Tiếp tục điệp khúc “đợi”
Sáng 17/7, tại khu vực tiêm ngừa của Viện Pasteur chật cứng phụ huynh mang con đến tiêm chủng, trong đó có rất nhiều người muốn được tiêm vaccine dịch vụ, nhưng ngay từ khu vực đăng ký, có dán tờ thông báo: “Hiện tại Viện Pasteur đã hết các vaccine sau: Vaccine 6/1 (Infanrix Hexa), vaccine 4/1 (Tetraxim), vaccine ngừa thủy đậu, vaccine ngừa viêm phổi Pneumo23”.
Người dân chen chúc đợi tiêm phòng cho trẻ tại Viện Pasteur - chụp sáng 17/7 (Ảnh: Đức Hạnh). |
Chị Võ Thị Hoa (quận Tân Bình) bế con trai ngồi ở băng ghế cho biết: “Tôi muốn cho con tiêm vaccine 6 trong 1, nhưng lần này là lần thứ 4 tôi đến đây rồi vẫn nhận được thông báo là không có thuốc”. Trong tâm trạng chờ đợi, vợ chồng anh Huỳnh Văn Sơn cho biết, con anh chưa được tiêm thủy đậu nên gia đình rất lo lắng, muốn cho cháu đi tiêm phòng, nhưng đến điểm tiêm chủng nào cũng nhận được thông báo là không có thuốc.
Được biết, vaccine thủy đậu không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia đã hết hàng từ khoảng tháng 4, khi dịch thủy đậu bùng phát sau dịch sởi, nhưng đến nay, tình trạng hết thuốc vẫn là phổ biến.
Viện Pasteur cho biết, các loại vaccine dịch vụ trên đã hết từ lâu và không rõ thời điểm nào mới có thuốc trở lại.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhiều loại vaccine cũng đang trong tình trạng tương tự. Hiện nay bệnh viện đang hết các loại vaccine 6 trong 1 (Infanrix Hexa), 5 trong 1 (Pentaxim), 4 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt), viêm màng não mủ do Hib, phế cầu (Pneumo23) và trái rạ. Các vaccine này đã hết khoảng 2-3 tháng nay và chưa biết đến lúc nào mới có thuốc.
Nhiều phụ huynh dù muốn cho con tiêm mũi 5 trong 1 Pentaxim nhưng đành cho con tiêm mũi 5 trong 1 của Nhà nước (Quinvaxem) vì không thể cứ đợi thuốc dịch vụ. Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM - cho biết, tình trạng thiếu một số loại vaccine chủng ngừa hiện chỉ xảy ra với các vaccine dịch vụ. Vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đang đủ khả năng cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Nguyên nhân do đâu?
Công ty cổ phần y tế Đức Minh - một trong các đơn vị nhập khẩu và phân phối vaccine dịch vụ - cho biết, tình trạng “cháy” hàng bắt đầu xuất hiện từ khoảng tháng 2, sau đó lượng thuốc nhập được rất nhỏ giọt và không đều, nên nhập được bao nhiêu là hết ngay, về cơ bản là không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Lý giải về vấn đề này, theo các công ty nhập khẩu vaccine, mặc dù Bộ Y tế đã cho phép nhập khẩu nhiều loại vaccine như thủy đậu, 5 trong 1, 6 trong 1, nhưng do nhu cầu của người dân quá lớn nên nhà sản xuất không cung cấp đủ. Số lượng các vaccine nhập về phải được thông báo trước ít nhất 6 tháng để các nhà cung cấp nước ngoài có thể lập kế hoạch sản xuất và cung ứng.
Hơn nữa, không phải cứ nhập vaccine về là sử dụng ngay được. Vì vaccine là sản phẩm sinh học, sau khi nhập khẩu phải được kiểm nghiệm chất lượng, phản ứng ở nước sở tại nên các lô vaccine nhập về Việt Nam đều phải được kiểm nghiệm đảm bảo đủ an toàn mới được đưa ra thị trường.
Theo các công ty, sớm nhất cũng phải cuối tháng 7 hoặc phải đến tháng 8, tháng 9, các liều vaccine 6 trong 1, thủy đậu… mới về đến Việt Nam.
Để "hạ nhiệt” tiêm chủng dịch vụ, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo sở y tế các tỉnh, thành phố tư vấn khuyến khích người dân lựa chọn tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tương đương với vaccine dịch vụ hoặc các vaccine sẵn có để mọi người được tiêm đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để không xảy ra các điểm tiêm chủng ùn tắc cục bộ.
Vấn đề đặt ra ở đây là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý đến đâu? Không thể cứ “cháy” thuốc là lại đổ lỗi cho… khách quan và người dân, rồi sau đó lại ban hành các văn bản khẩn, truyền thông lại vào cuộc để nhắc nhở người dân cần có lòng tin với tiêm chủng miễn phí? Rõ ràng đang có một thực tế: Tiêm miễn phí vắng, tiêm mất tiền đông và quá tải kéo dài hàng tháng trời, vaccine dịch vụ hễ nhập về là "cháy” hàng.