(Phunutoday)-Thông tin trục Tây Thăng Long sắp được mở, một số thông tin cho rằng trục đường này mang dáng dấp của trục Hồ Tây – Ba Vì hay còn gọi là trục tâm linh Thăng Long từng được bàn cãi rất nhiều. Chủ trương xây dựng trục Tây Thăng Long vừa công bố đã khiến thị trường nhà đất hai huyện ngoại thành Hà Nội là Đan Phượng, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây đang xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường…
Bản đồ Quy hoạch Trục phát triển Tây Thăng Long |
Găm hàng chờ sốt giá
Ngay sau khi có thông tin Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường trục Tây Thăng Long đoạn qua địa phận 2 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường tại chợ bất động sản phía Tây Hà Nội. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, thị trường bất động sản tại các huyện như Hoài Đức thị xã Sơn Tây, đặc biệt là hai huyện Đan Phượng, Phúc Thọ nơi có trục Tây Thăng Long chạy qua bỗng dưng hơn một tháng nay…án binh bất động một cách lạ thường.
“Đây là thời điểm gom hàng của giới đầu tư, chứ chưa phải là lúc bung hàng như đợt sốt đất ở Ba Vì cách đây hơn một năm. Vì thế, nếu ông muốn tìm mua mảnh đẹp gần dự án Tây Thăng Long bây giờ rất khó khăn”! - Toản là một tay môi giới đất có tiếng ở chợ bất động sản ở Lê Văn Lương với khả năng tìm hàng rất uy tín, nhưng ở thời điểm này, anh ta cũng tỏ ra e dè trước thông tin này.
Dạo qua chợ bất động sản ở dọc tuyến đường 32 qua huyện Hoài Đức đi Đan Phượng, Phúc Thọ hầu hết vẫn vắng khách, lượng chào bán ít, lượng giao dịch thành công không cao. Nhiều văn phòng khi được hỏi cho biết, nguyên nhân của sự trầm lắng là do lượng cung hàng ít. Trong đó, nhiều trường hợp nhà đầu tư tư nhân hàng chào từ ra giêng nhưng khi có khách, gọi hỏi lại thì họ quyết định không bán.
Theo nhiều văn phòng môi giới BĐS tại đây, việc gom hàng, đặc biệt là đất nền hiện nay ở đây rất khó khăn. “ Những mảnh đẹp, có diện tích lớn đã bị một số người găm từ trước Tết, giờ hỏi họ không bán, nên hàng đất nền ở đây gần đây rất khan. ” - một nhân viên Văn phòng môi giới Bất động sản Thịnh Phát nằm trên đường 32 nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đang rất cần vốn quay vòng, song những nhà đầu tư ôm đất Phúc Thọ, Đan Phượng vẫn phải chấp nhận nằm phục theo kiểu “cố đấm ăn xôi” để chờ đợi một tình hình sáng sủa hơn có thể đến trong nay mai. Bên cạnh đó, có lẽ nắm được chủ trương xây dựng trục Tây Thăng Long trên nên nhiều chủ đầu tư đã quyết định lùi kế hoạch chào bán dự án của mình. Đặc biệt, với những chủ đầu tư của các dự án lớn, phần lớn đều hy vọng giá căn hộ hoặc đất liền kề sẽ tăng nhanh sau khi dự án này được khởi công.
Cũng giống như tình hình tại chợ bất động sản đường 32, tại các sàn bất động sản lớn trong nội thành Hà Nội, tình hình cũng không có nhiều thay đổi. Chị Nguyễn Kim Oanh, nhân viên Sàn giao dịch Bất động sản Revex cho biết: Ngay sau khi thông tin Chính phủ đồng thuận xây trục Tây Thăng Long, thị trường BĐS phía tây thuộc hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ, hơn một tháng trở lại đây lượng giao dịch đất nền đang có dấu hiệu đóng băng lý do chủ yếu do lượng hàng cung quá ít. Chị Oanh cho
rằng, rất có thể, đây là thời điểm giới đầu tư đang găm hàng chờ thời điểm. Bao giờ cũng thế trước khi xảy ra hiện tượng sốt đất, trước đó bao giờ thị trường bất động sản vùng nó cũng đóng băng khó hiểu.
Trục Tây Thăng Long có là Trục tâm linh?
Đại lộ Thăng Long |
Trục Tây Thăng Long sẽ thay thế trục Hồ Tây – Ba Vì, hay còn gọi là trục tâm linh trước đó là khẳng định của giới đầu tư bất động sản. Với lý lẽ Trục này có nhiều điểm tương đồng như: đều là điểm nối giữa Tây Hồ với thị xã Sơn Tây. Trong khi đó đoạn từ Sơn Tây lên Ba Vì cách đó không xa. Mặt khác, tiến độ giải phóng mặt đoạn này tương đối dễ do mật độ dân cư thưa thớt so với những vùng khác. Như vậy, trong nay mai rất có thể trục đường này sẽ thay thế trục Hồ Tây – Ba Vì mà trước đó Bộ Xây dựng trình Quốc hội thông qua.
Theo quy hoạch Trục Tây Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 23 km, là tuyến kết nối khu vực Tây Hồ Tây và phía bắc cầu Thăng Long với Khu đô thị Sơn Tây. Tuyến đường trục Tây Thăng Long sẽ chạy qua địa phận 2 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ (Hà Tây cũ).
Nếu như đúng kịch bản dự đoán thì đây là trục định hướng việc phát triển của Thủ đô về phía Tây. Nó vừa là trục định hướng vừa trục triển khai tổ chức không gian kết nối đô thị về tầm văn hoá, lịch sử. Trục này sẽ là trục duy nhất và định hướng về tổ chức không gian cảnh quan, kết nối giữa cái mới và cái cũ, là trục văn hoá, lịch sử. Quan trọng hơn nữa là vấn đề tổ chức giao thông, bởi vì Thủ đô mở rộng về phía Tây với nhiều chuỗi đô thị thì chỉ mỗi Đại lộ Thăng Long dù mở rộng bao nhiêu làn đường đi nữa cũng không đủ, không nối kết được.
Thông thường, trước những dự án giao thông lớn chuẩn bị được triển khai, bao giờ giới đầu tư BĐS cũng kỳ vọng rằng, họ sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch chính thức được triển khai. Chính vì thế, trong thời gian tới đất tại hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ vốn ít được giới đầu tư để ý tới sẽ rất sôi động. Các nhà đầu tư tin rằng, chỉ đợi sau khi dự án chính thức được triển khai, giá đất tại đây sẽ đắt gấp gấp ba thậm chí gấp bốn, năm lần hiện tại. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có đất và dự án tại đây cũng tỏ ra phấn khởi bởi họ hy vọng rằng, trục Tây Thăng Long sẽ là động thái kích cầu lượng giao dịch vốn một thời gian đang trầm lắng tại đây.
Ngoài ra, trong trường hợp Trục tây Thăng Long thay thế trục Hồ Tây – Ba Vì, thì rất có thể kịch bản sốt đất Ba Vì lại tái diễn như cách đây gần hai năm trước. Giới đầu cơ lại có dịp “tạo sóng để… lướt”. Họ đầu tư nhanh sau đó dựa vào thông tin sốt rồi bán nhanh với giá lời trước mắt. Nếu ai không đủ thông tin và thiếu thận trọng “cứ ôm khư khư” dễ rơi vào bẫy của kiểu “kinh doanh… bầy đàn”- cứ thấy nhiều người mua cũng tung tiền ào đi mua..
- Khánh Vũ