(Đời sống) - Nhân dịp triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử” do bộ Thông tin và truyền thông tổ chức, khai mạc sáng 9/7 tại Hà Nội, ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ đã kể về hành trình đi tìm bộ sưu tập bản đồ của ông ở 7 quốc gia trên thế giới.
“Không mua thì bán cho Trung Quốc”
“Cuối tháng 7 năm ngoái, khi đọc tin về tiến sỹ Mai Hồng (nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện viện Hán Nôm) tặng bản đồ nhà Thanh 1904 cho
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cho thấy cực nam của Trung Quốc không có Hoàng Sa – Trường Sa, tôi lúc đó đang ngồi bên
máy tính đã tình cờ thấy một số bản đồ của các nước phương Tây giống với bản đồ nhà Thanh”, ông Thắng mở đầu câu chuyện.
|
Ông Trần Thắng và bộ sưu tập quý của mình. |
Sau đó, ông Thắng liên hệ với ông Trần Đức Anh Sơn, viện phó viện Nghiên cứu phát triển kinh tế -
xã hội Đà Nẵng, và nhận phản hồi tốt... Từ đó, ông Thắng bắt tay vào sưu tầm bản đồ, có mặt ở 7 quốc gia Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và Nga.
Đến cuối năm 2012, ông Thắng tập hợp được 150 bản đồ về Hoàng Sa – Trường Sa kéo dài từ năm 1618 đến năm 2008, của hơn 100 nhà xuất bản. Trong đó có 80 bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc, có giới hạn cực nam của là đảo Hải Nam và 50 bản đồ Hoàng Sa nằm sát Việt Nam, 20 bản đồ về châu Á tổng thể và đường hàng hải.
Chuyến đi đáng nhớ nhất của ông Thắng là tìm cuốn Atlas do bộ Giao thông Trung Quốc ấn hành vào năm 1919. Khi gặp bà chủ người Ba Lan, bà nói đã giữ cuốn này 10 năm nay, giá 10.000 USD. Ông Thắng thắc mắc “đắt quá”, thì bà này nói “nếu không mua sẽ bán cho Trung Quốc”. Vậy là ông phải dặn bà để dành cho để “từ từ kiếm tiền”. Cuối cùng cuốn đó được bán với giá 5.000 USD.
Giải thích động cơ của mình, ông Thắng chia sẻ rất đơn giản: “Lúc bắt tay làm tôi nghĩ là trong nước đã có bản đồ của Việt Nam và của nhà Thanh, Trung Quốc. Còn mình ở nước ngoài thì mình sưu tầm bản đồ của các nước phương Tây, để bổ sung cho kho tư liệu về Hoàng Sa – Trường Sa”.
Để sở hữu bộ sưu tập quý giá này, ông Thắng đã chi ra khoảng 5.000 USD, bạn bè góp 5.000 USD và huyện Hoàng Sa (
Đà Nẵng) góp 3.000 USD, trong tổng trị giá 13.000 USD.
“Tôi là một người cũng làm việc đủ sống thôi chứ cũng không dư giả gì, số tiền 5.000 USD với cá nhân cũng lớn, nhưng không so sánh được với vấn đề lớn của đất nước như Hoàng Sa – Trường Sa. Bộ sưu tập này không thể coi là của cá nhân”, ông Thắng chia sẻ.
|
Bản đồ có giá trị nhất về pháp lý và lịch sử: bản đồ Năng lượng của Trung Quốc do Mỹ phát hành năm 1975. |
Ban đầu, với chuyên môn là kỹ sư cơ khí hàng không, ông Thắng không có khái niệm hay kiến thức gì về bản đồ, nhưng trong quá trình sưu tầm, “đến một lúc mình cảm thấy đủ rồi, thì quyết định chuyển về Việt Nam”.
Từ đầu tháng 1/2013 đến nay, ông Thắng vẫn thỉnh thoảng lên mạng tìm thêm các bản đồ, nhưng các bản đó lặp đi lặp lại, không có gì mới. Chẳng hạn bản đồ lãnh thổ Trung Quốc có khoảng 100 cái, thì tôi có trên 80 cái rồi. Bản đồ Hoàng Sa có 70 thì mình cũng có 50 rồi. Có những cái chưa mua được thì rất đắt nhưng cũng lặp lại chừng ấy thôi”.
Khi được hỏi về hướng sử dụng để phát huy hiệu quả bộ sưu tập này, ông Thắng cho hay, Việt Nam cần tổng hợp lại nguồn tư liệu, mã số hóa và sắp xếp có khoa học. Sau đó gửi tới các trường đại học để bổ sung vào các thư viện về bản đồ, vì hiện nay tư liệu bản đồ của các thư viện rất ít.
Sẽ hệ thống hóa
Theo ông Lê Văn Nghiêm, cục trưởng cục Thông tin đối ngoại, bộ Thông tin Truyền thông, triển lãm lần này tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. Tư liệu ở các giai đoạn trước thế kỷ XVII và sau thế kỷ XIX chỉ được giới thiệu ở mức độ cần thiết và hợp lý, vừa làm cơ sở cho người xem hiểu rõ ngọn nguồn
lịch sử chủ quyền của Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối.
"Các tài liệu về Hoàng Sa – Trường Sa đã được thu thập từ lâu, nhưng chưa được hệ thống hóa, thẩm định và công bố. Với những tư liệu được trình bày ở triển lãm lần này, bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập hợp một bản mềm để công bố trên internet, phục vụ thông tin đối ngoại". (Ông Lê Văn Nghiêm - cục trưởng cục Thông tin đối ngoại, bộ Thông tin Truyền thông) |
Đặc biệt, việc các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau dễ dàng có thể kiểm chứng và bổ sung cho nhau, làm tăng thêm độ chuẩn xác và giá trị của mỗi bản đồ, tư liệu cũng như toàn bộ bản đồ, tư liệu trưng bày trong triển lãm, góp phần khẳng định một thực tế lịch sử khách quan là trong nhiều thế kỷ liên tục, các nhà nước quân chủ ViệtNam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào. Quá trình thiết lập chủ quyền của Nhà nước trên một lãnh thổ vô chủ, nhằmmục đích mở rộng lãnh thổ quốc gia như vậy là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.