Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong 4 tháng đầu năm 2013.
[links()]
Điểm nổi bật trong 4 tháng qua là huy động vốn của hệ thống vẫn tiếp tục tăng mạnh, say khi lãi suất huy động đã giảm về mức thấp.
Cụ thể, huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so với cùng kỳ của năm 2011 và 2012. Tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.
Huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so với cùng kỳ của năm 2011 và 2012. |
Đáng chú ý là tín dụng cũng đã có chuyển biến rõ hơn. Sau khi giảm trong tháng 1/2013, tín dụng đã tăng trở lại từ tháng 2/2013 và có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2012.
Tính đến ngày 23/4/2013, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm 0,2% của 4 tháng đầu năm 2012.
“Mức tăng của tín dụng trong 4 tháng đầu năm mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu định hướng chủ yếu do tính quy luật hàng năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm”, Vụ Chính sách tiền tệ lý giải.
Về thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của hệ thống khá ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn.
Thanh khoản khả quan đã giúp lãi suất tiếp tục giảm. Lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, đến ngày 23/4/2013, lãi suất qua đêm là 2 - 3%/năm, 1 tuần là 2,6 - 3,2%/năm, 1 tháng là 4,3 - 5%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cũng đã giảm khoảng 1 - 2%/năm so với đầu năm. Hiện lãi suất huy động của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1 - 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6 - 7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9 - 10,5%/năm.
Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11 - 13%/năm ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, 12 - 15%/năm ở khối ngân hàng cổ phần; trong đó, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ từ 9 - 10%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, dù lãi suất huy động đã giảm về mức thấp là điều không quá ngạc nhiên, khi các kênh để người dân đầu tư đã bị thu hẹp dần. Kinh tế khó khăn, hàng hóa tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, dịch vụ cũng không phát triển khi túi tiền của người dân ngày càng mỏng, bất động sản đóng băng, việc nắm giữ ngoại tệ cũng khó khăn vì thị trường ngoại tệ đang bị kiểm soát, không còn thoải mái mua bán như trước nữa.
Đặc biệt, kênh đầu tư vào vàng đang bị kiểm soát chặt nhất, khi giá trong nước những tháng qua luôn duy trì ở mức cao, và cao hơn giá vàng thế giới bình quân từ 3-5 triệu đồng mỗi lượng (có thời điểm giá chênh lên tới 7 triệu đồng mỗi lượng). Những người có tiền tiết kiệm sẽ chẳng dại gì mua vàng cất giữ vào lúc này. Và lựa chọn tốt nhất là đem tiền gửi ngân hàng, đợi chờ thời điểm sau ngày 30/6 – thời hạn cuối để các ngân hàng tất toán vàng, với hy vọng nhu cầu vàng giảm giá vàng trong nước sẽ dần về mức cân bằng với giá vàng thế giới.
Cho dù Ngân hàng Nhà nước đã tìm nhiều cách để chống ế vàng chính chủ như liên tục tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung vàng miếng nhằm bình ổn thị trường vàng tuy nhiên kết quả vẫn chưa khả quan.
Cho đến thời điểm hiện tại, trải qua 10 phiên đấu thầu vàng được tổ chức trong vòng 1 tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã đã bán ra tổng cộng 289.400 lượng vàng, tương đương hơn 11 tấn vàng. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng chủ yếu lại là các doanh nghiệp. Hiện, giá vàng trong nước ngày 4/5 vẫn cao hơn thế giới 5,1 triệu đồng/lượng và sức mua vàng của nguời dân ở các cửa hàng vàng trên cả nuớc đang có xu huớng giảm.
- (Tổng hợp từ VnEconomy, TPO)