Với nhiều người, lấy chồng như một công việc mà mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại, không thể tránh khỏi những cảm xúc nhàm chán. Người ta nói xa thương, gần thường, càng gần gũi với chồng, càng thấy cuộc sống hôn nhân sao tẻ nhạt quá.
Vả lại đàn ông khi lấy vợ rồi thì còn nghĩ gì đến hâm nóng hôn nhân, nghĩ gì đến những bữa tiệc hẹn hò, cùng nhau đi chơi ăn uống. Nếu thời còn yêu, ngày nào cũng dắt tay nhau dạo phố, uống ly trà, ăn miếng bánh thì ngày nay, đa số đàn ông chọn bù khú với bạn bè thay vì về nhà ăn cơm với vợ.
Đàn ông nghĩ mỗi ngày đi làm về mệt mỏi, chỉ muốn đặt lưng xuống chiếc giường ấm áp đọc tờ báo, xem bộ phim. Mấy ai nghĩ chuyện cùng vợ đến những nơi như thế này, thế kia để hâm nóng tình yêu đôi lứa.
Hôn nhân chia làm ba giai đoạn: mặn nồng, lạnh nhạt và viên mãn. Những năm tháng đầu, cặp vợ chồng trẻ nào cũng hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân màu hồng. Nhưng rồi vài năm tiếp theo, tình cảm chuyển sang hướng có phần nhạt hơn, mấp mé ngưỡng “nghĩa” nhiều hơn là "tình".
Đây là giai đoạn người phụ nữ phải chịu nhiều cảm xúc tổn thương nhất. Việc gì cũng đến tay, không còn được chồng cưng chiều, cung phụng như xưa. Đổi lại, họ phải nai lưng ra chăm sóc chồng con cho đúng bổn phận. Thế nên nhiều người phụ nữ thường than rằng chồng không hiểu và chưa bao giờ lắng nghe cảm xúc của mình.
Họ đâm ra chán chồng, chán luôn cuộc sống hôn nhân. Họ bắt đầu nhớ về những điều tươi đẹp trong quá khứ và mẫu hình lý tưởng về người đàn ông ở hiện tại và tương lai. Ở giai đoạn này phụ nữ bắt đầu nhận ra những lời hứa của đàn ông chẳng đáng tin. Những mộng mị của họ cũng sụp đổ trước mắt và cảm thấy vô cùng thất vọng về cuộc hôn nhân của mình.
Làm vợ là nghề làm dâu trăm họ. Ở bên ngoài phải ăn nói khôn khéo giữ thể diện cho chồng. Chồng nói một không dám cãi hai, khi nói phải ngó trước dòm sau để không bị bắt bẽ làm xấu mặt chồng. Còn ở nhà phải công dung ngôn hạnh, nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.
Phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi khóc vì dang dở mối tình đầu hoặc một chuyện vớ vẩn nào đó. Họ khóc cho chuyện công việc không như mong muốn. Khóc cho những lần tủi thân khi bị bạn bè bỏ rơi. Ở độ tuổi này, tâm hồn họ khá nhạy cảm, chỉ cần nhìn một chiếc lá rơi trong khung cảnh u buồn cũng khiến họ nước mắt lưng tròng.
Còn phụ nữ lấy chồng, họ cũng rất dễ khóc. Nhưng nỗi buồn của họ lại gói gọn trong hai tiếng gia đình. Họ chỉ khóc khi chồng phản bội, khóc khi con chẳng nghe lời. Nếu sống chung với mẹ chồng thì khóc vì bị đối xử tệ bạc, không được tôn trọng. Bởi vậy đàn bà lấy chồng, ai rồi cũng khóc. Chẳng qua là khóc ít hay nhiều mà thôi.
Trong tình yêu, xét đến cuối cùng, thứ đàn bà cần trong một mối quan hệ là sự an toàn, là hạnh phúc. Nếu một người đàn ông không thể làm được điều đó thì cũng chẳng có lý do gì bắt đàn bà phải ở bên cạnh. Dù là trong tình yêu hay hôn nhân, nếu khiến người phụ nữ của mình quá cô đơn, không sớm thì muộn, đàn bà cũng sẽ ra đi cho dù tình cảm còn rất nhiều.
Đàn ông trong hôn nhân luôn nghĩ rằng, mình chỉ cần ra ngoài kiếm tiền, mọi việc trong gia đình vợ phải là người lo tất cả. Mỗi tháng về nhà đưa cho vợ một ít tiền là tròn bổn phận làm chồng. Trong hôn nhân, tiền bạc vô cùng quan trọng, thế nhưng chúng chưa bao giờ sánh được bằng sự quan tâm, yêu thương và sẻ chia nhau.
Phụ nữ kết hôn thực ra không cần gì nhiều. Họ chẳng cần nhà lầu xe hơi, chẳng cần nhiều tiền đến mức không biết tiêu gì. Họ có thể chấp nhận tất cả khó khăn, vất vả, hy sinh tự do, nhan sắc chỉ với điều kiện đơn giản lắm, đó là được chồng quan tâm, thấu hiểu.
Đàn ông, đừng lấy lý do bận rộn hay áp lực cơm áo gạo tiền mà biện minh cho sự vô tâm, cho việc thay lòng đổi dạ của mình. Làm gì có ai bận rộn đến mức, cả ngày không thể bỏ ra chút thời gian yêu thương, chăm sóc cho vợ. Người ta nói, không có người đàn ông vô tâm, chỉ là tâm anh ta không đặt vào bạn mà thôi. Đàn ông thật tâm sẽ có cách, đàn ông hết tình chỉ viện lý do.