Trên báo Thanh niên, nhà sử học, GS-TS Larry Berman - tác giả cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo" đã tiết lộ trong buổi họp báo ra mắt ấn bản bổ sung những câu chuyện và tình tiết mới mà trong tác phẩm đầu ông chưa được phép kể theo lời hứa với cố thiếu tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn rằng: CIA muốn học hỏi từ Phạm Xuân Ẩn.
Giáo sư Berman cho biết trong ấn phẩm mới, ông có miêu tả về việc các nhân viên tình báo Mỹ hồi năm 2003, hai năm sau khi nước Mỹ bị al-Qaeda tấn công vào ngày 11/9/2001, liên hệ với ông để yêu cầu ông tiết lộ cho họ những gì đã từng trao đổi với Phạm Xuân Ẩn nhằm giúp tình báo Mỹ nắm được cách thức tìm hiểu kẻ thù tốt hơn.
“Họ đánh giá Phạm Xuân Ẩn là bậc thầy trong ngành tình báo sử dụng con người, với khả năng trà trộn vào trong lòng địch và thành công. Họ muốn tìm hiểu xem ông ấy đã làm thế nào để thành công”, ông Berman cho hay.
Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? |
“Trong số các loại điệp viên, thì ông Ẩn thuộc nhóm điệp viên sử dụng con người (tức loại tình báo cài người vào hoạt động trong lòng địch - PV). Ông ấy là bậc thầy trong lĩnh vực này và tôi nghĩ là giỏi hơn bất kỳ điệp viên nào khác ở Mỹ, Nga hay Trung Quốc”, ông Berman nói về cựu điệp viên tài ba của Việt Nam tại khách sạn Continental (TP.HCM) ngày 4/9.
“Ông đã khiến mọi điệp viên khác phải ngả mũ với thái độ khâm phục của người trong nghề trước kỹ năng cho phép ông hoạt động lâu như vậy mà không hề được trang bị phương tiện hỗ trợ tiên tiến nào”, vị giáo sư người Mỹ nói thêm.
Nhà sử học Mỹ này cũng chia sẻ rằng ông Ẩn đã quyết định chọn ông là người viết lại chuyện đời mình sau khi ông Ẩn đọc cuốn sách Không hòa bình, chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam.
“Ông ấy (Phạm Xuân Ẩn) đánh giá cuốn sách của tôi là công bằng và cân bằng về các cuộc đàm phán bí mật giữa các ông Kissinger và Lê Đức Thọ. Thế nên ông ấy tin tưởng để tôi viết về cuộc đời ông ấy”, ông Berman kể lại.
Giáo sư Berman cũng tiết lộ rằng có những người Mỹ tại quê nhà đã chỉ trích ông vì đã viết ra một cuốn sách về điệp viên Việt Nam Phạm Xuân Ẩn với cái nhìn quá ngưỡng mộ mà không hiểu rằng chính điệp viên Việt Nam đã góp phần làm cho nhiều người Mỹ bị giết.
Giáo sư Berman còn cho biết những người chỉ trích còn cho rằng ông đã không nhận ra Ẩn là một kẻ phản bội.
“Họ tức giận vì tôi viết quyển sách về Chiến tranh Việt Nam theo cái nhìn của người Việt Nam, chứ không theo cái nhìn của người Mỹ. Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng chỉ trích tôi, nhưng đa số là những người già, còn những người trẻ tuổi thì không có vấn đề gì với cuốn sách của tôi”, ông Berman cho hay.
Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa và mất ngày 20/9/2006 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi. Năm 1957, ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam, Mỹ và sống ở California trong hai năm. Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An, như mọi cuốn kỷ yếu của các trường học. Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952.
Trở về nước, ông bắt đầu sự nghiệp trong thập niên 1960 cho hãng tin Reuters, rồi đến Herald Tribune của New York và The Christian Science Monitor. Cuối cùng, trở thành người Việt chính thức duy nhất của tạp chí Time suốt 11 năm, chứ không phải cộng tác viên địa phương.
Những người cùng thời nhận xét, nhà báo Phạm Xuân Ẩn được giới báo chí miền Nam Việt Nam trong những thập niên 60-70 cực kỳ kính nể với nguồn tin bài phong phú và cách đánh giá nhìn nhận nhiều chiều. Theo Laura Palmer, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông.Trong suốt thời gian hoạt động tại Sài Gòn đến những năm giải phóng 1975, Phạm Xuân Ẩn bằng những mối quan hệ rộng lớn của một nhà báo, cùng khả năng khai thác và phân tích thông tin của mình, đã bí mật gửi cho Trung ương những tin tức tình báo quý giá, góp phần làm nên những thắng chiến thắng lịch sử của dân tộc ta như: trận Ấp Bắc 1963, trận Khe Sanh 1968, trận Đường 9 Nam Lào 1971 …; đồng thời, đập tan Kế hoạch chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Đánh giá về những tin tức tình báo của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”. Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ những tin tức đánh giá sắc sảo của Phạm Xuân Ẩn, mà “giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”. Tổng bí thư Lê Duẩn sau khi nhận được báo cáo của ông đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”.
Khi ông Phạm Xuân Ẩn mất, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Hương (tức ông Mười Hương) vinh danh ông là niềm tự hào của ngành tình báo Việt Nam; còn thế giới thì đánh giá ông là 1 trong những điệp viên cừ khôi nhất của thế kỷ XX..