Từ năm học tới (2013 - 2014), sẽ đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trước khi tham gia phòng chống tham nhũng ở các lĩnh vực khác, học sinh, sinh viên có thể thực hành ngay với lĩnh vực giáo dục.
Theo Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng vừa ban hành, từ năm học 2013 - 2014, sẽ đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao sự hiểu biết và vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phong trào phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học.
Hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên về phòng chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục đào tạo,
Được dạy phòng, chống tham nhũng, học sinh, sinh viên có cơ hội để thực hành ngay với ngành giáo dục. |
Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trên cơ sở chương trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu tập huấn, tài liệu tham khảo tổ chức xây đựng kế hoạch giảng dạy, kiểm tra, đánh giá hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Giải pháp khá mới mẻ này được nhiều kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm một lực lượng phóng chống tham nhũng không chỉ cho hiện tại mà còn là tương lại, đó là đội ngũ học sinh, sinh viên. Khi mà hiện nay tham nhũng đã trở thành căn bệnh trầm kha, len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi cấp.
Đặc biệt, các chuyên gia giáo dục cũng đánh giá, việc giảng dạy phóng, chống tham nhũng trước tiên là lợi cho chính Bộ GD&ĐT. Khi học sinh, sinh viên có thể phân biệt thế nào là tham nhũng, tiêu cực thì có thể trực tiếp tham gia đấu tranh phòng trừ, bổ sung thêm lực lượng cho ngành giáo dục. Điều này đặc biệt quan trọng, vì chính Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc Hội vừa qua cũng thẳng thắn nhìn nhận, hầu hết các vụ tiêu cực trong giáo dục thời gian qua là nhờ báo chí, còn Bộ hầu như chưa phát hiện vụ nào.
Và cũng vì lực lượng phòng chống tham nhũng của ngành giáo dục còn thiếu và yếu, nên nhiều vấn đề trong giáo dục đã được đặt ra, như bệnh thành tích trong giáo dục, gian lận thi cử, với tỷ lệ học sinh lên lớp cao, tốt nghiệp nhiều nhưng nhiều em đọc viết chữ quốc ngữ chưa thạo, làm phép tính chia còn sai; chạy trường, chạy điểm, thầy giáo gạ tình lấy điểm; ngay từ mầm non phụ huynh đã phải đi phong bì cho giáo viên; rồi những sai phạm cho chi tiêu ngân sách trong đầu tư cho giáo dục; thu học phí, chi tiêu sai tại một số trường Đại học, cao đẳng…
Có lẽ, Bộ Giáo dục nên lấy chính những ví dụ trong ngành của mình để giảng dạy cho học sinh sẽ vừa thực tế, lại hiệu quả. Chỉ cần giúp học sinh, sinh viên phân biệt và nhận thực rõ rằng những tồn tại vừa kể ra ở trên có phải là tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục hay không, có cần phòng, chống hay không?
Nếu đó đúng là tham nhũng, là tiêu cực thì học sinh, sinh viên sẽ cùng tham gia phòng, chống và như vậy chúng ta sẽ sớm có một nền giáo dục “sạch” trong tương lai không xa. Và xa hơn, chúng ta sẽ đào tạo được đội ngũ phòng, chống tham nhũng thật sự hiệu quả, vì một ngành giáo dục đầy rẫy vấn đề như vậy mà còn làm trong sạch được, thì những cán bộ, công dân tương lai này sẽ chẳng mấy khó khăn để phòng, chống tham nhũng ở mọi lĩnh vực khác.
Còn nếu những điều trên không phải là tham nhũng, tiêu cực, thành tích… tất nhiên sẽ không cần phải phòng chống, và ngành giáo dục của đất nước chúng ta sẽ tiếp tục tràn ngập những báo cáo tổng kết đầy sắc hồng. Việc dạy học sinh phòng, chống tham nhũng là để đi phòng chống chỗ khác, lĩnh vực khác, chứ giáo dục sạch quá rồi. Và sang năm, Bộ trưởng Giáo dục sẽ không còn cần đưa vào quy chế thi quy định thí sinh được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để ghi lại những sai phạm của cán bộ coi thi nữa.
Và trong lần bỏ phiếu tín nhiệm sau tại Quốc huộc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chắc chắn sẽ được nhiều đại biểu tín nhiệm hơn, sẽ không còn phải "buồn" nữa, chứ không phải chỉ có 86/491 đại biểu “tín nhiệm cao” với ông, trong khi có tới 177/491 đại biểu Quốc hội dành cho ông “tín nhiệm thấp”.
Phải chăng các đại biểu đang “hiểu nhầm” Bộ trưởng chăng. Thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng, mỗi người một cách nhìn, đôi khi chỉ là khác nhau về quan điểm. Ví như với người viết thì tất cả những vấn đề trên là tiêu cực, là thành tích, là tham nhũng trong giáo dục, nhưng giả sử với Giáo dục lại không nghĩ vậy, rằng thì là đấy chỉ là mặt trái của phát triển, chỉ là nhỏ lẻ, cá biệt, không đáng phải quan tâm, so với phần đạt được thì nó chả là gì, vẫn trong tỷ lệ cho phép thì đã làm sao nào.
Nhưng dù có thể nào, thì chúng ta cũng có quyền được hy vọng, dù rằng có là mong manh đi chăng nữa, nhưng ít ra, có vẫn hơn không.
- Phạm Thanh