Cuộc săn tìm kho báu của vua Hàm Nghi: Tay săn vàng lỳ lợm

07:39, Thứ bảy 02/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Sau nhiều tháng xới bay cả núi, tiền hết, xăng dầu cạn, kho báu vẫn bặt vô âm tín. Chán nản, các cổ đông lần lượt tháo máy, rút quân. Còn lại một mình Nguyễn Hông Công tiếp tục cuộc tìm kiếm mà ông tin chắc “thành công đã hiện ra trước mắt”, trong khi người ngoài lại khẳng định chỉ là hoang đường, vô vọng.

[links()]
Suốt 25 năm tìm kiếm của [[Nguyễn Hồng Công]], hàng trăm người từ khắp mọi miền nghe tiếng đã cất công lên tận nơi thăm và dò xét cuộc [[khai quật]] của ông. Không ít kẻ rắp ranh đánh quả, ngỡ tìm được cơ hội chia chác, lên đến nơi chỉ thấy rừng thiêng nước độc  bọc quanh một “chủ nhân ông” tàn tạ, quần áo rách tướp, râu ria tua tủa, đã ngán ngẩm rút lui trong trật tự và không bao giờ có ý định quay lại lần nữa.

Nhiều nhà khoa học tìm lên, nghe Công trình bày một hồi cũng chỉ còn biết lắc đầu. Ngoài những câu thơ nghe có vẻ mơ hồ như “Hóa Sơn lưu bước quân vương tới/ Mã Cú lưu gìn báu vật xưa”, họ chẳng tìm thấy vết tích gì có thể gọi là cứ liệu khoa học.

Càng ngày, Nguyễn Hồng Công càng lún sâu hơn vào đức tin của chính mình. Ông cho rằng, con suối đổ từ lưng chừng núi Mã Cú xuống ban đầu chia làm hai nhánh. Chôn [[kho báu]] xong, người ta nắn dòng để hai con suối nhập lại làm một.

Ngụy trang bằng nước là kín đáo nhất, không thể phá được!

Dẫn khách sục sạo vào những hố đá mà mình đã ròng rã đào tung lên suốt 25 năm, Công trần thuật như phim: “Hầm vàng được xây dựng theo kiểu cuốn chiếu, có 12 hố. Đào xong hố này, bỏ báu vật xuống, lấp lại xong mới đào hố khác nên không để lại vết tích. Hố này chính là “nắp cống nước” của hố kia. Do đó, kẻ săn lùng kho báu mà “thiếu kiến thức” thì chỉ công toi, đào đến đâu nước ngập đến đó, chẳng bao giờ nhìn thấy được kho báu. Họ (người chôn kho báu - NV) khôn lắm, sắp đá theo “kết cấu nghiêng" để chúng tự... ép vào nhau. Vì vậy, để càng lâu, công trình càng... chắc, đừng hòng sạt lở !”.

Nghe Nguyễn Hồng Công lập luận, những người có hiểu biết về nghề xây dựng chắc sẽ điên tiết lắm. Nhưng bất kỳ ai đến thăm, Công cũng giải thích như vậy, chẳng hề ngần ngại.

Đất  đá từ hầm vàng đào ra tràn phủ  cả sườn  đồi
Đất đá từ hầm vàng đào ra tràn phủ cả sườn đồi

Sự quả quyết của Nguyễn Hồng Công cũng đã khiến không ít nhà khoa học và lãnh đạo chính quyền phải bán tín bán nghi. Trước năm 1998, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập hẳn một đoàn kiểm tra khảo sát với nhiều cán bộ địa chất, khảo cổ giàu kinh nghiệm kiểm tra toàn bộ khu vực mà Công đang đào xới. Đoàn kiểm tra kết luận: “Không có dấu hiệu của kho báu tại nơi đang đào”.

Tuy vậy, vẫn không ai dám khẳng định là kho báu này hoàn toàn không có thật. Ngay tại những hố mà Công đã khai quật, thỉnh thoảng cũng lộ ra những dấu tích có vẻ như là mạch hồ, vữa, do bàn tay con người dựng lên hơn là giống mạch đá tự nhiên.

Chưa hết, lẫn trong đất, đá mà Công hất ra ngoài các đường hầm, người ta dễ dàng nhìn thấy những đống mốc xanh – dấu hiệu của ôxít đồng. Được thể, Công lại đưa ngay ra một lời giải thích: “Mỏ đồng nhỏ nhất cũng rộng hàng km2.

Ở đây, ôxít đồng chỉ tồn tại trong một khoảng đất 5.000m2, chệch ra khỏi chu vi này 2m có bói cũng chẳng thấy dấu vết mốc xanh nào cả. Không phải kho báu được chôn ở dưới thì là cái gì? Nhà anh đem đồng ra đây đổ à?”

Những dấu vết mà ông trưng ra quá mờ nhạt để có thể thuyết phục người khác. Nó chỉ biến ông thành một tay ngoan cố không chịu được.Trong khi đó, sức khỏe và tính mạng của kẻ săn lùng là ông thì cứ treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết.

Không ít lần, Công đã nhiễm khí độc ngất xỉu ngay trong địa đạo, may được dân địa phương phát hiện đưa ra cấp cứu kịp thời. Nhiều lần khác, dưới những đáy hố sâu 15 – 17m, nhát cuốc chim của ông phá vỡ cả một “mỏ” nước ngầm.

Chỉ trong phút chốc nước lạnh buốt trào lên nhấn Công chìm nghỉm. Thoát chết, ông lại tuyên bố: “Người khác là chết chắc! Nhưng tôi thì không thể chết, chìm dưới nước một hồi là tôi lại... bò lên!”

Lúi húi một mình đào xới giữa rừng xanh núi thẳm, Nguyễn Hồng Công có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Không phải lúc nào, con người lì lợm ấy cũng may mắn được phát hiện kịp thời để cấp cứu. Vì vậy, chính quyền địa phương đã nhiều lần phải huy động công an, bộ đội biên phòng vào Hóa Sơn, kè Công ra khỏi núi, trục xuất ông. Đuổi thì Công đi. Nhưng, chỉ ghé về thăm nhà 10 ngày, nửa tháng, thấy hơi êm êm là ông lại mò lên, lại lui cui một mình đào xới. Vợ con, anh em khuyên can thế nào Công cũng bỏ ngoài tai.

Sợ ông chết, vợ con đã kiên quyết “cấm vận”, không gửi tiền bạc lương thực vào nữa để Công dứt khoát phải trở ra. Cấm thì cấm, Công cất chòi, trồng khoai lang, đu đủ... và ở lại luôn lưng chừng núi Mã Cú, quên luôn cả chuyện về thăm nhà như trước.
Dưới  1  ngách  hầm.
Dưới 1 ngách hầm.

Đầu tháng 5-2009, chúng tôi lại vào Hóa Sơn thăm Công lần thứ tư.  Vàng bạc vẫn chẳng thấy đâu, chỉ thấy hình hài của “gã điên” này tàn tạ đi trông thấy. Nhưng nụ cười của ông vẫn hết sức tự tin. Gặp lại chúng tôi, Công vừa cười vừa khoe phát hiện mới:” Tôi hiểu hết rồi, không phải kho báu vua Hàm Nghi đâu, phải gọi là kho báu... vua Tự Đức mới đúng(!?)”.

Lời đúc kết của Công, các sử gia nghe xong chắc phải trợn mắt. Nhưng Nguyễn Hồng Công thì chưa chịu dừng lại. Niềm tin về kho báu đã biến Nguyễn Hồng Công trước thành nhà xây dựng, nhà khảo cổ, nhà sử học, giờ sắp hóa thành chuyên gia ngôn ngữ.

Theo ông, cây cỏ quanh “kho báu” được trồng như một thứ dấu hiệu ẩn dụ. Công gọi đó là phép... “ẩn từ”, “nuốt từ”. Cây đa là “đường ra”; cây sú, da, là “suối, ra” tức đường thoát nước mà ông đã phát hiện. Cây bồ kết là...  “chấm hết”. Cây lim xẹt là “cứng, xẹt lửa”, tức toàn đá, đào chỉ công toi. Cây cối là “cuối”, nghĩa là hết đường đào...

Dù không muốn làm người đối thoại bị tổn thương, nhưng hình như nét mặt của tôi khi ngồi đối diện ông vẫn không thể dấu được vẻ nghi ngại. Công nhận ra ngay. Ông bảo rằng ông đã nhiều lần tự véo vào tay mình, vẫn thấy đau nên chắc chắn là ông không điên. Không điên mà vẫn làm thì chắc chắn là đang làm đúng. Không điên nên ông cười vào mũi mấy “ông khoa học” cứ đòi ông phải trưng ra đồ án để chắc chắn kho báu là có thật, bởi “xây dựng thì mới có đồ án, chứ khảo cổ thì chỉ đi tìm, đồ án đâu ra mà đòi xem?”.

Chuyện nào của Công, tôi nghe cũng nổi da gà. Khoét hầm vào sâu trong núi, thiếu khí lành lại nhiều khí độc, sinh mạng của ông bị đe dọa thường trực, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tôi nhắc điều đó, Công tự tin khoát tay: “Người thường vô đó là chết ngay. Tôi thì không, vì tôi đã học được cách... thở ít thôi!

Vui chuyện, Công chui vào túp lều rách nát, xiêu vẹo lôi ra cho chúng tôi xem một số “chiến lợi phẩm” thu được. Chỉ “quả bóng” tròn vo, nặng trịch, có lẽ bằng một thứ kim loại nào đó, vì nó nặng hơn nhiều so với đá Công bảo:  “Tôi quai búa tạ 3 ngày liền nó vẫn không chịu vỡ.”

Tôi nghe và tái mặt. Khối kim loại kia trông không khác gì một quả đạn súng thần công!

Đến lượt hai mảnh đá có nhiều đường vân hắt ánh kim, Nguyễn Hồng Công khẳng định, đó chính là một loại... ký tự cổ ông không đọc được nhưng “hiểu rất rõ”. Không khéo, ông này lại rẽ ngang sang lĩnh vực tiếng... Hy Lạp cổ – thứ chuyên môn mà tôi mù tịt – thì nguy to! Nhưng tôi không thắc mắc.

Nguyễn Hồng Công đã trở nên tự kỷ ám thị quá nặng, góp ý, khuyên lơn hay công kích đều chỉ là vô nghĩa. Dù sao, con người gầy gò ngồi trước mặt tôi cũng là hiện thân của một quyết tâm, một nghị lực phi thường. Đó là điều mà trong đời, không phải ai, không phải khi nào cũng có duyên gặp được.

Thôi thì đành trôi theo ông trong một chút mơ mòng, dù hết sức viển vông. Chỉ mong sao có một phép mầu nào đó để “điều không thể trở thành có thể”, để Công sớm tìm ra cửa hầm huyền hoặc. Bạc vàng, châu  báu, chúng tôi không nghĩ tới và Nguyễn Hồng Công có lẽ cũng thế. Chỉ mong điều đó xảy ra để cuộc kiếm tìm xuyên 2 thế kỷ của Nguyễn Hồng Công không trở nên vô nghĩa.

Bản cam kết của ảo tưởng

Nguyễn Hồng Công bị trục xuất khỏi Hoá sơn từ năm 2009. Những tưởng  ảo mộng tìm vàng  sẽ chấm dứt lại đó. Cái tên Nguyễn Hồng Công, nếu  có  được nhắc  đến thì  cũng  chỉ như  một chấm phá  về nghị lực, lòng kiên trì, hoặc một biểu tượng gàn dở.

 Nhưng không, đầu năm 2011, ông lại quay lại. Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn Bàn Văn Sơn bảo: “Giàn cán bộ xã thấy tay này mò lên là lại hết hồn. Như  con  chuột  chũi, ông ta  sẽ tiếp tục xới nát núi rừng, sông suối, trong khi  xã thì cứ ngay  ngáy lo, lại  phải  cắt cử  người  kiểm tra, theo  dõi, thậm chí cả bảo vệ tay gàn này nữa. Trục xuất không được, đuổi không xong.

Phạt thì  bằng thừa, bởi trên  người gã đàn ông này chẳng  có gì  đáng giá  hơn bộ áo  quần nhàu  nhĩ, lấy  gì  mà nộp phạt?” Nguyễn Hồng Công  có lẽ  cũng không muốn  “làm khó” địa phương nên lúc  quay  lại Hoá Sơn, ông cứ lặng lẽ băng rừng mà vào, chẳng  báo  cáo  báo chồn  gì  cả. Xã, huyện, biên phòng nghe dân báo, vào tận nơi kiểm tra, ông ta lánh mặt. Tìm gập được thì Nguyễn Hồng Công  cũng chỉ cười  trừ.

Không gặp cán bộ xã, nhưng  sau khi  gửi  tờ  trình đi  vào ngày 16-6-2011, Nguyễn Hồng Công  đã  mấy  lần  đòi  gặp  cho  bằng  được Chủ tịch  tỉnh Quảng Bình  để “bàn về  chuyện bảo vệ  và khai thác kho báu”. Nhỏ hơn, ông …. không gặp, vì  đây  là chuyện hệ trọng quốc gia, không phải bạ ai cũng có thể biết và giải quyết được! Tuy nhiên, đến nay thì cuộc tiếp xúc “tối quan trọng” ấy vẫn chưa diễn ra.

Không muốn bị bất kỳ ai khác quấy rầy, Nguyễn Hồng Công tạm lánh mặt khỏi túp lều mới dựng lại và tắt điện thoại. Công an xã và biên phòng (vì  Hoá Sơn  là xã nằm trong khu  vực biên giới giáp tỉnh Khăm  Muộn – Lào) gửi  giấy  triệu tập nhưng  cũng  chẳng thấy  ông ta  ở đâu  để  mà đưa.
Nguyễn Hồng Công  dưới hầnm (tư  liệu)
Nguyễn Hồng Công dưới hầnm (tư liệu)

Nhân vật chính lánh mặt, chỉ còn  niềm tin mãnh liệt nhưng mơ hồ ở lại. Hôm lên xã gửi tờ trình, ông yêu cầu xã đề nghị lên cấp trên lập am thờ để cúng bái vong linh nghĩa quân Cần Vương và những người chôn kho báu… trước khi khai quật.

Ông cho rằng, “đụng vào kho báu là đụng vào tâm linh, thiêng lắm. Muốn mở kho báu thì phải  lập am  cúng bái. Người  đứng ra cúng phải là người có trách  nhiệm, có thẩm quyền chứ như tôi cũng không  được phép. Không cùng thì  tôi cũng không  dám mở cửa  hầm. Người khác muốn vào mở tôi cũng không cho, mà có  mở  cũng  không được!”.

Tuyên bố quyết liệt thế, nhưng chứng cứ thuyết phục  đưa ra  thì  lại chẳng có  gì mới, thậm chí  bắt  đầu  lẫn  lộn lung tung. Ông Công có khuynh hướng tự phủ nhận những  căn cứ ban đầu khi rỉ  rả với một vài người  quen rằng thật  ra  kho báu Hoá Sơn không phải là kho báu vua Hàm Nghi  mà  là kho  báu  của … vua  Tự Đức. Ông chỉ nghiệm ra  được “chính  xác”  điều  này  sau  gần  30  năm  tìm  kiếm, lao  động và  suy  ngẫm!

Chưa  hết, trong đoạn đầu của tờ trình gửi  đi, mà  ông  ghi  một cách  chắc nịch  là: tờ trình cuối cùng, ông  đã để  lộ ra một  lỗ  hổng to khi vẫn ghi rằng “sau 14  năm tìm kiếm….”. Thì ra, chẳng có gì mới mẻ, ông “chép lại” nguyên văn đoạn đầu trong (cũng) tờ trình cuối cùng viết từ  năm 1987. Vì  không để  ý nên  ông vẫn giữ  nguyên con  số  14 năm, trong khi  ở  đoạn dưới, tỉnh táo hơn, ông  đã  điều chỉnh thời  “gần thành gần  30 năm”.

Biết Nguyễn Hồng Công từ  lâu, chúng  tôi đã thật sự  cảm thấy buồn và xót  xa cho khao khát, nghị lực và công sức lẫn ảo tưởng bao nhiêu năm của Nguyễn Hồng Công. Bây giờ, dù  ông có nói gì  đi chăng nữa thì câu cũng chẳng  còn mấy người phải bán tín bán nghi.

Dường như, niềm tin về kho báu huyền thoại chỉ là của riêng ông, cũng chính là… tài sản duy nhất mà ông có. Không chút mỉa  mai, nhưng chúng  tôi cũng không thể nói gì khác, bởi  cùng với  niềm tin ấy, ông  đã  mất 30 năm cô  độc, 30 năm đầy  những  kỳ  vọng rồi lại  rơi  xuống đáy tuyệt vọng. Trong khi đó, niềm tin cứ mai một dần, ông càng  cố bám  víu, nó lại càng xa vời và nhoà nhạt.

Cuối cùng thì chính quyền xã Hoá Sơn cũng tìm được “người  đào vàng xuyên hai thế kỷ” Nguyễn Hồng Công đề “vời” ông  về UBND  xã  làm việc. Muốn hay  không thì  những thủ  tục, yêu  cầu hành chính  vẫn cứ phải được  đề  ra với Nguyễn Hồng Công: ông phải đăng ký tạm trú tại địa phương, rời đi phải  đăng ký  tạm vắng.

Việc đào bới, muốn tiếp tục, ông phải phải xin phép. Thông tin về kho  báu  đã “mở cửa” được  đánh giá  là “tin  đồn nhảm, do  hoang tưởng mà thành” cho  nên  để  tránh gây thêm rắc  rối, phiền  toái, Công an  xã  đã  yêu  cầu  ông tránh  tiếp xúc với người lạ và không được tự ý cung cấp thông tin chưa kiểm chứng, tránh kích thích  tò  mò  khiến người hiếu kỳ tìm đến để xem hoặc có thể đào bới gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Dĩ nhiên, để khẳng định mình vẫn tỉnh táo, Nguyễn Hồng Công không hề từ chối bất kỳ yêu cầu hợp lý nào từ phía chính quyền. Ông hứa sẽ chấp hành đầy đủ.

Ba mươi năm chưa phải là toàn bộ hành trình. Một  đoạn mới đã lại bắt  đầu. Rừng núi Hoá Sơn lại  phải  miễn cưỡng nhận thêm một Nguyễn Hồng Công lủi thủi, cô  độc rị mọ thêm nhiều  năm  nữa. Và, có trời  mới  biết  mai  mốt sẽ còn  xảy ra những chuyện  động trời gì?!


Thanh Trúc - Tâm Phùng
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc