Đề án tăng viện phí: Công-Tư bất đồng ý kiến!

07:37, Thứ bảy 15/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chắt chiu để đóng BHYT nên chỉ còn biết bám vào bệnh viện công và chính họ là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ sự tăng viện phí…”

(Phunutoday) – Đề án tăng viện phí của Bộ y tế đưa ra là không hợp lý. Vì cơ chế chính sách hiện nay khiến cho các bệnh viện công độc quyền nhiều quá. Độc quyền khám chữa bệnh, độc quyền khám chữa bằng BHYT…  
 [links()]
Bệnh viện công: Chúng tôi ủng hộ!

Bác sỹ Lương chúng tôi tính theo hệ số

Tôi cũng có theo dõi những thông tin liên quan đến đề án tăng viện phí của Bộ Y tế. Dưới lập trường của một bác sỹ đang trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ đề án này của Bộ Y tế.

Các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị y tế đều đã cũ và thực tế đều không có tiền để thay mới do chi phí khám chữa bệnh thu từ bệnh nhân quá ít so với thời giá. Ngay cả đời sống của những bác sỹ như chúng tôi cũng rất khó khăn do đồng lương thấp. Mọi người cứ nghĩ là lương của những bác sỹ ở bệnh viện rất cao, nhà rất giàu, nhưng đâu có ai hiểu.

Chúng tôi cũng chỉ được hưởng lương theo đúng quy định của Nhà nước, tức là tính theo hệ số. Những bác sỹ làm việc lâu năm như tôi thì không nói, còn được tăng lương dần dần, nhưng với những em mới ra trường làm việc, lương cũng chỉ được 2 – 3triệu/tháng thôi. Vừa thấp mà làm việc cũng cực nhọc, thế nên cũng không ít bác sỹ làm ở bệnh viện công được một thời gian, rồi chuyển sang bệnh viện tư làm hoặc tự mở phòng khám riêng để thu nhập khá hơn.
 
Không tăng viện phí thì lấy ai ra mà làm?
Mô tả ảnh.
Các bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp... là một trong những lý do theo Bộ Y tế là phải Tăng viện phí
Nhưng nếu ai đổ xô ra làm ngoài như thế thì lấy đâu ra bác sỹ làm việc ở bệnh viện công? Với những bệnh nhân khá giả, có điều kiện khám chữa bệnh bên ngoài thì không nói, nhưng với những người đóng BHYT, chỉ trông chờ vào BHYT thì nếu không có bác sỹ, bệnh viện công thì họ biết khám chữa bệnh như thế nào? Vậy nên đề án tăng viện phí của Bộ Y tế là hoàn toàn chính đáng. Trước tiên nó sẽ giải quyết được vấn đề cơ sở vật chất, thiết bị y tế, sau đó là giúp nâng cao một chút đời sống của các bác sỹ, và khi cuộc sống khá hơn thì bác sỹ cũng sẽ tận tình, toàn tâm toàn ý chăm sóc bệnh nhân hơn.

Bác sỹ Nên tăng hợp lý

Bây giờ tất cả mọi thứ đều lên giá, và nếu vẫn giữ khung giá khám chữa bệnh như cũ thì các bệnh viện công sẽ không có nguồn thu, lương của các bác sỹ sẽ không đủ để họ đối chọi với cuộc sống thường ngày. Còn nếu chạy đi làm thêm 2, 3 nơi để có thu nhập khá thì vừa không đảm bảo được sức khoẻ của họ, vừa không đảm bảo được chất lượng cho công việc và sẽ càng thiếu kiên nhẫn, trách nhiệm với bệnh nhân hơn.
 
Tăng viện phí ở mức hợp lý sẽ vừa giúp các bệnh viện đầu tư thêm thiết bị y tế cho tân tiến, vừa giúp đời sống bác sỹ được nâng lên.

Còn bạn hỏi tôi, tại sao có rất nhiều thiết bị y tế đang được đắp chiếu ở các bệnh viện tỉnh, huyện do không có người biết sử dụng, không có điện… Đấy có phải là một sự phí phạm không? Hay, sao không lấy chi phí từ việc đầu tư không đúng đắn đó để đầu tư vào những chỗ khác… Nói thật là tôi chỉ là một bác sỹ bình thường thôi nên để hiểu và giải thích được những cái thuộc về chủ trương, chính sách của lãnh đạo Y tế thì tôi không đủ khả năng. Tôi chỉ xin nói về suy nghĩ của tôi thôi, và suy nghĩ này có thể đúng, có thể sai nên mong đừng có ai bắt bẻ.
 
Tôi thừa nhận những điều bạn nói là một sự lãng phí, vì tôi cũng biết có rất nhiều thiết bị, không chỉ ở lĩnh vực Y tế mà còn các ngành khác như giáo dục. Đầu tư rất nhiều, thiết bị nọ kia, phòng thí nghiệm…nhưng không được dùng đến vì không có ai đủ trình độ, đành phải bỏ xó. Nhưng nếu không đầu tư thì sao? Chắc chắn sẽ có một số người có suy nghĩ ganh tị, sẽ cho rằng chỉ ưu tiên đầu tư cho những bệnh viện lớn, bệnh viện trung tâm mà bỏ rơi các bệnh viện nhỏ.
 
Tuy nhiên cái gì đã làm thì cũng làm rồi, cũng đã lãng phí rồi, nên giờ cần phải rút kinh nghiệm để tránh việc tiếp tục lãng phí như vậy nữa…

Bác sỹ bệnh viện tư: Tăng viện phí là không nên!

Tăng viện phí để nâng cao đời sống bác sĩ là vô lý!

Thứ nhất, nếu tăng viện phí để nâng cao đời sống cho y bác sỹ thì hoàn toàn vô lý. Vì phần thu phí khám chữa bệnh của bệnh nhân chỉ là phần thêm vào, giúp đầu tư một phần cơ sở vật chất, thiết bị… còn đương nhiên, lương của bác sỹ phải do Nhà nước trả. Nếu bắt người dân phải đóng thêm tiền trong việc điều trị chỉ để giúp nâng cao đời sống cho các bác sỹ là một điều vô lý. Bản thân người dân khi đóng thuế lẽ ra phải được hưởng việc chữa bệnh miễn phí rồi.
Mô tả ảnh.
Nếu bắt người dân phải đóng thêm tiền trong việc điều trị chỉ để giúp nâng cao đời sống cho các bác sỹ là một điều vô lý
Rồi lấy lý do, từ việc đời sống bác sỹ được cải thiện thì chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao cũng là điều không xác thực và không có cơ sở. Với những bác sỹ có y đức thì lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm của họ rất cao, không cần thêm tiền họ vẫn đối xử tốt với bệnh nhân, vẫn tận tình. Còn với những bác sỹ không có y đức thì tôi chắc rằng có tăng lương thêm 5 – 10 triệu/tháng họ cũng vẫn  vậy. Người công nhân làm việc cực nhọc, thậm chí còn hơn cả bác sỹ, họ vẫn chỉ có 2 triệu/tháng, họ vẫn sống, vẫn sinh con đẻ cái, con họ vẫn giỏi vẫn thành tài. Có sao? Thế nên đừng lấy lý do này để tăng viện phí, tội nghiệp cho người dân lắm.
 
Còn nói khung giá cũ từ năm 1995 đã không còn phù hợp, vì giờ vật giá leo thang nên phải tăng viện phí cũng không ổn. Những người giàu, có điều kiện thì có tăng viện phí gấp 2, 3 hay 10 lần cũng chẳng sao, họ dư sức trả (mà thực tế họ cũng chẳng chữa ở bệnh viện công mấy đâu). Nhưng những người nghèo thì thế nào? Bản thân họ phải chịu đựng, đối chọi với giá cả đắt đỏ mà đồng lương ít ỏi đã khốn khổ lắm rồi. Đáng lẽ ra, trong cái thời buổi “nhũng nhiễu” này, những gì thuộc về chính sách, cơ chế, dính dáng đến Nhà nước thì càng phải được trợ giá, phải giảm chi phí để những người dân có thể điều chỉnh, cân bằng được cuộc sống. Đằng này với lý do mọi thứ leo thang, viện phí cũng đòi tăng thì người dân sống thế nào? Có bệnh thì phải ở nhà chờ chết hay sao?

Bên cạnh đó còn có quá nhiều sự đầu tư phung phí tiền của không hợp lý. Cụ thể là rất nhiều máy móc, thiết bị được đầu tư trên các bệnh viện vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhưng không có ai biết sử dụng, cho nên đắp chiếu, bỏ xó. Hỏi thì họ bảo ở trên cấp xuống chẳng lẽ lại không lấy, vì chỉ tiêu cả rồi, thế nên lấy về rồi bỏ đấy, chẳng làm gì cả. Thay vì đầu tư phung phí như thế, riêng khoản đấy cũng sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, và có khi hơn cả số tiền thu được từ việc tăng viện phí. Bộ Y tế ta muốn sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, tỉnh huyện nhưng nếu công bằng kiểu này thì chỉ lãng phí mà thôi…

Tăng viện phí là không hợp lý

Đề án tăng viện phí của Bộ y tế đưa ra là không hợp lý. Vì cơ chế chính sách hiện nay khiến cho các bệnh viện công độc quyền nhiều quá. Độc quyền khám chữa bệnh, độc quyền khám chữa bằng BHYT… người giàu có thì chẳng mấy khi vào bệnh viện công nên đương nhiên khi tăng viện phí, họ sẽ không bị tác động nhiều. Còn những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chắt chiu để đóng BHYT nên chỉ còn biết bám vào bệnh viện công và chính họ là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ sự tăng viện phí. Nếu như bệnh viện tư cũng được bán BHYT, được tiếp nhận bệnh nhân BHYT thì vừa giảm tải sức nặng cho bệnh viện, chất lượng vừa được nâng lên và cũng có sự công bằng hơn cho người bệnh.

Không nên đưa ra những lý do như tăng viện phí để thêm tiền lương cho bác sỹ, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… Bản thân mỗi người khi học ngành y và sau khi ra trường đều phải thấm nhuần 2 chữ “Y đức” và nhớ lời thề Hypocrat. Bác sỹ làm việc vì bệnh nhân, để cứu bệnh nhân chứ không phải chỉ chăm chăm kiếm tiền. Thế nên tôi nghĩ nếu lấy lý do tăng viện phí để nâng cao đời sống cho y bác sỹ là đang “sỉ nhục” những người hành nghề Y như chúng tôi...
  • Duyên Duyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc