TP. HCM: Nghỉ làm tạm thời do dịch Covid-19 được nhận lương ít nhất 3,9 triệu/tháng

( PHUNUTODAY ) - Người lao động nghỉ việc tạm thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM sẽ được trả lương thấp nhất là 3.920.000 đồng/tháng.

Trong thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Không ít nơi phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất; người lao động phải ngừng việc.

Chiều 27/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. HCM đã có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn về việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng Covid-19.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 thực hiện theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).

Hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh về việc trả lương, thực hiện chế độ cho ngườ lao động trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh về việc trả lương, thực hiện chế độ cho ngườ lao động trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng tại TP. HCM được áp dụng tại vùng I là 4.420.000 đồng/tháng (áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và các huyện Củ Chi, huyện Hóc môn, Bình Chánh, Nhà Bè); vùng II là mức 3.920.000 đồng/tháng (áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ).

Các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại điều 31 Bộ luật Lao động.

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động.

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Trong quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp có thắc mắc có thể liên hệ với một trong các cơ quan: Sở LĐ-TB&XH TP; Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện nơi DN đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh; Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP (đối với các DN hoạt động trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao). Ưu tiên sử dụng hình thức trao đổi qua điện thoại, thư tín, email... hạn chế liên hệ trực tiếp với các sở, ngành, UBND quận, huyện.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn