Nguyễn Bá Kỳ chia sẻ, khi nghe Nga “cầu hôn” mình, anh đã không tin nổi, cứ ngỡ như một giấc mơ xa vời nào đó, chỉ đến trong giấc ngủ mệt của đời người. Nhưng khi biết đó là sự thật, anh đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn, dù cho nhiều người đã thẳng thắn khuyên can không nên cưới vợ, sống được như thế đã là khó khăn lắm rồi, thêm một người khuyết tật nữa, thêm gánh nặng lo toan.
[links()]
Ngày trở lại trường, Nga đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Cô muốn làm điều gì đó cho Kỳ, nhưng làm như thế nào thì chính bản thân cũng không đoán định được. Bẵng đi một thời gian, Tết vừa rồi cô lại lẳng lặng sang thăm Kỳ và ở lại nhà chăm sóc cho anh 2 ngày.
Trong thời gian này, bất chợt cô gái này nảy ra ý tưởng, hay là hai đứa làm đám cưới, về sống chung dưới một mái nhà? Đem điều này nói với Kỳ, anh cứ nhìn Nga như không thể tin vào đôi tai đang bùng nhùng của mình.
Ngay cả mẹ của Kỳ cũng vậy, cả hai mẹ con đều cho rằng, Nga nhất thời hồ đồ nên mới nghĩ vậy. Nhìn đứa con trai mong manh như tàu lá, có thể “đi” bất cứ lúc nào, thì làm thế nào mà nghĩ đến chuyện cưới vợ.
Vợ chồng Kỳ- Nga hạnh phúc trong lễ thành hôn |
Nhưng Nga đã nghĩ khác, cô chỉ muốn được ở gần Kỳ để sớm hôm chăm sóc anh, một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, chỉ cần vậy là cô mãn nguyện lắm rồi.
Nguyễn Bá Kỳ chia sẻ, khi nghe Nga “cầu hôn” mình, anh đã không tin nổi, cứ ngỡ như một giấc mơ xa vời nào đó, chỉ đến trong giấc ngủ mệt của đời người.
Nhưng khi biết đó là sự thật, anh đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn, dù cho nhiều người đã thẳng thắn khuyên can không nên cưới vợ, sống được như thế đã là khó khăn lắm rồi, thêm một người khuyết tật nữa, thêm gánh nặng lo toan.
Nhưng, Kỳ lại nghĩ khác, dù chẳng biết sau này sẽ ra sao, nhưng anh sẽ luôn trân trọng và đón nhận những gì đã có. Được sự động viên, khích lệ của mẹ, hai đứa đi đến quyết định là sẽ lấy nhau để trở thành chỗ dựa cuộc đời cho nhau trong quãng đường còn lại phía trước.
Phan Thị Nga cho biết, lúc đầu nghe con gái báo tin là có người yêu, bố mẹ em đã mừng vui lắm. Nhưng khi nghe kể chuyện về Kỳ, hai ông bà đã bắt đầu phản đối.
Tấm lòng của ông bố bà mẹ nào cũng vậy, dù con cái mình có khiếm khuyết đi chăng nữa, không ai muốn con thêm gánh nặng đời nên ra sức ngăn cấm Nga đến với Kỳ.
Nhưng đó là tình yêu, mặc cho bố mẹ từ nhỏ nhẹ khuyên can đến dọa dẫm từ con, Nga vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình và cuối cùng, những người làm cha làm mẹ phải nhượng bộ để tác thành cho đôi trẻ.
Đám cưới độc nhất vô nhị chấn động quê nghèo
Thế rồi, cái ngày hạnh phúc mà cả Nguyễn Bá Kỳ và Phan Thị Nga mong đợi nhất cũng đã đến, đó là ngày 22/4/2012 (ngày 2/4 âm lịch). Kỳ xúc động nhớ lại, ban đầu anh và Nga bàn với mẹ là chỉ làm vài mâm cỗ cúng gia tiên, còn nữa hai gia đình gặp mặt là coi như xong, không làm rình rang làm gì cho tốn kém.
Thế nhưng, biết chuyện Kỳ có người con gái có học thức muốn cưới làm chồng, ban đầu là bạn bè của Kỳ, sau nữa là bà con lối xóm và cả chính quyền địa phương, họ muốn tổ chức cho đôi trẻ một ngày hạnh phúc thật đáng nhớ nên đã bàn với gia đình, sẽ giúp đỡ thêm vật lực để có một ngày vui thực sự trọn vẹn.
Kỳ cũng tâm niệm, đời mình chỉ cưới vợ duy nhất một lần này, và tin chắc vợ cũng thế nên dù khó khăn cũng sẽ cố gắng để cho Nga được hưởng niềm vui trọn vẹn của cô dâu trong ngày bước lên xe hoa về nhà chồng như bao cô gái khác trên thế gian này.
Chính bởi vậy, được sự giúp đỡ của bạn bè, mẹ con Kỳ đã tất bật chuẩn bị một ngày cưới thật đầm ấm, hạnh phúc.
Chiếc xe lăn của một nhà hảo tâm tặng Kỳ cách đây 2 năm về trước, được bàn bè đưa ra, lau chùi lại và tỉ mẩn phủ lên đó những chiếc nơ mang đầy đủ các loại sắc màu rực rỡ.
Sau đám cưới là cuộc sống đời thường, tuy còn rất nhiều vất vả nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ rất hạnh phúc. |
Ngôi nhà nhỏ cũng được sửa sang lại những chỗ dột nát, căn phòng hạnh phúc, cũng là nơi đã gắn bó với Kỳ hơn 10 năm qua được kết nơ màu hồng, trông rất lãng mạn.
Điều đặc biệt hơn là biết tin Kỳ cưới vợ, một số người chuyên phục vụ “đám cưới làng” trong xã và xã bên đã tình nguyện đến phục vụ chúc phúc như dựng rạp, bàn ghế, loa máy và cả khâu dẫn chương trình, tổ chức lễ thành hôn.
Tuy nhiên, những chuyện ấy chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề nan giải nhất là chuyện rước dâu, bởi vì Kỳ không thể đi lại được nên không thể sang nhà Nga để đón dâu về. Tình thế buộc gia đình phải nhờ đến người thay thế để rước đâu, đó là phù rể.
Ban đầu, khi bàn tính phương án này, bố mẹ Nga đều không đồng tình, con gái họ lấy một người chồng nằm liệt một chỗ đã là việc không tưởng, nay ngay cả việc rước dâu cũng không làm được thì sau này tương lai, số phận của Nga, ai sẽ đảm bảo?
Với suy nghĩ đó, bố mẹ vợ nhất mực phải đòi con rể sang rước dâu. Nhì nhằng mãi, sau rốt các cụ lại phải nhượng bộ, để cho phù rể đón dâu.
Hôm đó, khi đám rước đưa cô dâu Phan Thị Nga về đến đầu làng, chú rể Nguyễn Bá Kỳ đã cố gắng lên xe lăn, ra tận đầu ngõ đón vợ tương lai trong sự chúc phúc hò reo của đông đảo mọi người gần xa.
Ngày cưới của hai người thực sự là một ngày hạnh phúc trọng đại, chưa bao giờ người dân nghèo xã Nghi Phong và cả vùng lân cận lại chứng kiến một lễ cưới đông đảo những vị khách không mời đến thế.
Chính Nguyễn Bá Kỳ cũng cho hay, vì ngại ngùng nên mẹ anh không mời nhiều, chỉ là bạn bè thân thiết và hàng xóm láng giềng. Nhưng sức lan tỏa của câu chuyện Kỳ bại liệt, nằm một chỗ nhưng vẫn cưới được vợ là cô sinh viên đại học khiến ai cũng muốn đến chúc phúc.
Quan khách có mặt hôm ấy, ngoài số ít bạn bè của cô dâu và chú rể, phần lớn là những người không quen, không mời, họ đến chia vui vì cảm phục, thứ nữa họ muốn tận mắt nhìn thấy cô nữ sinh đã dũng cảm bước vào để làm đổi thay cuộc đời gần như “thực vật” của Kỳ.
Giây phút cả hôn trường lặng đi vì xúc động là cô dâu trong bộ váy cưới màu trắng từ từ đẩy chiếc xe lăn, trên xe là chú rể trong tư thế nửa nằm nửa ngồi tiến vào hôn trường.
Dù rất khó khăn trong việc di chuyển nhưng Nga muốn tự tay mình làm điều đó, và trên gương mặt của cả tân lang lẫn tân nương, nụ cười luôn rạng rỡ. Từ giây phút đó trở đi, cả hai hiểu rằng mình đã thuộc về người kia và chỉ người kia mãi mãi.
Từ giây phút ấy, Nga cũng như Kỳ đều chìm ngập trong men say hạnh phúc, trong tiếng nhạc, tiếng chúc phúc tưng bừng của hàng trăm người có mặt, bất luận cái nắng như đổ lửa đang phủ vây.
Nguyễn Bá Kỳ phấn khởi, vì quá xúc động trước tình cảm mọi người dành cho mình, đến lúc ghé sát micro để nói lời cảm ơn tới toàn thể hội hôn, nước mắt anh cứ thế tuôn rơi mà không sao cất được thành lời.
Hôm đó, vì quá hạnh phúc, Kỳ đã cao hứng hát tặng hôn trường tới hai bài hát để bày tỏ lòng biết ơn chân thành sâu sắc.
Khoảng lặng đời thường
Chấp nhận làm vợ của Kỳ, Nga cũng từ bỏ luôn giấc mơ giảng đường để lấy tấm bằng đại học tại trường Đại học Thành Đô, nơi cô đang theo học trước khi về quê làm đám cưới với Kỳ.
Hỏi, vì sao không tiếp tục theo đuổi giấc mơ, Nga cười hiền, thương chồng nên muốn được ở nhà chăm sóc cho Kỳ sớm hôm. Hơn nữa, hiện tại Nga cũng đã có hành trang trong tay, đấy là tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành kế toán loại khá.
Phan Thị Nga tâm niệm, vấn đề không hẳn là bằng cấp, mà là mình có làm được việc hay không. Điều này phần nào được minh chứng ngay sau khi tốt nghiệp, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã nhận Nga vào làm ngay mà không cần đòi hỏi thời gian kinh nghiệm.
Giờ đây, với việc đi lại được bình thường, vợ chồng Nga mong muốn sẽ có được việc làm để đảm bảo cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng cưới xong, không có việc làm trong khi mẹ chồng thì nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán và trợ cấp 180.000 đồng mỗi tháng của Kỳ nên tương lai rất mờ mịt.
Nguyễn Bá Kỳ cũng mơ ước được làm việc, anh rất thạo về công nghệ thông tin, đặc biệt là quản trị mạng. Việc đi lại tuy khó khăn, nhưng vừa rồi có một người bạn đã mang tặng chiếc xe máy cũ, đang được đứa em làm nghề sửa chữa xe máy “độ” lại thành xe ba bánh để làm phương tiện đi lại.
Kỳ đang hy vọng, với chiếc xe này, mình sẽ không còn gặp khó trong việc di chuyển và sẽ có được việc làm để đỡ đần cho mẹ và cho vợ trong cuộc sống.
Có một điều khiến chúng tôi rất xúc động là trong suốt buổi nói chuyện, hơn một lần bà Phạm Thị Thu, mẹ của Kỳ cứ ôm riết lấy con dâu khóc dấm dứt. bà không dám tin vào hạnh phúc thực của con trai.
Bao nhiêu năm và vò võ chăm con, không ngờ đến lại có người con gái tri thức như Nga lại đủ dũng khí để bước vào căn nhà lụp sụp này, đặng cùng bà gánh vác nhiệm vụ chăm sóc đứa con trai tội nghiệp của mình.
Trước lúc chia tay, cả hai vợ chồng Kỳ - Nga đều chia sẻ rằng, hai người chỉ muốn là chỗ dựa cho nhau trong cuộc sống chứ với bệnh tật, thân thể như thế, chẳng dám mơ đến chuyện con cái. Nhưng dẫu vậy, tự trong sâu thẳm lòng mình, họ đều nghĩ đến những điều kỳ diệu sẽ đến.
Cuộc sống luôn có những quà tặng bất ngờ, và không hiểu sao, người viết bài này có dự cảm rằng, vợ chồng Phan Thị Nga và Nguyễn Bá Kỳ sẽ được nhận món quà tặng kỳ diệu từ cuộc sống vốn dĩ luôn thiên biến vạn hóa đầy bất ngờ và công bằng này.
Đám cưới của nữ sinh viên và chàng trai bại liệt
- Thiên Thảo