Hiện thực phũ phàng
Thời yêu nhau, có lần Minh Lâm (Q.8, TP.HCM) rủ Khánh Nguyện đi đám cưới người quen. Đang trong ngày cao điểm “ẩm ương” tế nhị của phụ nữ, giữa buổi tiệc, Nguyện muốn “độn thổ” khi phát hiện chiếc váy trắng bị loang thấm một vệt. Nhìn vẻ mặt… sường sượng của người yêu, Lâm hỏi. Ái ngại một hồi, Nguyện mới ghé tai thú thật tình thế khó xử của mình. “Tiếp nhận thông tin” xong, sực nhớ có chiếc áo khoác trong cốp xe, Lâm cấp tốc đi lấy, giải nguy cho Nguyện. Để “đảm bảo an toàn”, lúc đứng lên ra về, Lâm còn ý tứ đi sau Nguyện để che chắn. Kỷ niệm này có lẽ sẽ mãi thật ngọt ngào mỗi khi Nguyện nhớ về, nếu không có một lần, trong cảnh huống tương tự, sau đám cưới không lâu, Lâm lại hành xử khác.
Hôm ấy, mắc mưa giữa đường đi dự tiệc; Lâm dừng xe lấy áo mưa, vừa lúc chiếc xe buýt băng ngang bắn nước bùn lên váy Nguyện. Cô mếu máo kêu Lâm quay về thay váy thì anh cộc lốc: “Trễ quá, tới dự chút rồi về”. Nguyện bảo chiếc váy khiến cô mất tự tin, Lâm tỏ ra khó chịu: “Còn muốn làm màu cho ai xem, em muốn thì tự bắt taxi mà về”. Nguyện nhịn chồng. Để rồi suốt buổi tiệc, trong lúc Nguyện đầy “mặc cảm” với chiếc váy bẩn thì Lâm vẫn thản nhiên ăn uống. Trong tích tắc, ánh mắt đầy bao dung, thông cảm lẫn hành động gắp thức ăn để người tình đỡ vói tay, là điểm đáng yêu của “chàng trai năm ấy” hiện về trong nhân dạng người đàn ông vô tâm, mải “Dô! Dô!”, bỏ rơi vợ khiến Nguyện mủi lòng, mấy lần chực rơi nước mắt.
Bức tranh hôn nhân mười năm vợ chồng; hai mặt con xinh xắn, ngoan hiền; kinh tế khá giả của chị Hạnh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Vậy mà có ngày, bạn bè “té ghế” khi nghe Hạnh tâm sự, chị không chê chồng điểm nào nhưng càng sống bên nhau, trong chị cứ mơ hồ một cảm giác trống trải. Cho đến ngày, Nhâm - đồng nghiệp mới xuất hiện, Hạnh mới biết tên gọi của cảm giác thiếu khuyết kia trong lòng. Ấn tượng ban đầu là một tối Hạnh nán lại công ty cố làm xong công việc, Nhâm bất ngờ đứng trước chị chìa ra cái bánh bao nóng hổi, nháy mắt: “Không được bỏ bữa đâu nghen!”.
Niềm vui, hạnh phúc, mông lung nhớ nhung cứ thế lớn dần khi Hạnh liên tục đón nhận những quan tâm, hành xử ga-lăng rất nhỏ nhặt của Nhâm. Nào là một buổi trưa gặp nhau ở bãi giữ xe, Nhâm hỏi: “Thấy nhiều cô hay mang váy chống nắng, em không dùng sao?”. Nhiều lần cả hai được sếp giao đi công việc, Nhâm lịch lãm mở rồi giữ cánh cửa taxi đợi Hạnh bước vào. Những bữa cơm văn phòng, Nhâm luôn kéo sẵn ghế ngồi cho chị… Nhìn lại chồng, Hạnh không tránh khỏi chán nản với sự “khô cứng”. Chị đang không biết cuộc hôn nhân rồi sẽ ra sao khi khoảng trống trong lòng cứ được lấp đầy bởi người đàn ông khác.
Rõ ràng, khi người vợ so sánh, rồi soi đèn tìm kiếm sự ga-lăng của người bạn đời hiện tại với “chàng trai năm ấy”, sẽ khó lòng tránh được cảm giác thất vọng bởi hiện thực phũ phàng; càng nản chí, thất vọng hơn khi bản thân bất ngờ nhận được hành xử ga-lăng từ đối tượng khác; hoặc biết chồng chỉ “bạc” với mình chứ với các cô vẫn nhã nhặn, cư xử đẹp lòng, “đốn tim” họ. Oái oăm, không ít mái ấm bị ngả nghiêng bởi những lý do này. Còn nhớ một mỹ nhân từng thảng thốt giải thích cuộc hôn nhân thất bại: “Hồi yêu nhau, tôi không đếm hết nào hoa, quà tặng đắt tiền, những chuyến du lịch xa xỉ từ ông chồng đại gia. Cưới nhau về, cũng hoa, quà, những chuyến du lịch nhưng ông chồng đại gia của tôi lại dành cho mỹ nhân khác. Bổn phận của tôi là một mình loay hoay với nghĩa vụ người vợ trong bốn bức tường!”.
Muốn chồng ga-lăng cần phải... "dạy". Ảnh minh họa. |
Ga-lăng cần phải “dạy”
Một câu chuyện vui về đời sống hôn nhân được lan truyền rằng: trong bữa cơm, lúc chưa cưới: anh gắp thức ăn cho em; cưới nhau rồi: vợ gắp cho chồng; sinh con: mạnh ai nấy gắp. Câu chuyện phần nào lý giải “tiến trình” của việc chung sống; khi hôn nhân không còn là thế giới bay bổng, riêng tư của hai người mà phải đối diện với bao lo toan. Tuy vậy, do mặc định sự ga-lăng là thuộc tính của đàn ông nên rất nhiều người vợ cứ giữ mãi sự kỳ vọng, đòi hỏi đến ảo tưởng chồng sẽ cư xử lịch lãm, hào phóng với mình mọi lúc mọi nơi.
Ga-lăng, nếu được hiểu đơn giản, cụ thể là biết lấy lòng; ghi nhớ ngày quan trọng để bộc lộ sự lãng mạn bằng tặng quà, hoa cho vợ; có lời lẽ quan tâm, hỏi han hay những hành động, việc làm bất ngờ khiến vợ xúc động thì thật… “oan uổng” cho trường nghĩa vốn rất rộng của từ này. Khi đã là vợ chồng, tính ga-lăng của các ông sẽ “chuyển hóa” thành dạng khác, được đặt tên bằng trách nhiệm, nghĩa vụ, sự chăm sóc, thương yêu người bạn đời: hì hụi sửa cánh quạt, đóng cây đinh, đưa xe vợ đi sửa, thết đãi cả nhà bữa cơm ngon, giúp vợ lau dọn nhà, nồi lá xông lúc vợ bệnh… Thực tế, không phải ai cũng “ngộ” ra điều này bởi ga-lăng dường như bị áp đặt là điều khiến các bà cảm thấy mình… nhỏ bé, được bao bọc chở che, nâng niu, trân trọng. Cho nên, nếu cởi bỏ được quan niệm này, người vợ sẽ dễ dàng thấu hiểu, “chấp nhận” chồng hơn; bản thân từ đó bớt đòi hỏi, lòng sẽ nhẹ nhàng, tránh thất vọng, nuối tiếc khi nhìn về… "thời xưa ấy".
Đến đây, có lẽ các bà sẽ phản biện rằng: “Phụ nữ chúng tôi chỉ cần những điều nhỏ nhặt nhưng đủ sức gây lâng lâng, sung sướng suốt một ngày; thậm chí rất hãnh diện nếu đón nhận ở chốn đông người. Dăm ba chuyện như kéo ghế cho vợ ngồi, tặng bó hoa nhân sinh nhật, khen chiếc áo mới của vợ… có lớn lao gì sao các ông không giữ được?”. Xin thưa, thay vì đòi hỏi, trông mong, ngồi đó chờ đón những nghĩa cử ga-lăng của lang quân, sao phụ nữ không bắt đầu từ mình, thay đổi tư duy, chủ động nhắc nhở, “cải tạo” chồng để đạt điều mong muốn? Chị Thương Huyền (Q.Phú Nhuận) có cách khá hay khiến bạn đời luôn là người chồng ga-lăng.
Gần đến sinh nhật, chị… tự mua cho mình một món quà rồi về khoe với chồng (cốt nhắc khéo): “Em xúc động quá, thương con bạn ở xa vẫn không quên ngày sinh em”. Trước khi dự tiệc, chị bỏ nhỏ chồng: “Anh nhớ gắp thức ăn cho em vì điều đó khiến em hãnh diện”… Chị Huyền chia sẻ: “Người vợ hãy mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình. Thương yêu vợ, cộng với bản thân luôn hướng đến sự hoàn thiện, không ông chồng nào nỡ nói không hoặc muốn xấu đi trong mắt vợ. Ga-lăng vốn là tính cách tạo thành từ thói quen, thông qua tiếp thu, học hỏi; ngại gì không “hướng dẫn” cho chồng?”.