(Đời sống) Câu nghị luận trong đề Văn tốt nghiệp THPT ngày 2/6, đang trở thành đề tài được bàn luận xôn xao dư luận.
Theo yêu cầu của đề bài “Viết một bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau: Chiều 30/4/2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, trường THPT Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được 3 học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi”. Có rất nhiều ý kiến trái ngược được đưa ra xung quanh hành động dũng cảm hi sinh tính mạng để cứu người của nam sinh ở Nghệ An.
Nhiều học sinh cho rằng không nên hành động theo Nam. Nguyễn Siêu, học sinh trường Hà Nội Amserdam đưa ra quan điểm cá nhân của mình trên facebook cá nhân: "Đây không phải là một hiện tượng đáng ca ngợi phô trương làm gương vì hi sinh tính mạng của mình là có lỗi với bản thân, với cha mẹ. Cao thượng mà không yêu bản thân mình thì không tồn tại được đâu".
Nhiều học sinh sợ bị lệch với barem điểm nên cố gắng viết theo kiểu sùng ái, tôn vinh nhưng khi trở về với hiện thực thì các em đều cho rằng câu chuyện về Nam không đơn giản là ca ngợi lòng dũng cảm mà còn là bài học về việc suy tính được - mất trước một việc làm.
"Hành động của Nam rất dũng cảm, cao thượng vì bạn ấy sẵn sàng xả thân mình để cứu 5 mạng người. Lòng tốt ấy đáng được công nhận, được xã hội trân trọng và người đời tôn vinh. Tuy nhiên, theo mình, đây không nên là một tấm gương cho người khác học tập" - một học sinh cho biết.
Trâm Anh, học sinh trường Phan Đình Phùng cho rằng: “Thương người nhưng vẫn phải chú ý đến bản thân mình. Thương mình trước rồi mới thương người khác được. Hành động của Nam không sai nhưng thiếu suy nghĩ. Sự việc xảy ra gây nên đau thương cho gia đình bạn ấy”.
Hà Đan - Trường PTTH Trần Phú, Hà Nội cũng cho rằng, một số bạn đã sai khi nghĩ “hành động hi sinh bản thân của Nam là không nên”. “Đúng là gia đình Nam đã đau khổ vì sự ra đi của con trai nhưng việc bạn ấy hi sinh thân mình vì người khác là rất đáng trân trọng, cảm động. Đó là một tấm gương để mọi người noi theo, nhất là trong xã hội hiện nay có nhiều người vô cảm, gặp nạn mà không cứu”,
Dẫu cho rằng: “Muốn cứu người nên suy nghĩ cách làm và tìm sự giúp đỡ từ người khác” và “hành động cứu người như vậy không hẳn nên làm vì khá nguy hiểm” nhưng Vũ Công Minh, lớp 12D0, Bí thư đoàn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thừa nhận trên Vietnamnet: “Trong bài viết này, phần lớn em vẫn biểu dương, khâm phục hành động của Nam”.
Với suy nghĩ thực về hành động của em Nam khi rời phòng thi nhưng liệu có được bao nhiêu phần trăm thí sinh có thể viết "ngược" lại hành động dũng cảm của em Nam. Tâm lý học sinh lúng túng khi làm đề thi bởi đưa ra ấn tượng thật có thể các em sẽ không nằm trong đáp án và barem điểm như Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ đưa ra.
Chính vì thế, với đề thi trên, Bộ Giáo dục Đào tạo khéo léo hâm nóng dư luận về hình tượng anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Văn Nam còn học sinh vì lo sợ chệch đáp án vẫn cố ép lòng mình viết theo hướng ủng hộ hành động của em Nam thay vì phân tích thực tế cái được, cái mất của hành động ấy. Nhưng dù sao, hình ảnh em Nam là một tấm gương đáng được tôn vinh và được dư luận cả nước biết đến dù ở thành phố cho đến miền hải đảo xa xôi.
- K.L (Tổng hợp)