Cuộc chiến của những phụ nữ bị tạt axít làm đảo ngược luật quốc gia

07:45, Chủ nhật 04/09/2011

( PHUNUTODAY ) - dự luật đưa ra những hình phạt nặng...



Naziran Bibi, một phụ nữ trẻ đã bị axít cướp đi cả tuổi trẻ lẫn vẻ đẹp khi chị mới 23 tuổi. Khuôn mặt Bibi giờ đây méo mó, lồi lõm sẹo. Chị không còn môi trên do bị axít hủy hoại. Mũi chị mới chỉ được tái tạo một phần dù đã trải qua mấy cuộc phẫu thuật. Nơi từng là đôi mắt giờ chỉ còn lại những hố sâu. Những người lần đầu tiếp xúc với Bibi không tránh được cảm giác ghê sợ.

Chồng chết, Naziran Bibi bị ép làm vợ lẽ của anh rể, sống trong tủi nhục, đau đớn. Cách đây khoảng một năm, có kẻ đã đổ axít vào mặt Bibi khi chị đang ngủ. Đau đớn, hoảng loạn. Chị tin rằng thủ phạm thực sự là người chồng thứ hai. Hắn vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. “Tôi rơi vào vực thẳm, đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác. Tôi chỉ nung nấu ý nguyện phải trừng phạt kẻ đã hại mình. Tôi muốn đổ axít vào mặt anh ta. Không chỉ anh ta mà với tất cả những kẻ đã dùng axít hại người khác”, chị nói trong uất hận.

s
Naziran Bibi trước khi bị tạt axit


Naziran Bibi khao khát pháp luật áp dụng cách thức “máu trả bằng máu” đối với kẻ đã hắt axít làm cháy gương mặt, gây mù mắt và hủy hoại tương lai của chị. Cơn thịnh nộ của Bibi dường như làm nóng cả căn phòng nhỏ trong một văn phòng từ thiện tại thủ đô Pakistan: “Kẻ nào đổ axít vào mặt người khác, kẻ đó cũng phải chịu hình phạt tương tự. Vâng, tôi muốn chuyện này phải được thực thi. Cuộc sống của tôi như đã kết thúc”.

Còn cô bé Naila Farhat mới chỉ 13 tuổi đã bị một gã đàn ông ném cả bịch axít vào mặt. Nguyên nhân là do cha mẹ của cô bé không chấp nhận hắn làm rể. Kẻ thủ ác chỉ bị kết án 12 năm tù giam và nộp 1,2 triệu rupee (14.250 USD) bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên khi y kháng án, Tòa phúc thẩm đã giảm nhẹ hình phạt và tuyên bố thủ phạm có thể được thả ngay nếu nộp đủ tiền bồi thường. Bất mãn không chấp nhận bản án quá nhẹ nhàng này, Farhat và Quỹ Những nạn nhân sống sót của tội phạm axít (ASF) đã đâm đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao Pakistan. Đây là vụ tấn công bằng axít đầu tiên được Tòa án cấp cao nhất ở Pakistan thụ lý. Kết quả, Chánh án đã đảo ngược quyết định của Tòa phúc thẩm trong vòng vài phút.

Chánh án Iftikhar Mohammad Chaudhry đặc biệt quan tâm tới vụ việc này và đề nghị chính phủ thông qua đạo luật mới để kiểm soát việc buôn bán axít cũng như tăng hình phạt liên quan tới hoạt động tấn công bằng axít.

Hãy xem xét đến nỗi đau thể xác, tinh thần của nạn nhân

Tạt axít là hiện tượng thường gặp ở Campuchia, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á khác. Theo nghiên cứu của hai tổ chức Taru Bahl và M.H. Syed, có đến 80% nạn nhân các vụ tấn công bằng axít là phụ nữ và gần 40% trong số đó dưới 18 tuổi. Và nhiều năm trở lại đây, Pakistan được xem “quốc nạn” về tình trạng tạt axít đến mức báo động.
Trên thực tế thì nạn nhân bị tấn công bằng axít thường có tỷ lệ sống cao, không bị chết ngay như nạn nhân bị đâm dao, súng bắn.

Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề về mặt thể xác. Đối với trường hợp nào có điều kiện một chút với mong muốn tìm lại nhan sắc thì cần trải qua nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình kéo dài, tốn kém và đau đớn.

 Bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ về mặt tâm lý cần có sự can thiệp sâu của các nhà tâm lý, chuyên gia tư vấn trong từng giai đoạn phục hồi về thể xác. Phần lớn nạn nhân bị tấn công bằng axít thường rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng. Các vết sẹo trên cơ thể khiến họ xấu hổ, e ngại tiếp xúc với người ngoài. Họ thường trốn tránh xã hội vì sợ định kiến và những lời dèm pha từ cộng đồng.

Mong muốn báo thù của những nạn nhân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ bị tạt axít ở Pakistan lại nghĩ tới những vấn đề lớn hơn. Họ tích cực vận động chính phủ thay đổi luật để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự. Đối với các quốc gia khác, các nạn nhân này muốn lật lại luật pháp đã vô cùng khó, huống chi Pakistan là quốc gia Hồi giáo bảo thủ.
d
Naila Farhat trước và sau khi bị tạt axit

Ở đây người phụ nữ, đặc biệt những người sống tại các vùng nông thôn nghèo, bị coi như một dạng hàng hóa và ít khi được cảnh sát bảo vệ. Họ cũng chịu sức ép không được làm tổn hại đến danh dự của gia đình. Cho tới nay, Pakistan vẫn chưa có đạo luật chống lại tình trạng bạo lực gia đình. Đạo luật này đã được phác thảo sơ bộ song chưa vượt qua giai đoạn tranh luận do các nghị sĩ theo đường lối bảo thủ phản đối.


Tháng 11/2009, vụ án của cô gái 13 tuổi Naila Farhat trở thành người phụ nữ đầu tiên chiến thắng trong một vụ án tấn công bằng axít ở Pakistan. Sự đấu tranh kiên trì của Farhat đã buộc chính quyền Pakistan phải đem lại công lý cho nạn nhân.

Theo đó kẻ thủ ác Irshad Hussein đã lãnh án tù 12 năm và bồi thường thương tật cho nạn nhân với số tiền là 1,2 triệu rupees (gần 15.000USD). Sau đó, Irshad Hussein chống án lên Tòa án Tối cao Pakistan đề nghị được giảm án. Không cam chịu, nạn nhân Farhat - với sự giúp đỡ của ASF đã đấu tranh để bản án được phục hồi nhanh chóng. Hiện tên Irshad Hussein đang thi hành án tại nhà tù.

Sau vụ án này, chủ tọa Tòa án Tối cao Pakistan là Iftikhar Mohammad Chaudhry đề xuất thông qua luật quốc gia ngăn ngừa và trừng phạt những vụ tấn  công bằng axít bằng sự kiểm soát chặt chẽ việc mua bán axít và tuyên mức án cao nhất cho những kẻ tấn công.

Ông cho rằng, chúng ta phải coi hành vi tạt axít người khác là hành vi giết người và phải xử thật nghiêm khắc. Bởi lẽ các đối tượng trên thừa biết tạt axít  thẳng vào mặt người khác là hành vi cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong, nhưng vẫn cố ý phạm tội tới cùng, do vậy phải bị coi là hành vi giết người. Các đối tượng cũng thừa biết, hành vi tạt axít không chỉ gây ra nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà nó còn để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho dù nạn nhân có may mắn sống sót.

Hành động của ông Chaudhry nhận được sự ủng hộ từ ASF. Theo Masood, người dân Pakistan có thể mua axít đậm đặc, vốn được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp trồng và xử lý bông một cách dễ dàng. Khi rơi vào tay kẻ xấu, axít trở thành vũ khí cực kỳ kinh khủng. “Bởi người ta có thể dễ dàng kiếm được axít nên họ cũng hay sử dụng. Vì những tranh cãi trong nhà hết sức đơn giản, người ta cũng có thể tạt axít vào nhau. Axít không chỉ tàn phá gương mặt nạn nhân mà còn hủy hoại cuộc đời của họ”, Masood nói.


Kết hợp với nhiều năm hoạt động ở hành lang Nghị viện của những nhà nhân quyền, cuối cùng kết quả mới đây là dự thảo Luật Ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít được đệ trình lên Quốc hội Pakistan.
Hạ viện Pakistan trong tháng 5/2011 đã thông qua dự thảo Luật Ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít 2010 - dự luật đưa ra những hình phạt nặng nhằm ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến axít và những quy định bồi thường đối với nạn nhân bị tấn công bằng axít.

Dự luật nói trên được Hạ viện thông qua trong bối cảnh tình trạng tạt axít vào phụ nữ đang ngày càng trở nên phổ biến tại Pakistan, xuất phát từ việc thiếu những quy định pháp lý thích hợp đối với loại tội phạm này.

“Những đối tượng làm tổn hại đến người khác bằng các loại hóa chất ăn mòn sẽ bị phạt tù từ 14 năm đến chung thân, đồng thời phải nộp phạt ít nhất là 1 triệu rupee (tương đương 11.791 USD) tiền bồi thường cho các nạn nhân” - dự Luật Ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít nêu rõ.


Dự luật cũng đưa ra quy định cấm bán axít cho các cá nhân không có giấy phép đặc biệt, còn những đối tượng bán trái phép chất axít sẽ bị phạt tiền từ 500 rupee (khoảng 6 USD) đến 100.000 rupee (1.179 USD) và có thể phải ngồi tù một năm cho lần vi phạm đầu tiên. Hiện dự luật đang được trình lên Nghị viện Pakistan xem xét trước khi bỏ phiếu thông qua.

Ngoài việc kiểm soát “thị trường” axít, một trong những điều quan trọng là ban hành luật bắt kẻ tấn công trả các chi phí điều trị và tư vấn tâm lý cho nạn nhân.

Mấy năm qua, ASF đã tích cực vận động để đạo luật này được thông qua. Để có thể làm thay đổi cả luật pháp của một quốc gia bảo thủ như Pakistan về tội phạm tạt axít mà nạn nhân phần lớn là là phụ nữ là một điều không hề dễ dàng.

Trong khi đang chờ đợi bản dự luật được đồng ý và thi hành, mọi người vẫn nhấn mạnh rằng: nếu không có sự can đảm của Farhat, những bước tiến lớn này có thể sẽ không đạt được. “Tôi luôn khuyến khích các nạn nhân bị tạt axít đứng lên đấu tranh. Tôi nói với họ rằng nên tiếp tục chiến đấu vì quyền lợi của mình và không phải e ngại việc ra khỏi nhà. Họ cần tiến lên một cách mạnh mẽ”, Farhat tâm sự.

Nỗ lực đó kết hợp với hoạt động đấu tranh của những nạn nhân bị tạt axít đã có kết quả tích cực. Giờ họ đang tràn đầy hy vọng rằng đạo luật sẽ nhanh chóng được thực thi. Bởi chỉ có như vậy họ mới mong thoát khỏi bóng ma mang tên axít, bắt kẻ thủ ác phải bị trừng trị thích đáng trước pháp luật. “Các nghị sĩ nên thông qua đạo luật đó và chúng tôi không nghĩ là Chính phủ trì hoãn hoặc cản trở việc đưa đạo luật vào cuộc sống”, nghị sĩ Marvi Memon tuyên bố.

Mai Hương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc