Tại Hội nghị, theo ông Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng nhức nhối. Do vậy, các cơ quan, bộ ngành cần đánh giá chính xác tình hình. Số liệu báo cáo phản ánh các vụ xâm hại trẻ em giảm, song dư luận còn khá nhiều băn khoăn.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hiện ở Mỹ, Indonesia đã gắn chíp quản lý tội phạm hiếp dâm trẻ em sau khi mãn hạn tù. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm dâm ô trẻ em 24/24h.
Luật sư Ngọc Nữ cho rằng, hiện nay quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em còn bất cập, như việc lấy lời khai của trẻ em tương tự người lớn, trong khi các em nhớ kém, lời khai lần trước khác lần sau. Ngoài ra, khi có tố giác đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, việc thu thập chứng cứ thường chậm. Điều này dẫn tới khởi tố vụ án hết sức khó khăn vì thiếu chứng cứ, trễ chứng cứ…
Bà Nữ dẫn chứng vụ hai bé gái sinh đôi 5 tuổi bị hàng xóm hiếp dâm ở Bình Chánh (TP.HCM) khi công an mời 2 em lên lấy lời khai nhiều lần thì mỗi lần 2 cháu khai khác nhau do không thể nhớ hết. Căn cứ lời khai, cơ quan công an cho rằng lời khai của 2 bị hại bất nhất nên đưa ra nhận định người bị tố không phạm tội.
Từ thực tế trên, bà Nữ kiến nghị cần có quy trình tố tụng thân thiện. Cụ thể, quy định về số lần và cách thức lấy lời khai bị hại là trẻ em, tránh trường hợp lấy lời khai nhiều lần. Bên cạnh đó, quy định quy trình tố tụng cần thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng hơn, đặc biệt công tác giám định để thu thập chứng cứ đối với các tội xâm hại trẻ em.
Bà Nữ cũng kiến nghị, luật cần quy định phải tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Nếu so với số vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện thì tình trạng bạo hành trẻ em ở nước ta ít hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng con số thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trên thực tế có nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành không được phát hiện hoặc có được phát hiện song những người chứng kiến coi đó là hành vi bình thường. Đau lòng hơn, nhiều trẻ em bị chính người thân xâm hại, bạo hành, để lại những di chứng nặng nề cho bản thân trẻ em, gia đình và xã hội".
Theo giới chuyên môn, thiến hóa học là biện pháp tiêm (hoặc uống) hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục, thậm chí cả suy nghĩ về tình dục cũng biến mất.
Nhờ đặc tính vượt trội này, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt này dành cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ.
Indonesia và Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học. Còn châu Âu có Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan...
Tuy nhiên, cần hiểu đúng là thuốc không có tác dụng vĩnh viễn! Người bị thiến hóa học sẽ phải tiêm thuốc hằng tháng và hoàn toàn có thể tìm lại bản năng sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Thiến hóa học hiệu quả đến đâu? Thực tế đã chứng minh thiến hóa học không giúp triệt tiêu toàn bộ ý nghĩ đen tối mà làm giảm nó đến mức tối đa, đồng thời khiến đối tượng không còn khả năng thực hiện bản năng nữa.