Tại hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000 được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/4, nhiều đại biểu đồng tình cho phép mang thai hộ, vì cấm là không nhân văn.
[links()]
Tờ Tuổi trẻ TP. HCM dẫn lời ông Tưởng Duy Lượng (Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao) nêu quan điểm: “Chúng ta nên ủng hộ và cho phép mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Người ta đã có thiệt thòi mà mình không tạo điều kiện thì sẽ không nhân văn. Trên thực tế dù luật cấm nhưng có nhiều người đã thuê người mang thai”.
“Mang thai hộ vì lý do nhân đạo thì hình thức pháp lý như thế nào, phải được quy định rõ. Những rủi ro khi người mang thai hộ gặp phải sẽ xử lý như thế nào? Đồng thời, việc mang thai thuê có tính chất thương mại thì nên đề cập chế tài xử lý trong Bộ luật hình sự...”, ông Lượng đề xuất.
Cho phép mang thai hộ vì nó là nhân văn, còn cấm đẻ thuê vì không đạo đức. Ảnh TTO. |
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hữu Thể (Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đề xuất: “Mang thai hộ đúng nghĩa là dành cho người không may mắn, vì thế nó mang tính nhân văn nhiều hơn. Chúng tôi đề nghị luật pháp điều chỉnh vấn đề này. Cần quy định cụ thể trường hợp cho phép mang thai hộ, cần quy định chặt chẽ các điều kiện mang thai hộ… Xác định cụ thể các vấn đề trên thì sẽ đảm bảo được tính nhân đạo và cao cả của mang thai hộ”.
Trước đó, khi đề cập tới vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Vì mang thai hộ và đẻ thuê là hai tên gọi khác nhau nhưng về bản chất lại giống nhau. Bản chất cũng là đẻ thuê hết, việc này nó phá vỡ các quan hệ truyền thống gia đình.
Theo đại biểu Đương, trong thực tế cuộc sống cũng có người vợ không đẻ được nên cho chồng đi quan hệ với người khác để kiếm con nối dõi tông đường. Nếu không cẩn thận, nhiều người lợi dụng quy định này để quan hệ lung tung, dẫn đến vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định của luật Hôn nhân & Gia đình, gây ra mất trật tự xã hội.
“Tôi không đồng ý cho phép mang thai hộ. Pháp luật không cấm nhưng pháp luật cũng không nên tuyên bố rằng cần phải đưa ra quy định cho phép mang thai hộ như thế”, đại biểu Đương nhấn mạnh.
Ông cũng không quên cảnh báo rằng, ở một số nước cũng có hình thức đẻ thuê, đấy là một hình thức đầu nậu, chăn dắt kiếm tiền trên thân xác của người phụ nữ. Thậm chí có hẳn cả một công ty đẻ thuê, tập hợp nhiều loại đàn bà, phụ nữ mãi dâm xong rồi thực hiện cả chuyện đó nữa (đẻ thuê – PV). Đó là chuyện vi phạm đạo đức, làm xáo trộn các quan hệ lành mạnh trong xã hội, đặc biệt là quan hệ hôn nhân và trật tự xã hội.
- P.V (tổng hợp)