Phương nhớ con thuyền mỗi khi chiều về lại vương mùi khói bếp; nhớ tiếng vợ mắng con để rồi nhớ như in cảnh người vợ đổ gục bên bếp lửa, không một lời trăn trối. Phương bảo anh không có ý đánh vợ song có lẽ trong lúc giận dữ nên cú đánh quá mạnh lại trúng chỗ hiểm nên làm Khuông thiệt mạng.
[links()]
Phương nhẩm tính, con trai đến giờ cũng sắp thành một người đàn ông, không biết khi gặp lại nó sẽ thế nào, liệu nó có hận người bố đã làm nó thành trẻ mồ côi từ lúc bước đi lẫm chẫm.
Tình yêu vượt lên tất cả
Ngô Nhật Phương cố giấu gương mặt sau vành lưỡi trai khi cắm cúi mài viên đá mỹ nghệ song chiếc mũ bạc màu dường như không tuân theo ý định của chủ nhân. Nó chẳng khác nào một vật trang điểm, càng làm cho khuôn mặt điển trai của Phương thêm đậm chất đàn ông.
Thời gian vương những nét phong trần trên khuôn mặt thanh thanh của Phương, hàng râu quai nón dù đã được cạo kỹ lưỡng vẫn nổi những đường viền xanh xanh dưới làn da nâu đỏ. Không trắng trẻo, thư sinh nhưng ở Phương toát lên vẻ đẹp của người đàn ông rắn rỏi và cương trực.
Phạm nhân Ngô Nhật Phương |
Có lẽ vì thế mà anh được mệnh danh là phạm nhân đẹp trai nhất phân trại nhưng cuộc sống thì bi đát không ai bằng.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Xuân Hòa, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, từ nhỏ Phương đã là một thanh niên chăm chỉ. Công việc của anh thường làm là chài lưới trên sông. Có lẽ vì sống ở nơi khí hậu trong lành, suốt ngày lênh đênh với sông nước nên Phương có được làn da nâu bóng, khỏe mạnh.
Không được lên bờ đi học song khi tiếp xúc với anh, chẳng ai nghĩ Phương là người thất học bởi anh rất ham học hỏi, biết lắng nghe ý kiến của mọi người cũng như những câu chuyện của họ bàn tán về thời cuộc.
Khi đã trưởng thành, Phương chuyển sang nghề chở hàng thuê, chuyên phục vụ các bà, các chị làm nghề buôn bán, đưa hàng từ nơi này tới nơi khác.
Cái chợ di động của Phương lúc nào cũng náo nhiệt mà ban đầu thường là chuyện giá cả, chuyện gia đình của các chị nạ dòng nhưng cuối cùng lại là những câu trêu chọc của khách đi đường với chủ nhân của chiếc thuyền hàng.
Những khi ấy, Phương chỉ cười bởi trong khi rất nhiều cô gái thương thầm nhớ vụng người thanh niên có thân hình cường tráng thì trớ trêu thay, Phương lại phải lòng một người đàn bà mà theo như mọi người nói là “chẳng ra gì”.
Người đàn bà lấy hết tâm trí của Phương ấy cũng nằm trong số khách thường xuyên đi thuyền. Chị có cái tên rất trúc trắc: “Khuông”, làm nghề buôn bán mía nhưng hình dáng thì rất đẹp.
Theo lời Phương thì thời gian đầu anh không để ý lắm bởi lúc nào chị cũng trùm khăn kín mít, chỉ hở đôi mắt nâu lúc nào cũng mở to với hàng lông mi dày cong vút.
Mang hàng nặng, chị thường ngồi lẫn trong đám khách nhưng chẳng bao giờ tham gia vào những câu chuyện không đầu không cuối để rồi khi thuyền cập bến là nhanh chóng dắt chiếc xe đạp lên bờ rồi quay xuống vác những bao mía lên. Anh cũng vác hộ chị bó mía để lòng thuyền nhanh được “giải phóng”.
Họ chẳng mấy khi hỏi chuyện ngoài việc thanh toán tiền vận chuyển. Công việc cứ cuốn họ theo hai quỹ đạo khác nhau cho tới lần trên thuyền chỉ có mỗi mình chị là khách.
Đến lúc này, anh mới để ý đến dáng người tròn lẳn của chị rồi tò mò không hiểu đằng sau tấm khăn bưng kín kia là một khuôn mặt thế nào, có xinh không hay chắc có khiếm khuyết nên không dám “bày” ra cho mọi người chiêm ngưỡng.
Cứ lan man với suy nghĩ thế, thuyền của Phương cập bến lúc nào không hay. Vẫn như mọi khi, Khuông lại dắt chiếc xe đạp lên bờ nhưng lần này công việc vác mía chị đã không phải làm nữa vì đã có anh hỗ trợ.
Trong lúc rảnh rỗi, chị khẽ kéo tấm khăn trùm, vốc nước sông rửa mặt và khoảnh khắc ngắn ngủi đó khiến chàng trai làng chài như Phương ngỡ ngàng.
Biết tên, biết nơi bán hàng nên việc dò hỏi về Khuông, với Phương chẳng khó nhọc chút nào. Tuy nhiên, anh đã choáng váng khi nghe những lời nhận xét chẳng hay ho gì của dân làng về cô gái mà anh theo đuổi.
Khuông cũng là con nhà nghèo, sống bằng nghề bán mía song cái đẹp đã đưa đẩy cô trở thành người mẹ trước khi làm vợ. Từ ngày có con, hàng mía của Khuông trở nên ế ẩm, khách lui tới chủ yếu là đám trai làng song họ cũng chỉ buông lời chọc ghẹo rồi đi chứ chẳng mấy khi mua mía cho cô.
Để tránh mặt dân làng, tránh những sự chê bai, ì xèo của làng xóm vì có con trước khi có chồng, hàng ngày Khuông ra ngoài buôn bán, trên mặt lúc nào cũng che khăn kín mít từ lúc trời sáng cho tới khi trời đã nhọ mặt người.
Một cảm giác hẫng hụt trào dâng trong lòng, tối ấy Phương đã trằn trọc rất nhiều vì tiếc cho một bông hoa đẹp nhưng rồi anh lại thấy thương khi nghĩ tới cảnh Khuông cứ phải sống trong sự ngụy trang, sống phải che đi khuôn mặt mình trong khi nhan sắc ấy đáng được khoe ra để mọi người chiêm ngưỡng, ghen tỵ hay ao ước.
Anh tìm cách bắt chuyện những khi cô đi thuyền và những câu chuyện đã giúp họ xích lại gần nhau hơn, thân quen và không còn khoảng cách. Anh thấy Khuông thật đáng yêu, sống có nội tâm rồi chợt nhận ra rằng chẳng biết từ khi nào, bởi cô gái ấy luôn hiện hữu trong tâm trí của Phương.
Nghe con trai thông báo sẽ cưới Khuông làm vợ, cả nhà Phương ai cũng phản đối kịch liệt vì cho rằng cô gái này không xứng đáng. Bố Phương, sau một hồi phân tích không thấy con trai lay chuyển đã tuyên bố không làm lễ cưới, không cử ai đi đón dâu và nếu cứ quyết lấy nhau thì đừng dẫn nhau về nhà nữa.
Những phản đối của gia đình, anh chỉ một mình chịu đựng, không hề than thở một lời với người yêu. Chỉ tới khi một mình anh tới đón, chị lờ mờ hiểu ra vị trí của mình, chị lặng lẽ khóc vì tủi thân và thương anh còn Phương thì cười, cố pha trò để chị quên đi.
Một lần quá tay, cả đời trả giá
“Tôi đã mất tất cả chỉ vì cái thanh củi”, Phương mở lòng, đôi mắt có hàng lông mi cong, rậm nhìn về xa xăm khi nhớ về quá khứ. Cái tin Phương cưới Khuông khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Họ cho rằng Phương ngu, rằng anh bị bỏ bùa song những cái chép miệng, tặc lưỡi thương hại Phương rồi cũng dần vơi đi khi mọi người nhìn thấy cảnh vợ chồng Phương chăm chút cho nhau.
Từ ngày lấy chồng, Khuông không còn đi bán mía nữa mà cùng chồng người chèo, người lái, chở hàng cho khách. “Mái nhà di động” của họ được đầu tư, trở nên vững chãi và hạnh phúc hơn khi một năm sau ngày cưới, Phương được vợ cho lên chức.
Bế cậu con trai kháu khỉnh trên tay, ông bố trẻ cười rạng rỡ dù biết rồi đây công cuộc mưu sinh sẽ gặp nhiều vất vả. Phương sẽ phải làm việc nhiều hơn, con thuyền của anh sẽ phải rong ruổi nhiều hơn nhưng bù lại, những tiếng khóc tiếng cười, tiếng nựng con của người vợ trẻ sẽ giúp anh vượt qua tất cả.
3 năm sau, bố mẹ Phương đã chấp nhận Khuông là con dâu và lần đầu tiên cô cùng anh bước chân về nhà chồng. Thế nhưng niềm hạnh phúc tràn ngập ấy lại đẩy vợ chồng Phương vào ngõ cụt.
Vốn quen sống với cảnh thanh đạm, vợ chồng kiếm được thế nào, chi tiêu thế ấy, giờ phải lo đối nhân xử thế với cả gia đình nhà chồng, Khuông thấy lúng túng. Cô không biết làm thế nào khi mẹ chồng thông báo ngày giỗ ông nội tới, cô sẽ là người đứng ra lo liệu.
Đem những trăn trở của mình ra nói với chồng, Khuông không ngờ hôm đó Phương đang bực mình vì cả buổi chở được quá ít khách nên buông lời nói sẵng. Chị nín lặng ngồi đun bếp và trong tâm trạng phấp phỏng không yên nên quyết hỏi chồng xem có lo được không.
Bực mình vì cho rằng vợ nhiều lời, anh rút thanh củi trong bếp vụt vào người vợ. Cái thanh củi oan nghiệt, trượt xuống gáy làm Khuông đổ gục và chỉ mấy tiếng sau thì tắt thở.
Trao đứa con trai chưa tròn 2 tuổi cho bố mẹ, Phương trở thành phạm nhân lĩnh án chung thân về tội giết người. Kể từ đó anh chưa một lần được nhìn thấy bố mẹ và con trai.
“Tôi vào trại từ năm 1998, bặt tin gia đình từ ngày đó nên chẳng biết con trai mình giờ thế nào, có ngoan ngoãn lương thiện hay hư hỏng”, Phương trăn trở.
Từ ngày Phương về trại giam Nam Hà cải tạo, người nhà anh chưa một lần tới thăm nuôi, ngoài duy nhất một lá thư anh trai viết, thông báo việc bố mẹ đã qua đời. Không tin tức, không người thân thăm gặp, Phương sống trong tâm trạng chơi vơi, không mục đích.
Anh xin vào đội trồng rau, muốn lấy công việc nặng nhọc để quên đi cảm giác tội lỗi nhưng mỗi khi ôm mớ rau thu hoạch về bếp của trại, trong anh lại trào lên nỗi cay đắng.
Phương nhớ con thuyền mỗi khi chiều về lại vương mùi khói bếp; nhớ tiếng vợ mắng con để rồi nhớ như in cảnh người vợ đổ gục bên bếp lửa, không một lời trăn trối. Phương bảo anh không có ý đánh vợ song có lẽ trong lúc giận dữ nên cú đánh quá mạnh lại trúng chỗ hiểm nên làm Khuông thiệt mạng.
Mỗi khi đặt lưng xuống chiếu, Phương lại tìm đủ lời lẽ để biện minh về việc làm của mình, chuẩn bị cho cuộc gặp con trai mà chưa biết khi nào rồi lặng lẽ khóc. Nước mắt đàn ông bao giờ cũng tội, nhất là với một người đã từng bước qua dư luận để tìm hạnh phúc cho mình như Phương.
Với anh, dù có phải lao động cực nhọc, việc mài đá mỹ nghệ có tỉ mẩn, vất vả bao nhiêu chăng nữa, anh vẫn có thể học và làm được. Anh chỉ sợ gặp lại con trai, không biết phải nói thế nào với nó về mẹ của mình về những cay đắng mà bản thân đã trải qua.
Phương đã được giảm án xuống tù có thời hạn, con đường trở về với người thân đã mở rộng ra trước mắt. Đến lúc này thì anh lại sợ.
Vừa muốn đếm thời gian để được ra trại, Phương lại hồi hộp vì biết ngày gặp người thân sắp đến gần rồi thấy lúng túng vì không hiểu sẽ phải sử sự thế nào, liệu có tìm lại bản thân sau lần vấp ngã này.
- Vĩnh Hà