Khi nào thì nghi ngờ bị nhiễm cúm A(H1N1)?
Những người sống trong vùng có dịch hay có đến vùng có dịch cúm A (H1N1) đang lưu hành trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức mình, sổ mũi... cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm vi rút cúm A (H1N1) hay không.
Do tình hình cúm trên toàn thế giới diễn tiến rất nhanh nên cần cập nhật danh sách các nước có bệnh cúm H1N1 mới.
Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày và cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần làm gì?
Khi nghi ngờ bị cúm nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ đi khám bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm A (H1N1).
Hiện nay để xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được làm phết mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm của các bệnh viện như BV Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng I và Nhi Đồng II. Những bệnh viện này đều có khả năng thực hiện kỹ thuật PCR tìm ra vi rút này.
Dấu hiệu của cúm A/H1N1
Dấu hiệu của cúm A/H1N1 không khác nhiều so với cúm thông thường, do đó người bệnh sẽ không thể nhận biết được nếu không thực hiện các xét nghiệm y học bằng dịch mũi họng của người bệnh.
Những triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm: Ho, đau họng, sốt trên 38 độ, sổ mũi, đau cơ, người mệt mỏi. Nếu không được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp và gây tử vong.
Cách phòng chống cúm A/H1N1
Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, che miệng khi hắt hơi, ho..
Người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc vớ người bị cúm để đề phòng nguy cơ cúm A/H1N1.
Học sinh, sinh viên tại trường học chủ động nghỉ học để đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu của bệnh để tránh bùng phát dịch bệnh, lây truyền cho các học sinh khác.
Khi tiếp xúc với người bệnh cúm cần giữ khoảng cách trên 1m, đeo khẩu trang y tế để phòng chống cúm A/H1N1.
Lau chùi các đồ vật, dụng cụ trường học, phòng làm việc, đồ dùng gia đình bằng hóa chất sát khuẩn.