
Vợ chồng trẻ con – Liên tục ra tòa “cắt- nối”

Chuyện của vợ chồng Liên- Toàn được cả phố Quang Trung (Hà Nội) kể trong lúc “trà dư tửu hậu” hay tại các quán nước chè dành cho nhóm các bà tám chuyện với nhau. Chả là, cả hai vợ chồng “vắt mũi chưa sạch” đã lo chuyện cưới xin.

Vợ 17 chồng 18, cái tuổi chỉ biết cơm ăn tại gia, bù khú bạn bè thì bỗng dưng đòi hai gia đình cưới nằng nặc. Hỏi Liên vì sao cưới sớm thế? Liên cười đáp: thử xem lấy chồng thú vị thế nào. Bọn bạn em cưới hết rồi, nên ở vậy cũng buồn chán. Còn với Toàn, Liên thích gì chẳng chiều theo. Thế nên, Liên bảo tối lên sàn nhẩy cũng ừ. Liên bảo, mai cưới cũng gật gật cái đầu.

Đám cưới của hai gia đình có máu mặt ở phố diễn ra linh đình. Người lớn thì hỉ hả, cười nói, hai đứa trẻ đứng đón khách hai ngày “mệt phờ râu cáo”. Đám cưới cứ diễn ra, cô dâu cứ ngồi chơi điện tử vì bảo “ai nghĩ cưới hỏi chán thế này”. Vừa cưới xong là “cô bé, cậu bé” đòi ra ở riêng. Cứ dăm bữa nửa tháng, mặt Liên lại xị xuống về nhà bố mẹ ngủ riêng.

Vợ đi về “nơi sản xuất”, Toàn cũng dắt xe về thẳng nhà ăn- ngủ- nghỉ. Chẳng thiết làm lành với vợ. Toàn nhân cơ hội đàn đúm với đám bạn cùng lứa chơi điện tử thâu đêm suốt sáng. Chịu không thấu, Liên lại lân la làm lành. Hai vợ chồng lại cười nói như “chưa từng có cuộc chia ly”, ôm eo nhau tình tứ chạy khắp phố. Rồi ngày trời mưa gió, hàng xóm lại thấy vợ chồng trẻ quát tháo ầm ĩ với những từ ngữ “không thương tiếc”. Rồi kèm theo là những tiếng đổ vỡ và Liên lao ra đường vẫy taxi.

Mấy ngày sau, Toàn ngao ngán ký vào đơn li hôn vì quá chán với sự đỏng đảnh của vợ “trẻ con”. Ra tòa, Liên gầm gừ trong nước mắt: “anh ấy không biết quan tâm, chăm sóc vợ. Chỉ thích lên sàn, chơi điện tử và đánh bạc cả đêm. Tôi không thể chịu nổi cuộc sống gia đình như vậy nữa. Đề nghị tòa cho li hôn”.

Tòan hôm đó dường như không có ý kiến gì. Ai hỏi gì thì trả lời có hay không. Cuộc sống quá no đủ làm Tòan không thể lường hết được những ứng xử trong cuộc sống gia đình. Lâm vào hòan cảnh như hiện nay, cũng chỉ vì “ham vui- ham chơi” mà đồng ý cưới vợ. Rồi cái ý thức “vừa thóat khỏi trẻ con – bắt đầu tập làm người lớn” không đủ để Tòan và Liên làm chủ tình huống sống chung. Lầm lũi đi ra cổng tòa, Toàn thấy thấm thía câu của mẹ khi Toàn đòi cưới: “Con chưa đủ kiến thức hiểu cuộc sống, làm chồng có nổi không?”.

Chỉ có Liên là như chim xổ lồng, sau li hôn, tối nào Liên cũng cùng bạn lên sàn nhẩy múa đến gần sáng mới về nhà. Nếu đợt này chán cảnh nhảy múa om xòm, Liên lại cùng vài người bạn đồng cảnh xách vali đi du lịch. Rồi cũng cặp kè hết anh này đến anh khác cho thỏa cái sự “vùi dập của cuộc đời” hay “bất công của đời” dành cho như Liên hay nói trong những lần say rượu. Toàn cũng vậy, cũng “nhân dịp” lao vào cuộc chơi mà bị bỏ qua trong thời gian có vợ.

Toàn được sống đúng với tuổi thanh niên nhà có điều kiện đáng hưởng. Không có chuyện phải về nhà ngủ, phải ăn bát canh cua chua loét mà vợ từng thể hiện. Hay cũng chẳng có chuyện phải hong hóng chờ vợ đi mua sắm tưng bừng ở Parkson trong chuỗi ngày giảm giá. Giờ là những ngày tháng vương giả của Toàn. Thích đi đâu, ăn gì, làm gì, với ai… đều không phải “xin phép” vợ. Trong danh bạ điện thoại của Toàn đưa cho bạn bè xem, bây giờ không còn chữ “vợ yêu” như ngày nào nữa.

Rồi một đêm tại vũ trường, Toàn bất ngờ chạm mặt Liên. Mấy tháng không gặp, Liên trông đẫy đà, xinh hơn hớn. Cặp kè bên cạnh là chàng trai sành điệu tóc dựng ngược màu đỏ cam. Bỗng dưng, Toàn thấy nóng mặt. Cứ như là “bị cướp tay trên”. Rồi như bản năng Toàn lao thẳng ra chỗ vợ cũ, hằm hằm đẩy “tình nhân” của vợ.

Liên làm ầm lên: “Anh là cái thá gì mà giờ còn dám can thiệp vào cuộc đời của tôi?”. Lời nói của Liên lúc đó như gáo nước lạnh hắt vào mặt, Toàn đứng như trời trồng, lúng búng không nói nên lời. Đúng thật, giờ Liên là người tự do mà? Thích tình tứ với ai chẳng được. Sao bỗng dưng Toàn lại thấy ghen đến thế. Chỉ muốn lao đến giành Liên về với mình.

Nhìn bóng Liên khuất sau cánh cửa, bỗng dưng một kế hoạch quyết tâm “cưa lại vợ cũ” được lên chi tiết trong đầu Toàn. Những ngày sau đó là chuỗi thực hiện kế hoạch. Toàn bắt đầu từ việc nhắn tin hỏi thăm Liên. Lúc đầu, Liên cũng thấy “hâm”, chẳng trả lời. Lâu dần, vài tháng Liên bỗng thấy quen với những tin nhắn từ Toàn, rồi những kỷ niệm đẹp được Toàn gợi lại trong tin nhắn như cây khô gặp nước. Liên bắt đầu nhắn tin trả lời nhẹ nhàng, tình cảm. Biết “cá đã cắn câu”, Toàn tiếp tục tấn công bằng cách mời Liên đi uống café, ăn tối như những người bạn thân thiết. Những lần đến đưa Liên đi gặp gỡ, Toàn ý tứ mua loại hoa cúc mà Liên thích.

Đúng ba tháng sau, chuyện cổ tích của hai vợ chồng trẻ lại với kết thúc có hậu: họ lại ra phường xin đăng ký kết hôn lại! Hàng xóm lại thấy đôi vợ chồng cười lả lướt ôm nhau chạy xe ngòai đường!

Cũng là chuyện “hỷ”

Dù thế nào, việc tái hôn với chính "người xưa" cũng là chuyện "hỷ" - một gia đình trở lại vẹn nguyên, không phải "vá nối" để xảy ra những chuyện như "cha dượng, mẹ kế", hoặc sự cô độc nuôi con của những người không đi bước nữa. Hơn nữa, trong những trường hợp nối lại tình xưa như thế, thường các thành viên trong gia đình biết quý trọng nhau hơn, biết nhường nhịn hơn. Họ đã phải trả giá cho những ngày xa nhau và đã biết "sợ" sự chia lìa.

Chính vì vậy, theo một luật sư từng xử nhiều vụ việc về ly hôn thì "công đoạn" hòa giải trước khi xử là rất quan trọng. Nhiều người khi nóng nảy cứ nhất quyết ly hôn càng nhanh càng tốt, khăng khăng không cần hòa giải, để rồi không ít trường hợp sau này lại hối tiếc.

Có những cặp vì sĩ diện, dù muốn quay trở lại cũng đành thôi, ngại bị chê cười (!). Có người tiếp tục một cuộc hôn nhân khác và cũng không được như ý... Tuy nhiên, đằng sau chuyện cưới lại cũng có nhiều vấn đề phải đối mặt như hậu quả của các cuộc tình khác hoặc chính những khó khăn trước đây họ đã từng vấp phải... Tốt hơn hết, nên thận trọng, chín chắn trong những quyết định vốn có ảnh hưởng rất lớn đến gia đình và cuộc sống của mình.
  • Khuê Lam
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc