Cho rằng điểm sàn mỗi năm đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài khiến đất nước bị chảy máu ngoại tệ, GS. Trần Phương đề nghị bỏ điểm sàn, bỏ ba chung và lấy kết quả phổ thông kết hợp với xét tuyển học bạ vào đại học.
[links()]
Tờ VNE dẫn lời GS. Trần Phương, Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định, năm qua nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu do chủ trương của Bộ về ba chung và điểm sàn. Đây là tiêu chí không thích hợp cho mọi ngành học, ví như Kế toán không cần tới Lý, chỉ cần toán phổ thông cũng làm được.
“Điểm sàn mỗi năm đã đẩy hàng nghìn học sinh ra nước ngoài học khiến đất nước bị chảy máu ngoại tệ. Bỏ điểm sàn, bỏ ba chung và lấy kết quả phổ thông kết hợp với xét tuyển học bạ”, GS Phương đề xuất.
Khó khăn trong tuyền sinh nhiều trường muốn bỏ điểm sàn, còn Bộ GD&ĐT quyết giữ để đảm bảo chất lượng đầu vào. |
Theo ông Phương, thi tốt nghiệp phổ thông sẽ gồm 8 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Các trường cũng dựa vào học bạ của học sinh 3 năm cuối và có thể phỏng vấn thêm. Một số ngành đặc biệt thì thi năng khiếu...
“Năm nay vẫn thi ba chung, vẫn có điểm sàn thì nên coi đó chỉ là một căn cứ (20%), xét thêm các tiêu chí như kết quả thi tốt nghiệp phổ thông (30%), xét học bạ 3 năm học (30%), như vậy sẽ không trường nào thiếu sinh viên”, GS. Phương nói và khẳng định, Bộ giữ ba chung là làm thay việc của các trường.
Còn ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, vài năm gần đây điểm sàn không được xác định đúng đã khiến một số trường phá sản do không còn nguồn tuyển.
“Tôi cho rằng các em đã tốt nghiệp THPT đều đủ điều kiện học bất cứ trường đại học nào”, ông Nghị nói.
Trước việc nhiều trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường dân lập không tuyển được học sinh vì “vướng” điểm sàn, nên các trường đề xuất bỏ điểm sàn hoặc có nhiều điểm sàn khác nhau. Ngày 5/3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phải tổ chức hẳn một Hội nghị với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập để bàn về vấn đề này.
Trả lời báo giới sau đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, quan điểm của Bộ là theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, Bộ ủng hộ tất cả các trường có đủ điều kiện thì xây dựng đề án tổ chức tuyển sinh riêng. Phương án này có thể là thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển. Nhưng dù phương án nào cũng phải có tính thuyết phục, đảm bảo chất lượng đào tạo và tính công bằng, tạo cho xã hội có cơ chế giám sát để yên tâm về chất lượng.
“Nếu cho các trường ngoài công lập được tuyển sinh một mức điểm sàn riêng thì xã hội sẽ càng có quan niệm phân biệt hai loại hình trường này. Việc làm đó chỉ giải quyết được vấn đề tuyển sinh trước mắt của các trường trong một vài năm. Nhưng như vậy, sẽ rất khó khăn cho các em ở các trường ngoài công lập khi ra trường, tìm kiếm việc làm. Việc bế tắc trong tuyển sinh khi ấy sẽ trở lại và chắc chắn càng trầm trọng hơn”, ông Ga nói.
Để giải quyết, theo ông Ga, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đổi mới cách xây dựng mức điểm sàn. Làm sao số lượng thí sinh đạt điểm sàn dồi dào hơn, tạo nguồn tuyển cho các trường ở địa phương và các trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, “chất lượng đầu vào vẫn phải đảm bảo, dù điểm sàn thay đổi thế nào thì vẫn phải đạt chất lượng tối thiểu, không thể hạ điểm sàn một cách quá mức”, ông Ga khẳng định.
- Mai Mai (tổng hợp)