Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Hồi chuông về quản lý giáo dục

15:28, Chủ nhật 27/07/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dùng roi để dạy trẻ là việc làm phản giáo dục đã bị xã hội lên án mạnh mẽ từ lâu nhưng những đứa trẻ tự kỷ tại Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương (TP.HCM) vẫn bị áp dụng phương pháp đó.

Ngày 21/7, Báo Thanh niên đăng bài “Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây” của tác giả Lam Ngọc. Bài báo đã gây ra sự phẫn nộ của độc giả trên cả nước về hành vi ngược đãi trẻ tự kỷ. Thông tin về vụ việc lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội. Dùng roi để dạy trẻ là việc làm phản giáo dục đã bị xã hội lên án mạnh mẽ từ lâu; các phương tiện truyền thông cũng đã nhiều lần đề cập. Song, ở đây những đứa trẻ tại Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương (Phường 15, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) bị các cô giáo và bảo mẫu hành hạ lại là những đứa trẻ tự kỷ thì vấn đề nhân cách đạo đức của những người được gọi là cô giáo, là bảo mẫu này thật không một ngôn từ nào có thể gọi cho chính xác; và thật là đáng thương cho các bé. Vì thế, sự phẫn nộ, lên án mạnh mẽ của xã hội, của cộng đồng mạng là điều dễ hiểu.  

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Bài báo trên lập tức nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc. Tất cả cùng chung một tiếng nói phẫn nộ với những kẻ mang danh dạy dỗ trẻ mà hành động vô nhân tính; thương xót cho các bé bị đánh đập, hành hạ bằng bất cứ những gì các cô giáo và các bảo mẫu này có trong tay. “Móc phơi đồ, dép, roi nhựa, khúc cây…được các bảo mẫu Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương dùng để “chăm sóc”, dạy dỗ các em tự kỷ”. Chỉ vài dòng chữ mở đầu bài viết, tác giả cho thấy sự lạnh lùng, vô cảm, hành động phi nhân tính của các cô giáo và các bảo mẫu ở cơ sở giáo dục Anh Vương đối với các em; người đọc cũng đã mường tượng được hàng ngày các em được “chăm sóc” như thế nào. Thật là chua xót! Tôi đã rưng rưng lệ khi nghĩ đến canh em Trần Minh Sang (8 tuổi, quê Đà Nẵng) đã bị cô Lam nắm tóc đập đầu vào song sắt và tiếp đó em phải hứng chịu những cái đánh tới tấp của cô  Vân vào vùng mặt khiến em ngã lăn ra nền gạch.
 
Mỗi chi tiết tác giả nêu ra trong bài viết là những vết cứa vào tâm can những người làm cha, làm mẹ chúng ta. Hãy nghe một độc giả có nickname Cu Bi bày tỏ “Những con người độc ác, không có tính người này phải bị trừng phạt thật nặng. Các bé đã quá thiệt thòi khi bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ mà còn gặp những người ác độc này hành hạ hàng ngày…Thật xót xa…Các con không thể nói được với ai những thống khổ đang phải chịu ”. Và đây là tâm sự của chị Nguyễn Thị Bích Tuyên (quê Tiền Giang): “(…)Những người này ác quá, mất hết cả tính người, mong rằng pháp luật sẽ không nương tay, cho chúng đi tù vài năm để làm gương cho các bảo mẫu khác. Thật là đau khổ cho các bé”… Còn rất nhiều những tỏ bày, phẫn nộ của độc giả và những hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng mạng xã hội mà chúng ta chỉ cần một cú nhấp chuột trên internet thì sẽ nhận rất nhiều dòng thông tin về vụ việc.
 
Có một điều làm cho tôi nghĩ mãi mà không tìm ra lời giải thoả đáng cho vấn đề. Những vụ việc bảo mẫu ngược đãi trẻ em đã được báo chí thông tin rất nhiều. Pháp luật của Nhà nước ta cũng đã xử lý nghiêm về những hành vi này, xã hội lên án mạnh mẽ… Đầu năm 2014, cũng ngay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Toà án đã xét xử 2 vụ án hành hạ, ngược đãi em. Bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (quận Thủ Đức) bị tuyên án tử hình với tội hành hạ cháu Long (18 tháng tuôi, con chị Võ Thị Huyền) đến chết; các bảo mẫu Lê Thị Phương Đông và Nguyễn Lê Thiên Lý bị phạt 3 năm tù về tội hành hạ trẻ. Phải chăng khung hình phạt pháp luật chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng bạo hành trẻ, hay là đạo đức xã hội đã suy đồi đến mức “báo động đỏ”?
 
Một điều mà ta không khỏi băn khoăn là Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương là cơ sở giáo dục như nhân, hẳn nhiên là đã được các ngành chức năng cấp giấy phép hoạt động. Với 30 trẻ em tự kỷ được giáo dục tại cơ sở này dưới sự quản lý của 3 giáo viên và 3 bảo mẫu, trường này tồn tại bao lâu nay; tất nhiên, những cảnh đánh đập, hành hạ trẻ em ở đây đã diễn ra “như cơm bữa”. Vậy mà, vụ việc đã không được ngành giáo dục hay chính quyền địa phương nắm bắt? Công tác kiểm tra, giáo sát các cơ sở giáo dục tư nhân trên địa bàn có được quan tâm hay không? Nhưng một điều tôi dám chắc là: trong báo cáo hằng năm của ngành giáo dục trên địa bàn này sẽ không thiếu những mỹ từ bay bổng, những cái vỗ tay tán thưởng và phát giấy khen cho các tập thể, cá nhân “có thành tích xuất sắc”. Thật chua xót biết bao!
 
Đã đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo cần chỉ đạo toàn ngành rà soát một cách tổng thể cơ sở giáo dục tư nhân, mạnh tay rút giấy phép những cơ sở không đủ điều kiện và có vấn đề, khi được dư luận phản ánh. Công tác quản lý, giám sát các cơ sở này cần được làm thường xuyên, thực chất hơn nữa. Hồi chuông về lỗ hổng trong quản lý giáo dục đã gióng lên từ lâu. Vì tương lai của thế hệ trẻ, vì con em chúng ta, xin hãy hành động quyết liệt hơn!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh