Để vợ giữ két sắt, sau ly hôn ra đi với 2 bàn tay trắng và câu nói của vợ khiến chồng tỉnh ngộ

22:01, Thứ ba 12/02/2019

( PHUNUTODAY ) - Tại toạ đàm "Doanh Nhân – Học hỏi để thành công" do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức mới đây, ông Kao Siêu Lực đã có những chia sẻ khiến chúng ta phải suy ngẫm và học tập.

Để vợ giữ két sắt và ra đi với 2 bàn tay trắng

"36 năm về trước tôi xây dựng thương hiệu Đức Phát. Chia tay bà xã, tôi lại trở lại với hai bàn tay trắng… Buộc phải bỏ thương hiệu Đức Phát, y hệt người ta rớt nước mắt bỏ đứa con của mình", ông Kao Siêu Lực - nay là Tổng giám đốc ABC Bakery kể lại chuyện xưa tại toạ đàm "Doanh Nhân – Học hỏi để thành công" do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức mới đây.

Năm 1984, hai vợ chồng ông Lực gây dựng Đức Phát (tên công ty được đặt theo tên người vợ). Đức Phát được phát triển theo hướng Văn - Võ.

"Bà ấy là Văn - ngồi trong văn phòng, chịu trách nhiệm về tài chính. Tôi là Võ - đi "đánh" thiên hạ. Sổ sách, tiền bạc toàn bộ một tay bà ấy quản lý. Rồi ra bên này (ABC Bakery - PV), tôi chỉ còn hai bàn tay trắng", ông Lực kể lại.

Năm 2007, ông và vợ ra tòa ly hôn. Toàn bộ tài sản và thương hiệu Đức Phát thuộc về người vợ, ông ra đi với 400 USD bên mình, lấy tên chữ cái của 3 người con lập nên ABC Bakery.

158992-15498815569961730849450-crop-15498815637951693290185-154993746266746854128-crop-1549937469314152856836

Phải gầy dựng lại từ đầu với cái tên ABC hoàn toàn mới, cùng trách nhiệm nuôi ba đứa con đang học ở nước ngoài, ông đã vượt lên từ điểm rơi thấp nhất để làm vẻ vang cho ngành bánh Việt Nam, ghi dấu trên bản đồ thế giới.

Ngày ở Đức Phát, ông Lực chỉ thiên về "nghề", về sản xuất, còn qua làm ABC Bakery, ông phải làm "từ A đến Z". "Ông đã bù lượng kiến thức ấy bằng cách nào? Nếu chỉ có "nghề" không thì không thể quản lý được doanh nghiệp", ông Trần Bằng Việt - Tổng Thư ký CLB Quản trị và Khởi nghiệp, Chủ tịch JCI Vietnam 2016 giữ vai trò điều phối buổi tọa đàm đặt câu hỏi.

"Vợ cũ của tôi từng nói một câu mà tôi rất cảm ơn", vị doanh nhân được tôn là "Vua bánh mì" Sài thành nhớ lại.

Ông Lực kể lại, thời điểm ra đi tay trắng, ông hỏi vợ: "Vợ chồng mình cùng chung tay làm việc, đồng sở hữu, bà lấy hết phần đó cảm thấy làm sao?"

"Cái này do ông thôi. Ông làm không có coi sổ sách, ông chỉ lo thiên hạ", ông Lực thuật lại lời người vợ.

"Một câu "Không coi sổ sách" bà ấy nói, vậy là do tôi không biết, nên tôi phải học. Tôi phải tự làm, tự coi sổ sách".

"Học bằng cách nào?", ông Trần Bằng Việt tiếp tục hỏi.

"Xương máu của mình mất nhiều quá thì mình phải học thôi", vị doanh nhân nặng lòng với nghề làm bánh tâm sự thật lòng.

Giờ ông thổ lộ đã biết kiểm tra sổ sách kế toán, kiểm tra tài chính… Những thứ ông học và hành giúp ông hiểu, từ hiểu đến biết, biết đến cả vấn đề chuyên môn.

"Về chuyên môn ngành của tôi cũng vậy. Ở Đức Phát, tôi là người sản xuất bánh, hiện tôi là thợ bánh. Hiện tôi là người duy nhất trong đội ngũ Ban giám khảo tại Pháp tóc đen, còn những người khác tóc vàng", vị doanh nhân gốc Hoa cho biết.

Bí quyết chuyển giao thế hệ thành công: Hoàn thiện mọi quy trình

4821_chott6-1431008331771

ABC là mẫu tự mang tính quốc tế hóa, được dịch thành Asia Bakery Confectionery. Nhưng đây cũng là một sự ngẫu nhiên trời định, bởi ba chữ ABC cũng là tên tiếng Anh viết tắt của ba con ông: Angiela (con gái thứ Kao Huy Minh), Bruch (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).

Trong các quản trị công ty, ông luôn chú ý truyền cho các con động lực để tiếp nối sự nghiệp của cha mình, và cho con đi học ngành nào phù hợp nhất với tính cách. Các con ông giờ đã đảm nhận những vị trí quan trọng của công ty.

Hạnh phúc lớn nhất với ông là thấy các con trưởng thành. “Mỗi lần nhận giải thưởng quốc tế tôi đều đưa các con đi chung để chia sẻ nhiềm vui gia đình. Các con luôn cảm thấy tự hào về cha mình. Ba đứa con tính cách khác nhau: Christine học chuyên gia thực phẩm, từng đoạt huy chương vàng, rất nổi tiếng ở Singapore. Cháu là người bản lĩnh, giỏi đối ngoại, khách hàng nào gặp rồi bỏ đi cũng khó. Angiela lại giỏi đối nội, mạnh dạn cải cách, tôi không tham gia vô, cho con độc lập để triển khai ý tưởng của mình. Bruch cũng đang nối gót các chị để tiếp tục theo nghiệp của ba”, ông Lực mỉm cười đầy mãn nguyện.

Từng phải trả giá vô cùng đắt cho lần khởi nghiệp đầu tiên nên ông rất coi trọng việc chuyển giao thế hệ cho các con, bởi đó là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy sức mạnh thương hiệu.

Để cuộc chuyển giao thế hệ của ABC êm đẹp, thành công, ông Lực cho biết: “Tôi sống trước hết vì các con rồi mới đến thiên hạ. Để các con tiếp tay nghề của mình, nếu không chuẩn bị đàng hoàng họ sẽ chịu không nổi, sẽ buông thôi, làm sao cho con không bị áp lực là cả thách thức lớn. Lớp trẻ có ăn học theo kiểu nước ngoài, tôi rất tán thành. Họ quản lý nhẹ nhàng hơn mình. Trước đây mình làm theo kiểu gia đình, cái gì cũng dễ dãi, giờ tiếp quản hơi khó. Mình lớn rồi, các cháu mới vô, có đầu óc suy nghĩ theo lối mới cũng có nhiều cải cách, đổi mới. Tuy nhiên phải cần quá trình để nội bộ công ty đều đồng lòng, đó là quan trọng nhất, mình phải bỏ công sức để dàn xếp rất nhiều”.

Trong cách giáo dục con, ông thường xuyên kể lại 4 kinh nghiệm kinh doanh cho con nghe: “Thứ nhất làm gì cũng lấy lương tâm làm đầu, dứt khoát không cho hóa chất vào bánh. Thứ hai làm việc phải biết người biết ta, đừng coi lao động là công nhân, nên coi là anh em đồng lòng hơn, dễ nói chuyện hơn, để tạo đoàn kết nội bộ. Thứ ba trong làm ăn phải đối mặt với hiện thực, thận trọng, đối với khách hàng phải khiêm tốn, giữ uy tín chung. Thứ tư cố gắng thu xếp phần sản xuất, hạn chế tiêu hao, chi phí thấp nhất”.

Quanh năm suốt tháng phải xem xét từng con số để tìm ra chi phí hợp lý, ông thường xuyên chia xẻ các con làm sao để tạo ra giá cả hợp lý. “Làm ra cái bánh lời bao nhiêu phải thẳng thắn công khai cho khách hàng biết. Trước khi bàn giao cho các con, tôi phải hoàn thiện mọi quy trình để ai dòm vô cũng biết. Trồng cái cây lớn khỏe, các con cứ theo đó chăm sóc để hái quả thành lẽ tự nhiên rồi”, ông Lực chia sẻ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc